Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử Empty
Bài gửiTiêu đề: Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử   Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử EmptySun Aug 07, 2011 2:28 pm

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử

05/08/2011

Những điểm 0 lịch sử của học sinh từ những kỳ thi có phản ánh việc giới trẻ quay lưng với lịch sử nước nhà? Tương lai một đất nước sẽ ra sao khi đa phần học sinh không chọn học các ngành khoa học xã hội? Những câu hỏi ấy được chúng tôi mang đến trong cuộc gặp với nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khi ông trở về sau buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử 2011_187_3_DSC_0558
- Thưa ông, bận rộn bởi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, ông có quan tâm đến những điểm 0 môn Lịch sử đang khiến dư luận vô cùng bức xúc?

Nếu đề thi như năm nay mà cho tôi đi thì chắc tôi cũng nhận được 0 điểm. Bởi vì cách ra đề thi tác động trực tiếp đến kết quả đang khiến dư luận quan tâm. Không phải đến bây giờ mà khoảng trống về tri thức sử học trong giới trẻ có từ lâu rồi, ít nhất là hơn 10 năm nay. Câu hỏi giới trẻ có quay lưng lại lịch sử hay không, vẫn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và thỉnh thoảng cũng rộ lên vào những thời điểm công bố kết quả thi mỗi năm như năm nay chẳng hạn. Như vậy điểm kém của học sinh về môn Lịch sử có nguyên nhân trực tiếp là do vấn đề của đề thi và thêm nguyên nhân sâu xa là một tình trạng xã hội kéo dài từ nhiều năm. Phải phân tích như thế mới tìm ra nguyên nhân của thực trạng đó. Thứ 2: Đây không phải là tình trạng của riêng Việt Nam, cũng vào thời điểm này tôi đọc trên một tờ báo có bài viết nói về tình trạng học sử ở nước Mỹ cũng lấy đầu đề là: Phải chăng nước Mỹ cũng khủng hoảng giáo dục? cũng đưa những điều tra cho thấy số người hiểu biết về lịch sử rất ít.

Như vậy có thể thấy thực trạng đó còn có tính chất khách quan của thời đại. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì nhà trường ngày nay quan tâm đến kiến thức, kỹ năng để vào đời trong đấy có cả vấn đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, mưu sinh.

- Như vậy là chúng ta không thể đổ lỗi cho giới trẻ?

Rõ ràng giới trẻ ngày nay đang đứng trước một thách đấu rất lớn mà tôi vẫn đang nói đùa là bọn trẻ ngày nay cũng chỉ có 24 tiếng một ngày như ngày xưa nhưng các cháu phải xử lý biết bao nhiêu thứ. Ví dụ bây giờ đơn giản như lựa chọn cái gì, tin học, học ngoại ngữ hay hơn hay là học lịch sử, văn chương? Như vậy nếu không có hướng dẫn tốt thì các em sẽ rất thực tế thậm chí là thực dụng. Các em sẽ chọn cái gì mà ra đời dễ kiếm sống hơn. Cái đó là hết sức chính đáng, đừng trách các em. Tôi nói đùa mà cũng hết sức thật là nếu bây giờ xã hội có thể đặt môn sử lên một vị trí nào đó có thể định lượng bằng thu nhập thì học sinh sẽ quan tâm đến môn sử hơn.

Áp vào thực tế Việt Nam việc học sinh không học sử tôi thấy lỗi của người lớn chứ không phải của trẻ con.

- Và thưa ông chúng ta không thể từ hiện tượng ấy mà kết luận là giới trẻ đang quay lưng với lịch sử nước nhà?

Tôi không tán thành với việc qua hiện tượng ấy đánh giá là giới trẻ quay lưng với lịch sử. Lịch sử là cái gì đó ở trong tâm can con người, vấn đề là nó có được đánh thức hay không thôi. Thực tế vừa qua chúng ta thấy nếu có một cái gì đó liên quan đến vận mệnh quốc gia, rõ ràng giới trẻ sẽ quan tâm và thể hiện thái độ của họ. Hay chỉ một trận bóng đá của đội tuyển quốc gia chiến thắng thì các bạn trẻ đã thể hiện niềm tự hào. Rồi một Nhật ký Đặng Thùy Trâm gây xúc động cho giới trẻ. Vấn đề là người lớn tổ chức như nào, làm cái gì và người lớn có phải là một tấm gương không?

Vậy là ở đây có vấn đề liên quan đến giáo dục, đến đời sống xã hội. Về giáo dục, hiện tượng này kéo dài bởi vì hơn 10 năm nay giáo dục có thay đổi cơ bản gì đâu. Chắc các nhà lãnh đạo ngành giáo dục cũng có quan tâm, các thầy cô cũng trăn trở nhiều, phụ huynh cũng trăn trở. Nhưng chúng ta đã có thay đổi gì đặc biệt trên 2 phương diện cơ bản của giáo dục là chương trình và sách giáo khoa. Rồi liên quan trực tiếp là đội ngũ thầy cô nữa. Rõ ràng các em là những người trực tiếp tiếp cận, có thể các em sẽ thấy sách giáo khoa nhạt nhẽo chẳng có gì bổ ích cả, khó nhớ, thành một thứ khổ sai. Rồi thi cử nữa, cách đặt câu hỏi thế nào, cách chấm thi thế nào. Kích thích các cháu thành một thứ trí nhớ cơ học hay kích thích các cháu một tư duy lịch sử.

Tôi nhớ hồi tôi đi học, tôi có thể làm sai số liệu nhưng cách suy nghĩ của mình vẫn khiến thầy cho tôi điểm cao. Còn bây giờ tôi thấy cách chấm là theo barem, nói đúng câu này thì cho thêm 1 điểm, nói sai câu này đánh số 0, cộng lại bài thi là bao nhiêu điểm. Lịch sử không phải là như vậy, lịch sử là một môn khoa học nên nó có sự cần thiết về độ chính xác, những con số, những dữ kiện chính xác, nhưng quan trọng nhất nó là sự vận động của tư duy, tính ngụ ngôn của lịch sử. Nếu chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh trí nhớ thuần túy thì rất dễ dẫn đến việc học đối phó, trong điều kiện thế này, sức ép về thời gian thế này thì điểm kém là khó tránh.

Chúng ta dạy gì các em? Lịch sử tự nó có sức hấp dẫn rất lớn. Nhưng chúng ta lại mang cho chúng những kiến thức rất sơ cứng, thậm chí không mang lại cảm hứng gì cho bọn trẻ. Chúng ta không kích thích tính hấp dẫn của lịch sử, chúng ta lại buộc học sinh đọc những tấm bia đá sơ cứng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử 2011_187_3_DSC_0559
Nhà sử học Dương Trung Quốc
- Thưa ông, thêm vào việc dạy gì có phải còn cần đến tính công bằng và khách quan của lịch sử?

Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện có tổ chức Câu lạc bộ Em yêu sử học để các em đến học lịch sử một cách nhẹ nhàng và bổ ích. Nhưng nếu vào Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tức là một Bảo tàng lịch sử hiện đại Việt Nam mà các em không thấy có góc nào, hình ảnh nào, chi tiết nào về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, một cuộc chiến tranh mới xảy ra cách đây hơn 30 năm, ở đó có thể có ông các em, chú các em thì các em sẽ nghĩ gì? Mặc dù lịch sử là chính trị, không ai ngây thơ đòi hỏi lịch sử khách quan một cách tuyệt đối, lịch sử là ôn cố tri tân nhưng không nên vì một lợi ích trước mắt mà không phản ánh đầy đủ sự thật lịch sử. Bởi vì bản thân cuộc chiến tranh ấy có thể mang lại những bài học quý báu để chúng ta gìn giữ hòa bình, chúng ta phát triển hữu nghị, chúng ta hòa hiếu chứ đâu phải chiến tranh là chỉ có hận thù. Cho nên một nguyên lý dễ bị hiểu sai mà lâu nay chúng ta ứng xử là "Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Khép lại nếu hiểu theo nghĩa đơn giản là quên nó đi, gác nó lại là sai lầm rất lớn. Chính bây giờ nhiều nước càng thấy là càng nhìn rõ quá khứ bao nhiêu càng nhìn sáng tương lai bao nhiêu. Phân tích cho kỹ tại sao một cuộc chiến tranh nổ ra, tại sao có hiện tượng này thì chắc chắn chúng ta sẽ tránh được vết xe đổ, chúng ta sẽ mở được con đường phát triển tốt đẹp hơn.

- Từ phân tích của ông, có thể thấy việc nhận thức chưa đúng về lịch sử đâu phải chỉ là chuyện trẻ con, chuyện của những bài thi điểm 0, thưa ông?

Vấn đề là trách nhiệm của người lớn, kể cả các nhà lãnh đạo đôi khi cũng chưa nhận thức lịch sử là cái gì. Lịch sử là chính trị, lịch sử là công cụ nhưng sử dụng như thế nào? Chính điều ấy làm giới trẻ mất niềm tin vào lịch sử chính thống mà người lớn áp đặt cho nó. Mà chắc chắn nó sẽ đi tìm những kiến thức khác, bên lề.

Tôi nhớ câu nói của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – người vận dụng rất nhiều kiến thức lịch sử vào trong văn học để truyền bá chủ nghĩa yêu nước, đại ý là: Một con người mà không biết sử thì giống như con trâu, chỉ biết cày mà không biết cày trên ruộng của ai cả. Đó là câu nói rất sâu sắc, trong lúc hội nhập thế này, bản thân mỗi người phải xác định được vị trí của mình, hội nhập không có nghĩa là mình đánh mất mình, mà hội nhập để tạo ra những mối liên hệ để càng khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng. Bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện một cách sâu sắc nhất qua lịch sử. Vì thế chúng ta phải có những thay đổi trước hết trong hệ thống giáo dục trong nhà trường, sau đó là thay đổi nhận thức của xã hội.

Tôi đã có lần phát biểu trước Quốc hội: Hễ có gì khó khăn là chúng ta lại bảo gác lại, đó là chuyện lịch sử không bàn nữa. Nếu vậy chúng ta sẽ phải trả giá, đầu tiên là nhân dân mất lòng tin.

- Lịch sử vô cùng công bằng và không có gì không chịu sự phán xét của lịch sử, thưa ông?

Điều này tôi đã từng nói công khai, chúng ta phải đấu tranh chống tư duy nhiệm kỳ, thay vào đó chúng ta phải tư duy lịch sử. Chúng ta sẽ để lại gì cho lịch sử? Tư duy như thế thì mỗi cá nhân các nhà lãnh đạo mới thận trọng trước quyết định của họ được.

- Cùng với lịch sử, dư luận đang e ngại hiện nay là khoa học xã hội đang không được chú trọng. Tương lai một đất nước sẽ ra sao nếu lịch sử và văn hóa không được coi trọng, thưa ông?

Các em không thi vào ngành khoa học xã hội bởi vì chúng ta có coi trọng khoa học xã hội đâu. Chúng ta e ngại những phản biện xã hội thì làm sao khoa học xã hội phát triển được. Đầu tư của Nhà nước vào ngành khoa học xã hội cũng không hề ít. Nhưng hiệu quả thì thấp. Chúng ta đã nói nhiều đến các dự án bỏ tiền đầu tư rồi xếp xó, thì có lẽ khoa học xã hội là nhiều nhất. Vì người ta chỉ cần tiền dự án để nuôi sống anh em nên để an toàn thì không cần phát hiện, không cần tính đến hiệu quả xã hội. Chừng nào còn chưa phát huy dân chủ trong khoa học, còn e ngại phản biện xã hội, chừng ấy khoa học xã hội còn bị xem nhẹ và lịch sử còn là nỗi ám ảnh của chúng ta.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Cẩm Thúy (thực hiện) - Ảnh: Hoàng Long
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần một tư duy lịch sử
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Lịch sử được Trung Quốc sáng chế
» Sông Dương Tử ở Trung Quốc biến mất?
» Ấn Độ lo Trung Quốc triển khai tàu chiến ở Ấn Độ Dương
» Trung Quốc sẽ chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương?
» Đại biểu Dương Trung Quốc hỏi - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Đời Sống - Xã Hội-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất