Trung Quốc thách thức sự thống trị của Mỹ trên các đại dương4:13 chiều | Tháng Tám 1, 2011(Petrotimes) - Trong thập kỉ qua, trong lúc Phương Tây đang mải mê đối phó với những phần tử cực đoan ở Trung Đông và Trung Á, Trung Quốc đã có những nỗ lực nhanh chóng và đầy ấn tượng để biến nước này thành một cường quốc về biển tại khu vực Đông Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.Kỳ I: Chiến lược hai mũi nhọnMáy bay hải quân và tàu chiến Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân nước này Nhiều năm trước, Trung Quốc chỉ chú trọng đầu tư cho lực lượng lục quân, trong khi ít để ý tới lực lượng không quân và hải quân của mình, tuy nhiên, việc Bắc Kinh sẽ đưa chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này vào hoạt động trong tháng tới đã khiến cả thế giới, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ tại châu Á, thắc mắc rằng những điều đó đã được thay đổi như thế nào.
Trung Quốc có những tham vọng hàng hải lớn và những tham vọng này đã được chứng minh bởi sự tăng cường hải quân chưa từng thấy kể từ khi Hoàng đế Đức, Kaiser Wilhelm II quyết định thách thức sức mạnh của hải quân Anh bằng việc xây dựng hạm đội biển xa vào thời điểm chuyển giao của thế kỉ trước.
Trung Quốc đã xây dựng lực lượng hải quân của nước này theo một chiến lược gồm hai mũi nhọn.
Đầu tiên, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn, không cho lực lượng hải quân của Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới vào biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa (biển Đông). Thứ nhất là nhằm thiết lập ra vùng biển của riêng mình theo cái cách mà Mỹ nhìn nhận ở Biển Caribbean trong thế kỷ 20, để từ đó, hải quân biển xa của họ có thể hoạt động trên toàn cầu; thứ hai là để chiếm hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các chuỗi đảo đang tranh chấp như Trường Sa và Senkaku tại những vùng biển này, và thứ ba là để xây dựng khả năng để khi cần thiết, có thể tái thống nhất Đài Loan về Đại lục bằng vũ lực mà không cho Mỹ can thiệp.
Những hành động quyết đoán của Trung Quốc trong việc đối đầu và quấy nhiễu các tàu chiến, tàu dân sự của Mỹ và các nước châu Á trong khu vực trong thập kỉ vừa qua đã chứng tỏ quyết tâm bền bỉ của Bắc Kinh trên mặt trận này.
Hải quân Trung Quốc đã thực sự vươn ra biển lớn Thứ hai, thông qua việc phát triển nhiều tàu sân bay và các máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình thế hệ thứ Năm, Trung Quốc muốn tìm kiếm cho mình một vị thế quốc tế và khả năng “kiểm soát” các tuyến hàng hải tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nền kinh tế phát triển như vũ bão của Trung Quốc đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào các loại khoáng sản và dầu mỏ nhập khẩu từ châu Phi và Trung Đông, và lúc này khả năng bảo vệ các tuyến hàng hải ở Ấn Độ Dương và eo biển Malacca là một trách nhiệm mà Trung Quốc không còn sẵn sàng muốn uỷ thác cho các nước khác.
Báo cáo chính thức về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2011 là 91,5 tỉ USD, một mức tăng khủng khiếp so với con số 14,6 tỉ USD trong năm 2000. Trung Quốc thừa nhận rằng 1/3 chi phí quốc phòng của nước này hiện được dành cho hải quân, tuy nhiên hầu như chắc chắn rằng ngay cả con số có thể coi là “đại nhảy vọt” này cũng đã bị hạ bớt. Trung Quốc vốn nổi tiếng về sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quân sự và hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng chi phí quốc phòng thực tế của nước này cao hơn rất nhiều so với những gì mà họ tuyên bố công khai.
Hơn thế nữa, chi phí cho lương của binh sĩ, thủy thủ và phi công của Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với chi phí của các chính phủ Phương Tây, nơi lương trợ cấp và lương hưu thường chiếm phần lớn nhất trong ngân sách quốc phòng. Điều này giúp Trung Quốc có thể dành nhiều ngân sách hơn cho việc phát triển các hệ thống vũ khí so với các đối thủ cạnh tranh của nước này. Không giống như các chính phủ Phương Tây đang cắt giảm mạnh chi phí quốc phòng, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng mạnh chi tiêu của nước này trong những năm tới.
Một mục tiêu chủ chốt trong việc xây dựng lực lượng Hải quân của Trung Quốc đó là chống tiếp cận. Hiện nước này đang xây dựng khả năng này dựa theo hai nền tảng chính, thứ nhất là phát triển các tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D (Dong Feng – Đông Phong), được miêu tả là một “kẻ huỷ diệt tàu sân bay”, và thứ hai là liên tục tăng cường hạm đội tàu ngầm tấn công hiện đại của họ. Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Robert F. Willard mô tả tên lửa DF-21D đã đạt tới gia đoạn phát triển Khả năng Hoạt động Ban đầu, có nghĩa là chúng có thể hoạt động, nhưng vẫn chưa có được khả năng triển khai cần thiết. Các nguồn tin của Đài Loan cho biết Trung Quốc đã triển khai ít nhất 20 quả tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBMs).
Đội tàu ngầm lấy số đông làm trọng của hải quân Trung Quốc Cho dù đã được triển khai hay sẽ được triển khai trong tương lai gần, Hải quân Mỹ tin rằng Trung Quốc đã có được các khả năng thu thập tình báo từ trên vệ tinh, khả năng giám sát và trinh sát, cơ cấu chỉ huy kiểm soát và xử lý mặt đất cần thiết để hỗ trợ cho việc triển khai tên lửa DF-21D. Trung Quốc cũng sử dụng một mạng ăngten mặt đất dựa trên các bộ cảm biến và các thiết bị giám sát có khả năng cung cấp thông tin về mục tiêu cần thiết để sử dụng DF-21D. Với tầm bắn được thông báo gần đây là khoảng 2.600 km, những tên lửa này sẽ khiến cho các nhà hoạch định chiến lược của hải quân cảm thấy thực sự lo lắng khi phải hoạt động ở bất cứ đâu gần Trung Quốc Đại lục.
Tên lửa đạn đạo tiêu diệt tàu sân bay DF 21D Chương trình tàu ngầm của Trung Quốc đặc biệt lớn. Phần lớn trong thời gian chiến tranh Lạnh, Trung Quốc sử dụng những chiếc tàu ngầm ven biển cũ kĩ của Liên Xô. Trong những năm 1990, Trung Quốc đã mua các tàu ngầm tấn công lớp Kilo chạy bằng động cơ điện và diesel của Nga và trong thập kỉ qua, mỗi năm nước này đã cho hạ thuỷ 2 tàu ngầm tấn công nội địa lớp Song chạy bằng động cơ điện và diesel. Trung Quốc cũng phát triển và hạ thủy các tàu tấn công công nghệ cao lớp Yuan, chạy bằng động cơ điện và diesel, loại tàu này có thể được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập ít gây tiếng ồn.
Các nhà phân tích cho rằng trong những năm tới, Trung Quốc cũng sẽ đưa vào hoạt động tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang, điều sẽ giúp tăng cường hơn nữa sức mạnh vốn đã rất mạnh của hạm đội tàu ngầm của nước này. Một điều chắc chắn mà Trung Quốc biết đó là khả năng chống tàu ngầm của Mỹ đã giảm đáng khá nhiều kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Đón đọc kỳ 2: “Náu mình” tiến ra biển lớnKiến Văn (The Diplomat)