Chín phản biện của độc giả về đề án phí giao thông gửi Bộ trưởng ThăngBài đăng trên Giáo dục Việt Nam Thứ ba 17/04/2012 06:54(GDVN) - "Bất cứ phương án nào đưa ra cũng phải có kế hoạch, lộ trình và hơn nữa là sự minh bạch, rõ ràng để tạo được lòng tin cho người dân. Nhưng ở đây, tôi chưa thấy được rõ điều này, thưa Bộ trưởng...", độc giả Nguyễn Quang chia sẻ.Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Quang (Hà Nội) với nội dung chính là những ý kiến phản biện về đề án thu phí giao thông trong đó có phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất. Mời bạn đọc cùng theo dõi:Thưa Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng!.
Những ngày qua, câu chuyện về đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ GTVT đề xuất lên Chính phủ dù chưa được thực hiện ngay trong năm nay nhưng vẫn thu hút lượng quan tâm lớn của người dân cả nước. Về phía cá nhân mình, tôi xin khẳng định ngay, tôi không đồng tình với đề án thu phí này của Bộ trưởng và bộ Giao thông vận tải đề xuất đưa ra.
Bởi lẽ tôi được biết nhiều khoản phí được đề xuất để thu trong đề án này còn có rất nhiều những bất cập, hạn chế, thiếu tính khoa học, thiếu sự logic... mà tôi mạn phép được đưa ra ở 9 điểm dưới đây và mong muốn gửi tới Bộ trưởng và bạn đọc cả nước, để chúng ta cùng nhìn nhận vẫn đề một cách hết sức khách quan.
Bộ trưởng Đinh La Thăng (ảnh: VNN). Thứ nhất, với nhiều nguyên nhân khác nhau nên giá xe ôtô ở nước ta vẫn thuộc loại đắt nhất trên thế giới. Theo một con số thống kê mới được đưa ra cách đây chưa lâu thì, giá ô tô ở Việt Nam đắt gấp 3 lần so với Mỹ, gấp 2 lần so với các nước phát triển, gấp 1,5 lần so với các nước trong khu vực. Cùng một loại xe ở nước ngoài chỉ có giá chừng 100.000 USD nhưng về tới Việt Nam mức giá này đã bị đội lên tới gần 300.000 USD.
Để mua được ô tô, người đó phải thực sự có nhiều tiền vì phải chịu quá nhiều loại thuế, như thuế nhập khẩu ô tô (thường 100% hoặc cao hơn), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (nếu là doanh nghiệp còn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp)…; về phí, phải đóng phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, bình ổn xăng dầu, phí kiểm định ô tô, bảo hiểm các loại…
Xe đã đắt, phí đã nhiều như vậy, nay lại cộng thêm các loại phí giao thông này nữa thì những người sử dụng xe có phải đang tiếp tục chịu cảnh "phí chồng lên phí" thưa Bộ trưởng?.
Thứ hai, như chúng ta đã biết, ở nước ta, số tiền dùng cho việc xây dựng và sửa chữa các công trình cầu đường đã được người dân đóng thông qua các loại thuế, vé phí ở các trạm thu phí rồi nay lại phải đóng thêm các loại phí giao thông mới này thì thực sự là không hợp lý chút nào. Nhiều người cho rằng, khi đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi thì việc duy trì các trạm thu phí hiện nay, liệu có còn hợp lý?.
Thứ ba, cho đến thời điểm hiện tại thì đại bộ phận người dân chúng ta vẫn có mức thu nhập thấp, đời sống còn quá nhiều khó khăn, đặ biệt trong thời buổi kinh tế còn vô vàn khó khăn này lại phải gánh thêm các loại phí giao thông, trong đó có phí hạn chế phương tiện cá nhân nữa thì đúng là đã khó nay còn khó hơn.
Bên cạnh đó, nhu cầu về một cuộc sống tiện nghi hơn, ở một mức nghèo (tức là ôtô cũ vẫn được phép lưu hành, sử dụng) là điều hoàn toàn hợp lí nếu xét trên khía cạnh tinh thần!.
Thứ 4, trong đề án thu phí giao thông, Bộ GTVT có nói đến việc thu phí là dựa trên mức GDP bình quân. Có nghĩa là chỉ nói đến giá trị trung bình GDP thôi, còn "giá trị phương sai" thì sao? Cách biệt giàu nghèo ở ở nước ta mức độ nào?.
Một người có thể đi xe hạng sang 4 bánh giá hàng tỉ đồng, người khác cũng đi xe 4 bánh hạng trung có thể từ 600 đến 900 triệu đồng và một người khác nữa đi xe 4 bánh chỉ có 50 đến 80 triệu. Tỉ lệ số lượng giữa xe hạng sang, xe hạng trung và xe hạng "tệ" là bao nhiêu?. Và quan trọng hơn, khi tiến hành thu phí thì đối tượng chịu tác động lớn nhất là ai?. Những con số này vẫn chưa được làm rõ ràng, thưa Bộ trưởng?.
Thứ 5, Từ thực tế theo dõi và tham khảo tôi xin khẳng định rằng, đề án thu "phí hạn chế phương tiện cá nhân" đã trái với định nghĩa "phí" của nó. Bởi lẽ, phí là một khoản tiền phải trả cho một dịch vụ (công hay tư) được nhận, hoặc là một khoản tiền trả cho dịch vụ, hoặc trả để có được đặc quyền nào đó. Nó giống như một khoản phải trả trong một giao kèo giữa cá nhân với cá nhân (bao gồm cả tập thể). Một khi sử dụng một dịch vụ nào đó, người sử dụng đã đồng ý trả phí, và nếu không trả phí, có nghĩa là: Người sử dụng ấy đã vi phạm hợp đồng.
Còn thuế là một nghĩa vụ của người hay tổ chức kinh doanh có nghĩa vụ và trách nhiệm bắt buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước theo mức quy định.
Hai khoản phí mà Bộ trưởng nói là "phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm" thì không thể được xem là phí. Đơn giản, nếu người dân không đóng hay nói cách khác là đã vi phạm hợp đồng, Bộ trưởng có quyền cắt dịch vụ, tức là “không hạn chế phương tiện cá nhân nữa”. Và thế thì người không đóng phí họ chả mất gì. Vì vậy, “hạn chế phương tiện cá nhân” không phải là một "dịch vụ" để có thể thu phí.
Nó là một biện pháp chiến lược, hoặc biện pháp chính sách và cần một luật hoặc sắc lệnh để thực hiện. Khoản tiền thu để thực hiện luật này gọi là thu chế tài, tức là khoản tiền được thu như một biện pháp cưỡng chế (phạt) nhằm đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật. Như thế, nhà nước phải ban hành luật hạn chế phương tiện cá nhân, và đưa ra một khung thu chế tài để giúp thực hiện quy định đó. Nó chính là khoản tiền bị Bộ trưởng gọi "nhầm" là phí.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) Thứ sáu, Bộ trưởng cho rằng mục đích cuối cùng của đề án nhằm hạn chế lưu thông phương tiện xe cá nhân, nhưng hạn chế ở đâu? đánh đồng chung tất cả là không ổn. Chưa nói đến việc hạn chế theo "xu hướng" hay hạn chế theo cách "cơ học" (!?). Trong khi đó, chúng ta phải khẳng định ngay, nhu cầu đi lại của người dân là hoàn toàn tất yếu!.
Nếu hệ thống phương tiện phục vụ cho lợi ích công cộng của chúng ta (hiện nay mới chỉ có xe buýt) mà tốt, đầy đủ thì chắc chắn người dân sẽ tự động bỏ xe cá nhân thôi và sử dụng. Bởi lẽ, không ai lại muốn tự nhiên phải bỏ ra số tiền hơn 20 ngàn đồng cho 1 lít xăng để lái xe dạo một dòng chơi cả!. Nếu điều đó không phải vì công việc.
Ở đây, thay vì việc ép buộc người dân phải đóng, thì tôi nghĩ, Bộ trưởng nên tính toán lại bằng cách xây dựng một cơ chế khuyến khích người ta tham gia đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống giao thông.
Tôi cũng rất đồng tình với phương pháp phát hành trái phiếu theo dạng ghi nợ mà trước đây đã từng có độc giả đề xuất. Nhưng tôi xin thêm ý để làm rõ hơn, đó là nếu ta quá thiếu vốn thì có thể xin phát hành trái phiếu hàng năm, với lãi suất, thời hạn chi trả với người dân rõ ràng. Chắc chắn hiệu quả thu được sẽ là sự đồng thuận và nguồn vốn lớn để tập trung xây dựng các công trình.
Thứ bảy, có một thực tế chua xót hiện nay ở các công trình thi công cầu đường từ Bắc chí Nam, đó là hình như nếu không chậm trễ trong việc thi công thì mau xuống cấp. Người dân đang đặt câu hỏi, ai làm cho cầu đường mau xuống cấp? Nhà thi công ? Xe quá tải? xe không quá tải? nhà quản lí? thời tiết? ....
Bộ Giao thông vận tải cần phải có những con số rõ ràng, để xem đâu là nguyên nhân chính?, đâu là các nguyên nhân phụ?. Và tỉ lệ phần trăm của từng yếu tố trên là bao nhiêu?.
Kết luận xem có phải do chính hoạt động của ôtô và xe máy thường xuyên là nguyên nhân chính gây ra xuống cấp, chậm trễ trong thi công không?. Và nếu không phải nguyên nhân chỉ do ôtô, xe máy, vậy thì thu phí bảo trì đường bộ chỉ đánh vào xe thì đã hợp lý chưa?.
Thứ tám, Nhà nước ta đã cấm các địa phương thu các loại phí "tự phát sinh" ở cấp địa phương. Nay Bộ GTVT lại tự ý "phát kiến" thêm các loại phí giao thông như thế này thì e là hơi bất cập và đại bộ phận nhân dân vẫn chưa đồng thuận. Vì đối tượng có thể chi trả cho các loại phí này mà vẫn đảm bảo được cuộc sống trong thời buổi nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại la không nhiều so tổng số dân sử dụng xe.
Thứ chín, Rất nhiều người dân trong đó có tôi cần Bộ trưởng trả lời thật chi tiết cho các câu hỏi này. Khi thu các loại phí xong có đảm bảo dược số tiền được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng không? Ai là người giám sát? và giám sát có công minh? Thực quyền của tổ chức hay cá nhân giám sát?
Khi các đề án này được thực thi mà không mang lại kết quả thiết thực thì ai là người chịu hoàn toàn trách nhiệm? Bộ GTVT và Bộ Tài Chính còn đang bàn "Việc minh bạch hóa các loại phí trong việc thu và sử dụng đối với người dân" thì hỏi làm sao người dân không e ngại trong việc đóng phí! và như tôi đã nói ở trên ngay ở bản thân việc thu phí đã là một vấn đề cần phải làm rõ ràng rồi.
Tôi cho rằng, bất cứ một phương án nào được đưa ra cũng cần phải có kế hoạch, có phương hướng, lộ trình rõ ràng. Hơn nữa, ở đây là phương án liên quan đến túi tiền của người dân thì càng phải minh bạch và nghiêm minh để tạo được lòng tin cho người dân. Người dân có tin thì mới làm theo, mới thực hiện. Tuy nhiên ở đây, tôi chưa thấy rõ điều này, thưa Bộ trưởng?.
Thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng và bạn đọc cả nước, trên đây là một vài ý kiến phản biện của tôi xin được mạn phép gửi đến Bộ trưởng để Ngài có sự nhìn nhận, đánh giá chính xác hơn trong việc đưa ra và thực hiện đề án thu phí giao thông hiện còn đang chưa tạo được sự đồng thuận trong đại bộ phận nhân dân. Xin cảm ơn Ngài, cảm ơn quí báo và bạn đọc.
Độc giả Nguyễn Quang (Thanh Xuân, Hà Nội)