Tiên học lờ, hậu học vờBài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị Ngày 01.08.2012, 09:07 (GMT+7)– Mừng quá, có huy chương vàng Olympic rồi!
– Hoan hô! Nhưng môn nào: chạy, bơi hay cầu lông, bóng rổ?
– Môn... hoá học!
– À, ra ông đang nói tới thành tích tại giải Hoá học quốc tế lần thứ 44 của đoàn học sinh Việt Nam. Dù sao cũng mừng: người Việt có thể thua thiên hạ về tứ chi chứ không thua cái đầu!
– Sặc mùi AQ! Thế ông có biết là với một đội ngũ trên 9.000 giáo sư và phó giáo sư, hàng trăm ngàn tiến sĩ và thạc sĩ mà nước ta không có bằng sáng chế nào đăng ký ở Mỹ trong năm 2011, và chỉ có năm cái tính từ năm 2006 đến 2010? Trong khi đó, Thái Lan ít giáo sư và tiến sĩ hơn ta nhưng trong thời gian 2000 – 2007 có đến 310 bằng sáng chế; còn Singapore chỉ 4,8 triệu dân mà có 647 cái!
– Nhưng theo ông thì lý do vì đâu, khi mà thi thoảng các học sinh Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy tiềm năng trí tuệ của người Việt đâu thua kém ai?
– Nhiều nguyên nhân, nhưng lớn nhất chính là giáo dục! Nên mới có dư luận đòi sửa lại câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tôi nghiệm thấy sau mấy chục năm hồi sinh khẩu hiệu này, mục tiêu chỉ đạt được từ phân nửa đến phần ba...
– Ông có lạc quan quá không?
– Chứ ông nghĩ đi, tụi nhỏ học “lễ” thì mới thuộc chữ “l”, nên chuyện gì chúng cũng lờ được, khiến bệnh vô cảm hoành hành khắp nơi. Còn “văn” thì chúng chỉ học được chữ “v”, nên nhiều đứa giả vờ cực giỏi, còn làm gì cũng vờ vịt cho qua.
– Thế theo ông phải thay khẩu hiệu ấy bằng khẩu hiệu gì?
– Thêm một lần nói không.
– Trời, cái ngành này ca bài Không liên tục rồi, còn Không gì nữa?
– Đó là: “Nói không với khẩu hiệu”!
Người già chuyện