Nói không với "thằng" hay nói khôngBài đăng trên Nhà Văn tpHCM 28.8.2012-22:35NVTPHCM- Bệnh sính nói chữ (tức là bệnh uốn éo - một loại thuộc hạ của thói đạo đức giả) thời nào cũng có. Nhưng dâng lên thành khẩu hiệu treo ngoài đường chắc hiếm nơi nào nhiều như xứ ta.Nhất là khi tệ nạn xã hội càng nhiều, biểu ngữ mang những chữ sáo rỗng treo cao càng lắm.
Công bằng, nếu viết giản dị và sử dụng chừng mực, ít nhiều nó cũng có giá trị hướng dẫn cho một hành vi, một thái độ ứng xử tích cực mang tính xã hội nhất thời. Nhưng nhiều quá, uốn éo quá lại thành ra sự nhảm.
Thậm chí chả ai buồn đọc, đừng nói làm gì hoặc nghĩ gì. Bởi vì đó là lối sáo ngữ nên thoạt đầu, người ta chỉ cảm thấy ngồ ngộ, buồn cười. Kiểu: “Tập thể dục thường xuyên bằng nghìn viên thuốc bổ” (thánh biết đấy là loại thuốc gì, bổ gì), bảo tập thì cứ tập cái đã.
Đấy là ngày xưa, dù hời hợt, nhưng được cái mộc mạc, thuần túy. Ngày nay “huếnh” hơn nhiều. Cũng chẳng rõ mót ở đâu thứ cú pháp rối rắm, sượng xạo, dân ta chẳng ai nói thế bao giờ: “Nói không với Leeat Shop” - liệu các bác nông dân có biết người ta đang khuyên mình từ chối cái gì không?
Nhan nhản trên các đường phố từ huyện đến các tỉnh thành, trường học, cơ quan... đi đâu cũng gặp toàn “nói không” và “nói không”: “Nói không với ma túy”; “Nói không với bia rượu”; ”Nói không với phong bì”; “Nói không với bệnh thành tích”; “Nói không với Game Online”; “Nói không với mật gấu”; “Nói không với túi nylon”; “Nói không với mại dâm”; “Nói không với sừng tê, cao hổ”; “Nói không với váy ngắn”...
Đưa một ông bạn Tây thạo tiếng Việt đi ăn nhà hàng. Ông bạn trỏ món thịt quay: “Con này đã bị “nói không” chưa?”. Giải thích: “Đây là lợn mường”. Khách vẫn đầy vẻ hồ nghi: “Chúng mày “nói không” rất nhiều. Nhưng làm ngược lại cũng rất hăng”. Đành cười trừ vì ông bạn nói trúng phóc.
Gấu vẫn bị moi mật; buôn lậu ma túy vẫn bắt hàng xâu; rác thải nylon vẫn vứt đầy đường; bia rượu vẫn khiến xe điên húc chết người, đổ quán… Ngẫm ra, muôn sự dường như đều từ thói “nói không” trơn luốt mà ra cả. Chợt nghĩ, có khi treo ngay cái khẩu hiệu “Nói không với... “thằng” hay nói không”, biết đâu lại mới mà hay!
NGÔ MAI PHONG