Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò Empty
Bài gửiTiêu đề: Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò   Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò EmptyMon Jun 27, 2011 7:35 am

Từ biển Giao Chỉ đến “đường lưỡi bò”

27/06/2011 - 00:02

LTS: Bao năm qua, một luồng quan điểm lớn ở Trung Quốc đã cố tình gây ra sự hiểu nhầm khi lợi dụng tên gọi biển Nam Trung Hoa (do người phương Tây gọi) để phán rằng biển của Trung Quốc bao chiếm gần như toàn bộ biển Đông.

Thế nhưng sự thật khoa học cho thấy danh xưng biển Nam Trung Hoa (chỉ biển Đông) mà Trung Quốc lợi dụng để gây ra sự hiểu nhầm ấy chưa thấy xuất hiện ở những bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ từ hàng trăm năm trước.


Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về vấn đề trên.

Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích: Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng chỉ người và nước Việt Nam xưa. Thời Hùng Vương, Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang… Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX.

Người Trung Quốc không gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa

Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.

Năm 1842, tác giả người Trung Hoa - Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn.

Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò 3-chot

Bản đồ 1, nước Giao Chỉ với Giao Chỉ dương, trích từ bộ Võ bị chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.

Rõ ràng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam).

Việt Nam thực thi liên tục chủ quyền của mình

Như chúng ta biết, ít nhất từ đầu thế kỷ XVII Việt Nam đã thi hành chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa biển Đông một cách chính thức, liên tục và không hề thấy một quốc gia hay dân tộc nào đến khiếu nại hay tranh giành. Từ khi chiếm nước ta làm thuộc địa, Pháp đã nhân danh Việt Nam thi hành chủ quyền ấy đúng công pháp quốc tế. Pháp đã xây dựng hai trạm khí tượng theo hệ thống quốc tế trên đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa.

Năm 1947, chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra yêu sách về chủ quyền biển Đông theo “đường lưỡi bò gồm 11 khúc đứt đoạn”. Năm 1949, chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng yêu cầu tương tự nhưng không quyết liệt, quốc tế coi như làm ngơ. Ngày 14-10-1950, tại Hội nghị ký hòa ước San Francisco (Liên Hiệp Quốc), Thủ tướng Trần Văn Hữu của chính quyền Bảo Đại do Pháp bảo trợ đã tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”…

Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò 3-box

Bản đồ 3, An Nam quốc với biển Đông Nam hải, trích Hải quốc đồ chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

Những bước leo thang trên biển Đông

Ngày 15-1-1974, Trung Quốc đem quân đến đánh chiếm các đảo Hoàng Sa. Dưới thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trung Quốc đem thủy quân hùng hậu đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988).

Ngày 21-2-1992, Trung Quốc ra quy định biển Đông thuộc lãnh hải tỉnh Hải Nam, theo bản đồ với những “đường cắt khúc chín đoạn” chiếm hầu hết biển Đông, thâu tóm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã chính thức trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ “đường lưỡi bò” vào năm 2009. Việt Nam và các nước liên quan đã phản đối sự phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế của “đường lưỡi bò” này.

Mấy tháng gần đầy, Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên biển Đông, xâm phạm vào cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Gần đây nhất, Trung Quốc có hành động ngang ngược là gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí hay các chương trình nghiên cứu khác về biển. Những hành vi gây hấn này được Trung Quốc tiến hành trong phạm vi “đường lưỡi bò”, mặc dù đường ranh giới này vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Phải khẳng định rằng những hành vi của Trung Quốc là sai trái, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm trắng trợn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc gọi tên biển Nam Trung Hoa không có nghĩa đó là biển của Trung Quốc và Trung Quốc có quyền thực thi chủ quyền xâm phạm cả vào vùng biển của các nước khác được xác lập theo đúng Công ước quốc tế về luật biển 1982.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò Empty
Bài gửiTiêu đề: Vì sao biển Đông lại thành biển Trung Hoa?   Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò EmptySun Jul 03, 2011 3:36 pm

Vì sao biển Đông lại thành biển Trung Hoa?

Trong bài viết “Từ biển Giao Chỉ đến “đường lưỡi bò” (Pháp Luật TP.HCM ngày 27-6), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chỉ ra rõ, các bản đồ cổ của chính những người Trung Quốc vẽ từ thời xưa đều ghi rõ biển Đông là Giao Chỉ dương, Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải.

Từ đây, một vấn đề khác đặt ra là: biển Đông từ tên gọi Giao Chỉ dương (thế kỷ XV), vì sao lại bị người phương Tây ghi nhầm là biển Nam Trung Hoa (hay biển Trung Hoa) như hiện nay? Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết tiếp theo của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu để lý giải cho câu hỏi trên.

Từ thời thượng cổ đến thế kỷ XV, người ta tưởng rằng địa cầu chỉ có ba châu lục: châu Âu, châu Á và châu Phi. Có lẽ khởi đầu là nhà địa lý Ptoléméo (người Hy Lạp) đã vẽ ra bản đồ thế giới gồm ba châu lục kéo dài từ Nam cực đến Bắc cực và từ Đông phương sang Tây phương, chiếm phần lớn diện tích địa cầu, diện tích đại dương không còn bao nhiêu. Các nhà địa lý và bản đồ học Tây phương cứ theo mẫu đó mà hoàn thiện dần.

Nhiều sai nhầm thuở sơ khai

Năm 1492, Christophe Colomb (còn gọi là Kha Luân Bố, người Tây Ban Nha) tin theo bản đồ đương thời, tưởng rằng cho thuyền vượt Đại Tây Dương một hành trình không xa thì sẽ tới Ấn Độ. Nên khi tới châu lục tân thế giới (châu Mỹ), ông tin liền đây là Ấn Độ và gọi thổ dân nơi đây là người Ấn Độ (indien, Indian). Danh xưng sai nhầm này còn tồn tại mãi đến nay.

Năm 1497, Vasco de Gama (1469-1524), người Bồ Đào Nha, đã chỉ huy một đội thương thuyền hùng hậu lần đầu tiên phát kiến đường hàng hải sang Ấn Độ bằng cách đi vòng qua Phi châu qua mũi Hảo Vọng rồi ngược lên và rẽ sang phải theo duyên hải Ấn Độ Dương. Ngày 20-5-1498, đoàn thuyền Vasco de Gama mới tới ngoài thành Calicút, sau hơn 10 tháng gian nan, lênh đênh trên biển cả. (1)

Dù sao địa danh Ấn Độ cũng rất tiêu biểu và hấp dẫn dưới thời cổ đại và trung cổ: Kha Luân Bố theo hướng tây đi tìm, hóa ra phát kiến châu Mỹ và Vasco de Gama theo hướng đông đi tìm, phát kiến cả phần Đông Á văn minh từ ngàn xưa và cư dân đông đúc nhất thiên hạ.

Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò 4336042024-chot

Bản đồ thế giới (cụm lục địa) do Henricus Matellus Germanus vẽ năm 1489.
(Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu) Ảnh: MINH CƯỜNG


Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò 13894554914-box

Bản đồ bán đảo Ấn Độ bên ngoài sông Hằng (do Vô Danh vẽ) thế kỷ XVII, in tại Amsterdam, ghi chú bằng Pháp ngữ.
(Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu) Ảnh:MINH CƯỜNG

Vào thế kỷ XVI, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha theo đường biển đi lên phía bắc qua duyên hải Việt Nam thăm dò Trung Hoa rồi Nhật. Họ chiếm lãnh Macau của Trung Hoa và đặt thương điếm lớn nhất tại đó năm 1557. Đến đâu họ cũng điều tra kinh tế và vẽ bản đồ theo khoa học cho đúng kinh độ và vĩ độ (2).

Bản đồ bán đảo Đông Dương được vẽ đúng với thực tế để đính chính lại phần Đông Nam Á đã vẽ theo tưởng tượng sai nhầm ở các bản đồ phổ biến trước đó suốt nhiều năm. (Xin so sánh phần địa lý ấy của hai bản đồ đính kèm). Bán đảo này được gọi là bán đảo Ấn Độ ở bên ngoài sông Hằng (Presqu’ile de l’Inde delà le Gange). Vì thế hầu hết bản đồ Tây phương suốt ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII đều ghi địa danh phần này là Đông Ấn Độ (India Orientalis). Tất nhiên không có chỗ nào ghi là biển Trung Hoa (Mer de Chine).

Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

Cũng vào thời ấy, giữa bờ biển nước ta và quần đảo Paracel (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa), các bản đồ thường ghi là vịnh Giao Chỉ gần Trung Hoa (Golfe de la Cochinchine). Địa danh Cochinchine nguyên là tên hai nước Giao Chỉ (Cochin) và nước Tần (Chine), viết theo Hán tự. Người Tây phương đọc âm hơi khác rồi ghi bằng chữ latin: Giao Chỉ (tức Việt Nam) thành Cauchy, Cochi, Cochin; còn Tần thành ghi là T’sin, Cin, Chine hay China. Nước Cochin (Giao Chỉ) trùng tên một thị trấn Cochin ở Ấn Độ nên người Bồ Đào Nha ghi CochinChina (Giao Chỉ gần nước Tần-China) cho dễ phân biệt. Cochin là chủ từ, China là túc từ. China thành tên nước Trung Hoa.

Từ năm 1525, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Diogo Ribeiro đã phát hiện quần đảo Pracel rất lớn (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) nằm ở giữa biển Đông. Ông xác định quần đảo này thuộc chủ quyền Cochin (Giao Chỉ) nên ghi bờ biển Pracel (Costa da Pracel) ở duyên hải Quảng Ngãi ngày nay (3).

Đến thế kỷ XIX, người ta mới thấy rõ khối quần đảo Paracel (là những hòn đảo nhỏ nằm rải rác từ Bắc xuống Nam. Ở Bắc gọi là quần đảo Paracel (Hoàng Sa), ở Nam gọi là quần đảo Spratly (Trường Sa). Biển Đông bao quanh quần đảo ấy không còn là biển Cochinchina mà ghi sai nhầm là biển China (China Sea, tức lấy túc từ mà bỏ chủ từ). Đến thế kỷ XX, địa danh biển Trung Hoa trở thành phổ biến.

Có lẽ phần nào từ sự sai nhầm ấy mà Trung Quốc khẳng định biển Giao Chỉ hay biển Đông là biển của mình kể cả các quần đảo trong biển ấy nữa. Giữa thế kỷ XX, Trung Hoa Dân Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch) đã đưa ra “đường lưỡi bò” để đòi quyền làm chủ 80% biển Đông. Rồi sau đó là đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kéo dài sự hiểu nhầm này, gần nhất là vào năm 2009, họ đã tiếp tục trình lên Liên Hiệp Quốc phần lãnh hải của mình với đường chữ U vô lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Sự ghi nhầm địa danh gây ra thật nhiều tai hại và sẽ còn phức tạp hơn nếu sự hiểu nhầm ấy còn kéo dài nữa.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

(1), (2), (3), P.Y Manguin, Les Potugais sur les côtes du VietNam et du Campa, BEFEO, Paris, 1972 (lần lượt, trang 28, 39, 47)
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò Empty
Bài gửiTiêu đề: Bệnh hoài cổ và lý sự của đường lưỡi bò   Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò EmptyTue Jul 05, 2011 9:35 am

Bệnh hoài cổ và lý sự của "đường lưỡi bò"

Tác giả: Khắc Giang

Nói về cái lý "nhắc đến tên tôi có nghĩa là của tôi" của Trung Quốc, một bình luận của độc giả trên tờ Economist mỉa mai: "Biển Nam Trung Hoa nên nó là của Trung Hoa? Vậy là Ấn Độ Dương sẽ thuộc về Ấn Độ? Nếu đó là thật, có lẽ các quốc gia khác cũng nên nghiêm túc xem xét việc thay đổi quốc danh... Về phần Trung Quốc, có lẽ họ sẽ muốn đổi tên nước thành "Thái Bình Dương."

Từ biển Giao Chỉ tới đường lưỡi bò


Mông Cổ có chủ quyền không thể tranh cãi với các lãnh thổ từ biển Hoàng Hải ở Đông Á cho đến Châu Âu. Nơi nào đã từng in vó ngựa thảo nguyên, đã từng có tên trên bản đồ của đế chế Mông Cổ từ thế kỉ XII-XIII đều thuộc nước Mông Cổ hiện nay. Con cháu của Thành Cát Tư Hãn hoàn toàn có thể tuyên bố như vậy nếu sự ngộ nhận về biển Đông của Trung Quốc dựa trên "lịch sử" là đúng.

Biển Đông, được Trung Quốc gọi là Nam Hải, không thực sự xuất hiện nhiều trong cả đời sống văn hóa và chính trị của nước này trong một thời gian dài. Dễ thấy trong cả văn học và lịch sử Trung Hoa, chúng ta chỉ thường hay bắt gặp cái tên Đông Hải, vùng biển phía đông Trung Hoa lục địa, hơn là vùng biển phía nam vốn được coi là "hoang sơ "này.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đối với Biển Đông, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam).

Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.

Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò Bando_1309779099
Nước Giao Chỉ với Giao Chỉ dương, trích từ bộ Võ bị chí.
(Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

Năm 1842, tác giả người Trung Hoa - Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn. Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.

Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò Bando1_1309779080
An Nam quốc với biển Đông Nam hải, trích Hải quốc đồ chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu).

Vậy bằng cách nào và từ khi nào đã xuất hiện đường chữ U đứt khúc (hay "đường lưỡi bò" theo cách gọi phổ biện ở Việt Nam) để Trung Quốc vin vào đó khẳng định chủ quyền đối với 3/4 diện tích Biển Đông?

Tại hội thảo về an ninh Biển Đông do CSIS tổ chức ở Washington D.C trung tuần tháng 6, lần đầu tiên một học giả Trung Quốc đã phải chính thức thừa nhận đường chữ U đứt khúc ("Đường lưỡi bò" theo cách gọi phổ biến ở Việt Nam) là sự thừa kế từ giai đoạn Tưởng Giới Thạch cầm quyền.
Theo Giáo sư Tô Hạo, xuất phát từ "sáng kiến" của một người Trung Quốc vào năm 1930, năm 1947 Tưởng Giới Thạch đã cho vẽ thành bản đồ, nhưng chỉ lưu hành trong nước mà chưa có tuyên bố quốc tế. Nhưng đến 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, nhà cầm quyền mới tại Trung Hoa lục địa lại in thành sách và mang dạy cho trẻ con.

"Bằng chứng lịch sử...rõ ràng?"

Chính quyền Trung Quốc cho rằng họ có những chứng cứ lịch sử "rõ ràng" để khẳng định chủ quyền trên biển Đông: đó là việc người Trung Hoa trong 2.000 năm qua với lực lượng hải quân hùng mạnh, đã đi lại tấp nập trên biển Đông từ Hải Nam cho đến tận Indonesia.

Ngư dân Trung Quốc cũng coi vùng này là nơi đánh bắt hải sản truyền thống, và những ai không tin vào các bằng chứng trên thì có thể nhìn vào những "di tích" tìm thấy trên các đảo thuộc vùng tranh chấp, gồm cả xương cốt của những người Trung Hoa từng đặt chân lên đây.

Thế nên, dù trong cả 2.000 năm lịch sử đó chưa có vua chúa Trung Hoa nào tuyên bố biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của họ, thì vùng biển này vẫn nghiễm nhiên là lãnh thổ của Trung Quốc.

Khoan chưa nói đến đến bao nhiêu phần trăm số di tích tìm thấy trên đảo kia là "đồ xịn", thật là khó để thuyết phục bất kì ai rằng chừng đó là đủ để khẳng định chủ quyền lãnh hải cho một quốc gia. Điều này được chấp nhận thì chả khác nào coi những đống xương ở gò Đống Đa cũng là căn cứ xác định chủ quyền.

Quan điểm về những cuộc thám hiểm và buôn bán của thương nhân và hải quân người Hoa trên biển Đông lại càng mơ hồ hơn. Nếu "bằng chứng lịch sử" là đúng, người Anh có lẽ bây giờ là bá chủ của nhân loại, khi tàu thuyền của họ đi lại tấp nập trên khắp các vùng biển trên thế giới vào thời kỳ hưng thịnh nhất của thực dân Anh, trong đó có cả vùng biển Đông Hải của Trung Quốc.

Lý sự của cái tên

Tên gọi quốc tế được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay của biển Đông là biển Nam Trung Hoa (South China Sea). Đó đơn giản chỉ là tên gọi của những người châu Âu giao thương với Trung Quốc qua con đường biển Đông vào thời cận đại, hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt chủ quyền.
Và trong bài viết mới đây nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã lý giải rất rõ ràng vì sao từ biển Cochinchina (Giao Chỉ gần Trung Hoa), người phương Tây đã ghi sai nhầm là biển China.

Tuy vậy, nhiều người Trung Quốc vẫn lầm tưởng rằng cái tên Nam Trung Hoa đồng nghĩa với việc biển Đông là chủ quyền của Trung Hoa. Trong các bài viết của China Daily, tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Trung Quốc, tên gọi biển Nam Trung Hoa nhiều khi còn được dùng là " vùng biển phía Nam của Trung Quốc" (China's South Sea).

Sự "lầm tưởng" này mang lại những tác hại vô cùng nghiêm trọng: một mặt kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trong chính người dân Trung Quốc, một mặt cũng khiến cho tiếng nói của các quốc gia ASEAN có tranh chấp trên biển Đông cũng bị yếu thế hơn trong truyền thông quốc tế.

Chẳng thế mà trong đầu tháng 6 vừa qua, Philippines vừa tuyên bố sẽ gọi biển Đông là biển "Tây Philippines" (East Philippines Sea), thay vì tên biển Nam Trung Hoa mà họ vẫn thường sử dụng. Thậm chí có một số ý kiến cho rằng nên đổi hẳn tên quốc tế của biển Đông là biển Đông Nam Á (South East Asia Sea) để xóa hẳn sự mập mờ trong tên gọi này.

Nói về cái lý "nhắc đến tên tôi có nghĩa là của tôi" của Trung Quốc, một bình luận của độc giả trên tờ Economist mỉa mai: "Biển Nam Trung Hoa nên nó là của Trung Hoa? Vậy là Ấn Độ Dương sẽ thuộc về Ấn Độ? Nếu đó là thật, có lẽ các quốc gia khác cũng nên nghiêm túc xem xét việc thay đổi quốc danh... Về phần Trung Quốc, có lẽ họ sẽ muốn đổi tên nước thành "Thái Bình Dương."
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
Sponsored content





Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò   Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Từ biển Giao Chỉ đến đường lưỡi bò
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Đoàn kết ASEAN để cắt đứt đường lưỡi bò
» Philippines phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc
» Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông
» Bộ Ngoại giao chủ trì báo cáo về tình hình biển Đông
» Biển Đông: công thức 4K. nguyên tắc 4T

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Biển Đông dậy sóng !-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất