Kết luận nguyên nhân cháy xe gây lo lắngBài đăng trên báo Đất Việt 10:12 AM, 29/04/2012Sau gần một năm chờ đợi kết luận nguyên nhân cháy xe, ngay cả khi “hệ thống” các bộ chuyên ngành vào cuộc nhưng kết luận về nguyên nhân cháy nổ xe đã không làm người dân cảm thấy yên lòng.PGS.TS Đinh Ngọc Ân Trưởng khoa Cơ khí Động Lực, Trưởng bộ môn Công nghệ ôtô trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, sau khi nghe được kết quả công bố bày tỏ sự bức xúc: Cách công bố rất “ỡm ờ”, ít nhiều đã có manh mối nhưng đã không được công bố.
“Ỡm ờ” kết luậnKết luận của Bộ Công an về nguyên nhân của 209 vụ cháy đã được điều tra của năm 2010 và 2011 có 30,25% số vụ là do chập điện, 15,1% do sự cố kỹ thuật, 9,8% do sơ suất, 4,63% do TNGT và 4,32% do đốt. Trong 25 vụ xảy ra 3 tháng đầu năm nay đã làm rõ nguyên nhân có 9 vụ do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kỹ thuật, 4 vụ do TNGT và 1 vụ do đốt. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, đây thực chất chỉ là con số thông kê chứ chưa phải mang tính điều tra.
PGS.TS Đinh Ngọc Ân bình luận, kiểu công bố “ỡm ờ” sau chừng đó thời gian thể hiện sự thiếu nhiệt tình của cơ quan quản lý nhà nước, hay đằng sau có sự “nhạy cảm” nào đó mà các chuyên gia và giới truyền thông chưa biết. Ai cũng có thể nhìn một thực tế khi hơn một năm qua hiện tượng cháy, nổ xe xảy ra rộ hơn. Nếu nói về yếu tố chập điện, chuột cắn dây hay sự cố kỹ thuật thì đáng ra hiện tượng này phải xảy ra thường xuyên từ trước chứ không chờ đến bây giờ mới có những chuyện đó.
Một vụ cháy xe máy trên cầu Chương Dương PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự bức xúc: Tại sao trong hai năm trở lại đây số lượng cháy xe lại tăng đột biến? Bên cạnh các nguyên nhân thông thường, liệu có thể do xăng?. Một điều nữa, các xe đã cháy cũng không cùng năm, cùng hãng sản xuất, cùng nơi bảo trì... và nhìn xem những phương tiện đó như thế nào ở những nước khác…
Ông Đỗ Ngọc Huy, Giám đốc Công ty vật liệu Polymer, một chuyên gia về vật liệu cũng theo đuổi câu chuyện cháy xe từ những ngày đầu. Khi biết được kết luận nguyên nhân cháy xe ông cũng bày tỏ sự thất vọng: “Hình như các cơ quan quản lý nhà nước đang bị “rối”. Nếu thực sự để an lòng dân và “nắn gân” những kẻ kinh doanh phi pháp bỏ tiền lợi vào túi chắc cũng không quá khó.
Đợi kết quả “sáng” hơnPGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự vẫn bảo vệ quan điểm của mình là vẫn khẳng định, đúng là có những nguyên nhân như chập điện, sự cố kỹ thuật… song vẫn đeo bám “nghi can” là nhiên liệu. Theo PGS Hùng, có nhiều cơ chế để dẫn đến cháy nổ nếu xăng thực sự không đảm bảo chất lượng. Rõ ràng, xăng không đạt chất lượng mới dẫn đến hỏng đường dẫn, gioăng rồi “chờ dịp” bùng cháy lên. Như vậy, khi cháy xe, rõ ràng là xăng chỉ là nguyên nhân gián tiếp, khi gặp nhiệt độ cao, chập điện… mới bùng cháy. Ở đây lại lùng bùng giống câu chuyện con gà đẻ ra trứng hay quả trứng nở ra con gà (?!).
Dù không “bênh vực” cho xăng, song ông Đỗ Ngọc Huy cũng đưa đề xuất để thêm hướng nghiên cứu đó là các dây dẫn từ bình điện. Ông cho rằng, cần kiểm tra các bó dây dẫn của ô tô và xe máy để biết lớp vỏ nhựa cách điện đã làm việc như thế nào.
Ông Huy cũng khẳng định, nếu xăng đạt tiêu chuẩn sẽ không sao, tuy nhiên khi xăng pha không đúng tỷ lệ một chất được gọi là chống kích nổ. “Chất này nếu pha sai tỷ lệ thì sẽ là dung môi làm hỏng các phớt của xe dẫn đến rò rỉ xăng. Nếu rò rỉ khiến xăng bốc hơi thì không cần có tia lửa điện (nghĩa là điện bị chập) mà chỉ cần xe ở nhiệt độ cao nhất định đã có thể bốc cháy”.
Dù thế nào, giới chuyên môn và người dân vẫn mong đợi một kết quả “sáng hơn”.
Bích Ngọc