Tuti
Tổng số bài gửi : 1217 Hoạt Động : 1721 Join date : 08/11/2009 Đến từ : Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai.
| Tiêu đề: CÁC ANH LẠNH LẮM KHÔNG? Thu Mar 14, 2013 7:47 am | |
| * MINH DIỆN Ngày này, tháng này 25 năm trước, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy đảo Gạc Ma cùng các chiến sĩ nhận trực đảo. Sương mù mịt. Biển bình yên vừa thức giấc. Họ chưa kịp nhận khẩu phần ăn sáng. Cán bộ chiến sĩ quấn vội điếu thuốc rê, hút lấy hơi ấm xua bớt giá lạnh. Cách họ không xa, trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó 125, trên tàu HQ-604, đang chỉ huy các chiến sĩ công binh bốc dỡ hàng hàng hóa và vật liệu xuống đảo để xây dựng công trình.
Lá cờ Tổ quốc phấp phới bay, như ba đốm lửa đỏ rực giữa màn sương. Những người lính giữ đảo quê từ Quảng Bình, Nam Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi... sạm đen sóng gió và nước biển mặn mòi. Năm tháng ấy nhân dân cả nước khổ, người lính đảo còn khổ hơn nhiều. Mấy tháng mới có một chuyến tàu từ đất liền ra cung cấp một ít lương khô, một vài khối nước ngọt, vài quả bí đao, không một cọng rau xanh. Cũng không có tờ báo, tập truyện để đọc. Cuộc sống kham khổ, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn tình cảm, tinh thần, khiến thân hình những người lính quắt lại. Vì nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, và vì sự sống còn của bản thân, họ gắn kết với nhau nơi đầu sóng ngọn gió. Ngày ngày, khi tuyên thệ dưới lá Quốc kỳ trước phiên trực đảo, những người lính không nói suông mà đối mặt với kẻ thù. Cách họ không xa, chiếc tàu hải quân Trung Quốc ngày đêm lởn vởn, nhòm ngó, khiêu khích. Chỉ cần sơ hở là chúng chiếm đảo. Chỉ cần chút thiếu kiềm chế là chúng lấy cớ mở cuộc chiến tranh tổng lực. Các chiến sĩ quán triệt mệnh lệnh cấp trên: “Dùng lý lẽ thuyết phục! Không được nổ súng trước nếu phía Trung Quốc cố tình gây hấn!”.
Ngày ấy cách đây 25 năm! 7h20. Biển trào sóng dữ. Hai tàu hải quân Trung Quốc mang số 502, 531 bất ngờ tiến vào phía trái đảo Gạc Ma. Cách đảo khoảng hơn trăm mét, chúng neo tàu, thả 2 thuyền sắt công suất lớn làm phương tiện đổ bộ. Hơn 60 tên lính thủy quân lục chiến, súng lắp lưỡi lê, hùng hổ lên đảo.
Dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương, các chiến sĩ vẫn bình tĩnh. Phương nhắc đồng đội kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích của lính Trung Quốc. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh súng quàng vai, tay nắm chặt cây cột cờ bằng tầm vông cắm trên đảo san hô. Nước biển lấp xấp, chỗ nông chỗ sâu, sương hơi loãng ra, nhưng trời vẫn âm u, buốt lạnh. Tên chỉ huy Trung Quốc hống hách ra lệnh cho chiến sĩ ta nhổ cờ rút khỏi đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương nói với chúng: - Đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam, các anh không được xâm phạm! Phương chưa nói dứt lời, tên chỉ huy Trung Quốc ra lệnh cướp cờ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh chống lại quyết liệt. Một tên lính Trung Quốc đâm thẳng lưỡi lê vào ngực Lanh. Trước khi gục xuống, Nguyễn Văn Lanh kịp trao lá cờ cho thiếu úy Trần Văn Phương. Phương cầm cờ Tổ quốc phất cao, hô to: - Các đồng chí chiến đấu! Thà hy sinh không để mất đảo! - Đoàng, đoàng, đoàng.... Một loạt đạn bắn thẳng vào ngực Phương. Người sĩ quan trẻ gục xuống. Máu anh và máu hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh loang trên mặt biển. Trung tá Trần Đức Thông lập tức thông báo khẩn cho Sở chỉ huy tiền phương, rồi quay mũi tàu đâm thẳng vào đảo Gạc Ma. Theo lệnh anh, các chiến sỹ công binh xông lên chi viện cho các chiến sĩ giữ đảo. Trung tá Trần Đức Thông nói với chiến sĩ: - Chúng ta có thể mất tàu, nhưng tôi và anh em sẽ không lùi bước, quyết giữ đảo đến cùng! - Dù hy sinh quyết không mất đảo! Các chiến sĩ đáp lại lời trung tá Trần Đức Thông. Cuộc chiến đấu diễn ra một mất một còn. Họ là những người lính xây dựng công trình, không quen tác chiến, phải đối đầu với bọn lính thủy quân lục chiến Trung Quốc trong tình thế bất ngờ. Từ hai chiếc tàu chiến, bọn Trung Quốc bắn đổ đạn vào đội hình bên ta. Tàu HQ-604 trúng đạn, trung tá Trần Đức Thông hy sinh. Tiếp theo anh là đại úy thuyền trưởng Vũ Huy Trừ... Con tàu ghếch mũi lên đảo, lửa bốc cao ngùn ngụt. Đảo Gạc Ma nửa nổi nửa chìm, những người lính Việt Nam không có hầm hào, không vật cản che chắn, phơi mình trước làn đạn của kẻ thù. Họ như những tấm bia trong một cuộc tập trận. Họ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và lần lượt ngã xuống dưới làn đạn của lính Trung Quốc. Nước biển réo sôi lên, nhuộm đỏ máu tươi những người lính hải quân, công binh, hầu hết tuổi hai mươi. Ngày ấy cách đây 25 năm, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trên đảo Gạc Ma.
Trung tá Trần Đức Thông người Thái Bình, quê tôi. Anh ở huyện Hưng Hà, cách nhà tôi hai chục cây số, có nghề làm bánh Cáy nổi tiếng. Đầu tháng Ba, Thông được nghỉ phép. Chưa hết phép thì có điện gọi về đơn vị gấp. Và Thông ra đảo. Như có linh tính, anh viết mấy lá thư cho vợ con, nhờ đồng đội ở đất liền mỗi tháng gửi một lá, khi nào gửi hãy ghi ngày tháng. Bởi vậy vợ con anh nhận giấy báo tử hơn một tháng lại thấy thư anh gửi về. Lê Văn Đông quê ở Tây Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Đông cưới vợ, vừa hết tuần trăng mật thì ra đảo. Khi giấy báo tử Đông gửi về nhà, người vợ trẻ chết ngất, trong tay bế đứa con vừa sanh được vài ngày. Phạm Tấn Dư ở thành phố Tuy Hòa. Trước khi ra Trường Sa, Dư được về phép thăm nhà. Má anh hỏi: - Dịp này tìm vợ cưới đi nghe con! Dư cười cười: - Chờ hết nghĩa vụ con về, con làm trả nợ, xây nhà đã má! Dư chằng còn dịp nào để làm trả nợ xây nhà cưới vợ! Võ Đình Tuấn ở một xóm nghèo ngoại ô Ninh Hòa. Hai năm nghĩa vụ, về phép trước khi ra đảo, gom góp hết tiền phụ cấp tiết kiệm, không đủ mua cho mỗi đứa em một bộ quần áo, đành mua cho em trai cái áo, em gái cái quần. Thông, Đông, Phương, Dư, Tuấn, Hưng, Trung... Sáu mươi tư cán bộ chiến sĩ Công binh và Hải Quân đã vĩnh viễn nằm lại ở Gạc Ma. Sáu mươi tư hoàn cảnh, sáu mươi tư niềm tin, ước mơ và hy vọng phải chịu chung một số phận. Họ hy sinh thầm lặng giữa biển khơi để lại nỗi đau cho những người mẹ, người vợ nghèo. Tôi ngồi viết những dòng này trong Nhà truyền thống Hài quân nhân dân Việt Nam, giữa buổi chiều tháng Ba biển động. Gió từ phía biển mang hơi lạnh lùa vào chân tóc. Ngoài kia, con đường nhựa, những chiếc xe hơi láng bóng nối đuôi nhau. Trên TV đang quảng cáo bộ phim Hồng Lâu Mộng của Trung Quốc. Tôi không cầm được nước mắt, nghĩ giờ này hương hồn đồng đội đang phiêu bạt giữa biển khơi sóng gió! Các anh có buồn, có lạnh lắm không? Người ta muốn quên ngày 14-3-1988, cũng như quên ngày 17-2-1979, quên các anh, cũng như quên hàng ngàn đồng đội chúng ta ở biên giới phía Bắc, quên luôn cả Hoàng Sa, Gạc Ma, Vị Xuyên, Mục Nam Quan... Nhưng tôi không quên, nhân dân không quên! Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lời vua Trần Nhân Tông: “Kẻ nào để mất một tấc đất của cha ông sẽ phải chu di tam tộc!”. Các anh có linh thiêng hãy chứng giám, hãy là những quan tòa xử tội những kẻ bán nước hại dân ấy!
M.D | |
|