Chuyện đáng học từ Tiên LãngTác giả: Khánh LinhBài đã được xuất bản trên Tuần VietNamNet 09/02/2012 05:00 GMT+7Dân là gốc của chính quyền, một khi gốc bị chính nhà chức trách nhổ đi thì không khác gì chính quyền đã đi làm cái việc tự sát. Nghĩ thật sâu xa thì đó là cách phản ứng rất dữ dội và khốc liệt của công luận với chính quyền Tiên Lãng.
Nhiều như ... tôm cá đầm ông Vươn?Khi mà chủ nhân của đầm nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đang ngồi trong nhà tạm giam thì dư luận báo chí ầm ầm đưa tin đủ chuyện.
Thú thật là tôi không mấy quan tâm đến việc ông Đoàn Văn Vươn lập mưu liên kết cả mấy anh em trong họ tộc để chống nhà chức trách. Chuyện đó là sai rồi, là "dính luật" rồi. Mà đã dính luật thì dù có tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng dứt khoát cũng phải xử nghiêm, không có bàn cãi.
Tôi cũng không quan tâm cái ông chính quyền huyện Tiên Lãng dàn binh bố trận cưỡng chế vườn nhà ông Vươn. Nghe đâu cuộc cưỡng chế này có nhiều khuất tất. Tôi không quan tâm bởi loại chuyện này ở xứ mình nó nhiều như... tôm cá dưới đầm của ông Vươn.
Chỉ "may" cho những nơi khác, nó không bùng nổ thành sự kiện như Tiên Lãng. Thành ra Bộ Tài nguyên và Môi trường vào giám sát, Ủy ban Mặt trận và Hội Nông dân cũng vào, nhiều luật sư và cả nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên tiếng là rất bình thường. Bây giờ Thủ tướng Chính phủ lại có kế hoạch trực tiếp ngồi chủ trì xử lý vụ việc. Thế là chuyện đúng sai của chính quyền Tiên Lãng chắc chắn được đặt lên bàn cân công lý.
Đó là sự sòng phẳng và minh bạch cần thiết của luật pháp.
Thế nhưng, trong câu chuyện này tôi lại rất chú ý một tình tiết thuộc phạm trù đạo đức xã hội. Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 17 tháng 01 năm 2012) đưa tin PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý của Bộ NN-PTNT đã đã đề nghị thành lập quỹ giúp đỡ gia đình kỹ sư Đoàn Văn Vươn. Ý tưởng này ngay lập tức được tiếp sóng.
Nhiều nhà khoa học, nhiều nhân sỹ trí thức và nhiều người lao động bình thường khắp trong Nam ngoài Bắc, ở trong nước và ngoài nước đã bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với điều không may mắn của gia đình ông Vươn. Từ bên Pháp, Giáo sư Nguyễn Văn Thuật đang giảng dạy ở Đại học Paris 10 cũng đã thể hiện quan điểm cá nhân về vấn đề này (báo Giáo dục Việt Nam ngày 04/02/2012).
Tôi cứ băn khoăn tại sao một kẻ đã có hành vi dùng cả súng đạn để phản kháng lại chính quyền của nhân dân lại được tấm lòng bao dung của nhân dân che chở?
Nhiều người trong và ngoài nước đã bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với điều không may mắn của gia đình ông Vươn. Đi tìm lời giải mới thấy lòng tốt của nhân dân đã được trao không nhầm.
Đầm thủy sản của gia đình ông Vươn là thành quả lao động cật lực mấy chục năm trời của cả nhà ông. Có ai đã quai đê lấn biển mới thấm hết cái lao động nhọc nhằn, cực khổ. đắp 10 khối đất thì sóng đánh tan 9 khối là chuyện ...thường ngày. Đau đớn hơn, con đẻ và cháu ruột của ông Vươn đã phải gửi xác lại cho đầm.
Công lao của cha con ông Vươn đã làm nên con đập dài gần hai cây số và cả một rừng cây chắn sóng mênh mông. Công lao của cha con ông Vươn cũng đã đem lại công ăn việc làm và góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân vùng Cống Rộc. Đúng ra những việc làm của ông Vươn đáng được gọi là phi thường.
Nói rất hay, làm quá tệ?Thế nhưng, điều trớ trêu lại ở chỗ bát cơm đong đầy mồ hôi nước mắt của kẻ thảo dân lại bị chính nhà chức trách... hất đổ. Nhiều người đặt câu hỏi với tôi: Giá như ông Vươn là thân tộc của quan chức Tiên Lãng thì có ai dám ra lệnh san phẳng ngôi nhà hai tầng đó của ông Vươn không ? Chua chát thật.
Một gia đình Tết nhất cận kề, bốn người vào vòng lao lý, nhà mất, khối tài sản hàng tỷ đồng hóa ... trắng tay. Có nỗi đau nào đau, và tuyệt vọng hơn thế? Trong khi đó, chính quyền huyện và xã không hề động viên thăm hỏi. Ta nói rất hay, chính quyền là cha mẹ của dân. Nhưng làm thì lại quá tệ. Không thể hiểu nổi tại sao những nhà chức trách Tiên Lãng lại nhẫn tâm và vô cảm đến vậy.Thành ra câu chuyện những nhà khoa học lên tiếng đề nghị lập quỹ và dư luận xã hội ủng hộ giúp đỡ gia đình ông Vươn là rất hợp với đạo lý, rất thuận lòng người. Dân là gốc của chính quyền, một khi gốc bị chính nhà chức trách nhổ đi thì không khác gì chính quyền đã đi làm cái việc tự sát. Nghĩ thật sâu xa thì đó là cách phản ứng rất dữ dội và khốc liệt của công luận với chính quyền Tiên Lãng.
Tôi đoán khi anh em nhà ông Vươn tàng trữ súng đạn chuẩn bị cho cuộc "tử thủ" với chính quyền thì có lẽ họ đã bàn bạc rất nhiều. Và có lẽ anh em nhà ông Vươn đã quá bức xúc khi thành quả mồ hôi xương máu của nhà ông có nguy cơ mất trắng, mất oan uổng và quá bất công. Bởi nguyên lý đơn giản của cuộc sống là trên đời này không ai chịu nhẫn nhục để bát cơm manh áo của mình làm ra bị kẻ khác hất đổ.
Trong cái không hay lại có cái hay. Câu chuyện nhà ông Vươn ở Tiên Lãng vì thế lại trở thành bài học rất đáng giá cho tất cả những nhà chức trách của các chính quyền địa phương.