Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Nghĩ về bản lĩnh ông cha ta

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Nghĩ về bản lĩnh ông cha ta Empty
Bài gửiTiêu đề: Nghĩ về bản lĩnh ông cha ta   Nghĩ về bản lĩnh ông cha ta EmptyTue Jul 05, 2011 12:33 am

Nghĩ về bản lĩnh ông cha ta

(02/07/2011)

Kết nối hiện tại với những tọa độ có sức âm vang lịch sử sẽ góp phần nung nấu, giục giã ý thức dân tộc - điểm nhạy cảm nhất trong tâm tư tình cảm người Việt Nam ta. Sẽ đánh mất một động lực cực lớn nếu không thấy rõ điều ấy để biết cách nuôi dưỡng, phát huy chứ không để cho mai một đi . Vì vậy, gợi lại bản lĩnh của ông cha là để tiếp sức cho hiện tại.

Nghĩ về bản lĩnh ông cha ta 2011_157_4_anh1
Ải Chi Lăng - một địa danh lịch sử

Cần nhớ rằng, lịch sử là sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực để đi tới một hợp lực. Quần chúng nhân dân - những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có - chính là nhân tố quyết định tạo nên hợp lực đó. Trong "Những người khốn khổ”, V. Hugo từng viết những lời cháy bỏng : "Hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ thấy chân lý”. Đây là suy ngẫm của một bộ óc thiên tài về chân lý của cuộc sống. Đại văn hào Pháp giải thích về chân lý đó bằng hình ảnh : "cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành pha lê” .

Để hiểu hơn chân lý đó, cần thấy rằng tiến hóa là một quá trình liên tục làm tăng thêm độ phức tạp toàn thể của hệ thống, bằng việc làm nảy sinh thêm nhiều yếu tố mới, nhiều mối tương tác mới, tạo thêm nhiều khả năng xuất hiện những thuộc tính hợp trội mới. Các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có còn là sản phẩm từ dưới lên, chứ không phải chỉ là do từ trên xuống. Biết cách làm bừng nở những nhân tố hợp thành sức mạnh hợp trội ấy thì sẽ tạo ra một xung lực mới. Vì thế mà gợi lại lịch sử là nhằm hiểu sâu hơn những mệnh lệnh của trái tim yêu nước từng đẩy tới những hành động, những sự kiện mà nếu nhìn từ bên ngoài thì chỉ là những biểu hiện đơn lẻ, bình thường, rời rạc. Nhưng, từ những sự kiện lẻ tẻ, rời rạc mang tính tự phát ấy phải thấy được sức mạnh tiềm ẩn kỳ diệu của tinh thần yêu nước và khí phách Việt Nam. Làm phôi pha, thất thoát sức mạnh đó là có tội với dân tộc, với lịch sử.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà câu nói của Trần Bình Trọng "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” * lại được ghi nhận như là một ứng xử tiêu biểu cho khí phách Việt Nam. Không là người chiến thắng, song tuyệt đối không là người chiến bại, ngược lại, với tư thế hiên ngang đối diện với kẻ thù, người ấy đang lấy cái chết làm một đòn tiến công. Có chuyện ấy vì dân tộc này hiểu quá rõ sự thách đố nghiệt ngã trong cái thế "trứng chọi đá” của vị trí địa chiến lược của đất nước bên cạnh người láng giềng khổng lồ. Các triều đại thống trị Trung Hoa từ Tần, Hán cho đến Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh... chưa hề từ bỏ mộng bành trướng về phía nam.

Thì đây, tuy chẳng mong muốn, song vẫn buộc phải trích ra một luận điệu hiếu chiến của một tờ báo Trung Quốc vừa viết ra những lời "gan ruột”: "Hiện nay, Việt Nam là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với an ninh lãnh thổ Trung Quốc, là trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhìn từ góc độ khác cho thấy Việt Nam cũng là đầu mối và trung tâm chiến lược của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Muốn kiểm soát lại Đông Nam Á cần chinh phục Việt Nam. Chinh phục Việt Nam là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất để Trung Quốc mở rộng về phía Nam”. (Báo mạng Trung Quốc ngày 19-6-2011)

Chúng ta hiểu vì sao từ bao đời, ông cha ta thường xuyên răn dạy tinh thần cảnh giác trong mọi ứng xử với "nước lớn”. Phải biết tiến, biết thoái, biết nhu, biết cương nhưng luôn giữ vững khí phách kiên cường, không bao giờ khuất phục. Điều răn ấy không chỉ là những câu ghi vào sử sách, mà còn được tạc vào hình hài núi sông bằng những truyền thuyết, những huyền thoại sống động. 99 ngọn núi ở vùng trung du được giải thích là tượng trưng cho 99 con voi và một tượng trưng cho voi bị chém cụt đầu do quay về hướng khác là một ví dụ! Hoặc câu chuyện về câu đối "Đằng giang tự cổ huyết do hồng!” (Sông Bạch Đằng từ xưa đỏ vì máu) của sứ thần Giang Văn Minh đáp lại thái độ ngạo mạn của Sùng Trinh, vua nhà Minh trong câu "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục!” (Cột đồng xưa giờ đã rêu xanh) là một ví dụ nữa!

Cọc gỗ Bạch Đằng vẫn mãi mãi trụ vững trong khí phách Việt Nam tự bao đời. Nên nhớ rằng, với nhiều giải pháp và sách lược nhằm duy trì mối quan hệ với đế chế Trung Hoa qua các triều đại, kể cả cử người đóng vai thay thế chứ về nguyên tắc thì không một vị vua Việt Nam nào chịu sang triều phục các hoàng đế Trung Hoa cả. Thậm chí khi đã rời bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử dựng chùa, nghiền ngẫm về đạo Phật, mở ra một trường phái Thiền Trúc Lâm, song Trần Nhân Tông vẫn khôn nguôi nỗi lo vận nước.

Nghĩ về bản lĩnh ông cha ta 2011_157_4_anh2
Di tích cọc gỗ trên sông Bạch Đằng

Trong "Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”, Ngô Thời Nhiệm đã có lời bình thâm thúy về chuyện này như sau: "Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo Ngài xuất gia, [nhưng] ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công trong mối vô sự; nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói ra, sợ người dao động, cho nên nhắm được núi Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng nên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô Lượng Đại Thế Chí Bồ Tát...”. Cách giải thích mà có người cho là có phần khiên cưỡng ấy thật ra là nhằm đề cao lòng yêu nước và tinh thần cảnh giác. Cùng với chuyện đó, lịch sử cũng ghi lại hình ảnh của những kẻ muôn đời bị nguyền rủa vì ươn hèn núp bóng ngoại bang như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc: "Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc!”*. Chúng đã "đi vào lịch sử” với những dòng nghiệt ngã như vậy bên cạnh chuyện hiền thần Đỗ Khắc Chung tại trại giặc từng khiến Ô Mã Nhi phải thốt lên: "người này... có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa thể mưu tính được”.* Khi tướng giặc quát: "Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”. Khắc Chung dõng dạc đáp : "Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có”. Nói rồi giơ cánh tay cho xem... [Ô Mã Nhi] sai người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp” (Bản kỷ toàn thư. Quyển V. Kỷ nhà Trần)* Tướng giặc hiểu ra được rằng : khi một nước "còn có người giỏi, [thì] chưa thể mưu tính được”. Mà, để "mưu tính được” thì phải làm cho nước ấy hết người giỏi. Nếu mua chuộc người giỏi không được thì phải tìm cách trừ khử đi! "Sai người đuổi theo” chính là để thực hiện toan tính ấy.

Ở sát cạnh một quốc gia khổng lồ, nhân dân Việt Nam luôn muốn sống hòa hiếu với nhân dân Trung Quốc anh em. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, chỉ giữ được hòa hiếu khi có đủ thực lực. Không ai cho không sự hòa hiếu. Nguyễn Trãi vì muốn "sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh” phải mười năm chiến đấu "Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn”, với những "Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lân trúc phá tro bay”. Thế nên mới có "Hội thề Đông Quan”, mở lối về cho quân xâm lược, "Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền ra đến bể chưa thôi trống ngực, Vương Thông, Mã Anh, phát cho nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi” [Cáo Bình Ngô] **. Từ lịch sử, chúng ta hiểu sâu hơn về hiện tại.

Có lẽ cũng phải nhắc lại đây vài sự kiện. Trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh 20 năm sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, ông De Gaulle, Tổng thống Pháp, viết rằng "Giá như có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau Đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay”. Đáng tiếc là lịch sử không có chuyện giá như. Có lẽ vì thế mà năm 1993 cũng một Tổng thống Pháp khác, ông F. Mitterand, đã đến tận Điện Biên Phủ và tuyên bố rằng: "Cuộc chiến tranh đó đối với tôi mãi mãi là một sai lầm”. Vào đầu tháng 12 năm 2009 tại Hà Nội, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhắc lại chuyện "Sáu mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Roosevelt đã muốn hai nước Việt-Mỹ thật sự là bạn. Quá trình này đã có những bước gập ghềnh.”.

"Gập ghềnh” là vì cái gì? Vì cái logic nghiệt ngã của kẻ mạnh muốn áp đặt ý chí của mình lên số phận của những dân tộc yếu thế hơn. Vì thế mà Hồ Chí Minh dặn : "Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Thực lực phải được tạo ra bằng cách nào? Lịch sử của dân tộc với những bài học nghiệt ngã đã trả lời cho câu hỏi đó.

Ở thế kỷ XIII khi mà vó ngựa ngoại xâm của đế quốc Nguyên-Mông từng xéo nát nhiều vùng lãnh thổ từ Á sang Âu khiến không thể không có những dao động trong ý chí của nhà vua - người đứng đầu trăm họ. Cho nên phải cần đến thái độ điềm tĩnh của Trần Thủ Độ: "đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo”*, khí phách kiên cường của Trần Hưng Đạo: "Bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi trước đã!”*; rồi khi quân Nguyên tràn sang lần thứ ba, đã bình thản tâu vua Trần Nhân Tông: "Chuyến này dù quân Nguyên có sang đây, ta phá cũng dễ hơn phen trước, xin bệ hạ đừng lo”**, cũng là người từng nhắc nhở vua Trần Anh Tông: "lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả”**.

Vững tin vào sức sống mãnh liệt của dân tộc, biết khởi động và phát huy lên đến đỉnh cao ý chí quật cường và tinh thần yêu nước trong mỗi một người Việt Nam sẽ tạo ra được thực lực để chiến thắng mọi kẻ thù, đấy chính là bản lĩnh của ông cha ta, bản lĩnh Việt Nam. Không được phép làm suy yếu bản lĩnh được tôi luyện, trui rèn bằng mồ hôi, nước mắt và máu của bao thế hệ Việt Nam trong sự nghiệp vẻ vang dựng nước và giữ nước.

Đó chính là "thượng sách giữ nước” như lời dạy của Đức Thánh Trần.

GS. Tương Lai

* Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Tập II. NXBKHXH. Hà Nội 1988, , tr.81,tr. 55, tr.53, tr..54, tr. 28 (theo thứ tự trước sau của câu trích dẫn trong bài).

** Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim. NXBTPHCM.2000, tập I, tr. 158, tr. 173.
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
Nghĩ về bản lĩnh ông cha ta
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Nghĩ Linh Tinh
» Nghĩ Linh Tinh
» Nhiều nghị sĩ Anh kiến nghị tình hình Biển Đông
» Nhóm nghị sĩ Mỹ đề xuất nghị quyết về Biển Đông
» Nghị sĩ Mỹ đề xuất nghị quyết về bảo vệ sông Mekong

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Biển Đông dậy sóng !-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất