Một cuộc cách mạngBài đăng trên Đại Đoàn Kết (31/07/2012)Sau Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước ta độc lập và thống nhất. Một thời gian sau với lý do đảm bảo an toàn cho lãnh đạo cấp cao về làm việc ở các địa phương, các tỉnh nhận được chỉ thị phải có xe công an đón tại nơi giáp ranh tỉnh bạn. Lãnh đạo trung ương làm việc ở tỉnh đến thăm đâu cũng cần có xe công an đưa, đón. Chủ trương này được lãnh đạo các tỉnh chấp hành nghiêm chỉnh, bảo vệ lãnh đạo trung ương chu đáo. Khi lãnh đạo trung ương đã kết thúc công việc, lại có xe công an đưa về đến nơi giáp ranh của tỉnh bạn.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc các đại biểu cử tri
Ảnh: Hoàng Long Từ chủ trương này, tỉnh nào cũng có lắm "sáng kiến” như có khẩu hiệu "nhiệt liệt chào mừng đồng chí về thăm…”, có tiệc chiêu đãi, có thăm danh lam thắng cảnh, hoặc buổi tối xem văn nghệ tỉnh nhà biểu diễn để lãnh đạo trung ương, giảm bớt thời gian tìm hiểu tình hình mọi mặt của tỉnh trong đó có những tiêu cực không muốn lãnh đạo trung ương biết. Một số tỉnh đã xây dựng nhà khách riêng dành cho lãnh đạo cấp cao ở trung ương, còn tiện bề canh gác. Dân muốn gặp lãnh đạo trung ương cũng rất khó.
Dân thì không có ở tỉnh nào hoan nghênh việc đưa, đón trung ương quan cách, dềnh dàng, mất thì giờ của dân. Dân đều nhắc tới bao nhiêu lần Bác Hồ về thăm tỉnh chẳng bao giờ có cấm đường, càng không có xe công an mở đường vì Bác về thăm không cho tỉnh biết trước. Dân đã nhận xét, chính dân lại tình cờ được đón Bác trước vì Bác thường dùng xe com-măng-ca hoặc loại Mốt-cô-vích của cấp thứ trưởng, về các địa phương. Rất hiếm thấy Bác dùng xe cấp bộ trưởng. Hồi đó điện thoại di động chưa có, xã chưa có điện thoại, Bác về đến thôn, xóm lâu rồi lãnh đạo huyện, tỉnh mới tìm đủ nhau.
Báo Nhân dân đề nghị Trung ương nên chấm dứt việc tổ chức đón, đưa lãnh đạo trung ương về các địa phương. Báo Đại Đoàn Kết cũng có bài nêu lên việc có lãnh đạo trung ương gặp dân nhưng do tỉnh bố trí, đã được "bồi dưỡng” chỉ được nói với lãnh đạo trung ương những điều có lợi cho tỉnh, cũng nói đến sai sót, khuyết điểm nhưng chỉ là chút ít. Lãnh đạo trung ương đúng là "tai nghe mắt thấy” nhưng chẳng bớt quan liêu được bao nhiêu.
Đón và đưa vẫn tiếp diễn không sao ngăn được vì các tỉnh rất chủ động đón và đưa. Đối với mỗi tỉnh, thành phố, tiêu cực, tham nhũng ngày một tăng, chiếm đoạt đất đai của dân xã nào cũng xảy ra, tỉnh, huyện cũng đều dính vào, lại càng phải ra sức đón và đưa, phục vụ hết lòng lãnh đạo trung ương để lãnh đạo trên về không còn thời gian đi cơ sở gặp dân. Điển hình nổi bật về việc Trung ương xa dân là bốn năm bất ổn của nông thôn tỉnh Thái Bình. Thái Bình cách Thủ đô có hai, ba giờ ôtô, năm nào cũng có hàng trăm đoàn cán bộ ở trung ương về làm việc ở Thái Bình, chưa nói một số bộ và ban còn có biệt phái, thường trú ở Thái Bình. Tại sao những bất ổn do cán bộ biến chất, tham nhũng ở các xã gây ra kéo dài những 4 năm Trung ương mới biết?
Sau khi đã phanh phui mọi sự thật của 4 năm bất ổn, tìm hiểu sâu xa nguồn gốc của vụ tham nhũng ở hầu hết các xã, Bản tổng kết cuộc kiểm tra đã xác định cụ thể là tại quan liêu, xa cơ sở, xa dân của mọi cấp lãnh đạo. Bản tổng kết đã được đăng toàn văn trên báo Nhân dân ngày 27-2-1998. Xin trích một đoạn: "Để tình hình Thái Bình diễn ra nghiêm trọng kéo dài vừa qua, Bộ Chính trị và Chính phủ đã tự phê bình trước Trung ương về phần trách nhiệm của mình, thể hiện tập trung ở tình trạng quan liêu, những biểu hiện về kiểm tra, thanh tra hữu khuynh, đánh giá bố trí cán bộ chủ chốt của tỉnh, chưa đúng, xử lý vấn đề nảy sinh chưa kiên ---quyết và chưa kịp thời. Tình hình Thái Bình phức tạp như vậy mà các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương vẫn đánh giá Đảng bộ Thái Bình là trong sạch, vững mạnh”.
Khiếu kiện ở tỉnh không đạt kết quả vì tỉnh bảo vệ đến cùng danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Chỉ còn đường về Trung ương khiếu kiện vượt cấp nhưng nông dân Thái Bình đều thảm bại vì Trung ương cũng xác nhận mọi báo cáo của tỉnh là đúng và Thái Bình xứng đáng là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Lãnh đạo trung ương tin lãnh đạo Thái Bình đến nỗi cho rằng một số cán bộ xã giàu có hoàn toàn không nhờ tham nhũng mà là do biết làm ăn, lao động cần cù, thậm chí có lãnh đạo còn cho là "trâu buộc ghét trâu ăn” khi đọc xong đơn của một số cán bộ về hưu, tố cáo lãnh đạo xã đã bớt sén các khoản đóng góp của dân; vẫn cho kẻ tham nhũng là đúng vì chỉ ra sức nghe lãnh đạo tỉnh, huyện, không chịu về thôn, xóm nghe dân. Cuộc đấu tranh hết sức gian khổ, có lúc những người chống tham nhũng không còn biết trông cậy vào đâu trong khi có hàng trăm xã chính quyền đã vào tay tham nhũng và bọn này càng khiêu khích những nạn nhân của chúng "về Trung ương mà kiện, không có vé ô tô thì sẵn sàng cho đây”. Dù sao, cuối cùng nông dân Thái Bình cùng lực lượng cán bộ về hưu và cựu chiến binh đã giúp lãnh đạo trung ương nhìn rõ sự thật, trắng đen không còn lẫn lộn. Đảng bộ trong sạch vững mạnh chỉ là cái vỏ bọc ngoài của một bộ máy tham nhũng như Bản tổng kết đăng báo Nhân dân đã ghi: "Theo đánh giá ở 152 xã đã và đang tiến hành thanh tra trong đó có 62 xã đã kết luận thì nhiều chủ tịch xã, bí thư xã, cán bộ địa phương, cán bộ tài chính, chủ nhiệm và kế toán trưởng hợp tác xã, trưởng nhóm đều có sai phạm về tham nhũng ở mức độ khác nhau”. Bộ máy Đảng và chính quyền mỗi xã gần như chức vụ nào cũng đều tham nhũng vì vậy dân đói là tất nhiên và trong Bản tổng kết đã nhận xét: "lãnh đạo tỉnh đã để mất ngọn cờ lãnh đạo”. Bốn năm bất ổn kết thúc, thắng lợi của nông dân Thái Bình đã gieo vào lòng một số cán bộ hy vọng "trong cái rủi có cái may” biết đâu "thất bại lại là mẹ thành công”. Những tổn thất quá lớn vì xa dân, bỏ dân ở Thái Bình đã đủ để lãnh đạo trung ương kiên quyết loại bỏ chủ trương "đón và đưa” kéo dài đã mười mấy năm. Thế nhưng đón và đưa vẫn tiếp diễn, không hề giảm bớt. Chuyên gia nước ngoài giúp ý kiến về cải cách hành chính cho biết, ở các nước ngoài, cơ quan nhà nước, các công sở không được dùng ngân sách nhà nước để tiếp đãi, thanh toán tiền ăn và ở cho mọi người đến làm việc, dù là người của cấp nào. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, nếu các cơ quan của Nhà nước có thể dùng tiền nhà nước để thết đãi khách thì họ sẵn sàng chi tiêu không tiếc tiền (vì là tiền của dân) để mua chuộc các cấp trên về, đánh đổi lấy những lời khen, đây là cách họ được tăng lương, thăng chức nhanh nhất. Bộ Tài chính đã báo cáo riêng tiền thanh toán bia và rượu hàng ngày trên cả nước, ngân sách nhà nước phải chi một số tiền lớn, tổn thất tiền dân đóng thuế đã đau nhưng đau còn gấp bội là số cán bộ, đảng viên nghiện bia, rượu rất phổ biến, ở các cơ quan, công sở vì đã uống không mất tiền thì chẳng dại gì không uống cho say. Những người đã sống thời Pháp, thời Mỹ chiếm đóng, đều công nhận các công chức, quan chức thời đó không say rượu say bia như cán bộ, đảng viên ngày nay. Rượu ngoại loại 10 triệu đồng một chai ở Việt Nam vẫn bán được. Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ban hành Chỉ thị số 54 (CT/TƯ) đăng báo Nhân dân ngày 26-3-1995, yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng cán bộ cấp trên về địa phương, không chiêu đãi tiệc lớn, tiệc nhỏ, không có bia, rượu và cán bộ trên về dù giữ chức vụ gì, dùng cơm phải trả tiền sòng phẳng. Chỉ thị quy định cụ thể: Thanh toán đối với mọi tập thể và cá nhân đến làm việc, bất kể từ dưới lên hay trên xuống, theo đúng chế độ đã quy định, chấm dứt việc tặng tiền, tặng quà cho bất kỳ ai và dưới hình thức gì trong các dịp này.
Ngày 23-1-1998, Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ. Xin trích đoạn nói về việc đi công tác địa phương: "Khi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng về làm việc, địa phương tuyệt đối không tổ chức các nghi lễ đón tiếp, không tổ chức đón, tiễn tại địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Chỉ thị của Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Chính phủ cũng vẫn không ngăn cản nổi các tỉnh, thành phố "đón và đưa” lãnh đạo trung ương thậm chí Bộ trưởng xuống cơ sở cũng giới thiệu trên báo, đài cảnh dân đón, dân tặng hoa. Nhóm lợi ích cùng tư duy nhiệm kỳ và "bệnh thành tích” tìm mọi cách đón lãnh đạo trên về, ra sức "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” để xin các loại dự án vì dự án nào cũng sản sinh ra những tỷ phú có chức có quyền ở địa phương. Mấy tỉnh một sân bay đã là nhiều, cuối cùng mỗi tỉnh một sân bay, thừa cảng sông, cảng biển nhưng chẳng hề nhắc đến thiếu bệnh viện.
Thực trạng việc đón và đưa lãnh đạo trung ương tồn tại đã mấy chục năm, chỉ càng làm cho lãnh đạo trung ương xa rời cuộc sống, trong khi ta chưa bao giờ khoảng cách giàu và nghèo lại cách xa như hiện nay.
Hội nghị Trung ương lần thứ 4 họp cuối năm 2011 đã thông qua Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và quyết định tổ chức "Tự phê bình và phê bình”. Đây là một chủ trương lớn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và cũng là biện pháp hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, sẽ góp phần tạo ra một bầu không khí mới, một động lực mới trong xã hội…
Đã lâu mới lại có tự phê bình và phê bình, lại được tổ chức khi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, đang thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong hoàn cảnh rất bức xúc, không thể tiếp tục suy thoái, không thể lùi được nữa và phải hiểu như vậy mới thấy cuộc tự phê bình và phê bình này mang tầm vóc một cuộc cách mạng, phải thay đổi mạnh mẽ, triệt để, trước hết từ bên trên. Nhiều lãnh đạo trung ương họp quanh năm cũng không tiêu thụ hết giấy mời họp vì giữ nhiều chức vụ, về địa phương làm việc cũng chỉ họp, đã quá quen với ngôn ngữ trong các báo cáo, các phát biểu thường đắn đo, cân nhắc, từng câu từng chữ, nhất là mọi sự thật đã đưa đến các cuộc họp thì ít hay nhiều đều méo mó, cắt đầu cắt đuôi. Cần dành thời gian về bám cơ sở, để nâng cao dân trí và cũng là để nâng cao năng lực, phẩm chất của chính lãnh đạo vì được chứng kiến cuộc sống còn nguyên vẹn, chưa bị sắp xếp, bố trí, tô vẽ, là đòi hỏi cấp thiết nhất của mỗi lãnh đạo trung ương. Cái mới đều từ cơ sở, từ công nhân, nông dân, trí thức. Tin dân, nghe dân lãnh đạo trung ương mới vượt lên chính mình, thoát khỏi sự trói buộc của những quan niệm cũ đã bị thực tế bác bỏ và cũng tránh lối mòn trong phương pháp tư duy đã ăn sâu từ nhiều năm nay. Về với dân, không phải lúc nào cũng dùng xe công, cũng phải nếm mùi "cơm bụi” để được sống như dân, sống trong dân, được nghe dân nói với nhau, dân nói với cả chính mình.
Cách đây đúng 30 năm, tháng 7-1982, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (khóa V), đã thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó Điều 30 nêu rõ: Hàng năm, mỗi ủy viên trung ương dành 1 phần 4 thời gian, tức là ba tháng để về cơ sở ở nông thôn và thành thị, tiếp xúc với công nhân, nông dân, trí thức và cán bộ cơ sở để nắm được thực chất tình hình qua mắt thấy, tai nghe tại chỗ, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và liên hệ, phản ánh với Ban Bí thư những vấn đề cơ bản mà cơ quan đầu não cần biết. Chủ trương hợp với lòng người này không thực hiện được vì nhiều Ủy viên cho là bận chuyên môn, nhất là không bỏ được nhiều cuộc họp.
Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa IX) họp giữa tháng 8 năm 2001 lại bàn đến Quy chế làm việc của Trung ương, thấy Ủy viên Trung ương phải dành thời gian về cơ sở và quyết định: Thực hiện đúng đắn Quy chế đi công tác cơ sở, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng sẽ tạo điều kiện để Ban Chấp hành Trung ương có những quyết định sát với thực tiễn, sát với cuộc sống hơn, khắc phục bệnh quan liêu, phô trương hình thức đang diễn ra khá phổ biến.
Vẫn vắng hẳn những chuyến đi của lãnh đạo trung ương về địa phương, đắm mình trong thực tiễn cuộc sống một số ngày, hoàn toàn chủ động không nằm trong chương trình đón tiếp của lãnh đạo tỉnh và thành phố.
Nếu vẫn tiếp tục xa cơ sở, xa các tầng lớp nhân dân mà lại muốn chống suy thoái về đạo đức lối sống, về tư tưởng chính trị thì chẳng khác gì muốn "vác đá vá giời”.Thái Duy