Tuti
Tổng số bài gửi : 1217 Hoạt Động : 1721 Join date : 08/11/2009 Đến từ : Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai.
| Tiêu đề: CHẲNG NHẼ ĐỘC QUYỀN CẢ NÓI DỐI HAY SAO? Sat Mar 30, 2013 8:14 am | |
| * GS.TS HOÀNG XUÂN PHÚ Chúng ta đang chứng kiến các cuộc tấn công vào "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992" và những người ghi tên ủng hộ. Chương trình thời sự ngày 20/3/2013 của VTV là một ví dụ điển hình. Nó công bố kết quả "điều tra sự thật" ở Thái Bình và Hà Tĩnh. Ngay trong câu mở đầu, người xem đã có thể nhận ra thái độ của VTV đối với bản kiến nghị đó: "Thưa quý vị và các bạn. Thời gian gần đây, trên một số trang mạng đã xuất hiện cái gọi là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do một nhóm người soạn thảo và sau đó bản kiến nghị này được cho là đã có nhiều người ký tên ủng hộ, trong đó đông nhất là ở Hà Tĩnh và Thái Bình". Nếu phỏng theo phong thái của VTV thì có thể mở đầu bài đáp lễ như sau:
Thưa "cái gọi là" VTV, "cái gọi là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992" không chỉ "xuất hiện trên một số trang mạng", mà đã được một đoàn đại diện gồm 15 người (không đến nỗi vô danh) chính thức trao cho ông Lê Minh Thông, là Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Phó Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vào sáng ngày 4/2/2013 tại Văn phòng Quốc hội, 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội. Đó là một hoạt động công khai, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, hưởng ứng đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đang được tổ chức trên toàn quốc. Sự kiện trao kiến nghị ấy đã được dư luận rất quan tâm và được báo chí "chính thống" đưa tin. Ví dụ như báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và báo Dân trí. Đặc biệt, báo Người lao động đã tường thuật với tiêu đề trang trọng: “Cơ hội tạo sức mạnh dân tộc“. VTV không thể không biết sự kiện ấy, và lẽ ra phải đưa tin để "phản ảnh kịp thời ý kiến đóng góp của nhân dân", như đã viết trong Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thế nhưng, cái "được cho là đài truyền hình quốc gia" và mang tên là "Đài Truyền hình Việt Nam" lại tỏ ra không hay biết, khi đó thì không hề đưa tin, và nay lại nhắc đến một cách miệt thị. Vâng, ta có thể tiếp tục phong thái mỉa mai của VTV cho đến cuối bài. Nhưng thôi, xin chuyển sang lối viết thuần túy xây dựng, với hy vọng giúp họ nhận ra hạn chế của mình mà rút kinh nghiệm, rồi cố gắng học thêm để trưởng thành, xứng đáng với những đồng tiền thuế thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của nhân dân, phải bỏ ra nuôi họ và chi phí cho họ hành nghề. Tất nhiên, phải giả thiết rằng họ thực sự cầu thị và thành tâm muốn học hỏi. Còn nếu ai đó đinh ninh rằng mình đã giỏi và hiểu biết hơn người, thì sự tệ hại của tác phẩm chắc hẳn bám rễ sâu trong tâm hồn tác giả, khi đó khó lòng mà lay chuyển nổi.
Sau đây tôi sẽ dùng đại từ "chư vị" để trao đổi với những ai tham gia tấn công "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992" và những người ghi tên ủng hộ, hay tham gia những chiến dịch tương tự để cản trở tiến trình dân chủ hóa xã hội tại Việt Nam. Tức là không chỉ trao đổi riêng với các vị đã làm chương trình thời sự 20/3/2013 của VTV, cũng không chỉ trao đối với các vị ở tầm biên tập viên hay phóng viên, mà với cả các cấp lãnh đạo của họ.
1. Trước hết, đề nghị chư vị hãy bỏ chút thời gian xem lại nhiều lần đoạn video lưu trữ chương trình thời sự 20/3/2013 của VTV. Hãy nghe thật kỹ ý kiến của cả 5 vị, được VTV lựa chọn để đại diện cho nhân dân Thái Bình. Đó là các ông Nguyễn Văn Luân (Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình), Vũ Ngọc Ngoạn (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình), Quách Thước (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), Vũ Đình Trích (giáo dân xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) và Nguyễn Văn Chính (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Tiền Hải). Chư vị có thấy một bằng chứng bất kỳ nào được họ chưng ra hay không? Hoàn toàn không! Hết thảy 5 ông, cả quan lẫn dân, đều chỉ phát biểu cảm tưởng về một vụ việc mà họ không hề tham dự và không hề trực tiếp chứng kiến. Ví dụ như ông Vũ Đình Trích thì hùng biện thế này:
Có bao nhiêu những người ở Nghệ An, khi hỏi đến họ thì họ không biết gì cả, thế mà họ lại có tên trong cái bản là là là xin là đa nguyên đa đảng. Như vậy đến khi hỏi đến họ thì họ không có biết gì cả, vì đấy là một số người bịa ra chứ không phải là là nhân dân Thái Bình, gần 2 triệu nhân dân Thái Bình không bao giờ như vậy. Đấy chỉ là một nhóm người bịa ra thôi.
Hẳn cộng tác viên của VTV phải có tài đi mây về gió như Tôn Hành Giả. Vừa say sưa vãn cảnh ở Nghệ An, vèo một cái đã lượn trên bầu trời Thái Bình để bao quát tình hình toàn tỉnh. Ông Trích túm lấy cái thông tin đã nghe được (có lẽ từ thời sự VTV) về xứ Nghệ An xa xôi làm bằng chứng, để suy diễn ra tình hình ở tỉnh Thái Bình, nơi mà chính ông đang sinh sống. Và thế là đã đủ cơ sở thực tiễn để vị giáo dân xã Đông Minh hùng hồn kết luận về toàn bộ nhân dân tỉnh Thái Bình: "… đấy là một số người bịa ra chứ không phải là là nhân dân Thái Bình, gần 2 triệu nhân dân Thái Bình không bao giờ như vậy. Đấy chỉ là một nhóm người bịa ra thôi".
Vâng, cả biên tập viên Quang Minh lẫn 5 "nhân chứng" đều không hề đưa ra được một bằng chứng nào cả!!! Bằng chứng thuyết phục không có đã đành, bằng chứng ngụy tạo ngờ nghệch cũng không có nốt! Vậy mà VTV lại dõng dạc tuyên bố như sau:
Cách đây nửa tháng theo điều tra độc lập của báo Đại đoàn kết và tiếp đó là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh thì hầu hết là người nông dân và hơn 100 sinh viên Đại học Hà Tĩnh ký vào cái gọi là Bản kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều là tên giả và không có địa chỉ. Cách đây 2 ngày phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam đã về Thái Bình để tìm hiểu về sự việc này và đã phát hiện ra những bằng chứng về sự ngụy tạo này.
Trích đoạn trên không chỉ thể hiện cách hiểu kỳ quặc của VTV về cái gọi là "bằng chứng", mà còn phản ánh cả phương pháp tác nghiệp của VTV khi tìm kiếm "bằng chứng". Để chứng minh rằng hầu hết những người nông dân và sinh viên ở Hà Tĩnh ký vào bản kiến nghị "đều là tên giả và không có địa chỉ", VTV không cử phóng viên về Hà Tĩnh, mà lại "về Thái Bình để tìm hiểu về sự việc này". Qua đó ta thấy, không chỉ biên tập viên Quang Minh, mà cả những người lãnh đạo ông ta cũng chia sẻ tư duy ở tầm ông nông dân Vũ Đình Trích. Chỉ sáng tạo ngược chiều thôi! Ông Trích thì dùng thông tin nghe được từ phía nam (Nghệ An) để kết luận về tình hình phía bắc (Thái Bình), còn chư vị thì ngược lại, đến phía bắc (Thái Bình) để "tìm hiểu" tình hình phía nam (Hà Tĩnh). Để bổ sung "bằng chứng", VTV phỏng vấn thêm ông Từ Văn Thiện, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, và ông này cũng lập luận tương tự:
Tìm hiểu 12 người mà các trang mạng cho là công chức của ngành y tế Hà Tĩnh thì trong đó chỉ có 2 trong 12 người là thuộc công chức của ngành y tế Hà Tĩnh, còn 10 người là không có địa chỉ cụ thể và cũng không phải là công chức của ngành y tế Hà Tĩnh… Tìm hiểu 13 người trong số ngành công chức giáo dục mà các trang mạng cho là công chức giáo dục Hà Tĩnh thì hầu hết là trùng tên và một tên như vậy có thể trùng với hàng trăm, hàng nghìn người trong ngành, không có địa chỉ cụ thể. Qua những vấn đề đó thì chúng tôi kết luận việc các trang mạng đưa danh sách những người dân Hà Tĩnh ký vào cái kiến nghị tập thể thì đều là giả mạo và ngụy tạo…
Nghĩa là: Chỉ mới điều tra 12 cái tên thuộc ngành y tế và 13 cái tên thuộc ngành giáo dục, trong hoàn cảnh "hầu hết là trùng tên và một tên như vậy có thể trùng với hàng trăm, hàng nghìn người" và "không có địa chỉ cụ thể", thế mà họ đã thấy có đủ cơ sở vững chắc để "kết luận" là "trên dưới 1300 người gồm đầy đủ các thành phần, trong đó những người làm ruộng và nông dân chiếm số đông trên 70%", có tên trong "danh sách những người dân Hà Tĩnh ký vào cái kiến nghị tập thể thì đều là giả mạo và ngụy tạo(?). Những cái tên thông thường, thậm chí là "tên giả", và "không có địa chỉ", chỉ biết là ở tỉnh Thái Bình (có khoảng 1,8 triệu người) và tỉnh Hà Tĩnh (có khoảng 1,2 triệu người). Vậy mà sau một thời gian cực ngắn chư vị đã tìm ra được đương sự, hoặc ít nhất cũng tìm ra địa chỉ, bởi lẽ nếu không tìm được thì không thể biết đó là "tên giả". Vở hài kịch này được thiết kế bởi tầm tư duy nào và cho tầm tư duy nào vậy? Quả thật, không biết chọn từ gì lịch sự hơn là "thảm hại" để chỉ lối tư duy và tác nghiệp đã được chư vị phô diễn. Điều còn phân vân là nguyên nhân: Không hiểu do trình độ quá thấp, nên chư vị không thể tự nhận ra sự ngờ nghệch của bản thân và đồng nghiệp, hay vì chư vị quá coi thường nhân dân, cho rằng chúng tôi ngu ngốc đến mức không thể phân biệt đúng – sai, nên chư vị nói gì cũng tin nấy? Cứ coi như vì quá căm thù những người ủng hộ "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992", nên chư vị mới dựng chuyện để bôi nhọ họ. Nhưng những khán giả truyền hình và bạn đọc chất phác thì tội tình gì, có hiềm khích gì với chư vị, mà lại nỡ lừa họ một cách sống sượng như vậy?
2. Chư vị khó chịu về việc nhiều tên xuất hiện trong danh sách "không có địa chỉ cụ thể" và coi đó là "bằng chứng về sự ngụy tạo". Điều gì sẽ xảy ra với những người dân đen "thấp cổ bé họng", nếu họ khai rõ ràng địa chỉ của mình khi bày tỏ sự ủng hộ đối với một kiến nghị mà nhà cầm quyền rất ghét? Liệu sau đó họ có thể sống yên ổn hay không? Câu trả lời thì ai ai cũng rõ, và chư vị còn biết rõ hơn. Vậy thì tại sao lại đòi hỏi người dân, khi thể hiện chính kiến bất đồng, phải khai đầy đủ địa chỉ của mình? Phải chăng cái lô-gíc của chư vị là thế này: Nếu ngươi không dám công khai địa chỉ ra để cho ta… hành hạ, thì ngươi là đồ hèn? Đòi hỏi người dân như vậy, nhưng chính các tác giả của trước tác mang tên "Sự thật đằng sau bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp trên một số trang mạng: Sự ngụy tạo có chủ đích", đăng trên báo Đại đoàn kết ngày 9/3/2013, lại không dám khai ra tên thật hay bút danh quen thuộc của mình, mà giấu mặt sau cái tít "Nhóm phóng viên Thời sự – Chính trị". Các nhà báo ấy phụng sự chính quyền và được chính quyền bảo vệ, mà còn phải nặc danh. Vậy thì, so với những người dân trần trụi trong chế độ chuyên chính, luôn đứng trước nguy cơ bị trả thù, ai hèn hơn ai? Đừng vội khẳng định rằng nếu người ghi tên ủng hộ kiến nghị không ghi rõ địa chỉ thì không thể chấp nhận được, vì như vậy cũng giống như phủ định giá trị của tác phẩm khi tác giả không công khai địa chỉ. Cuốn tiểu sử nổi tiếng "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" là một ví dụ điển hình. Cuốn sách ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh này là tác phẩm duy nhất mang tên tác giả Trần Dân Tiên, và ông ấy không hề để lại tung tích. Có ý kiến cho rằng Trần Dân Tiên là một bút danh của Hồ Chí Minh, nhưng yếu tố phủ định có thể tìm thấy trong câu sau đây của cuốn tiểu sử:
Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người được?
Khi dựa trên tiên đề về tính khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy ông không thể tự ca ngợi mình là "khiêm tốn nhường ấy". Từ đó suy ra: Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh. Sự vô danh tính của tác giả Trần Dân Tiên không hề cản trở lòng ngưỡng mộ của hàng triệu người đối với tác phẩm, và nó đã được chế độ này trân trọng tái bản rất nhiều lần trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Là những người làm việc trong guồng máy tuyên giáo của ĐCSVN, chắc hẳn chư vị không thể phủ định giá trị của tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", chỉ vì tác giả của nó không để lại địa chỉ. Vậy thì tại sao chư vị lại nỡ phủ định giá trị của các ý kiến ủng hộ "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992", chỉ vì đương sự không công khai địa chỉ, giống như Trần Dân Tiên?
3. Chư vị rất khó chịu về việc xuất hiện "tên giả", và sử dụng điều đó để phủ định giá trị, không chỉ của mấy biểu quyết kèm theo "tên giả", mà của toàn bộ danh sách ủng hộ "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992". Từ từ đã! Hãy nghĩ xem, ai là những bậc thầy trong việc sử dụng tên giả? Đó chính là các bậc tiền bối của ĐCSVN! Trong thời gian hoạt động bí mật, họ luôn luôn sử dụng bí danh và liên tục thay đổi bí danh. Và bí danh chẳng qua là cách gọi lịch sự của "tên giả" mà thôi! Ai là người có nhiều bí danh nhất? Vâng, chính là nhà cách mạng nổi tiếng có tên thật là Nguyễn Sinh Cung, tự là Tất Thành. Ông đã sử dụng rất nhiều bí danh: Văn Ba (1911), Nguyễn Ái Quốc (1919), Lý Thụy (1924), Lin (1924), Thầu Chín (1928), Tống Văn Sơ (1931), Hồ Quang (1938), Già Thu (1941), Hồ Chí Minh (1942)… Không chỉ trong thời kỳ hoạt động bí mật, mà ngay cả khi đã làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nghĩa là khi không còn lo bị địch bắt), ông vẫn tiếp tục sử dụng thêm nhiều bí danh, bút danh mới. Bao năm nay kêu gọi nhân dân "học tập và làm theo", thì bây giờ có người "học tập và làm theo" việc sử dụng bí danh, sao chư vị lại bôi nhọ người ta? Hãy hình dung ra hoàn cảnh chư vị đang diễn thuyết tại một diễn đàn lớn, với sự tham gia của hàng trăm, hay cả nghìn người xa lạ. Để biết có khoảng bao nhiêu phần trăm cử tọa chia sẻ quan điểm với mình, chư vị đề nghị ai tán thành thì giơ tay lên. Hiển nhiên là không thể yêu cầu hàng trăm người giơ tay phải xưng tên và địa chỉ, một mặt vì không có đủ thời gian, mặt khác thì thông tin đó không hề quan trọng. Nếu chư vị tò mò về một gương mặt siêu xinh và hỏi tên cô gái đó, nhưng cô ta ngượng nghịu trước đám đông, không dám khai tên thật là Nguyễn Thị Nở, mà bịa ra cái tên giả là Nguyễn Hồng Sen, thì chư vị có tìm cách điều tra để xác định đúng hay sai, rồi kiên quyết loại bỏ giá trị biểu quyết của cô Nở, chỉ vì khai tên giả, hay không? Giả sử có người khai tên giả để lĩnh thêm vài suất tài trợ thì đi một nhẽ. Đằng này, trong hoàn cảnh nguy hiểm không kém thời các bậc cách mạng tiền bối hoạt động bí mật, nếu ai đó sử dụng bí danh, không vì vụ lợi, mà chỉ nhằm nói lên một sự thật giản đơn, là có thêm một người ủng hộ "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992", thì có gì là xấu xa? Những ý kiến ở trên chắc cũng đủ gợi ý chư vị suy nghĩ lại, để nhận ra những sơ hở trong mạch tư duy và lý luận của mình. Song điều đáng băn khoăn hơn cả không phải là sự thiếu hiểu biết, mà là tâm lý và động cơ sâu xa ẩn khuất sau hành động của chư vị, mà tôi sẽ trình bày trong hai phần còn lại.
4. Khi chương trình thời sự ngày 20/3/2013 của VTV phát sóng thì Danh sách người kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 có chưa đến 10.400 người, nghĩa là chỉ chiếm khoảng 0,01% (một phần vạn) dân số Việt Nam. 0,01% là một tỷ lệ rất rất nhỏ. Dù có nhân lên 100 lần thì cũng mới chỉ là 1%, vẫn còn rất nhỏ. Trong một đất nước văn minh, nếu bỏ phiếu về một vấn đề gì đó mà chỉ có 10% phản đối thì đã được coi là thành công rực rỡ. Còn nếu chỉ có 1% phản đối thì đã là chuyện… "không tưởng". Ở chế độ này, khi mới chỉ có 0,01% dân số thể hiện chính kiến khác, thì chư vị đã cuống lên, phản ứng quá hoảng loạn, mất cả khôn. Điều đó nói lên cái gì? Phải chăng chư vị không thể chấp nhận được việc có 0,01% dân số nghĩ khác mình? Phải chăng đó chính là biểu hiện của sự độc quyền tuyệt đối về tư tưởng?
5. Chương trình thời sự ngày 20/3/2013 của VTV đã gán cho việc ghi tên ủng hộ "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992" một loạt động từ xấu xa: ngụy tạo, mạo danh, bịa ra, giả mạo... Để cho gọn, xin gói chung chúng trong một động từ đơn giản là nói dối.
Thật ra, nếu có điều gì không chính xác trong danh sách những người ủng hộ "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992" thì cũng là lẽ thường tình. Không thể loại trừ những trường hợp cố tình khai báo sai, do kẻ xấu chủ động tạo ra để lấy cớ bôi nhọ, hay những kẻ nghịch ngợm bày trò để tiêu khiển. Những người đứng ra giúp tổng hợp chữ ký không thể điều tra, không thể xác minh, để đảm bảo tính chính xác của tên người và địa chỉ. Một mặt, họ không có đủ nhân lực, thời gian và tiền bạc. Mặt khác, nếu họ về các địa phương để xác minh thì sẽ bị chính quyền quy cho tội đi kích động nhân dân chống phá chế độ… Có người đề xuất là chỉ chấp nhận đăng ký của những người ghi đầy đủ địa chỉ. Điều đó không giúp ích được gì, vì cũng không thể đi xác minh xem tên và địa chỉ là đúng hay sai. Ngược lại sẽ có hại, vì những người sợ bị trả thù sẽ không giám ghi tên nữa, và những kẻ cố tình phá hoại có thể chủ động sinh ra tên sai tại địa chỉ có thật, để dễ bề "xác minh" và tố cáo. Cho nên, nếu VTV, hay báo Đại đoàn kết, hay bất cứ cơ quan nào trong guồng máy tuyên truyền khổng lồ, phát hiện ra thông tin không chính xác trong Danh sách người kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Buồn một nỗi, chưa tìm ra bằng chứng cụ thể nào, mà vẫn dõng dạc tuyên bố là "đã phát hiện ra những bằng chứng về sự ngụy tạo".
Lẽ ra, đã tiêu tốn tiền thuế của nhân dân cho chuyến công vụ điều tra, thì cũng phải chịu khó làm được chút gì đó. Đằng này lại lười, muốn thanh toán công tác phí nhưng lại ngại đổ mồ hôi, đến ngụy tạo ra "bằng chứng về sự ngụy tạo" cũng không làm nổi. Trong dân gian thường có câu ăn gian – nói dối, còn làm ăn như chư vị thì là "đến nói dối cũng còn ăn gian". Cứ tạm coi nghi ngờ của chư vị về hiện tượng "nói dối" trong Danh sách người kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 là có cơ sở đi. Nhưng điều đó có đáng để chư vị phải tức tốc đi điều tra hay không? "Nói dối" có phải là chuyện xa lạ và tệ hại đến mức chư vị phải tổ chức chiến dịch lên án hay không? Có thể dễ dàng trả lời câu hỏi vừa rồi, nếu chư vị chịu khó ôn lại một số sự kiện lịch sử. Ví dụ: Việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố "tự giải tán" ngày 11-11-1945, nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật và vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo chính quyền; việc tuyên bố ngừng bắn để nhân dân yên ổn ăn tết Mậu Thân 1968, nhưng đồng thời lại tổ chức tấn công đồng loạt trên toàn miền Nam; việc công bố ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 3/9/1969 (muộn đi môt ngày so với thực tế)… Có rất nhiều dẫn chứng lịch sử như thế. Nhưng thôi, ta hãy tập trung vào một số ví dụ mang tính thời sự. Ghi vào Hiến pháp 1992 đủ thứ mĩ miều, nhưng trên thực tế thì hành động hoàn toàn ngược lại. *Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân… (Điều 2, Hiến pháp 1992) Thế nhưng ĐCSVN lại chiếm hết tất cả quyền lực, còn nhân dân thì buộc phải chấp nhận mọi sự lựa chọn và quyết định của đảng. *Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú…, đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật (Điều 54, Hiến pháp 1992). Thế nhưng hầu hết những người tự ra ứng cử đều bị cản trở thô bạo, đến mức buộc phải rút lui. *Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. (Điều 69, Hiến pháp 1992) Thế nhưng tất cả các quyền kể trên đều không được nhà cầm quyền chấp nhận trên thực tế. Thậm chí, nhiều người cố gắng thực thi các quyền hiến định đó đã bị trấn áp, bị giam vào tù. *Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. (Điều 70, Hiến pháp 1992) Thế nhưng đất của nhà thờ vẫn bị chiếm giữ…
Kêu gọi nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, thậm chí tuyên bố rằng: *Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả. Nhưng khi có ý kiến góp ý "trái chiều" thì lại quy chụp là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống", là chống đảng, chống chế độ… Gọi là lấy ý kiến dân chủ rộng khắp trong nhân dân, nhưng lại áp dụng những thủ đoạn sở trường để ép người dân phải ghi rõ là "đồng ý", khi chưa kịp đọc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Mấy chục năm nay, luôn khẳng định rằng tiến lên chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng của nhân dân, và việc duy trì Điều 4 trong Hiến pháp cũng là sự lựa chọn của nhân dân. Nhưng căn cứ vào đâu mà nói liều như vậy? Đã bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý để toàn thể nhân dân bày tỏ nguyện vọng và nêu ra lựa chọn của mình đâu? Không phải nhà cầm quyền ngộ nhận ý dân, mà có lẽ họ còn cho rằng đa số nhân dân nghĩ ngược lại. Vì sao ư? Giả sử đa số cử tri (chỉ cần 51% thôi) ủng hộ duy trì Điều 4, tức là duy trì quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN, thì kể cả trong hoàn cảnh tổng tuyển cử tuyệt đối tự do và ĐCSVN chưa cần phải áp dụng các mẹo sở trường, chắc chắn ĐCSVN vẫn thắng cử, và do đó được đóng vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội một cách chính đáng. Chính vì vậy, khi lãnh đạo ĐCSVN khẳng định rằng "bỏ Điều 4 là tự sát", thì có nghĩa họ cho rằng ít nhất là 50% cử tri không ủng hộ việc ĐCSVN duy trì quyền lãnh đạo. Đơn giản là vậy!
Những sự việc kể trên không phải là nói dối hay sao? Chư vị có định lên án hay không? Phải chăng chư vị sẽ lỉnh, với lý do là những việc đó thuộc kênh khác, không phải là "kênh tuyên giáo" của chư vị? Cũng chẳng cần chư vị phải gánh trách nhiệm thay cho người khác đâu, bởi vì "kênh tuyên giáo" chính là nơi nói dối nhiều nhất. Đến nỗi nhiều người cứ đến buổi thời sự thì lại tắt TV, hoặc chuyển sang kênh khác, để khỏi phải đau đầu với những điều giả dối. Hiện nay, hàng ngày chư vị tuyên truyền trên TV và đài báo về sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân đối với những điều được coi là "nhạy cảm" trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ví dụ như duy trì việc hiến định quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN, không chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai, lực lượng vũ trang trước hết phải trung thành với ĐCSVN, rồi sau đó mới đến Tổ quốc và Nhân dân…, hẳn chư vị cũng tự biết là mình đang nói dối. Chư vị tung ra "bằng chứng điều tra" để bôi nhọ "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992", nhưng như đã chỉ ra trong phần 1: Chư vị đã nói dối! Người dân không hề ngạc nhiên, bởi đã quen dần với điều đó, và đã mặc nhiên thừa nhận rằng: Nói dối là bản năng và biện pháp nghiệp vụ của guồng máy tuyên truyền. Điều khiến dân tình khó hiểu là: Tại sao những người thường xuyên nói dối lại lao vào điều tra, rồi phản ứng rất cực đoan, khi cho rằng có hiện tượng nói dối trong Danh sách người kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992? So với việc không hề điều tra ý dân trên toàn quốc, mà vẫn khẳng định rằng sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN, chế độ độc đảng và chủ nghĩa xã hội đều là ý nguyện của nhân dân Việt Nam, từ đó bắt buộc cả Dân tộc phải chấp nhận trạng thái ấy, thì sự ngụy tạo – nếu có – trong Danh sách người kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 có thấm tháp gì đâu? Bản thân thì nói dối tràn lan, vậy tại sao lại ấm ức khi cho rằng có người dân nào đó cũng nói dối? Chẳng nhẽ chư vị muốn độc quyền cả nói dối hay sao? Hà Nội, 27/03/2013 Nguồn: Blog Hoàng Xuân Phú | |
|