Cố vấn Lý Quang Diệu: Chỉ có Mỹ mới kiềm chế được Trung QuốcThứ ba, 19/7/2011 14:23 GMT+7(Tamnhin.net) - Thực lực kinh tế và quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc là mối lo ngại của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng. Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng chỉ có Mỹ mới kiềm chế nổi Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.Hải quân Trung Quốc "diễu võ, giương oai" Trong cuộc hội thảo “Tương lai của Châu Á” tổ chức cuối tháng 5/2011 tại Tokyo với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo và chính khách các nước, Cố vấn cao cấp Lý Quang Diệu nói: “Hiện nay thế lực của Trung Quốc đang tăng lên, làm các nước khu vực tỏ ra lo ngại. Nếu cộng Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, thậm chí cộng thêm cả Đài Loan và Ấn Độ cũng không đủ sức đối phó với Trung Quốc. Trung Quốc hiện quá lớn, nên chỉ có Mỹ với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh mẽ mới có thể kiềm chế được Trung Quốc”.
Các nước láng giềng - kể cả Nhật Bản và Nga - đều lo ngại về tình trạng ngày càng bành trướng của Trung Quốc. Một khi thực lực kinh tế quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng lên, việc bành trướng ra ngoài là không thể tránh khỏi vì Trung Quốc muốn có một lực lượng hải, lục, không quân lớn mạnh tương xứng với thực lực kinh tế. Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu cũng cho rằng trong tương lai khá dài, Trung Quốc chưa đủ thực lực thách thức Mỹ cả về kinh tế lẫn quân sự và khoa học kỹ thuật. Vì vậy, Mỹ là nước duy nhất có khả năng kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Bởi vậy sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là vấn đề nhạy cảm và vô cùng quan trọng.
Tờ “Thời báo Eo biển” của Singapore ngày 14/7 đưa tin trong cuộc hội thảo quốc tế mang tên “Diễn đàn toàn cầu đánh giá Trung Quốc” tổ chức tại Singapore, Cựu Thủ tướng hiện là Cố vấn cấp cao Singapore Lý Quang Diệu nói: “Nếu giữ được ổn định trong nước, Trung Quốc có thể duy trì mức tăng trưởng bình quân từ 9% tới 11%/năm. Như vậy, trong 10 năm tới, GDP của Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ và trong vòng 20 năm tới có thể vượt Mỹ. Sự phát triển mạnh mẽ này của Trung Quốc khó có thể ngăn cản, ngay cả Mỹ”.
Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu cho rằng mặc dù GDP rất lớn, nhưng do Trung Quốc có tới 1,3 tỉ dân, nên GDP bình quân đầu người vẫn rất thấp. Hơn nữa, mô thức lãnh đạo của Trung Quốc cần phải thay đổi để thích ứng với thời đại. Ông Lý nói so với Trung Quốc, ngoài những ưu thế về kinh tế, quân sự, văn hóa và khoa học kỹ thuật, người Mỹ có ngôn ngữ thông dụng là tiếng Anh và có khả năng thu hút rất nhiều nhân tài trên thế giới. Mặc dù người Hoa chiếm tới 80% dân số Singapore, nhưng giá như trước đây chọn Hán ngữ mà không chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, thì Singapore đã không thể phát triển được như ngày nay.
Với tiêu đề “Thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc trong dân chúng Nga đang ngày càng phổ biến”, tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc ngày 16/7 đưa tin Cơ quan “Quỹ dư luận xã hội” của Nga thường tổ chức thăm dò dư luận xã hội trong dân chúng về chủ đề “Những nước đang đe dọa Liên bang Nga”. Kết quả thăm dò dư luận năm 2000 cho thấy 21% người được hỏi cho là Mỹ, xếp thứ nhất. Tiếp đó là Afghanistan với 13%, thứ ba là Trung Quốc với 8%.
Nhưng kết quả công bố ngày 15/7/2011 cho thấy 26% người được hỏi cho rằng “Mỹ là nước đe dọa chủ yếu từ bên ngoài”; 13% người được hỏi cho rằng “Trung Quốc là nước đe dọa trực tiếp chủ yếu” đối với nước Nga và sau đó là Grudia 5%.
Trả lời phỏng vấn báo “Russian News”, Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong chính trị toàn cầu” Lukoyannov ngày 15/7 cho rằng sở dĩ có sự thay đổi lớn về “Trung Quốc là mối đe dọa chủ yếu trực tiếp” đối với Nga là do:
Một là, thực lực tổng thể, nhất là thực lực quân sự đang tăng lên, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa đối với Nga, nhất là đối với vùng Viễn Đông. Người dân vùng Viễn Đông của Nga cho rằng Trung Quốc hùng mạnh đang là mối đe dọa đối với an ninh và chủ quyền lãnh thổ của Nga.
Hai là người dân Nga đã chứng kiến những biểu hiện và hành vi của Trung Quốc thời gian qua đối với các nước láng giềng xung quanh. Bởi vậy, người Nga cũng lo ngại về mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Kiều Tỉnh