Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Học Toán

Go down 
2 posters
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Học Toán Empty
Bài gửiTiêu đề: Học Toán   Học Toán EmptySun Nov 22, 2009 11:11 pm

Học Toán 2331074834_e9c7fda501
.
Học Toán

- Bọn mày đã đứa nào giải được bài này chưa? Tao thấy hay nhưng khó ghê.
Việt Gian vừa nói vừa chạy xộc từ hành lang vào phòng tôi, tay giơ cao quyển vở bài tập toán. Mấy đứa phòng tôi im như thóc, vẫn cắm cúi trên những cái hòm hay valy được dùng làm bàn học. Mới chân ướt chân ráo nhập trường được gần tháng, chúng tôi hầu như bó tay trước đám bài tập toán hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm và cực kỳ hiểm hóc. Đôi khi Minh Mồm cũng giải được một hai bài nhưng rất mất thời gian và cách giải thì chưa thể gọi là hay được.
- Đưa xem bài nào nào?
Thành Bừu đang nằm khểnh đọc một cuốn sách dày, với tay ra hỏi. Giường nó ở tầng hai nên cái tay dài khòng của nó đưa ra vừa đúng tầm và Việt Gian chỉ cần đặt quyển vở vào tay nó. Nó liếc qua quyển vở rồi đặt lại ngay tay Việt Gian còn chưa kịp thu về.
- Bài 3 thầy Hùng chứ gì? Iaglôm, bài 27?
Việt Gian chẳng nói gì, tiu nghỉu ra về. Thành Bừu lại tiếp tục công việc đọc sách tiêu khiển lúc nãy của mình. Sau cơn sửng sốt, chúng tôi lại trở về vật lộn với mấy bài toán, trong đó có cả cái "bài 3 thầy Hùng" ấy.
Thành Bừu đã nhiều lần làm chúng tôi kinh hoàng như vậy rồi. Kể từ hôm nhập trường, "Iaglôm" là từ thứ ba nó dạy chúng tôi theo cách đó, hai từ kia là "Kvant" và "Matematika". Tôi lặng lẽ lần giở quyển từ điển Nga Việt cũ kỹ, dày cộp, xuất bản từ năm sáu mấy ra tra đi tra lại, chẳng thấy từ Iaglôm nào cả. Dốt thì phải học thôi, bụng bảo dạ, tôi rón rén đến cạnh giường Thành Bừu, lễ phép và rụt rè như đến cạnh một thánh nhân:
- Thành à, mày có Iaglôm...
- Iaglôm hả, đây - Không để tôi nói hết câu, nó nhổm phắt dậy, với một thứ gì ở cuối giường, giúi vào tay tôi, nhanh y như lúc nó trả lời Việt Gian - cầm về mà xem.
Tôi chưa kịp nhận ra mình đang cầm cái gì thì nó đã lại nằm xuống, tiếp tục đọc sách. À, thì ra là một cuốn sách. Nhưng sách gì thế này? Truyện Đông Ki Sốt hay sao mà in hình hiệp sỹ cưỡi ngựa? Sợ nó nhầm, tôi lại rụt rè:
- Này, Iaglôm cơ mà.
Nó liếc tôi, mắt hơi trợn lên, như nhìn một sinh vật lạ:
- Thì đây thôi - Ngón tay nó chỉ ngay vào hai chữ Iaglôm to tướng trên bìa.
Tôi chẳng dám quấy rầy công việc tiêu khiển của "thánh nhân" thêm nữa, cun cút cầm sách về giường. Đó là quyển sách toán tiếng Nga nghiêm chỉnh đầu tiên mà tôi biết. Sau gần tiếng đồng hồ vật lộn với tra từ điển và đoán mò, tôi cũng hiểu được lời giải của cái "bài 3 thầy Hùng". Đó là những ấn tượng đầu tiên của tôi về Thành Bừu, một quái kiệt nếu không nói là quái nhất về toán của Ao khoá 13.
Tôi có cảm giác Thành Bừu không bao giờ nháp khi giải toán. Nó cầm đề bài, im lìm đọc một hồi lâu. Nhìn nó đọc cũng lạ, mắt cứ trân trân, bất động như không hề lướt theo từng dòng chữ, mà là chụp ảnh cả trang giấy vậy. Đọc xong, nó đặt quyển vở sang một bên, ngồi thừ ra vài giây, sau đó lại bất ngờ vớ lấy quyển vở, lại đọc - chụp ảnh, lại ngồi thừ ra. Có bài nó làm thế một lần, có bài vài lần, sau đó nó quên luôn quyển vở, nhảy phắt xuống đất, đi đi, lại lại, có lúc đi qua cả cửa, ra hẳn ngoài hành lang một lúc rồi lại vào. Thỉnh thoảng, nó phẩy tay, thỉnh thoảng nó lắc hay gật đầu, miệng lẩm nhẩm gì đó không thành tiếng. Khi nào nó nói rõ thành tiếng "được" hoặc "hay" là lúc nó xong một bài. Nó leo lên giường, hý hoáy viết một thôi một hồi. Nó cứ làm liền tù tỳ như thế, hết bài nọ đến bài kia, kết thúc tất cả bằng một câu "xong" cụt lủn. Xong hết các bài tập, bao giờ nó cũng tiêu khiển bằng cách sang phòng bên và oang oang bình luận về các lời giải, làm như tất cả mọi người đều đã giải xong, nhanh và hay như nó vậy. Đôi khi nó không nói gì về toán mà lại nói về các văn nghệ sỹ nổi tiếng hay các nhà lãnh đạo chính phủ, toàn những chuyện mà đám dân tỉnh lẻ chúng tôi chỉ biết há hốc mồm ra mà nuốt lấy từng lời.
Về sau, chúng tôi cũng quen dần và không còn "sợ" Thành Bừu như sợ một ông thánh nữa. Tuy nhiên, đối với tôi, Thành Bừu luôn luôn là người giải toán nhanh nhất, nhanh như máy, nhiều nhất và có những lời giải ngắn gọn, đặc sắc nhất.
*
* *
Vừa bước vào lớp, chưa đặt xong chiếc cặp da màu vàng, sờn rách, không khóa lên bàn, thày Hùng đã nói:
- Các em chép đề bài vào vở - và thày đọc luôn một mạch - tìm số chính phương có bốn chữ số, hai chữ số đầu giống nhau, hai chữ số cuối giống nhau. Hết.
Lúc ấy thầy mới ngồi xuống ghế. Thầy Hùng người nhỏ, thấp, gày, hay ra cho chúng tôi những bài toán khó và quái dị, cách giải thì lại còn quái dị hơn. Thầy thích kiểm tra nóng bằng một bài toán nhỏ, xinh xắn, ngay lúc đầu giờ. Nhiều hôm, thầy cũng dùng ngay bài toán đầu giờ đó để dẫn dắt bài giảng về cả một phương pháp toán học. Hôm nay cũng lại là một bài toán như thế.
- Thưa thầy em xong ạ!
Chúng tôi trố mắt quay nhìn: Hải Nô giơ tay. Lạ thật, không phải là Thành Bừu mà là Hải Nô. Chúng tôi thậm chí còn chưa chép xong đề bài. Thầy Hùng cũng có vẻ thoáng ngạc nhiên:
- Em cứ bình tĩnh kiểm tra kỹ lời giải đi. Đợi các bạn khác giải đã.
Một lúc sau, trong chúng tôi cũng đã vài đứa có lời giải. Thày Hùng quay sang Hải Nô:
- Đáp số của em là bao nhiêu?
- Dạ... 7744 ạ.
- Có còn số nào khác thoả mãn nữa không?
Một thoáng khoảng hai, ba giây do dự trên mặt Hải Nô nhưng sau đó hắn dứt khoát ngay:
- Dạ, thưa thầy, chỉ có một số duy nhất ạ.
- Em nói cách giải!
- Dạ, em ... nhẩm ạ.
- Nhẩm cách nào?
Lần này thì thày Hùng ngạc nhiên thật sự. Tất cả chúng tôi đang chăm chú theo dõi cuộc đối thoại cũng thế.
Hải Nô nói luôn một mạch, tiếng hơi giật giật như bị lắp nhưng mạch lạc:
- Thưa thầy, số chính phương có bốn chữ số phải là bình phương của các số từ 32 đến 99. Em bình phương lần lượt từ 32 đến 99 thì chỉ thấy có 88 bình phương bằng 7744 là thoả mãn đề bài.
- Đúng - thầy Hùng nói, vẻ không phấn khởi lắm. Chắc thầy trông đợi một cách giải có liên quan với phương pháp thầy sắp giảng nhưng cái cách giải quái dị của Hải Nô đã làm thầy thất vọng. Tuy nhiên, hôm ấy, Hải Nô vẫn được điểm 10 toán 15 phút.
Đó là lần đầu tiên tôi biết khả năng tính nhẩm siêu việt của Hải Nô một cách chính thức. Trước đó, thi thoảng tôi cũng được thấy Hải Nô tính nhẩm nhanh, nhưng cũng chưa thuyết phục lắm. Đối với tôi, toán học luôn luôn là một khoa học của sự cẩn thận, nghiêm túc và tôi không bao giờ sử dụng tính nhẩm trong toán học cả.
Đến lần thứ hai, khi trực tiếp phải sử dụng khả năng tính nhẩm của Hải Nô thì tôi mới tâm phục, khẩu phục thật sự. Cho tới nay, Hải Nô vẫn giữ kỷ lục tính nhẩm nhanh nhất trong số những người tôi đã được trực tiếp chứng kiến trên đời. Không những nhanh mà còn nhanh đến quải gở.
*
* *
Số là hồi đó, tôi làm lớp phó phụ trách đời sống, tức là làm cái giao diện trung gian giữa học sinh trong lớp với nhà bếp. Hằng ngày tôi phải báo cho nhà bếp tổng số suất ăn của lớp, hằng tháng tôi phải cùng với nhà bếp thực hiện công việc thanh quyết toán chính sách chế độ cho mỗi học sinh. Chính sách chế độ ở đây gồm chủ yếu hai thứ: gạo và tiền.
Mỗi tháng, nhà nước cho mỗi học sinh Ao một lượng gạo và tiền cố định. Gạo để nhà bếp nấu cơm cho ăn, tiền để mua bánh mỳ sáng và thức ăn cho các bữa cơm. Mỗi người đều có những cách sử dụng gạo và tiền của mình theo các kiểu ít nhiều khác nhau. Trong một tháng, có người không ăn vài ba bữa, có người có phụ huynh lên chơi, lại báo thêm vài ba bữa. Có người cắt không ăn bánh mỳ sáng để dành tiền đi ăn phở, ăn xôi hay mua sách, có người lại báo hai suất bánh mỳ sáng để ăn thêm. Ngoài ra, vào những ngày lễ, kỷ niệm lớn, các khẩu phần ăn lại được tăng thêm, ngon hơn so với ngày thường.
Kết thúc một tháng, tôi có trách nhiệm tính toán thanh toán với nhà bếp, sau đó lại tính toán thanh toán với từng học sinh: ai thừa, được trả lại, ai thiếu phải nộp thêm. Đương nhiên, chúng tôi không nhận hoặc nộp gạo cho nhà bếp. Nền kinh tế bao cấp vĩ đại sử dụng một thứ giấy tờ đặc biệt thay thế gạo: tem. Đối với chúng tôi, điều ấy cũng không đáng quan tâm lắm vì tem có thể đổi sang tiền và tiền, đến lượt nó, lại có thể đổi sang phở, thứ văn thơ lãng mạn nhất, thứ toán học siêu phàm nhất đối với cái dạ dày của chúng tôi.
Công việc lớp phó đời sống cũng chẳng có gì khó khăn. Mỗi tháng, tôi dùng một tờ giấy phê đúp mở to toàn khổ, kẻ một cái bảng gồm các cột: họ và tên, các ngày trong tháng, kết thúc bằng cột thừa hay thiếu, tem hay tiền và một cột ghi chú. Các ngày trong tháng kết hợp với cột họ và tên, tạo nên một mạng lưới ô vuông, nơi tôi dùng dấu chữ thập và dấu tròn để "chấm cơm" cho từng người hằng ngày.
Thoạt đầu, tôi tiến hành thanh quyết toán theo từng tháng và công việc rất trôi chảy. Sau vì lười, tôi hay để dồn cục lại: hai, ba tháng mới thanh toán một lần. Cái kiểu dồn cục vào thanh toán ấy hóa ra lại hay, ai cũng chấp nhận. Tôi thì dĩ nhiên rồi, hai, ba tháng mới phải bỏ ra một lần cộng cộng, trừ trừ, thu thu, chia chia. Nhà bếp thì đỡ phải lắt nhắt tính toán với bọn Ao. Những đứa thừa tiền thì được nhận một cục nhiều tiền tiêu cho ra tấm ra món. Bọn thiếu tiền, ngược lại, không phải trả ngay những món nợ chồng chất. Ngoài ra, nếu để lâu, các món nợ dần được bù trừ với các khoản thừa, nên ai cũng sẽ được nhận một món kha khá vào lúc thanh toán để chi tiêu. Việc dồn cục lại thanh toán ấy dần trở thành cái lệ thông thường, chẳng ai nói gì, nếu như không có một lần...
Lần ấy vì lười, tôi để dồn cục đến bốn, năm tháng không thanh toán. Nhà bếp cũng giục giã hai, ba lần mà tôi cứ chây ỳ, không chịu làm. Trong lớp đã có những phản ứng rõ rệt: mọi người bắt đầu cảm thấy cần có tiền tiêu và giục tôi làm thanh toán. Vì đã tích tụ khá lâu cho nên tất cả mọi người đều ở dạng được nhận tem, tiền, dù ít, dù nhiều. Không biết chính xác nhưng ước chừng thì ai cũng rõ mình sẽ được nhận bao nhiêu khi thanh toán. Tuy nhiên, biết tính tôi, càng giục càng chây, nên chẳng ai dám giục giã nhiều.
Cuối cùng, tôi chẳng thể chây ỳ được mãi vì một buổi chiều, sau giờ nghỉ trưa, có một cái lệnh phát ra từ nhà bếp: tôi phải lên nhà A, gặp Phòng Kế toán, Tài vụ để giải quyết. Cả lũ thấy tôi đi thì khấp khởi mừng thầm vì tin chắc tôi sẽ mang tem, tiền về. Khi thấy dáng tôi thất thểu từ nhà A trở về như kẻ thất trận thì tất cả đều ào ra:
- Sao?
- Sao lại không có gì thế?
Tôi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng vào phòng, kéo theo cả lũ cun cút đi sau. Gặp chiếc giường đầu tiên, tôi nằm vật xuống, hai chân buông thõng dưới đất, hai tay dang ngang, mắt nhìn trân trân lên dát giường trên. Tất cả xúm quanh, đứa ngồi, đứa đứng, có đứa ngồi bệt cả xuống sàn nhà, nhìn tôi, đợi câu trả lời. Sau một khoảng im lặng khá dài như để lấy sức, tôi buông một câu làm cả bọn sững người:
- Tao cũng chẳng biết làm thế nào nữa. Phòng Tài vụ ra lệnh: sáng mai phải thanh toán hết, nếu không sẽ hết hạn.
- Hết hạn là thế nào?
- Là đếch được tem, đếch được tiền nữa chứ sao.
- Thế mày đã tính toán được mấy tháng rồi?
- Chưa tính được tháng nào cả.
Một sự im lặng khủng khiếp bao trùm cả phòng. Phòng tôi là phòng ngoài, thường được dùng cho việc tụ bạ vì rất thuận tiện, nay đã hội tụ hầu như đầy đủ bọn con trai, vậy mà tịnh không một tiếng động.
Dũng Cơ phá tan bầu không khí tang tóc:
- Thì đưa bọn tao tính cho.
- Nhưng tồn đọng đến bốn, năm tháng.
- Thì chia ra, mỗi nhóm tính một tháng, xong mày chỉ phải kiểm tra rồi tổng hợp lại.
- Mấy con tính chỉ có cộng trừ nhân chia thì có chó gì? Chẳng nhẽ dân chuyên toán lại không làm nổi trong vòng tối nay?
Thế là cả phòng lại sôi động hẳn lên, thậm chí còn có vẻ vui là khác. Tất cả nhanh chóng chia thành bốn, năm nhóm. Mỗi nhóm chiếm cứ một giường để làm việc. Chẳng cần có ai chỉ huy, chẳng cần có ai sắp xếp, chẳng cần bàn bạc gì nhiều, tất cả đều nhanh như điện, ngồi vào vị trí, giấy bút sẵn sàng. Tôi chia cho mỗi nhóm một tờ giấy "Nam Tào" chứa các số liệu "ăn uống" của một tháng rồi hướng dẫn chúng cách tính.
Quả thật, dân chuyên toán có khác, chỉ trong vòng mươi, mưòi lăm phút, mỗi nhóm đã báo tính được xong cho hai, ba người. Tuy nhiên, tôi là thằng rất cẩn thận, hơn nữa, tôi biết cái sự oái oăm, lắt nhắt của việc tính toán này. Một bài toán khó, đẹp đẽ, cân đối thì dân chuyên toán có thể làm ngon, làm chính xác, nhưng một dãy tính cộng trừ lắt nhắt, phức tạp thì chưa biết đâu mà lường. Tôi lần lượt đi kiểm tra kết quả ban đầu của các nhóm. Chúng tính đa phần đều rất đúng, nhưng kiểu gì cũng có một chỗ sai. Ấy là do sự biến động bất thường của việc ăn uống: tự nhiên có thằng ốm, báo cháo hay tự nhiên có ngày lễ, mức ăn tăng lên khác thường chẳng hạn.
Để giải quyết được vấn đề này, chỉ có hai cách: một là cứ để cho các nhóm tính, sau đó tôi kiểm tra, rồi tính lại, sửa chữa các biến động. Cách này chẳng thể khả thi vì để biết chỗ nào tính sai, tôi hầu như phải tính lại tất cả, có khác gì một mình tôi tính. Hai là tôi trực tiếp theo dõi và hướng dẫn cách tính cho từng lần tính, cách này thì chỉ có một nhóm hoạt động được vì tôi không thể phân thân ra hướng dẫn cho nhiều nhóm, và như thế cũng tương đương với việc một mình tôi tính.
- Thôi, dừng cả lại. Tính kiểu này không được rồi.
- Sao lại không?
Tôi giải thích những suy nghĩ đó của tôi cho các nhóm. Tất cả há hốc mồm, ngơ ngác, buông hết giấy bút. Lần này là một sự im lặng bất lực chứ không phải chỉ là buồn bã như lần trước. Chao ôi, để có những đồng tiền đẹp đẽ có thể đổi ra phở, để có những con tem xinh xắn có thể đổi ra xôi, sao mà khó khăn đến vậy? Chẳng lẽ đến sáng mai, khi hết hạn thanh toán, tất cả đều chỉ là con số không tròn trĩnh? Không phở, không xôi, không khoai, không sắn. Ai cũng biết đây là lỗi do tôi, nhưng chẳng có lời trách móc nào cả. Một là chúng quá rõ tôi biết lỗi lầm của mình, hai là nỗi mất mát quá lớn, làm chẳng ai nỡ nói gì thêm cho đau lòng.
Đúng lúc đó, Hải Nô dắt chiếc xe đạp về, dựa ngoài hành lang, bước vào phòng. Nó sững người nhìn tất cả:
- Có chuyện gì mà như đưa đám cả vậy?
Thỉnh thoảng, sau giờ ăn trưa, Hải Nô hay biến sang nhà máy Xà Phòng, nơi mẹ nó làm việc. Có hôm nó đi bộ, nhưng thường là mượn xe đạp để sang. Đầu tuần nó còn đi luôn xe mẹ nó đến, trưa đi sang trả rồi nhảy tàu điện trở về ký túc xá. Một lần nó rủ tôi đi cùng và tôi được biết nó sang đấy làm gì: có khi là để thỏa mãn thêm cho cái dạ dày vẫn còn lép kẹp sau bữa trưa, có khi là để tắm một cái cho thoải mái. Tắm ở nhà máy rất sướng: nước nôi dồi dào, đỡ phải tắm bằng nước từ cái bể tắm đầy rong rêu, khi đầy khi vơi, khi cạn tới đáy của ký túc xá. Nếu là mùa đông thì còn phải nói, tắm ở nhà máy là thần tiên vì ở đó có nước nóng. Tóm lại, Hải Nô vừa thực hiện một trong hai việc, hoặc cả hai việc, từ xứ sở "thần tiên" trở về.
Câu hỏi vô tư hơi đùa tếu của Hải Nô dường như đổ thêm muối vào những cõi lòng đầy thương tích nên nó bị nhấn chìm trong sự im lặng đáng sợ cho đến khi Dũng Cơ, tức quá, không chịu nổi, gần như thét lên:
- Thì mất cha nó hết cả tem lẫn tiền rồi chứ sao nữa.
- Sao lại mất? Ai mất? Mất nhiều không?
Sợ cứ đà ông chẳng bà chuộc này có thể dẫn đến xô xát, tôi nhảy ra kể hết sự tình cho Hải Nô nghe. Rất nhiều lần, những giải thích dễ hiểu, có tình có lý của tôi đã ngăn được nhiều trận đánh nhau "huynh đệ tương tàn".
Nghe xong, Hải Nô cười khì, lòng khòng lê dép về giường, vứt cái túi hay quyển sách gì đó vào valy, đóng sập lại, rồi mới nói:
- Có khó gì... Mang tất cả lại đây cho tao.
Âm tiết "gì" được Hải Nô kéo dài, như câu hỏi, nhưng đầy vẻ châm biếm và coi thường.
- Mang tất cả cái gì - Tôi bực bội hỏi lại.
- Thì mang tất cả các thứ cần tính toán lại đây chứ còn gì nữa.
Tôi, và cả bọn, sực nhớ tới tài tính nhẩm của Hải Nô. Tuy chẳng tin tưởng lắm nhưng tôi cũng lặng lẽ thu dọn đám giấy tờ đã phát cho các nhóm còn nằm rải rác trên mấy cái giường. Biết làm sao bây giờ, đành phải tin vào Hải Nô thôi. Ít ra, Hải Nô có thể giải quyết được hai vấn đề: một là nó tính rất nhanh và chính xác, hai là tôi chỉ cần ngồi kết hợp với một mình nó để giải quyết những chi tiết bất thường.
Tôi và Hải Nô chọn một chiếc giường gần cửa ngồi cho sáng sủa để làm việc. Một số đứa lắc đầu bỏ đi, vẻ chán ngán, không tin tưởng. Số khác xúm quanh, theo dõi, vẻ hoài nghi.
Hải Nô cầm đám giấy tờ, xem qua, hỏi tôi vài chi tiết rồi xếp chúng thành một tập. Tôi thấy Thắng Tròn đứng ngay cạnh bèn bảo nó đi lấy giấy bút cho Hải Nô, nhưng Hải Nô nói ngay:
- Cần gì giấy bút - âm "bút" cuối cùng được nó nâng hẳn cao độ và kéo dài ra, đúng giọng Hải Nô.
- Giờ mày ngồi đây - nó chỉ chỗ cho tôi, bên trái nó - tao rê tay theo từng dòng, mỗi dòng là một đứa, đúng không? Mỗi cái ô con con này là một ngày, đúng không? Đánh dấu chữ thập là có ăn, dấu tròn là không ăn, đúng không? Đến ô nào có biến động thì mày đọc luôn cho tao cách tính theo biến động, còn nếu không, thì tự tao tính như bình thường, đúng không?
Hải Nô cứ đúng không, đúng không như thế hỏi tôi liên tiếp nhưng kỳ thực nó chẳng cho tôi trả lời, ý chừng chỉ là giải thích lại cho tôi về cách làm thôi. Tôi ừ hữ, chẳng ra hiểu ý nó, chẳng ra không:
- Ừ, thì đại khái như thế.
- Vậy thì ghi vào - tay Hải Nô đã rê ngón tay hết dòng đầu tiên - thừa bằng này tem, thiếu bằng này tiền.
Tôi trợn mắt nhìn nó:
- Chắc đúng không?
- Đúng. Ghi vào đi.
- Ghi vào nhỡ sai, phải làm lại cả cái bảng này đấy.
- Tao cam đoan không sai. Cứ ghi vào đi. Nếu sai tao chịu trách nhiệm làm lại cả bảng cho mày.
Tôi đành nhắm mắt ghi đại kết quả vào hai ô cuối, bụng bảo dạ: đành vậy thôi, còn có cách gì khác đâu. Nếu sai thì mình lại phải làm chứ chữ Hải Nô bé tý ty lại xấu như gà bới, phòng Tài Vụ sao chấp nhận được. Lúc khác thì tôi có thể cự lại Hải Nô chứ lúc này, nó đang là ông tướng, tôi đành phải nhất nhất nghe theo thôi.
Cứ thế, tôi và Hải Nô làm nhoay nhoáy hết dòng nọ đến dòng kia. Mấy đứa đứng quanh xem, thấy chẳng có gì thú vị nữa, cũng dần tản đi đâu cả. Xong một tháng, tôi bảo Hải Nô:
- Để tao kiểm tra xem sao.
- Việc gì phải kiểm tra. Đã bảo đúng là đúng - nhìn thấy tôi có vẻ không vui, Hải Nô ngả lưng ra giường, mắt lim dim, đấu dịu - Ừ, thì kiểm tra đi, nhưng nhanh lên, sắp đến giờ ăn rồi.
Tôi hì hục tính thử vài dòng chọn ngẫu nhiên, thấy đúng cả, bèn gọi Hải Nô dậy tính tiếp. Những tháng sau thì tôi cũng chẳng buồn kiểm tra nữa, ghi liên tiếp các kết quả do Hải Nô đọc như cái máy. Chỉ hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi đã hoàn thành tất cả mấy tháng tồn đọng, cũng vừa đúng đến giờ ăn tối. Tôi quẳng đám giấy tờ lên cái giường tầng hai của tôi rồi đi ăn, lòng nửa mừng nửa lo.
Đến tối thì tôi nghĩ ra một cách để kiểm tra Hải Nô nhanh chóng mà lại đỡ mệt. Tôi chọn một bảng Hải Nô đã tính rồi, cẩn thận chép lại, để trống phần kết quả, rồi cầm đến bên giường nó:
- Tao quên mất, còn một tháng nữa chưa tính.
- Đưa đây xem nào - Hải Nô bỏ quyển sách đang đọc dở, cầm lấy tờ giấy rồi sau đó lại giục tôi - Ghi vào, tem thừa, tiền thiếu, tiền thừa, tem thiếu...
Cứ thế, chỉ hơn mười phút, tôi đã có trong tay một bảng kết quả mới. Tôi về giường, lặng lẽ so sánh với bảng cũ, thấy cả hai giống nhau y hệt, chẳng sai lấy một chữ số thập phân. Lúc ấy tôi mới yên tâm làm bảng thống kê tất cả để mai báo cáo phòng Tài Vụ. Sau đó, tôi cũng chẳng buồn học nữa, ngủ thiếp đi sau một ngày đầy căng thẳng lo âu.
Sáng hôm sau, tôi xin nghỉ tiết đầu để đi thanh toán. Phòng Tài vụ có một cái máy tính cơ hoạt động theo nguyên lý do Pascal phát minh ra từ mấy trăm năm trước. Trong đời, tôi chỉ được thấy hai cái máy như thế: một cái tôi thấy và hay nghịch từ bé ở văn phòng bố tôi làm việc, tại ủy ban hành chính thành phố Nam Định. Cái thứ hai tôi thấy là ở đây, trong cái phòng Tài Vụ này. Nom nó giống một cái máy chữ, nhưng toàn các phím số thôi. Sau khi gõ đủ số thứ nhất, phải quay rẹt một cái rồi gõ số thứ hai, lại quay rẹt một cái, cuối cùng gõ phép tính và lần rẹt cuối cùng sẽ cho ta kết quả. Các số và kết quả hiện trong các ô nhỏ phía trên, là những cái cửa sổ bé tý, chiếu vào các bánh xe, gắn đủ các chữ số từ 0 đến 9.
Sau khi trình tất cả các bảng kết quả, tôi ngồi chờ và tiêu khiển bằng cách xem chị nhân viên thao tác cái máy tính, đếm những tiếng rẹt rẹt phát ra và hồi hộp ngóng chờ kết quả.
Hải Nô tính rất chính xác, các kết quả hoàn toàn khớp với báo cáo của nhà bếp. Tôi được nhận một tờ giấy để sang thủ quỹ lĩnh tem và tiền. Vì tồn đọng khá lâu nên tôi phải bê về một cục tiền lớn và một cuộn tem to bằng tờ bản đồ Việt Nam cuộn lại.
Từ lúc biết tôi đã lĩnh được tem và tiền về thì các tiết học sau đó trở nên trống rỗng. Đứa nào cũng để đầu óc đi đâu ấy, lơ lơ đãng đãng, như say hơi thuốc lá nhà máy thuốc lá Thăng Long bay sang. Vừa xong tiết học cuối cùng, cả lũ hộ tống tôi, ùa về phòng, háo hức chuẩn bị đón nhận "chiến lợi phẩm" của mấy tháng đợi chờ.
Hỡi ôi, khi tôi lấy sổ sách và đống tem, tiền ra, ngồi chễm chệ trên chiếc giường tầng hai, định bắt đầu phát cho chúng nó thì xuất hiện một khó khăn, suýt nữa ngăn cái niềm vui đang được ngóng chờ ấy lại. Số là do tồn đọng đã lâu, tôi không đủ tiền lẻ và tem lẻ để phát cho từng đứa. Mọi khi, tôi vẫn gom vài đứa vào cho chẵn, rồi trả cả đống tem, tiền tổng cộng cho chúng mang đi, tự chia nhau. Lần này nếu làm như thế, chắc phải đợi tới sáng mai mới có thể phân nhóm ra được.
Thấy cả lũ ngẩn tò te buồn rầu, tôi lại nhờ cậy Hải Nô. Nghe tôi trình bày xong khó khăn, Hải Nô cầm mấy cái bảng, trải rộng ra giường, liếc ngang liếc dọc, lẩm nhẩm như thầy cúng đọc sớ một hồi rồi phán:
- Bọn con gái, tổng cộng bằng này tem, bằng này tiền, thêm thằng này vào nữa là chẵn. Ghi vào rồi xé đi.
Xé ở đây tức là xé những con tem 5 cân ra khỏi cái chiếu tem tôi lĩnh về. Thấy tôi còn ngần ngừ, mấy đứa đứng ngoài sốt ruột, phụ họa:
- Xé đi! Còn nghĩ gì nữa.
Thế là tôi buộc phải nhắm mắt nhắm mũi xé theo chỉ dẫn của Hải Nô, đếm tiền, cuộn tem với tiền cùng với tờ giấy ghi chi tiết để chốc nữa bọn con gái chia nhau.
Cứ thế, Hải Nô liếc ngang, liếc dọc, lựa chọn, gán ghép, tính toán, tôi ghi lại rồi xé, đếm theo lệnh Hải Nô. Chỉ độ nửa tiếng đồng hồ, cả đống tiền và tem được phân chia hết nhẵn. Đi ăn trưa bị muộn mất một chút nhưng đứa nào cũng hỉ hả. Ngay sau bữa trưa, đã có mấy nhóm rủ nhau ra chợ Xanh "chia chác".
Đương nhiên, sau đó, từng đứa một đều cẩn thận tính toán lại phần của mình một cách chi ly. Nhưng tuyệt nhiên, chẳng có ai thắc mắc gì về lần thanh toán lịch sử, có một không hai ấy. Điều đó chứng tỏ Hải Nô đã tính toán hoàn toàn chính xác.
Đó chính là lần tôi thật sự khâm phục tài tính toán nhanh của Hải Nô. Hơn nữa, tài tính toán ấy còn được áp dụng vào thực tế. Bài toán thì cũng chẳng có gì là khó khăn, nhưng giải quyết nó trong một thời gian ngắn, bắt buộc và chính xác thì chỉ có Hải Nô làm được.
Không biết bây giờ Hải Nô còn tính nhanh được như xưa không. Nếu tính nhanh được như xưa, tôi cam đoan, Hải Nô có thể lên chương trình truyền hình "chuyện lạ Việt Nam" và chắc chắn hắn sẽ được ghi danh vào sách "Kỷ lục Việt Nam".

Hà Nội, 3/1/2008
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
Khách vi
Khách viếng thăm
avatar



Học Toán Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Học Toán   Học Toán EmptyThu Nov 26, 2009 6:18 am

TT phục lắm.
Về Đầu Trang Go down
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Học Toán Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Học Toán   Học Toán EmptyThu Nov 26, 2009 7:05 am

ThachThao đã viết:
TT phục lắm.
Hì hì, phục thằng Thành Bừu, Hải Nô hay phục thằng Tuấn Khỉ?
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
Khách vi
Khách viếng thăm
avatar



Học Toán Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Học Toán   Học Toán EmptyFri Nov 27, 2009 10:07 pm

TK đã viết:
ThachThao đã viết:
TT phục lắm.
Hì hì, phục thằng Thành Bừu, Hải Nô hay phục thằng Tuấn Khỉ?
TT phục cả đám. Học Toán 648969
Về Đầu Trang Go down
Lida

Lida


Tổng số bài gửi : 438
Hoạt Động : 720
Join date : 21/11/2009
Age : 104
Đến từ : USA

Học Toán Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Học Toán   Học Toán EmptyFri Nov 27, 2009 10:43 pm

haha còn Lida phục tuấn khỉ vì chỉ có Tuấn Khỉ mới ghi lại cho mọi người biết kết quả thui .Còn làm giỏi mà hổng ai biết thì cũng như không hahahaha
Về Đầu Trang Go down
http://lida.forum-viet.net/
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Học Toán Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Học Toán   Học Toán EmptyFri Nov 27, 2009 10:48 pm

Lida đã viết:
haha còn Lida phục tuấn khỉ vì chỉ có Tuấn Khỉ mới ghi lại cho mọi người biết kết quả thui .Còn làm giỏi mà hổng ai biết thì cũng như không hahahaha
Học Toán 448509 Học Toán 760503 Học Toán 797105
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
Sponsored content





Học Toán Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Học Toán   Học Toán Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Học Toán
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» An Toàn Lao Động
» Bài Toán Kinh Dị
» Tuấn Khỉ Học Toán
» Thầy Dạy Toán
» Toán Học Của Cuộc Sống

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: TK Chính Truyện-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất