Nhà Vươn bị máy ủi san bằng, có sự góp mặt của chính quyền xãThứ năm 19/01/2012 06:59(GDVN) - Một ngày sau khi ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch HP tuyên bố nhà ông Vươn là do người dân địa phương bất bình nên phá, người dân nơi đây đã lên tiếng.Chưa đầy 1 ngày sau khi ông Đỗ Trung Thoại, phó chủ tịch UBND và ông Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công an thành phố Hải Phòng phát biểu trên báo chí, truyền hình rằng người dân địa phương bất bình nên phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại địa phương này để tìm hiểu sự việc.
Trong cuộc gặp gỡ với những người dân xóm Chùa, thôn Chùa Trên, xã Vình Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng, giáp ranh với khu vực đầm nuôi trồng thủy sản ven biển của Tiên Lãng, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến.
Ông Vũ Ngọc Nham (67 tuổi), là Đảng viên, từng là trợ lý tham mưu tại sư đoàn 320 cho biết, gia đình ông có 9,7 ha đầm nuôi trồng thủy sản, do đó diễn biến vụ cưỡng chế vừa qua ở nhà ông Vươn, ông theo dõi rất sát để nắm tình hình. Theo lời ông, kể từ khi cuộc cưỡng chế xảy ra, công an xã Vinh Quang đã tiếp quản và canh giữ ngày đêm ở khu đầm này.
ông Vũ Văn Nham
Người dân đi làm biển cũng bị cấm không được đi qua khu đầm nhà ông Vươn. Do đó, chuyện người dân đập phá nhà ông Vươn là “vu cáo”.
Theo lời kể của ông, diễn biến căn nhà bị phá hủy như sau: Buổi sáng 5/1, sau khi những người cố thủ trong nhà nổ súng làm bị thương một số cán bộ công an, bộ đội, lực lượng cưỡng chế đã dùng súng bắn thẳng vào ngôi nhà,ngay sau đó, công an xã Vinh Quang tiếp nhận và canh giữ. Ngay trong chiều tối hôm đó, ông cùng nhiều người dân khác (giấu tên) đã chứng kiến cảnh máy ủi san bằng căn nhà ở của ông Vươn. Sáng sớm hôm sau, khi ngôi nhà kiên cố này chưa bị phá hủy hết, máy ủi lại tiếp tục hoạt động đến khi căn nhà được san bằng.
Điều đáng nói, theo nhiều người dân, ông K là 1 trong 2 người được cho là đã tiếp quản và đánh bắt ngư lợi trên diện tích đầm nhà ông Vươn trong nhiều ngày qua. Và trong buổi đập phá này diễn ra với sự có mặt của ông chủ tịch xã và phó công an xã Vinh Quang.
Theo những bức hình mà phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã chụp được tại căn nhà đã bị phá hủy của gia đình ông Vươn, phần lớn gạch xây tường đã bị đập nát khá nhỏ và đồng đều. Và sở dĩ nói căn nhà bị san bằng bởi vì, thực tế gạch vỡ trên khu vực này đã được san đều trên nền đất khá bằng phẳng. Có lẽ hiếm người dân nơi đâu lại bỏ ra nhiều công sức để tạo ra một hiện trường như vậy.
Hiện trường còn sót lại của ngôi nhà
Nói thêm về việc nhân dân trong vùng bị cấm không cho đi lại xung quanh khu vực đầm bị cưỡng chế, chị Phạm Thị Báu (tức Hiền), em dâu ông Vươn cho biết: Tính đến thời điểm này, mặc dù diện tích đầm nhà chị chỉ bị cưỡng chế gần 1 nửa, nhưng khi bày tỏ mong muốn được dựng căn lều để tá túc và trông nom tài sản, chính quyền nơi đây vẫn chưa cho phép.
chị Hiền (thứ 2 tính từ trái sang): chúng tôi muốn dựng lề trông nom tài sản cũng không được phép
Ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng cho biết, mỗi khi ông có ý định xuống khu vực đầm này đều bị ngăn cản.
ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng: Chúng tôi không được tiếp cận đầm nhà ông Vươn
Được biết, 5/1/2012, chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã tiến hành cưỡng chế khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang). Trong vụ cưỡng chế này, người nhà ông Vươn đã nổ súng hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế khiến 6 chiến sĩ công an và bộ đội bị thương.
Hiện tại anh em ông Đoàn Văn Vươn đang bị bắt giữ, nhà cửa đã bị đập nát, san bằng và vợ con các ông này phải đi ở nhờ nhà người quen. Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng thực sự đang thu hút dư luận bởi những hoài nghi trong công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ vụ việc trên. Đồng thời Bộ Tài nguyên- Môi trường và Bộ công an đã tuyên bố vào cuộc. Mọi thông tin xung quanh vụ cưỡng chế sẽ được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cập nhật liên tục.
Thảo Lăng