Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 PHẢN BIỆN XÃ HỘI VỀ THỰC CHẤT LÀ PHẢN BIỆN CỦA NHÂN DÂN

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

PHẢN BIỆN XÃ HỘI VỀ THỰC CHẤT LÀ PHẢN BIỆN CỦA NHÂN DÂN Empty
Bài gửiTiêu đề: PHẢN BIỆN XÃ HỘI VỀ THỰC CHẤT LÀ PHẢN BIỆN CỦA NHÂN DÂN   PHẢN BIỆN XÃ HỘI VỀ THỰC CHẤT LÀ PHẢN BIỆN CỦA NHÂN DÂN EmptySat Feb 25, 2012 9:54 am

PHẢN BIỆN XÃ HỘI VỀ THỰC CHẤT LÀ PHẢN BIỆN CỦA NHÂN DÂN

ĐÀM VĂN LỢI
Trung tâm Công tác Lý luận,
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


Phản biện xã hội là thuật ngữ được sử dụng chính thức trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”, “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”1. Tuy nhiên, cho đến lúc này, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn trao đổi; trong thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, hoạt động của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc nói riêng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Vậy phản biện xã hội là gì?

Cuốn “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng” đã giải thích hai khái niệm phản biện và phản biện xã hội như sau:

- Phản biện là “nhận xét, đánh giá, bình luận, thẩm định công trình khoa học, dự án, đề án trong các lĩnh vực khác nhau”;

- Phản biện xã hội là “phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung và phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan”2.

Như vậy, muốn hiểu phản biện xã hội, trước hết phải hiểu khái niệm phản biện là gì? Phản biện là một từ Hán Việt. Nếu triết tự thì phản biện là “bàn luận theo hướng chống lại” hoặc là “tranh cãi”. Như vậy, phản biện là hoạt động khoa học nhằm đưa ra những ý kiến để bác bỏ biện luận, lập luận của người khác. Phản biện làm cho mỗi một hành vi được tiến hành trên cơ sở có một sự xác nhận có chất lượng khoa học đối với nó. Nói cách khác, kết quả của phản biện là đen, trắng phân minh, đúng, sai rõ ràng. Thuật ngữ này thể hiện rõ nhất trong hoạt động giáo dục, khoa học. Phản biện là chỉ ra những chỗ sai, yếu kém, không đúng về khoa học ở các công trình, các bài viết, các chủ trương, dự án.

Phản biện xã hội là một khái niệm chính trị, là biểu hiện đặc trưng rõ ràng nhất của cái gọi là đời sống dân chủ. Phản biện xã hội là bằng cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để biện luận làm sáng tỏ đúng, sai về một vấn đề có tính chất xã hội liên quan đến lợi ích toàn xã hội do Đảng, Quốc hội và Nhà nước hay một tổ chức đoàn thể...nêu lên.

Như vậy, bản chất của phản biện xã hội là thực hành dân chủ, làm cho cái đúng được khẳng định, cái sai bị phủ định, để giúp Đảng, Quốc hội và Nhà nước thấy rõ đường lối, chủ trương, chính sách đã đề ra đi vào cuộc sống như thế nào.

Phản biện và phản biện xã hội có những điểm giống và khác biệt rất quan trọng. Về điểm giống nhau, đó là phản biện và phản biện xã hội cùng phải dựa trên cơ sở các lập luận và ý kiến hướng đến chân lý khách quan. Trong nhiều trường hợp (tùy thuộc nội dung và chủ thể phản biện xã hội), phản biện xã hội cũng chính là phản biện khoa học. Tuy nhiên, điểm khác nhau thứ nhất là, phản biện khoa học bao giờ cũng phải có sự hoàn chỉnh tương đối của lập luận để “đua tranh” với lập luận “chính thống”. Phản biện xã hội không phải bao giờ cũng như vậy. Có những trường hợp phản biện xã hội là sự tập hợp của nhiều ý kiến, phản ứng, dư luận, lý lẽ... riêng rẽ, không có tính hoàn chỉnh tương đối, nhưng vẫn có thể tác động mạnh đến phương án xã hội “chính thống” đã được đưa ra. Thứ hai là, phản biện khoa học về bản chất là khách quan. Phản biện xã hội bên cạnh thuộc tính khoa học, có thuộc tính xã hội, tức là phản ánh các quan điểm, quyền lợi của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Vì vậy, phản biện xã hội không phải lúc nào cũng dựa trên cơ sở lập luận khoa học thuần túy. Ngược lại, trong đa số các trường hợp của phản biện xã hội có thể thấy yếu tố quyền lợi chính trị - kinh tế - xã hội được phản ánh thông qua chủ thể phản biện.

Đây là khác biệt hết sức quan trọng. Không nắm vững điểm khác biệt này sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc nhìn nhận và tổ chức, xây dựng cơ chế phản biện xã hội, nhất là trong bối cảnh xã hội còn có sự khác biệt về những quyền lợi.

Như vậy, phản biện xã hội mang tính nhân dân, bên tổ chức phản biện phải đứng trên lập trường của nhân dân, đại diện cho quyền lợi hợp pháp và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm lợi ích của toàn xã hội và yêu cầu của đất nước. Do đó, phản biện xã hội phải thực sự giúp cho bên được yêu cầu phản biện đưa ra quyết sách đúng đắn.

Khi đề cập đến khái niệm “phản” không nên nghĩ là chống lại. Phản biện xã hội không có nghĩa chỉ có phản đối mà phải hiểu có đồng tình, có phản đối, có chấp nhận, có bổ sung. Phản biện trên tinh thần xây dựng, chứ không phải phản biện là chống lại tất cả. Cần phân biệt phản biện xã hội với phản kháng xã hội. Đây là vấn đề rất phức tạp. Trong các trường hợp xung đột quyền lợi, phản kháng xã hội có thể nấp dưới hình thức phản biện xã hội.

Vì sao phải phản biện xã hội?

Ngày nay, dân chủ đang trở thành xu thế mạnh mẽ không chỉ ở nước ta mà cả ở nhiều nước trên thế giới, vai trò của quần chúng nhân dân càng ngày càng được chú trọng hơn. Dân chủ là một động lực phát triển của xã hội, là một xu thế, đặc biệt cần thiết khi chúng ta hội nhập quốc tế.

- Trước hết, Đảng, Nhà nước có nhu cầu về phản biện xã hội đối với các chính sách của mình.

Trong điều kiện nước ta chỉ có một đảng cầm quyền lãnh đạo thì các chủ trương, chính sách thường bị nhìn nhận là sản phẩm tư duy mang nhiều yếu tố chủ quan. Để ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, độc đoán, mất dân chủ thì phản biện xã hội trở thành công việc thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Mở rộng dân chủ mà không có phản biện xã hội thì không có dân chủ thực sự. Các hình thức phản biện xã hội thay đổi theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào sự phát triển xã hội, khả năng tư duy, nhận thức của cả chủ thể phản biện và người được phản biện. Đối với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”, thì phản biện xã hội chính là hình thức sinh hoạt chính trị, con đường đạt tới dân chủ thực sự giúp thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Thứ hai, phản biện xã hội về thực chất là sự phản biện của nhân dân.

Nhân dân thực hiện phản biện xã hội với hai tư cách: với tư cách là người chủ, nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình với mọi hoạt động của Nhà nước. Bằng hình thức phản biện xã hội, nhân dân có điều kiện tốt hơn để thực hiện quyền giám sát hoạt động của Nhà nước; với tư cách là đối tượng chịu sự quản lý của nhà nước, nhân dân có quyền phản biện đối với các chương trình, kế hoạch của Nhà nước để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình mà cơ quan nhà nước chưa quan tâm đến một cách đầy đủ. Bằng hình thức phản biện xã hội, quyền Hiến định của nhân dân tham gia công tác quản lý nhà nước sẽ trở thành hiện thực, chứ không chỉ tồn tại về mặt lý thuyết.

Thực hiện phản biện xã hội, do vậy không những sẽ đem lại nhiều lợi ích về vật chất mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội rất sâu sắc. Nó làm cho đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của đất nước ta ngày càng trở nên phong phú và đa dạng.

Điều kiện để phản biện xã hội?

Có thể nói hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, có tác động và ảnh hưởng đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nên rất cần có sự phản biện xã hội. Thực chất của vấn đề phản biện xã hội, là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong điều kiện một Đảng cầm quyền, để làm cho đường lối, chủ trương của Đảng được thể hiện một cách đúng đắn, đầy đủ nhất đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Những vấn đề này được thể hiện thông qua tổ chức đại diện cho quần chúng nhân dân, đó là Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện có thể đoàn kết được quần chúng nhân dân một cách rộng rãi nhất, tạo sự đồng thuận xã hội mà không tổ chức nào khác có thể làm được như vậy.

Muốn thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, cần phải hội tụ được những điều kiện sau:

Một là, phải tuyên truyền, giáo dục về phản biện xã hội, để cán bộ và nhân dân hiểu và nắm rõ mục đích, yêu cầu, cơ chế tổ chức phản biện xã hội trên quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai là, Đảng, Nhà nước cần ban hành các văn bản làm cơ sở chính trị cho việc thực hiện chủ trương phản biện xã hội. Cần xác lập cơ chế phản biện xã hội; xử lý các tình huống không thống nhất với các ý kiến phản biện; thông tin, tư liệu về vấn đề yêu cầu phản biện...

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam muốn thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội cần phải có nguồn lực. Nguồn lực bao gồm: Thứ nhất là, phải tập hợp, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận, các chuyên gia có trình độ chính trị, chuyên môn, có chính kiến, có tư duy độc lập, thực sự “phụng công thủ pháp” theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự có “tâm”, nắm được nguyện vọng chính đáng, hợp lý của dân và có năng lực phản biện, đặc biệt là phải có dũng khí. Muốn có đội ngũ cán bộ Mặt trận giỏi, ngay từ bây giờ, các cấp Mặt trận cần phải có kế hoạch, biện pháp để nâng cao trình độ cho đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên làm công tác Mặt trận. Ngoài ra, phải đảm bảo đủ điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần cho cán bộ làm công tác Mặt trận. Thứ hai là, Mặt trận phải được tự chủ về tài chính. Mặt trận không thể nhận kinh phí hoạt động như hiện nay, mà phải nhận phân bổ ngân sách từ Quốc hội, từ Hội đồng nhân dân các cấp. Để thực hiện phản biện xã hội, Mặt trận cần phải có nhiều kinh phí phục vụ cho nhóm họp các chuyên gia, đại diện các ngành, các giới, đi khảo sát tiếp xúc tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân... Về thực chất, đây là sự thay đổi cơ chế tài chính, Mặt trận phải được độc lập, tự quyết về tài chính thì mới đảm bảo có tiếng nói khách quan.

Vì lợi ích của cả dân tộc, để giữ gìn đoàn kết toàn dân và đồng thuận xã hội, vấn đề phản biện xã hội đã, đang và sẽ được Đảng, Nhà nước, Mặt trận quan tâm triển khai thực hiện một cách nghiêm túc dần trở thành một công việc thường xuyên trong đời sống của xã hội Việt Nam.q

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.124-135.

2. Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng”, Nxb CTQG, H, 2006, tr.182-183.


Bài đăng trên tạp chí Mặt Trận, số 47
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
PHẢN BIỆN XÃ HỘI VỀ THỰC CHẤT LÀ PHẢN BIỆN CỦA NHÂN DÂN
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tranh chấp Biển Đông: Cách thức để các quốc gia làm rõ các yêu sách vùng biển
» Phản biện xã hội và lối sống tiểu xảo
» MỘT BÀI BÁO KÍCH HOẠT PHẢN BIỆN
» Phản động nhân danh lòng yêu nước
» Phản biện xã hội: Ai?

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Đời Sống - Xã Hội-
Chuyển đến 
Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất