Khi lãnh đạo quen nói... “không biết”Bài đăng trên Dân Việt 24/05/2012 | 20:00(Dân Việt) - Một ông lãnh đạo có thể biết rất tường tận đối thủ cạnh tranh chức vụ của mình ăn món gì, đi xe gì, thường lên chùa nào cầu lộc... Nhưng công việc chính của cơ quan, nhất là tiền ngân sách được chi đúng hay sai thì không biết.Thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ thông tin. Nước ta tuy còn lạc hậu nhiều mặt nhưng về công nghệ thông tin thì không thua kém mấy các nước văn minh lâu đời.
Lãnh đạo, nói theo thuật ngữ thông tin, là nhận thông tin và xử lý để đưa ra quyết định đúng đắn. Không làm được thế là lãnh đạo yếu kém và chắc chắn sẽ gây hậu quả tai hại. Vụ nổi cộm gần đây nhất liên quan đến việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng từ Vinalines sang làm Cục trưởng Cục Hàng hải VN.
Ông Dũng được đề bạt làm Cục trưởng sau khi bị thanh tra, thậm chí đã có báo cáo thanh tra, chỉ chưa công bố mà thôi. Hai tháng sau khi được cất nhắc, ông Dũng bị khởi tố vì có nhiều sai phạm hình sự nơi ông đã từng lãnh đạo. Một Thứ trưởng Bộ GTVT trả lời tỉnh queo: “Bộ không biết ông Dũng sai phạm như thế nào và việc đề bạt đã làm đúng quy trình”.
Vinalines bỏ hàng chục triệu đô la mua một đống sắt vụn 43 năm tuổi của Nhật về vá víu với số tiền gấp đôi, gấp ba tiền mua rồi để không một nơi trong mấy năm, đến nay vẫn không biết sử dụng được vào việc gì.
Hỏi ông cựu Bộ trưởng GTVT, ông nói: “Tôi không rõ, xin hỏi ông Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư”. Ông Vụ trưởng nói: “Cái này chúng tôi cũng không rõ, bởi khi được hỏi ý kiến khi không”, cũng là phiên bản của “không biết”.
Hỏi tiếp ông nguyên Chi cục trưởng Chi cục Đăng kiểm số 6 là đơn vị cử người đi giám định, cũng được trả lời: “Vinalines thấy được thì quyết định mua, chúng tôi không được biết việc Vinalines có mua hay không”. Lại một kiểu “không biết”.
Vinashin, Vinalines liên tục sai phạm, tiền mồ hôi nước mắt của dân chảy xuống sông, xuống biển và vào túi cá nhân như thác, nhiều năm liền không ai ở Bộ GTVT biết. Thật kỳ lạ!
Một ông lãnh đạo có thể biết rất tường tận đối thủ cạnh tranh chức vụ của mình ăn món gì, đi xe gì, thường lên chùa nào cầu lộc... Nhưng công việc chính của cơ quan, nhất là tiền ngân sách được chi đúng hay sai thì không biết. Thực trạng ấy tưởng chỉ là chuyện như đùa, nhưng lại có thật và cũng “có một số không nhỏ”.
Người ta không biết thật hay là biết mà nói không biết? Khổng Tử viết: “Biết nói là biết, không biết nói là không biết, tức là biết vậy”. Các ông này lanh hơn: “Biết mà nói không biết”, giỏi hơn cả thánh nhân. Khổng Tử cũng không bằng các ông này.
Sông Thao