Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Trung Quốc nên từ bỏ Đường 9 Đoạn

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Trung Quốc nên từ bỏ Đường 9 Đoạn Empty
Bài gửiTiêu đề: Trung Quốc nên từ bỏ Đường 9 Đoạn   Trung Quốc nên từ bỏ Đường 9 Đoạn EmptyThu Aug 16, 2012 8:32 am

Học giả Trung Quốc phản đối Đường Lưỡi Bò:

Trung Quốc nên từ bỏ Đường 9 Đoạn

Bài đăng trên Tia Sáng 04:27-14/08/2012

Trương Quang Nhuệ (Trung Quốc)

Trung Quốc nên từ bỏ Đường 9 Đoạn ImageHandlerLarge.ashx?width=250&height=189&HomeDirectory=%2fPortals%2f0%2fVietTotal.Articles%2fChinhtrixahoi%2f&fileName=duong+luoi+bo_hoc+gia+trung+quoc
Tấm bản đồ thời cận đại của Trung Quốc cho thấy
cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam,
không hề có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đường 9 đoạn (Nine-dotted line), tức Đường Chữ U (U-shape line) hoặc Đường Lưỡi Bò là đường ranh giới biển do Trung Quốc (TQ) đưa ra nhằm chiếm 80% diện tích Biển Đông, điểm cực Nam đến vĩ độ 4. Tham vọng này quá lớn, quá vô lý và quá trắng trợn nên sau khi công bố đã bị dư luận Đông Nam Á và toàn thế giới phản đối.
Nhưng chính quyền TQ giấu kín như bưng không nói cho dân họ biết sự thực, khăng khăng nói bừa là toàn bộ các đảo bên trong Đường 9 đoạn là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của TQ. Với sự tuyên truyền giáo dục dối trá như vậy, đa số dân TQ đều cho rằng TQ nên dùng sức mạnh quân sự “giải phóng” các đảo đang bị một số nước khác chiếm. Rất may là một số trí thức TQ, trong đó có Trương Quang Nhuệ, đã tỉnh táo và dũng cảm có những bài viết trên mạng vạch ra sự thật về Đường 9 đoạn.

Xin giới thiệu dưới đây lược thuật phần đầu bài viết của ông.


“Đường 9 đoạn” do một đại tá quân đội Quốc Dân Đảng vẽ ra

Nếu bạn vẫn còn có chút xa lạ với từ ngữ Đường 9 đoạn thì chắc hẳn bạn đã quen với tấm bản đồ Nam Hải chứ! Đây là thể hiện cụ thể của ý nghĩ [TQ] “có chủ quyền không thể tranh cãi về các đảo ở Nam Hải” cho tới nay vẫn còn nhiều người kiên trì.

Thế nhưng nguồn gốc của Đường 9 đoạn lại bị giấu kín như bưng, ngày nay có mấy người TQ biết rằng thực ra nó đâu phải do Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoạch định, mà là do Chính phủ Dân Quốc [của Quốc Dân Đảng] năm xưa vạch ra. Hơn nữa Đường 9 đoạn cũng không phải là do Bộ Ngoại giao của chính phủ ấy chủ trì hoạch định, mà là lấy danh nghĩa Bộ Nội chính phát hành tấm bản đồ này. Người vạch ra Đường 9 đoạn là một sĩ quan hải quân có thân phận đặc biệt, nguyên sĩ quan hải quân trong sứ quán Trung Hoa Dân Quốc tại Mỹ, năm 1946 làm sĩ quan chỉ huy Hạm đội Tiền tiến đi Nam Hải công cán.

Tháng 10 năm 1946, hải quân Chính phủ Dân Quốc thành lập tại Thượng Hải Hạm đội Tiền tiến với nhiệm vụ xuống Nam Hải tiếp quản các đảo bị Nhật chiếm. Tối 29/10, dưới sự chỉ huy của đại tá Lâm Tôn [1], một đoàn 4 tàu chiến nhổ neo ra khỏi cửa Ngô Tùng, Thượng Hải. Đoàn gồm 4 chiến hạm : tàu khu trục hộ tống Thái Bình, tàu chống ngầm Vĩnh Hưng, tàu đổ bộ xe tăng Trung Kiện và tàu Trung Nghiệp [2]. Ngày 9/11 đoàn tàu đến cảng Du Lâm thuộc đảo Hải Nam. Sau đó, Lâm Tôn chỉ huy hai tàu Thái Bình và Trung Nghiệp tiến về phía đảo Nam Sa. Phó chỉ huy Diêu Nhữ Ngọc dẫn hai tàu Vĩnh Hưng, Trung Kiện tiến về đảo Tây Sa [Việt Nam gọi là Hoàng Sa]. Tên các hòn đảo Vĩnh Hưng, Trung Kiện, Thái Bình và Trung Nghiệp [3] ngày nay có vẽ trên bản đồ Nam Hải chính là tên 4 chiếc tàu năm xưa tham gia Hạm đội Tiền tiến.

Có điều đáng nhắc lại là tàu Thái Bình vốn là chiến hạm chủ lực của hải quân Tưởng Giới Thạch, về sau đến năm 1954 bị tàu cao tốc phóng lôi của Quân Giải phóng TQ đánh chìm ở vùng biển gần tỉnh Triết Giang. Nhưng hòn đảo mang tên nó- tức đảo Thái Bình - cho tới nay vẫn do chính quyền Đài Loan kiểm soát.

Năm 1947, dựa vào các tài liệu do Hạm đội Tiền tiến trình báo, Bộ Nội chính Chính phủ Dân Quốc công bố Bảng đối chiếu tên cũ - mới của các đảo ở Nam Hải. Cùng năm đó xuất bản Bản đồ sơ lược vị trí các đảo ở Nam Hải 南海位置略图, ghi rõ vùng biển Nam Hải gồm các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa [4] đều thuộc lãnh thổ Dân quốc Trung Hoa và vẽ đường biên giới quốc gia có 11 nét đứt rời xung quanh các đảo ở Nam Hải, cũng tức là Đường 11 đoạn 十一段线. Năm 1948 lại xuất bản Bản đồ Khu vực hành chính Trung Hoa Dân quốc 中华民国行政区域图 kèm theo Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải 南海诸岛位置图do Phó Giác Kim phụ trách Vụ Phương vực Bộ Nội chính 内政部方域司 chủ biên, trở thành bản đồ chính thức sớm nhất công khai vẽ Đường 11 đoạn.

Ngày 21/4/1949, Quân Giải phóng TQ vượt Trường Giang tiến xuống phía Nam đến tận Nam Kinh, thủ đô Chính phủ Dân Quốc. Cho dù Chính phủ Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch tan rã nhưng Đường 11 đoạn không vì thế mà biến mất. Ở đây có một nguyên nhân là trước đó không lâu. Lâm Tôn, người vạch đường biên ở Nam Hải, đã khởi nghĩa chống lại Tưởng Giới Thạch, gia nhập hàng ngũ Quân Giải phóng. Sau đó Lâm Tôn liên tiếp được cử làm Phó Tư lệnh Hải quân Hoa Đông rồi Phó Tư lệnh Hải quân của Quân Giải phóng TQ. Đường 11 đoạn năm nào ra đời cùng với Lâm Tôn và các tài liệu do ông cung cấp đã lọt vào tầm mắt của giới lãnh đạo TQ. Vì thế trong các bản đồ do Tân TQ xuất bản đã nhanh chóng xuất hiện Đường 9 đoạn được sửa chữa một chút từ Đường 11 đoạn. [5]

“Đường 9 đoạn” chưa bao giờ là đường biên giới quốc gia!

Trước hết, đường biên giới quốc gia tất phải là đường nét liền, đây là một chuẩn tắc cơ bản thông dụng trên toàn thế giới. Thế nhưng Đường 9 đoạn đã chia thành 9 đoạn thì lẽ tự nhiên là một đường đứt rời. Điều đó về cơ bản đã loại trừ khả năng Đường 9 đoạn trở thành đường biên giới quốc gia. Nói cách khác, Đường 9 đoạn cùng lắm chỉ có thể dùng làm một “đường chủ trương”, thể hiện Chính phủ TQ chủ trương hoạch định vùng biển và các đảo ở trong đường đó vào lãnh thổ TQ. Đường 9 đoạn xưa nay chưa bao giờ, và cũng không thể là một tuyến cương giới thực tế đã được hoạch định. Bởi vậy không thể vì sự tồn tại Đường 9 đoạn mà nói các đảo và vùng biển bên trong đường đó là lãnh thổ của TQ; lại càng không thể yêu cầu các quốc gia khác tôn trọng “đường biên giới quốc gia” căn bản không tồn tại này.

Đồng thời, giải thích Đường 9 đoạn là “đường biên giới quốc gia” là đi ngược lại Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc, hoàn toàn không ăn nhập với Công ước đó. Trong thực tiễn thi hành Luật biển quốc tế bao năm qua, có một lý luận và nguyên tắc cơ bản nhất là “Đất liền thống trị biển”, cũng tức là nói chủ trương lãnh thổ đối với biển của quốc gia ven biển ắt phải dựa trên cơ sở chủ quyền lục địa, và lấy đường cơ sở lãnh hải làm đường khởi đầu từ đó hướng ra ngoài để hoạch định lãnh hải của mình. Công ước Lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958 và Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 - hai Công ước này quy định rõ các chuẩn tắc cơ bản “Lấy chủ quyền đất liền để quyết định chủ quyền biển” và “Lãnh hải mở rộng 12 hải lý”.

Bởi vậy, cho dù bản thân các đảo ở Nam Hải không tồn tại bất cứ tranh chấp nào thì “lãnh thổ trên biển” do nó sinh ra cũng nhiều nhất chỉ có thể là một vòng tròn bán kính 12 hải lý xung quanh đảo, chứ tuyệt đối không thể bao gồm toàn bộ vùng biển Nam Hải như Đường 9 đoạn. Hơn nữa liệu các bãi đá lúc chìm lúc nổi khi thủy triều lên xuống và các đảo san hô khó có thể duy trì đời sống và sản xuất lâu dài cho dân cư ấy có thể dùng làm cơ sở cho chủ trương “lãnh thổ trên biển” được hay không? - điều này khi áp dụng luật biển quốc tế thì cũng đáng ngờ vực!

Bởi vậy xét về pháp lý thì mấy chục năm qua Đường 9 đoạn đã trở thành một trò cười trong thực tế vận hành Luật biển quốc tế.

Cơ hội lịch sử để vuột mất sau chuyến đi biển của Lâm Tôn

“TQ từ xưa tới nay đã có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Nam Hải” câu nói này [người ta] đã nghe không biết bao nhiêu lần rồi. Nhưng cân nhắc kỹ lưỡng một chút thì vấn đề sẽ hiện ra: kể từ ngày khai quốc nền văn minh Trung Hoa cho đến năm 1840 khi đại bác của người Anh phá vỡ cánh cổng lớn của đế quốc Đại Thanh thì TQ cũng vậy, Triều Tiên cũng vậy, Đông Nam Á cũng vậy, toàn bộ phương Đông hoàn toàn chẳng có khái niệm chủ quyền gì cả. Tra cứu hết lịch sử trên dưới 5000 năm của TQ, e rằng cũng khó mà tìm thấy trong văn thư nào có hai chữ chủ quyền. Chủ quyền là khái niệm hoàn toàn do người phương Tây sáng tạo, TQ cổ đại sao mà có được? Thế thì làm sao có thể nói tới “Chủ quyền không thể tranh cãi từ xưa đến nay”?

Thực ra nếu dựa vào quan niệm chủ quyền của phương Tây để nghiêm túc cân nhắc cuộc tranh cãi về quần đảo Nam Sa, chúng ta sẽ phát hiện thấy lập trường của TQ thật sự rất khó đứng vững được: dựa vào chuyện tàu thuyền TQ đến nơi ấy mấy lần gì gì đó, đánh bắt được mấy con cá thì chỗ ấy là của TQ sao? Thế thì trong lịch sử, tàu thuyền của tôi đến chỗ ấy còn nhiều hơn anh nữa kia, năm này qua năm khác tôi đánh cá ở đấy, cớ sao lại không được thừa nhận? Anh bảo anh đến đấy trước, vậy có chứng cứ không? Năm nào tháng nào ai đến đấy? Chuyện này về căn bản là một mớ sổ sách rối bét, dù sao thì cũng chẳng ai có cách nào sinh cơ lập nghiệp được trên những mỏm đá san hô chỉ nhô lên khỏi mặt nước một tý tẹo ấy.

Trong tình hình chuẩn tắc lịch sử rơi vào tình trạng rối rắm và hỗn loạn như trên, thì nguyên tắc “Thềm đại lục vươn ra” và “Chiếm trước” trở nên quan trọng hơn. Mà Nam Sa cách Việt Nam, Malaysia, Philippines gần hơn cách TQ, bởi vậy giả thử theo chuẩn tắc địa lý “cự ly gần, thềm đại lục vươn ra”, thì chẳng cần nói, TQ thậm chí có thể chẳng có được phần nào! Còn nói về nguyên tắc “Chiếm trước” vốn dĩ có thể là cực kỳ có lợi cho TQ, nhưng vì [TQ] suốt 40 năm ròng coi nhẹ quyền lợi trên biển, cho nên ngày nay [“Chiếm trước”] lại trở thành ưu thế tuyệt đối của người khác.

Vào cái thời Lâm Tôn lập hạm đội đi Nam Hải, các quốc gia Đông Nam Á hồi ấy căn bản còn là các xứ thuộc địa, sau này mới xuất hiện [là quốc gia độc lập]. Chính quốc các nước thực dân châu Âu đều bị Thế chiến II làm cho tan nát, lúc này đang chuẩn bị cuốn gói chuồn khỏi [các thuộc địa của mình], nào ai còn tâm tư để ý đến mấy hòn đảo san hô trên biển mênh mông kia đâu? Hơn nữa cho dù Bộ Nội chính của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc có in cái Đường 9 đoạn trên tấm bản đồ phát hành trong nước, nhưng Chính phủ này hoàn toàn không thông qua con đường ngoại giao để tuyên bố với Đông Nam Á rằng “Vùng này là của tôi”. Người ta [các nước Đông Nam Á] hoàn toàn chẳng biết gì về chuyện ấy thì sao mà có thể “đưa ra ý kiến khác” được?

Như vậy là, TQ chiếm ưu thế về nguyên tắc “Lịch sử” nhưng lại thiếu những chứng cớ được hệ thống luật biển hiện đại chấp nhận, mà hai nguyên tắc “Thềm đại lục vươn ra” và “Chiếm trước” lại trở thành có lợi cho các quốc gia Đông Nam Á mà bất lợi cho TQ. Trên tầng nấc pháp lý, vấn đề Nam Sa đã rơi vào tình thế bị động cực kỳ nghiêm trọng [đối với TQ].

Nói thẳng ra, giả thử bây giờ nổ ra một cuộc chiến tranh xung quanh quần đảo Nam Sa ở Nam Hải, thì trên toàn thế giới có lẽ chỉ có 1,3-1,4 tỷ người [ý nói người TQ và người Hoa] cho rằng TQ không phải là kẻ xâm lược!

---

Ghi chú của người dịch:

[1] Lâm Tôn 林遵上校 (1905-1979), học trường Hải quân Hoàng gia Anh, được đào tạo về tàu ngầm tại Đức, 1934 về TQ ; từng là Phó quan của Sứ quán TQ tại Mỹ, rồi Tư lệnh Hạm đội II đóng tại vùng Trường Giang. 1948 là thiếu tướng hải quân Trung Hoa Dân Quốc. 1949 dẫn quân gia nhập Quân Giải phóng TQ, trở thành một trong những người sáng lập hải quân TQ. 1955 được phong thiếu tướng hải quân. Đảng viên Quốc dân Đảng TQ, đảng viên thuộc Ủy ban Cách mạng Quốc dân đảng TQ, Đảng viên Đảng Cộng sản TQ.

[2] Bản Trung văn viết là Trung Á, có lẽ in sai.

[3] - Đảo Vĩnh Hưng, tên quốc tế Woody, rộng 2,13 km2, là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị TQ chiếm, hiện có sân bay và thành phố Tam Sa do TQ lập ra. - Đảo Trung Kiện thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Woody 178 km về phía Tây Nam. - Đảo Thái Bình, tên quốc tế Itu Aba, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; rộng 0,443 km2, là đảo duy nhất có nguồn nước ngọt. - Đảo Trung Nghiệp, tên quốc tế Thitu; rộng 0,33 km2; do Phillippines kiểm soát.

[4] Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa là 4 quần đảo lớn nhất ở Nam Hải. - Đông Sa, tên quốc tế Pratas Island, ở gần Hong Kong, tức gần đại lục TQ hơn cả; hiện do Đài Loan kiểm soát. - Trung Sa, tên quốc tế Macclesfield Bank; ở gần Philippines, phần lớn là đảo san hô chìm dưới nước; bãi cạn Scarborough mà TQ gọi là đảo Hoàng Nham thuộc quần đảo này. (theo tài liệu của TQ).

[5] Một nguồn tin của mạng TQ nói trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, TQ nhường cho Việt Nam 2 đảo đá trong Vịnh Bắc Bộ để xây dựng trạm radar, vì thế đường 11 đoạn phải bỏ mất 2 đoạn, còn lại 9 đoạn.

Nguyên Hải tóm dịch

Nguồn :

南海新攻:放弃“九段线”,推出共同体 黄光锐的博客

http://blog.sina.com.cn/s/blog_5e0fb3610100npng.html
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
Trung Quốc nên từ bỏ Đường 9 Đoạn
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Trung Quốc sẽ phải tìm cách thỏa hiệp về đường 9 đoạn
» Đoàn đại biểu Học viện Quốc phòng Việt Nam thăm Trung Quốc
» Đường 9 đoạn chưa hề được quốc tế công nhận
» Than Mông Cổ rơi vào tay tập đoàn Trung Quốc
» Giọng điệu cực đoan từ Trung Quốc chỉ là thiểu số

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Biển Đông dậy sóng !-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất