Phần thưởng bạc tỷ cho những người giữ biển30/06/2011 | 11:30(Dân Việt) - Những ngày gần đây, ngư dân đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa liên tục trúng lớn, nhiều tàu thu được bạc tỷ sau mỗi chuyến ra khơi.Những hiểm nguy của 2 ngư trường này không cản trở được ngư dân tìm đến đây để thể hiện chủ quyền lãnh hải và tìm kiếm nguồn thu dồi dào của biển cả.
Phần thưởng xứng đángNgày 29.6, tại bãi neo đậu tàu thuyền sông Hàn, ông Lê Văn Tiến (phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) đang tất bật sửa soạn cho chuyến ra khơi tới đây. Sau hai tuần đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, cách đây 4 hôm, tàu ông Tiến vào bờ với 17 tấn cá ngừ.
Ông Tiến cười tươi: “Nhờ cá được giá, 30.000 đồng/kg, nên tàu tui lãi ròng hơn 500 triệu đồng, mỗi ngư dân được chia mười mấy triệu đồng/người, mừng thiệt!”.
Ông Tiến cho biết, ra khơi mà gặp luồng cá đừng nói 2 tuần, chỉ cần 2 ngày là cá đầy tàu. Tàu ông khai thác ở vùng biển Hoàng Sa, cách đất liền 200 hải lý. Đây là “vị trí” lý tưởng để ông theo dõi mọi “động tĩnh” trên vùng biển xung quanh để báo với lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố, cũng như dễ dàng tránh mọi va chạm với “tàu lạ” và đánh bắt hải sản.Những ngư dân như ông Tiến - gắn bó chặt chẽ với Hoàng Sa - là những con “mắt biển” của lực lượng Biên phòng Việt Nam.
Cá ngừ đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa năm nay đạt năng suất cao, ngư dân thu bạc tỷ. Thiếu tá Trần Hữu Thanh - Đồn trưởng Đồn BP 248 (Thanh Khê), cho biết, rất mừng là phần lớn tàu cá chúng ta đánh bắt ở Hoàng Sa trong những tháng qua đều trúng lớn. “Đó là phần thưởng xứng đáng cho những ngư dân Việt Nam kiên cường bám biển khơi Tổ quốc” - thiếu tá Thanh tâm sự.
Cũng theo thiếu tá Thanh, không chỉ có ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa mà cả ngư dân đánh bắt ở vùng biển Trường Sa thời gian qua cũng nhiều người trúng lớn.
Ông Hồ Văn Thọ (40 tuổi, Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng vừa cho tàu cập bờ sau 2 tháng đánh bắt ở Trường Sa. “Chưa năm nào đánh bắt tại Trường Sa lại thuận lợi và năng suất cao như thời gian từ đầu năm đến nay. Hầu hết ngư dân ra đây đều trúng. Chuyến biển gần đây nhất của tôi (24.6) được 24 tấn mực, doanh thu 2,4 tỷ đồng. Cứ đà này, ngư dân chúng tôi sắm ô tô không mấy hồi”-ông Thọ cười sảng khoái.
Bạn của ông Thọ, ông Lê Văn Dần (51 tuổi, Xuân Hà, Thanh Khê) cũng vừa cập cảng Đà Nẵng sau chuyến đánh bắt Trường Sa với doanh thu 2,2 tỷ đồng. Riêng phần chủ tàu lãi 500 triệu đồng, còn các ngư dân, mỗi người được chia 35- 70 triệu đồng”.
Ngư trường của hôm nay và mai sauÔng Nguyễn Đỗ Tám - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, cho hay, thành phố có 160 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, chủ yếu là đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Hai ngư trường này không phải là không có rủi ro, nguy hiểm khi hành nghề nhưng hầu hết ngư dân đều không bỏ 2 ngư trường này.
Nguyên nhân, trước hết vì đây là vùng biển truyền thống của ngư dân. Những ngư trường này luôn được thành phố khuyến khích, tạo điều kiện đến đánh bắt. Ngư dân đến đây đều ra khơi với các mô hình tổ đội tương hỗ, giúp đỡ nhau, tạo điều kiện cho nhau, một người phát hiện luồng cá thì nhiều người cùng biết, ai bị rủi ro, tai nạn thì được đồng đội ứng cứu, giúp đỡ kịp thời.
Với ngư dân chúng tôi, ra Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ để kiếm con cá, con mực mà còn để góp phần thể hiện vùng biển chủ quyền của đất nước.
Ngư dân Lê Văn Tiến - Thanh Khê, Đà NẵngĐã xác định hành nghề ở vùng này, tàu nào cũng có trang bị trang máy móc, thiết bị đầy đủ, khả năng phát hiện luồng cá nhanh, thông tin thời tiết tốt, thông tin thị trường, giá cả cũng nhanh nhạy... Nhờ vậy, nhiều chuyến biển, ngư dân 2 vùng biển này thu về bạc tỷ, chủ tàu lãi ròng 400 - 500 triệu đồng, ngư dân mỗi người vài chục triệu đồng.
Theo ông Tám, nguyên nhân khiến tàu cá trúng lớn là do thời tiết thuận lợi, trong khi đó giá hải sản liên tục tăng, mực từ 100 lên 150.000 đồng/kg, cá ngừ từ dưới 30.000 lên 40.000 đồng/kg...
“Với ngư dân chúng tôi, ra Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ để kiếm con cá, con mực, mà còn để góp phần thể hiện vùng biển chủ quyền của đất nước. Những vùng biển giàu hải sản này mà còn thì không chỉ thế hệ ngư dân hôm nay sống được mà các thế hệ ngư dân con, cháu sau này cũng sống được. Chúng tôi bám biển hôm nay không những cho chúng tôi mà cho con cháu chúng tôi đời sau. Đừng nói năm nay được mùa mà nhiều năm trước, không đánh bắt trúng bằng năm nay, chúng tôi cũng không bao giờ bỏ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa” - ngư dân Lê Văn Tiến nói.
Vũ Vân Anh