Thượng đế còng lưng gánh thuế, doanh nghiệp xăng dầu cười tủmBài đăng trên Phụ nữ Today Thứ Sáu, 07/09/2012, 08:37 [GMT+7](Trái hay phải) – Với tuyệt chiêu mới nhất tiếp theo các giải pháp lợi hại như găm hàng, chế xăng từ nước lã, người ta cho rằng ngành xăng dầu có thể bĩu môi với nhận định rằng thuế, phí tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới.Tranh minh họa: Tuổi Trẻ Theo công bố của Tổng cục Hải quan được các báo đồng loạt thông tin trong ngày 6/9, thì từ đầu năm 2009 đến cuối tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp đầu mối đã tạm nhập tổng cộng 9,99 triệu tấn xăng dầu, nhưng tái xuất chỉ hơn 8 triệu tấn. Có nghĩa, còn hơn 1,98 triệu tấn xăng dầu (trị giá 1,39 tỷ USD) đã “ở lại” Việt Nam, thay vì tái xuất theo quy định.
Trước hết, người viết cứ phải xin phép quý vị độc giả được một lần nữa được thể hiện tấm lòng với các doanh nghiệp xăng dầu, vì cứ lải nhải mãi về câu chuyện xăng dầu kể cũng nản, nhưng nghe cái con số 1,39 tỷ USD này thì người ta không thể không dựng tóc gáy.
Theo một tính toán của phóng viên VTV, với mỗi một lít xăng dầu nhập mà không xuất và với việc điều chỉnh thuế nhập khẩu từ đầu năm 2012 tới nay, doanh nghiệp có thể “ăn không” mỗi lít hơn 2.000 đồng. Ấy là chưa kể, có tổ chức, cá nhân còn làm thủ tục tái xuất qua Trung Quốc, Campuchia rồi đưa quay lại Việt Nam tiêu thụ, kiếm lời ít nhất hơn 8.000 đồng mỗi lít, tương đương 1/3 trên giá bán lẻ hiện tại. Hóa ra lâu nay, các doanh nghiệp xăng dầu cứ cò kè bớt một thêm hai với quý vị thượng đế chỉ để cho vui mà thôi, chứ giá xăng tăng vài trăm lẻ có nhằm nhò gì, trông vào đấy thì có cạp đất mà ăn sao?
Ta hãy làm thử một phép tính sơ sơ, dĩ nhiên là không hoàn toàn chính xác: 1,98 triệu tấn xăng dầu tương đương khoảng 2 tỷ lít, giả sử xơi được 2.000 đồng mỗi lít thì người ta đút túi thêm khoảng 4.000 tỷ đồng, còn nếu là 8.000 đồng, tổng số tiền “trên trời rơi xuống” lên tới 16.000 tỷ đồng! Ấy là chưa kể đến phần lời lãi đường đường chính chính khác, có định mức hẳn hoi, mà doanh nghiệp được hưởng.
Đương nhiên, ở đời, niềm vui của kẻ này là nỗi buồn của kẻ khác, doanh nghiệp lợi thì Nhà nước cũng thiệt thòi tí chút, nhưng cũng chả sao, vì dân ta vẫn “được” mua xăng với giá gần 24.000 đồng mỗi lít. Quý vị thử nghĩ mà xem, nếu không có cái khoản “ăn không” này, biết đâu chúng ta còn phải mua với giá cao hơn nữa?
Câu chuyện chưa dừng lại ở đấy, khi các doanh nghiệp có thể lãi to nhờ tạm nhập tái xuất này là những doanh nghiệp hăng hái nhất trong việc xin khất tiền thuế. Vẫn theo Tổng cục Hải quan, trong 13 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thì có đến 9 nợ thuế với con số ở lĩnh vực tạm nhập - tái xuất là hơn 192 tỷ đồng.
Điều thú vị là trong khi Công ty TNHH một thành viên của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) là một trong hai đơn vị không nợ một xu nào, bất chấp những điều tiếng khủng khiếp của Vinalines, thì đại gia xăng dầu số 1 là Petrolimex lại đứng đầu về số nợ. Vui hơn nữa, đây cũng là doanh nghiệp tạm nhập mà quên tái xuất xăng dầu nhiều nhất.
Chẳng biết thế giới quy định như thế nào về cái hình thức tạm nhập tái xuất này, nhưng theo như sự phản pháo rất kịp thời của các doanh nghiệp xăng dầu, thì lỗi lầm (nếu có) cũng chẳng phải là của họ. Chẳng hạn, trả lời phỏng vấn Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết hơn 200.000 tấn không tái xuất của Petrolimex mà hải quan công bố nằm trong phạm vi quy định cho phép doanh nghiệp được nhập lại.
Đi xe cà tàng dùng hàng xa xỉ! Còn về thuế, thì theo chính lãnh đạo Tổng cục Hải quan, hiện xăng dầu chưa được xếp vào nhóm hàng hóa tiêu dùng nên khi nhập khẩu, doanh nghiệp chưa phải nộp thuế ngay, dẫn tới tình trạng nợ đọng. Thế nghĩa là, pháp luật cũng có phần trách nhiệm trong cái sự chây ỳ của doanh nghiệp, nếu không muốn nói là phần lớn.
Chỉ có điều, nghe các nhà báo phàn nàn rằng các doanh nghiệp xăng dầu lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trục lợi, nhiều người đã cau mặt. Chuyện luật pháp bị hở là chuyện của cơ quan ban hành văn bản và nếu đã cho phép (dù sự cho phép ấy là không nên) thì doanh nghiệp chả việc gì phải từ chối những món hời đó cả, vì nếu từ chối thì nên vào bệnh viện tâm thần để nghỉ ngơi hơn là vò đầu bứt tóc trong chốn thương trường. Dĩ nhiên, người ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu có tác động của các doanh nghiệp tới quá trình ban hành văn bản hay không, mà cụm từ thời thượng gọi là “nhóm lợi ích”, nhưng đó lại là chuyện khác và chắc chỉ có ông trời mới biết thực hư.
Đến đây, người viết cũng tha thiết xin quý vị độc giả đừng lo nghĩ quá nhiều kẻo lại tốn tiền nhuộm tóc bạc, nhất là giữa thời buổi khốn khó này. Chỉ cần tinh ý cộng thêm một chút xíu óc hài hước, hẳn bạn sẽ nhận ra ngay khía cạnh đáng mừng trong câu chuyện này: Hóa ra, thông tin thuế và phí ở Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới chỉ đúng một phần nào đó thôi.
Từ mấy hôm nay, các nhà báo cùng dư luận cứ nhắng hết cả lên với vị trí chót vót trên đỉnh thế giới về lĩnh vực này của Việt Nam, trong khi thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp, mà các doanh nghiệp thì đang sống dở chết dở. Nhưng nghĩ cho kỹ, thua lỗ là chuyện của bọn trẻ trâu trẻ bò nào đấy chứ, còn như các bác xăng dầu thì ở một đẳng cấp khác hẳn: Với số lãi “âm thầm” từ độc chiêu tạm nhập tái xuất như đã nói ở trên, thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện tại cũng chỉ như muỗi đốt voi inox thôi. Và hơn thế, thuế tuy phải đóng đấy, nhưng ta khất được cơ mà, vô tư đi ông bạn!
Điều đáng mừng thứ hai là không hẳn mọi thứ thuế của chúng ta đều thuộc loại riêng một góc trời, cũng có những thứ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế hẳn hoi. Không hề có một tí ti “kẽ hở” nào như với các doanh nghiệp, người sử dụng xăng dầu ở Việt Nam có vinh hạnh được nộp đủ mọi thứ thuế mà thế giới có.
Thí dụ, mới đây, các nhà báo bàng hoàng phát hiện ra và gào lên rằng tại sao chúng ta vẫn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt – thứ thuế dành cho các mặt hàng xa xỉ - với xăng dầu, nghe đâu tới 1.800 đồng mỗi lít, bất kể người đổ xăng là đại gia đi Phantom rồng hay bà bán rau cưỡi xe máy cà tàng.
Thì, như đã được lập trình sẵn, câu trả lời là thông lệ quốc tế nó thế. Người ta chỉ quên mất rằng thế giới có thông lệ người dân có quyền chọn đi xe ô tô riêng hoặc đi xe buýt với giá rất rẻ, chứ không có thông lệ mỗi người một chiếc xe máy như ở Việt Nam. Thành ra, với các thượng đế của ngành xăng dầu, có thể nói các loại thuế và phí còn đạt chuẩn trên cả thông lệ quốc tế ấy chứ! Bình luận về gánh nặng thuế, phí, tờ Dân Việt cất lên tiếng cảm khái, vừa khen ngợi xen lẫn tự hào, nghẹn ngào xúc động: Cái lưng người Việt, nghĩ cho cùng, quả thật là dẻo dai.
Và lâu lâu, khi có một chiếc xe bỗng dưng bốc cháy đùng đùng theo thông lệ, thì cũng theo thông lệ của Việt Nam, kết luận đầu tiên là nhất định xe cháy không phải do xăng! Còn do cái gì, thì khoa học vẫn đang nghiên cứu.
Tam Thái