Phát ngôn kiềm chếBài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị Ngày 11.08.2012, 09:28 (GMT+7)–
Con tôi đậu vào trường Y, buồn quá ông ạ!– Chảnh như con cá cảnh, con đậu trường Y mà lại buồn?
– Hôm qua tôi còn mừng, đến chừng biết tin sắp có 400 quan chức ngành điện đi nước ngoài tham quan học hỏi thì tôi hối hận quá: trên đời này đâu có ngành nào sướng bằng ngành điện, bác sĩ cũng thua xa!
– Bộ ông mâu thuẫn gì với ngành điện?
– Cả nước này chứ đâu mình tôi! Xin hỏi ông có cái ngành nào hễ than lỗ là được tăng giá, dù người mua và cả nền kinh tế đang lúc khốn đốn? Có ngành nào tủi thân khi lương “chỉ” hơn bảy triệu đồng? Có ngành nào đem khoản lỗ 10.000 tỉ đồng do làm ăn bết bát trút lên đầu lên cổ khách hàng của mình? Có ngành nào miệng than lỗ mà bỏ tiền cho hàng trăm quan chức xuất ngoại?
– Ông bức xúc hơi quá. Biết đâu chính vì không biết làm ăn, gây lỗ lã mà nay người ta phải ra nước ngoài học đặng khi về thì làm lỗ... ít hơn?
– Bộ mấy ổng là thiên tài hay sao mà có thể học hỏi trong vòng vài ngày? Đi du lịch thì có!
– Ông lại thiếu kiềm chế! Đi lâu học nhiều, đi ngắn học ít...
– Theo tôi, cái bài hay nhất cần học ở nước ngoài mà chẳng ai chịu học là... văn hoá từ chức. Với lại, đi Mỹ còn mong học cách nói ít làm nhiều, đi Nhật để học không nói mà làm, chứ đi Trung Quốc thì dễ học được bài nói một đằng làm một nẻo lắm! Thế thì kiềm chế sao nổi!
– Tôi vừa học được cách phát ngôn đúng đắn để kiềm chế bức xúc, ông muốn học không?
– Đâu, nếu ông là tôi thì ông sẽ phát ngôn thế nào với ngành điện?
– Nghe đây: “
Tôi cảm thấy quan ngại về vấn đề này, và cực lực phản đối hành động đơn phương gây phức tạp thêm tình hình, làm sứt mẻ quan hệ tốt đẹp giữa điện lực và người tiêu dùng!”
Người già chuyện