Xin được gửi về Bộ Giáo dục & Đào tạoBài đăng trên Dân Trí Thứ Ba, 15/05/2012 - 07:45(Dân trí) - Có lẽ tất cả chúng ta đều mong muốn nhận được câu trả lời từ Bộ GD&ĐT rằng tại sao một công trình khoa học giáo dục hiệu quả và tầm cỡ như vậy nhưng sau 1/3 thế kỉ vẫn còn “thực nghiệm” và còn phải đeo đẳng thân phận “thực nghiệm” đến bao giờ?(Minh họa: Ngọc Diệp) “Xô đổ cổng trường để mua đơn dự tuyển vào lớp 1”, “Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1” , “Xô đổ cổng trường để xin học cho con”, “Hàng trăm người xô đổ cổng trường để xin cho con vào lớp 1”, “Trắng đêm đội mưa, xô đổ cổng trường xin học cho con”, “Xô đổ cổng trường tìm chỗ học cho con”, “Nỗi niềm phụ huynh xô đổ cổng Trường Thực nghiệm”, “Tại sao phụ huynh đổ xô cho con vào học Trường Thực nghiệm?”…
Đó là nhừng dòng tít xuất hiện trên hầu hết các tờ báo lớn như Dân trí, Thanh niên, Pháp luật TP. HCM, Việt Nam Nét, VnExpress, Giáo dục Việt Nam, Bee Kiến thức, Nông nghiệp Việt Nam…
Một sự kiện trong tuyển sinh lớp MỘT của niên học 2012 - 2013.
Theo kế hoạch 6 giờ sáng ngày 12/5, nhà trường mới nhận đơn nhưng từ tối ngày 11/5, hàng trăm phụ huynh đã thức trắng đêm dưới trời mưa lạnh, xếp hàng chầu chực trước cổng trường. Khoảng gần 4 giờ sáng, đã có sự xô xát giữa các phụ huynh và đúng 6 giờ, khi cánh cổng vừa mở thì ngay lập tức bị xô đổ. Trước sự việc trên, Nhà trường quyết định tạm hoãn và hôm sau (ngày 13/5), việc tuyển sinh đã hoàn thành trong sự chật vật của cảnh sát.
Vì sao hàng trăm phụ huynh phải đội mưa gió, thức thâu đêm chầu chực xếp hàng như vậy? Câu trả lời thật đơn giản: Chất lượng.
Từ nhiều năm nay, Trường Thực nghiệm được coi là đỉnh cao của giáo dục phổ thông Việt Nam bởi phương pháp giảng dạy hiện đại và độc đáo. Đây cũng là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng nên Nhà toán học nổi tiếng thế giới – GS. Ngô Bảo Châu.
Thế nhưng, có thể còn nhiều người chưa hoặc không biết rằng một môi trường dạy và học được coi là lý tưởng ở Việt Nam đã và đang chịu số phận long đong suốt hơn 30 năm qua và trong tương lai gần, vẫn tiếp tục… long đong, lật đật. Ngưởi đứng đầu nhóm tác giả, GS. Hồ Ngọc Đại quá bức xúc đã hơn một lần thốt lên những từ ngữ đau xót đến mức mình không muốn và cả không dám nhắc lại ở diễn đàn này.
Trở lại câu chuyện cách đây 30 năm, khi đó TS.KH Hồ Ngọc Đại sau nhiều năm du học ở “Thung lũng tri thức” Lômônôxôp (Liên xô) về nước đã cùng với một số bạn bè tâm huyết như TS.KH Nguyễn Kế Hào, TS. Đặng Ngọc Diệp… xin phép Chính phủ mở ngôi trường này để làm cuộc “cách mạng” cho nền giáo dục nước nhà sau chiến tranh đã trở nên không còn thích hợp. Như lời GS. Đại là để thể hiện sự “nổi loạn tư duy giáo dục”, một sự nổi loạn cần thiết cho một cuộc hồi sinh và phát triển. Đầu tiên, công trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ lãnh đạo và được đón nhận hết sức hồ hởi ở các địa phương vì những thành công đích thực của nó. Thế nhưng (lại… nhưng, khổ thế) sau đó ít lâu, mô hình càng phát triển bao nhiêu thì lại càng bị… lạnh nhạt bấy nhiêu. Người ta đã hơn một lần định xóa sổ cái mô hình này. Hậu quả là giờ đây, dù đã có hơn 30 năm “thâm niên”, hàng triệu học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường này, trong đó có những học trò xuất sắc như GS. Châu và các tác giả của nó người còn, người đã về nơi vĩnh hằng thì ai oán thay và cũng hài hước thay, nó vẫn mang cái tên rất là son trẻ “Trường Thực nghiệm”! Có lẽ, nó sẽ được ghi vào sách Ghinet bởi đây là một cuộc “thực nghiệm” dài nhất, dai dẳng nhất thế giới.
Từ diễn đàn này, tôi và các bạn có lẽ đều chung một mong muốn là nhận được câu trả lời từ Bộ Giáo dục & Đào tạo rằng tại sao một công trình khoa học hiệu quả và tầm cỡ như vậy lại chịu số phận “ba nổi, bảy chìm”, hơn 1/3 thế kỉ vẫn “thực nghiệm” và quan trọng hơn, vì sao mô hình không được nhân rộng để chấm dứt cảnh chen chúc, xếp hàng thâu đêm suốt sáng, xô đổ cổng trường như hôm 12/5 vừa qua.
Các bạn thân mến! Mình rất muốn qua diễn đàn này, các bạn hãy bày tỏ quan điểm và chúng ta tin chắc rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ không quên trả lời những câu hỏi chính đáng của chúng ta, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám