Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Đám cưới… đám cười!

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Đám cưới… đám cười! Empty
Bài gửiTiêu đề: Đám cưới… đám cười!   Đám cưới… đám cười! EmptyFri Mar 16, 2012 11:42 pm

Đám cưới… đám cười!

Bài đăng trên Tuần VietNamNet 16/03/2012 09:00:00 AM (GMT+7)

Hiện tượng Trưởng giả học làm sang, hay sự tranh luận quyết liệt xung quanh phương pháp diễn giảng của một TS, xét cho cùng, đều liên quan đến chữ học của xã hội này. Giáo dục Việt Nam dứt khoát phải thay đổi. Nếu không, tương lai vẫn cứ là tụt hậu. Dù hiện tại đã là…hậu so với nhiều nước văn minh.

Có vẻ như, ngay cả khi những đám cưới khủng của gia đình các nữ đại gia người Việt đã hạ màn, thì dư âm trong xã hội vẫn tiếp tục. Từ nhà tỷ phú chỉ lo "sinh nở" lợi nhuận, đến các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa chỉ lo "sinh nở" tác phẩm, dưới cái nhìn đa chiều.

Hiện tượng đám cưới khủng không còn là sản phẩm của riêng gia đình đại gia. Nó mang những yếu tố của một thời cuộc, một xã hội tiểu nông đang dịch chuyển với những khóc cười, buồn vui của thời hội nhập nhiều cơ hội và không ít bất trắc.

Nụ cười... bất nhẫn

TS Alan Phan, tỷ phú người Mỹ gốc Việt, trong cuộc trả lời báo chí gần đây đã nhận xét một cách rất tinh, rằng doanh nhân Á Châu, trong đó có người Việt gặp phải một vấn đề là sĩ diện, có lẽ vì mặc cảm: "Đại gia Việt Nam đa số mới giàu lên..., nên thích khoe".

Sĩ diện, chính là mặt bên kia của tâm lý mặc cảm nghèo hèn. Càng mặc cảm, tự ti về thân phận, và cái "phông" văn hóa hạn chế, con người ta khi giầu có càng thích phô trương, đến mức người đời gọi là lố, là trọc phú.

Đó còn là đặc điểm chung của con người. Mô-li-e, tác giả nổi tiếng nền hài kịch cổ điển Pháp đã phải viết vở Trưởng giả học làm sang điển hình và bất hủ, để đời cho nhân loại. Nhưng liệu có nhiều người hiểu một cách sâu sắc và thâm thúy, rằng đằng sau chữ hài là chữ bi, đằng sau nụ cười, rất có thể là nước mắt?

Sĩ diện cũng là đặc điểm của người Việt chúng ta, nhất là của tầng lớp người mới phất trong xã hội tiểu nông, một xã hội vừa trải qua thời bao cấp khốn khó, nghèo khổ, rất trọng hư danh, hình thức, trọng thành tích đến độ đổ... bệnh. Và gắn với xã hội đó như hình bóng là nền giáo dục hư học (chữ của GS Hoàng Tụy).

Mô- li- e không ngờ rằng, vài thế kỷ sau, Trưởng giả học làm sang của ông vẫn được không ít đại gia người Việt tự nguyện... hóa thân. Nhưng khác với sân khấu Pháp cổ điển, xã hội Việt Nam hiện đại bất bình, chê trách những nhân vật trung tâm dấn thân vào "vở bi hài" này. Chẳng phải vì ganh tỵ, mà vì hoài nghi về "tài năng" làm giàu của họ.

Các chuyên gia tâm lý rất logic khi cho rằng, thông thường, nếu đồng tiền kiếm bằng mồ hôi, trí tuệ và sự nỗ lực, con người ta rất tính toán, chi li. Chỉ có là tiền bẩn, hoặc bất minh, người ta mới dễ dàng vứt qua cửa sổ.

Đám cưới… đám cười! 20120315173204_20120315103522_3
Đám cưới con trai đại gia Nguyễn Thị Liễu

Cũng chả phải vô lý khi trong xã hội ta một thời, chữ "buôn" kèm theo chữ "lậu" ám chỉ dân kinh doanh. Không lậu, hoặc phi pháp bằng đủ kiểu, đủ cách, đố giàu nứt đố đổ vách?

Nay xã hội hiện đại, khái niệm doanh nhân, rồi đại gia xuất hiện. Vai trò doanh nhân được đề cao. Chữ đại gia và vị thế đại gia- được ngưỡng mộ lắm, nhất là giới chân dài. Nhưng có nhiều đại gia, giàu có từ đâu, thì không ai biết... Đó là điều bí mật. Cũng là điều bất bình thường.

Trong khi nhìn ra các nước, sự giàu có của các tỷ phú rất rõ ràng, minh bạch. Có tỷ phú về phần mềm, có tỷ phú kinh doanh và sáng chế máy tính, có tỷ phú dầu lửa, có tỷ phú xe hơi, có tỷ phú về đầu tư và quản trị tài chính...

Còn ở ta, nói như nhà văn Nguyên Ngọc, người ta bất bình về việc người có tiền không biết từ đâu ra và xa xỉ một cách kỳ lạ, trong khi đó không chứng minh được là do tài năng mà họ làm ra.

Hay đó cũng là một thứ "tài năng" khác của các đại gia Việt?

Thứ "tài năng" tù mù, sự giầu có tù mù đó, suy cho cùng, tồn tại được cũng bởi những kẽ hở của luật pháp và quản lý xã hội.

Bởi: Không ở đâu người ta tiêu tiền mặt mà tiêu hàng tỷ như ở Việt Nam cả. Quản lý đồng tiền như vậy thì không thể nào biết được nguồn gốc đồng tiền của họ từ đâu ra, và nó di chuyển như thế nào không ai biết... (Nguyên Ngọc)

Mới đây, 14/3/2012, VietNamNet đưa tin: "Một quan chức cấp tỉnh, mua liền một lúc... 5 biệt thự Hà Nội". Ôi trời! Đọc mà không tin được đó là... sự thật! (ý thơ Giang Nam)

Chợt nhớ tới bài viết: "Nếu chỉ hô hào, tham nhũng vẫn mỉm cười" của ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (Pháp luật TPHCM, ngày 11/3/2012). Vị cựu Chánh án TANDTC phải kêu lên: Nếu chỉ hô hào quyết tâm mà không hành động, không có biện pháp thiết thực thì tham nhũng lại "mỉm cười" chế nhạo.

Tham nhũng "mỉm cười" chế nhạo, thì dân... khóc. Đó là nụ cười bất nhẫn, vô luân!

Và nụ cười... "hề"

Không biết năm Rồng này, TS Lê Thẩm Dương (Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP HCM) có ngôi sao gì chiếu, chứ đúng là những ngày này, ông đang bị "vạ miệng".

Dư luận các trang mạng xã hội bỗng khẩu chiến quyết liệt xung quanh "khẩu ngữ" của ông, tại một lớp giảng cho các học viên có trình độ thạc sĩ về quản trị kinh doanh thuộc Viện Quản trị Kinh doanh FSB (Đại học FPT) tổ chức.

Một hiện tượng lạ: Sự phản đối, và bênh vực của người nghe, người xem ông giảng (hay nói chuyện) gần như ngang nhau - bên tám lạng, phía nửa cân.

Cứ một ý kiến phản ứng, chê trách TS Lê Thẩm Dương, lại có một ý kiến bênh vực, khen ngợi.

Cứ một í kiến vạch rõ sự dở, lại có một í kiến biện minh là hay.

Cứ một ý kiến chê giảng viên nói tục, lại có ý kiến khen thế mới... dễ hiểu.

Thật bất phân thắng bại.

Còn trên Facebook có hẳn một nhóm lấy tên: Hội những người phát cuồng về TS Lê Thẩm Dương. Đủ biết TS Lê Thẩm Dương cũng đã thành công trong việc gây "ấn tượng", như cách ông phân trần với phóng viên ViêtNamNet, ngày 12/3/2012 (TS "văng tục": Tôi được đặt hàng nói chuyện ấn tượng).

Để hiểu tường tận, người viết bài trực tiếp xem clip của TS Lê Thẩm Dương.

Đám cưới… đám cười! 20120316102641_ts-le-tham-duong-ban-doc-giaoduc.net.vn6
TS Lê Thẩm Dương

Nói thật, đã phải cười khùng khục trước màn hình.

Cái ấn tượng đầu tiên mà TS Lê Thẩm Dương gây cho người xem, là nó... tếu quá. Từ động tác giơ tay, ngoéo chân, kết hợp lời nói lên bổng xuống trầm cố tình rất "diễn", ông hệt một vai hài trên chiếu chèo sân đình vùng quê Bắc bộ. Thỉnh thoảng tiếng cười người nghe lại rộ lên, khiến người "diễn" càng phấn khích.

Và cứ vài đoạn về quản trị kinh doanh, lại thấy lồng một câu chuyện "cù" người nghe. Dĩ nhiên, toàn chuyện yêu đương, chăn gối đàn ông đàn bà. Nhưng điều bất ngờ là những câu chuyện tếu đó, được đệm thêm câu văng tục cửa miệng "mẹ" (?)

Quả là ngôn từ và cách diễn giảng của TS Lê Thẩm Dương quá khác biệt với cái sự khô khan, đạo mạo phổ biến.

Có cảm giác, như TS đang ... chém gió tại một quán nhậu lẩu thập cẩm! Dân dã, buồn cười và có cả sự... tào lao. Không rõ, các học viên có trình độ thạc sĩ tiếp thu bài giảng đến độ nào, nhưng rõ ràng cách giảng của TS Lê Thẩm Dương là không giống ai.

Xin được trích lại nguyên văn một đoạn: Các chú xây nhà xong bắt đầu thuê thầy phong thủy về, bắt đầu xây cái bùng binh, xây hòn non bộ ấy... Không phải phong thủy đâu, mẹ, chú gian lắm. Chú xây cái chỗ này để nếu có gì con vợ nó , có chỗ mà chạy, mà chạy vòng tròn thì biết thằng nào đuổi thằng nào. Xong đến cơ quan, mẹ, bắt đầu chém gió: Công nhận lúc đàn bà nó sợ, nó chạy lẹ thiệt ông ạ. Ngày hôm qua tôi điên tôi đuổi con vợ mà tôi mãi mới được...

Về việc tồn đọng bất động sản, các chung cư cao cấp không bán được, ông so sánh: "Gái hoa hậu, gái đẹp ấy, nó y chung cư cao cấp ấy. Cho nên gái đẹp rất khó lấy chồng vì thằng nào cũng thích nhưng lượng sức chắc chưa đến lượt mình, cho nên cô đơn lắm đừng có tưởng đẹp mà ngon đâu.

Cái thứ hai là cái con xấu như Thị Nở cả đời không lấy chồng được cho nên cái nhà giẻ rách khó bán lắm. Cái nhà từ 800 đến tỉ hai dễ bán lắm á. Cho nên gái mà cứ tầm trung trung đắt hàng lắm..."


Còn đây là một đoạn ở một clip khác, ông giảng cho sinh viên cũng về quản trị kinh doanh, giải thích về chữ cốt trong khái niệm "căn cốt": Cốt của em này là cốt chim sẻ, thì em chỉ làm được chủ hiệu tạp hóa. Cốt của em kia, là cốt đại bàng, thì em mới làm được chủ tập đoàn...

Lại thấy tiếng sinh viên cười rộ lên....

Đương nhiên, cách ví von rất ngộ, rất "thời thượng", xen chút kiến thức về tướng số, tử vi, khiến sinh viên thấy vui, lạ, và cũng nhớ lâu câu chuyện. Không khí sôi động, không buồn tẻ và buồn ngủ... Bỗng nhớ tới câu, ông khẳng định với phóng viên VietNamNet một cách đầy tự tin: Nếu bạn nghe từ đầu đến cuối, bạn sẽ mê tôi nói liền!

Thế nhưng có nhiều người mê, thì cũng có nhiều người tỉnh. Có nhiều người khen, thì cũng có nhiều người chê. Họ quan sát, lắng nghe cách giảng của ông với con mắt và cái nhìn tỉnh táo, có ghi nhận, công nhận và có phê phán.

Bởi giáo dục là mở mang, dẫn dắt, là đào tạo, nên nó đòi hỏi sự chuẩn mực. Thậm chí, có vị quan chức ngành giáo dục còn dọa xử lý, kỷ luật. Vì vậy, TS Lê Thẩm Dương như đang chạy giữa hai làn đạn... miệng!

Nhưng cái hiện tượng người ta bênh vực cách diễn giảng của ông cũng rất quyết liệt, nói điều gì?

Người học đã thực sự chán ngắt cái cung cách giảng dạy buồn ngủ, truyền thụ thụ động lâu nay của nền giáo dục thủ cựu. Nói như một bạn đọc: Có nhiều thầy giáo giảng bài như... ru ngủ học sinh, chẳng lẽ như vậy mới là có đạo đức?

Họ, từ em bé tiểu học đến sinh viên đến trường, háo hức đối diện với kiến thức, nhưng dần dà, họ quay lưng với bài giảng khô khan, với cách dạy sáo mòn, tẻ nhạt. Đó chính là nỗi thất vọng của họ, và cũng là thất bại của một nền giáo dục.

Bởi thế, mà nhiều người hào hứng với cách diễn giảng sinh động, bỗ bã rất đời, gây ấn tượng.

Cho dù cách diễn giảng này cần điều chỉnh, tiết chế ở ngôn từ. Và nhất là không được phép văng tục, dù là chỉ nói chuyện với đối tượng không phải sinh viên, như TS Lê Thẩm Dương tự bào chữa.

Hiện tượng Trưởng giả học làm sang, hay sự tranh luận quyết liệt xung quanh phương pháp diễn giảng của một TS, xét cho cùng, đều liên quan đến chữ học của xã hội này. Giáo dục Việt Nam dứt khoát phải thay đổi. Nếu không, tương lai vẫn cứ là tụt hậu. Dù hiện tại đã là... hậu so với nhiều nước văn minh

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Kỳ Duyên
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
Đám cưới… đám cười!
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Nụ Cười
» Cố Cười
» Ngũ cười
» Yêu và cưới
» Hoa Và Cười

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Đời Sống - Xã Hội-
Chuyển đến 
Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất