Tuti
Tổng số bài gửi : 1217 Hoạt Động : 1721 Join date : 08/11/2009 Đến từ : Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai.
| Tiêu đề: HUY HOÀNG HAY XÁM XỊT? Thu Mar 14, 2013 8:46 pm | |
| * MINH DIỆN Chưa có dự án nào được cảnh báo rủi ro nhiều như thế! Chưa có dự án nào tranh cãi gay go quyết liệt và kéo dài như thế! Đó chính là Dự án Bauxite Tây Nguyên. Ngay khi nó mới nhen nhúm, nhiều nhà khoa học, kinh tế, văn hóa đã lên tiếng cảnh báo rủi ro về môi trường, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù tuổi cao sức yếu vẫn cố can gián. Hàng chục cuộc hội thảo với những bản tham luận đầy sức thuyết phục rằng làm Bauxite ở Tây Nguyên lợi bất cập hại. Một trang mạng mang tên Bauxite đã ra đời đưa những ý kiến phản biện. Nhưng như nước đổ đầu vịt! Lòng dân không lay chuyển được ý chí của những người đầy tớ! Một trong số đó là ông Vũ Huy Hoàng, Uỷ viên trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, người giữ vai trò chủ chốt Dự án Bauxite. Bộ trưởng Công thương đã đưa ra một bài toán kinh tế rất hiệu quả: Với trữ lượng 10 đến 11 tỷ tấn Bauxite ở Tây Nguyên, sản xuất ra A-lu-min, giá thành 244 đô-la/tấn, bán 362 đô-la/tấn. Vậy là mỗi tấn Bauxite lời 118 đô-la, tổng lợi nhuận Dự án Bauxite mang lại hơn 1.000 tỷ đô-la! Đó là chưa kể “hiệu quả tổng hợp đối với phát triển vùng, phát triển ngành, phát triển kinh tế do sức lan tỏa của dự án Bauxite”. Thực ra người ta dự tính tiềm năng Bauxite ở Tây Nguyên khoảng 10-11 tỷ tấn, còn trữ lượng chỉ khoảng 2,5 tỷ tấn. Không hiểu vô tình hay hữu ý, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hiểu sai khái niệm tiềm năng với trữ lượng. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn đưa ra một lý do rất thuyết phục: “Nước ta mỗi năm phải nhập khẩu nửa triệu tấn nhôm, mất một tỷ đô-la nên cần thiết phải làm Dự án Bauxite để tiết kiệm ngoại tệ". Có thể nói, bức tranh hiệu quả kinh tế Vũ Huy Hoàng vẽ, rực rỡ huy hoàng như chính tên ông vậy! Nó đã làm nhiều người lóa mắt, không nhìn tới mảng đen hiểm họa môi trường, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng. Tất nhiên để có Dự án Bauxite Tây Nguyên, công đầu phải kể đến nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, kế đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn là người có vị trí quan trọng. Để làm vừa lòng Tổng bí thư và Thủ tướng, ông quyết liệt thực hiện bằng mọi giá. Cái ma lực hiệu quả kinh tế ông đưa ra, đã thuyết phục các đại biểu Quốc hội đồng thuận Dự án Bauxite, thay vì phủ quyết như Dự án đường sắt cao tốc. Như một trận đánh đã được mai phục sẵn, vừa có lệnh là ào lên tấn công. Hai dự án thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ, nổi trống phất cờ múa lân động thổ. Dự án Tân Rai lúc đầu Vinacomin đưa ra dự toán 628 triệu đô-la. Khi bắt tay làm, ông Đoàn Văn Kiên, chủ tịch tập đoàn, xin tăng lên 740 triệu đô-la. Ban quản lý dự án Tân Rai thấy chưa đủ, xin tăng lên 800 triệu đô-la. Bộ Công thương vẫn thấy chưa đủ, tăng phắt lên 900 triệu. Thế là với những con số nhảy múa ấy, bổ đầu, mỗi người dân Việt Nam, từ con nít đến cụ già đã phải chịu 10 đô-la. Dự án do nhà thầu Trung Quốc bao từ A đến Z, kiểu chìa khóa trao tay. Máy móc thiết bị từ Trung Quốc chở qua. Công nhân Trung Quốc tràn sang. Những lán trại đầy người Trung Quốc. Đến nay số công nhân Trung Quốc đã lên tới gần ba chục ngàn. Những biển cấm người lạ nhan nhản ở Tân Rai, Nhân Cơ, thực chất là cấm người Việt Nam. Bốn năm trầy trật, như đánh vật dưới bùn, nhà thầu của các đồng chí 4 tốt vẫn quen thói chơi khăm: nhận thầu giá rẻ, hứa lèo, hứa hão, kéo dài thời gian thi công làm nản lòng chủ đầu tư, để ép nâng giá và nhận thiết bị kém phẩm chất. Bài học này đã xảy ra ở 5 nhà máy nhiệt điện, và nhà máy ure DAD Hải Phòng, nhưng các nhà đầu tư Việt Nam vẫn không thuộc bài! Đến nay Tân Rai mới chạy thử, còn Nhân Cơ thì sao? Tiến sĩ Nguyễn Đức Ban, nguyên Trưởng ban nhôm Vinacomin cho biết: “Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã phản đối việc thí điểm dự án Nhân Cơ. Họ nói Tân Rai là quá đủ rồi! Để hoàn thành dự án Tân Rai đã! Làm thêm thí điểm Nhân Cơ, sẽ ngốn thêm gần một tỷ đô-la nữa, kéo nền kinh tế xuống vực! Nhưng “tư lệnh” Vũ Huy Hoàng quyết liệt làm bằng được”. Càng hô hào quyết liệt, nhà thầu càng ỳ ra. Đến nay dự án Nhân Cơ vẫn đang ì ạch, dự kiến 2014 mới xong. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trách Vinacomin “Chưa thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền giải thích, nên có nhiều ý kiến trái chiều, khiến kéo dài thời gian thi công”. Tốn kém hàng trăm triệu đô-la của dân, nhà thầu hứa hão, không quan tâm lại đổ lỗi cho ý kiến trái chiều? Nhưng cũng chính ông bộ trưởng lại lẻo mép, nói: “Chúng ta phải chấp nhận kéo dài nhưng đổi lại sẽ yên tâm hơn về mức độ an toàn công trình”(?). Trong thư gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc các dự án than đồng bằng sông Hồng thì nói thẳng: “Dự án Bauxite–Nhôm, Bộ Công thương và Vinacomin đã mắc nhiều sai lầm. Có thể Vinacomin đã bổ sung vào nợ công của Việt Nam thêm 1,2 tỷ đô-la. Nếu làm thêm Nhân Cơ, thì sẽ là 2 tỷ”. Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn đặt câu hỏi: “Như vậy là thí điểm hay thí mạng?”. Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn đã đưa ra một bài toán, dựa trên thực tế, chứng minh hiệu quả kinh tế Dự án Bauxite, hoàn toàn ngược lại với bài toán của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Giá một tấn A-lu-min trên thế giới hiện nay là 260 đô-la, trong khi giá thành một tấn A-lu-min do Tân Rai sản xuất 333 đô-la, lỗ 73 đô-la. Ấy là chưa tính đúng, tính đủ, chưa có khoản bồi thường cho con đường 260 km từ Tân Rai đi Gò Dầu bị xe chở quặng Bauxite nghiền nát. Ông Nguyễn Thành Sơn nói: “Theo bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Việt Nam mỗi năm phải bỏ ra một tỷ đô la nhập nửa triệu tấn nhôm. Nhưng, Tân Rai muốn sản xuất nửa triệu tấn nhôm, thì phải mất 2,5 tỷ đô-la”. Nhà máy Tân Rai mới chạy thử được 30-40% công suất thiết kế, Vũ Huy Hoàng đã khẳng định trên TV: “Đã sản xuất thành công A-lu-min với đánh giá cơ bản đạt yêu cầu”. Ông Hoàng còn nói: “Viện hàn lâm khoa học và công nghệ đang hoàn thành đề tài ở quy mô thử nghiệm để chuyển sang quy mô công nghiệp, sử dụng bùn đỏ để thu hồi lại xút sản xuất thép xốp. Như vậy chúng ta vừa xử lý được bùn đỏ vừa có thêm sản phẩm từ Bauxite”. A, thế là lại có một tương lai huy hoàng! Bộ trưởng Công thương sẽ biến bùn thành sắt! Nhưng hy vọng gì ở cái tương lai huy hoàng đó? Hãy nghe lời nói trung thực của tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn: “Việc thu hồi xút chả ai dại gì làm như Viện hàn lâm của Việt Nam cả. Trong sách giáo khoa của Liên Xô, họ dạy chúng tôi là xút phải cố gắng thu hồi tối đa trong nhà máy trước khi thải ra ngoài cùng bùn đỏ”. Và: “Quặng sắt ở Thạch Khê có hàm lượng Fe203 cao hơn 2-3 lần Fe203 bùn đỏ, mà 10 năm qua có làm ra được một kg sắt xốp nào đâu?”. Cảng Kê Gà, một tác phẩm mang dấu ấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vừa mới bị dẹp bỏ. Dự án Bauxite Tây Nguyên hình như đang theo dòng xoáy cùng con tàu Vinashin. Bức tranh tương lai Dự án Bauxite, 5 năm trước, Bộ trưởng Công thương vẽ lên huy hoàng bao nhiêu, giờ xám xịt bấy nhiêu! Ông Vũ Huy Hoàng sinh năm Qúy Tỵ, năm nay là năm tuổi của ông. Cầu trời Bauxite Tây Nguyên qua cơn hoạn nạn! MD. | |
|