Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Về giải pháp chống tham nhũng

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Về giải pháp chống tham nhũng Empty
Bài gửiTiêu đề: Về giải pháp chống tham nhũng   Về giải pháp chống tham nhũng EmptyWed Mar 14, 2012 10:03 pm

Trao đổi với nhà báo Thái Duy:

Về giải pháp chống tham nhũng

Bài đăng trên Đại Đoàn Kết (14/03/2012)

Cương lĩnh Đại hội Đảng lần thứ XI nêu việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhưng hệ thống pháp luật thì quá lạc hậu, không theo kịp thực tế đời sống, có quá nhiều sơ hở, và pháp luật lại không được thực thi nghiêm minh, lại còn tạo ra "vùng cấm” trên thực tế, trở ngại việc thực thi Nhà nước pháp quyền và xây dựng Đảng.

Về giải pháp chống tham nhũng 2012_74_T12_Anh
Hồ Chủ tịch nói chuyện tại một lớp chỉnh huấn
năm 1952 tại Việt Bắc - Ảnh: T.L

Kính thưa nhà báo Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân).

Tôi là Đào Ngọc Đệ, Giảng viên đại học, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, là bạn đọc thường xuyên và cộng tác viên của báo Đại Đoàn Kết.

Thưa bác, tôi đã đọc kỹ bài viết "Chống tham nhũng để củng cố "cái nóc” của bác, trên báo Đại Đoàn Kết, số 69, ra ngày 9-3-2012, trong mục: "Tham vấn- Phản biện”. Thông qua báo Đại Đoàn Kết, tôi xin được trao đổi với bác, tác giả bài viết nêu trên.

Thật ra, tôi dùng chữ "trao đổi” với bác là không "chuẩn”, là "phạm thượng”. Thật vậy. Bác là nhà báo lão thành, là nhà văn nổi tiếng, là một cây bút trụ cột của báo ĐĐK đã mấy chục năm nay. Tôi là thế hệ sau, làm sao xứng để "trao đổi” với bác. Nói đúng ra là tôi xin "thưa chuyện” với bác, để bày tỏ những cảm nghĩ của tôi về bài báo nêu trên (cũng như các bài viết khác của bác đăng ở báo ĐĐK, trên mục Thời luận và Tham vấn - Phản biện), và cũng để bàn luận thêm về vấn đề bác nêu.

1. Thưa bác, tôi phải nói ngay rằng: Tất cả các bài viết của bác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng- mà cốt lõi là chống tham nhũng- tôi đều đọc một cách chăm chú và tôi rất đồng tình về những điều bác phân tích, bình luận. Tôi nghĩ, điều bức xúc lớn nhất ở đất nước ta hiện nay là nạn tham nhũng, tệ lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa dân của "một bộ phận không nhỏ” cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương. Nó chẳng những không hề giảm bớt, mà ngày càng gia tăng cực kỳ nghiêm trọng; không chỉ ngày càng tinh vi, đa dạng mà nhiều lúc còn công khai đến mức như một sự "đặc quyền” (?) của nhiều cán bộ có chức quyền ở các cấp, các ngành, các địa phương. Nó cũng như một sự "thách thức” nhân dân, "thách thức” công lý và công luận! Điều đó làm không ít đảng viên và đông đảo nhân dân vô cùng bất bình! Tham nhũng đã đẻ ra nhiều tệ nạn xã hội nghiêm trọng và sự suy thoái đạo đức xã hội, gây bất ổn định xã hội. Nói cách khác: Quốc nạn tham nhũng là "cha đẻ” của nhiều tệ nạn xã hội và làm cho xã hội không còn kỷ cương, phép nước. Cho nên, muốn chỉnh đốn Đảng, để làm cho Đảng được trong sạch, từ đó xây dựng được niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, đưa nước ta tiến tới văn minh, giàu mạnh- thì trước hết và luôn luôn phải quyết liệt chống, tiến tới diệt trừ nạn tham nhũng! Vì vậy, báo chí vẫn cần viết bài về chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền và tệ xa dân. Đấy là sứ mệnh của báo chí chân chính, là hợp ý Đảng lòng dân.

2. Vấn đề "nhìn thẳng vào sự thật”, "nói đúng sự thật”, thì thưa bác, cách đây ngót một thế kỷ (ngót 100 năm), lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga và của Đảng CS Liên Xô, V. Lênin đã nói rồi. Và cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đề cập đến trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc” (bút danh X.Y.Z) rồi! Các kỳ Đại hội Đảng lần trước cũng đã nói rồi. ĐH Đảng XI và Hội nghị TƯ 4 đã tiếp tục đề cập vấn đề này. Do bệnh "thành tích” mà người ta cứ tưởng tượng ra các con số hồng mà "ảo”, thậm chí báo cáo những thành quả ... chưa diễn ra. Bên cạnh đó do sợ lãnh đạo cấp trên cho nên trong phê và tự phê bình trong Đảng, người ta né tránh, ngại nói khuyết điểm, thiếu sót của người khác... Cho nên, như Cụ Hồ đã nói trong "Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), rằng: trong Đảng và các cấp chính quyền, có hiện tượng "làm ít, xuýt ra nhiều”, có bệnh "báo cáo không thật thà”! Mọi sự trì trệ, cũng do đó mà ra. Bây giờ càng cần "nhìn thẳng vào sự thật”, phê bình và tự phê bình "không nể nang, né tránh” cũng là để thực hiện lời Cụ Hồ đã dạy, là thực hiện những việc mà các Đại hội của Đảng đã đề ra.

3. Trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước không nói đến "vùng cấm”. Luật pháp các nước tiên tiến Âu - Mỹ không có "vùng cấm”. Xã hội và công dân đều "thượng tôn pháp luật”. Nguyên thủ quốc gia hay các quan chức khác, nếu mắc sai phạm, thì đều bị đưa lên công luận, bị đưa ra tòa; việc cách chức, từ chức là chuyện bình thường. Cương lĩnh được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua đã nêu việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhưng hệ thống pháp luật thì vẫn lạc hậu, không theo kịp thực tế đời sống, có quá nhiều sơ hở, và pháp luật lại không được thực thi nghiêm minh, lại còn tạo ra "vùng cấm” trên thực tế, trở ngại việc thực thi Nhà nước pháp quyền và xây dựng Đảng.

4. Lại nói đến việc "Sửa đổi cơ chế” (cơ chế các loại) để chống tham nhũng. Ông Phạm Văn Chung cũng nói điều này, trong bài "Để chỉnh đốn Đảng thành công, cần đổi mới cơ chế quản lý, điều hành” (Báo ĐĐK, số 70, ra ngày 10-3-2011). Rất nhiều người khác cũng đã đề cập điều này trên nhiều tờ báo. Tôi cho rằng, không nên đổ lỗi hoàn toàn do cơ chế! Thưa bác Thái Duy, "cơ chế” do ai đề ra? Do con người đề ra mà thôi. Lỗi đâu phải chỉ ở cơ chế, mà chính là lỗi của những con người tạo ra cơ chế và lợi dụng cơ chế. Nói cách khác, do một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất, và thêm vào đó là sự yếu kém về trình độ văn hóa- khoa học, mà người ta đã xây dựng nên một cơ chế không khoa học, không hệ thống, không hợp lý... Lấy ví dụ, khi bàn bạc, quyết định về quản lý giá xăng dầu, cơ chế về quản lý đất đai, vấn đề bù giá, bù lỗ... thì ngành nào, địa phương nào thấy có lợi là "OK”, thấy bất lợi và bị phê phán thì cùng nhau né tránh; hay là Đảng bộ của một trường Đại học hiện nay trực thuộc Đảng bộ cấp huyện- địa phương nơi trường đóng; v. v.... dẫn đến việc cách chức ai đó là "rất khó”, kết nạp Đảng cũng không khách quan, hoặc đùn đẩy trách nhiệm, không rõ trách nhiệm của người đứng đầu v.v...

5. Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) nêu lên trách nhiệm của người đứng đầu, nêu phương châm phải làm từ trên xuống, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải làm gương, thực hiện trước là hết sức đúng. Việc này từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) và từ năm 1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đã nói rồi. Như thế cũng có nghĩa là đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ mấy chục năm nay, nói nhiều, nhưng làm chưa đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó là xử lý kỷ luật không nghiêm minh, có "vùng cấm” (nêu trên). Vì thế, thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 có hiệu quả thiết thực, cụ thể, thì mới là điều nhân dân trông đợi, mới có được niềm tin của nhân dân.

6. Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 nêu ra phương châm "nhìn thẳng vào sự thật”, phê và tự phê bình "không nể nang, né tránh”, điều đó rất đúng nhưng thưa bác: "Liệu có ai đủ can đảm để vạch ra (những khuyết điểm) của "một bộ phận không nhỏ” ấy”! Đây là điều băn khoăn của nhân dân, được GS, NGND Nguyễn Lân Dũng viết trong bài "Bước đột phá mới trong công tác xây dựng Đảng”, đăng báo ĐĐK, số 60, ra ngày 29-2-2012. Mấu chốt của sự thành công là phải thực sự có phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong các tổ chức Đảng, để vạch rõ, "một bộ phận không nhỏ” đó rồi xử lý kỷ luật nghiêm minh, kể cả cách chức, ra toà, bất kể người đó là ai. Sự thật thì, vạch ra những người tham nhũng không hề khó. Chỉ nhìn vào đồng lương, rồi đối chiếu với số tài sản thực tế của họ cũng có thể là phát hiện ngay. Việc đó cũng rất cần dựa vào Dân không phải chỉ vào những người được "lựa chọn”.

7. Thưa bác Thái Duy, tôi thiển nghĩ, đã là cán bộ lãnh đạo, tức là những người đại biểu của Dân, của Đảng, thì phải thực sự làm việc vì Dân, phải yêu nước, thương dân. Chức quyền đã có, bổng lộc và chế độ chính sách đã tạo cho họ cuộc sống đầy đủ, sung mãn mọi điều, cớ sao một số cán bộ lại ức hiếp dân (như vụ Tiên Lãng, Hải Phòng, v. v...) và cớ sao không làm những việc ích nước lợi dân? Làm những việc ích nước lợi dân, chỉ tăng thêm giá trị và uy tín của mình, để Dân tin cậy, thậm chí là Dân kính trọng, biết ơn! Thế thì còn gì sung sướng, hạnh phúc, vinh quang hơn! Thế mới để được phúc cho con cháu mình sau này...

Những bài báo bác Thái Duy viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đăng báo Đại Đoàn Kết là những bài rất đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, rất hợp lòng dân. Tôi yêu thích, đồng tình với những bài viết tâm huyết của bác, và rất hoan nghênh Ban Biên tập báo ĐĐK đã đăng những bài này (và các bài của mục Tham vấn- Phản biện của các tác giả khác). Kính chúc nhà báo Thái Duy mạnh khỏe, sống lâu, viết nhiều bài báo hay hơn nữa. Nhân đây, tôi kính chúc sức khỏe và sự thành công của Ban Biên tập, của báo Đại Đoàn Kết- một trong những cơ quan báo chí luôn luôn phản ánh những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân tin cậy.

ĐÀO NGỌC ĐÊ
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
Về giải pháp chống tham nhũng
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Phòng chống tham nhũng cần có những Bao công
» Chống tham nhũng để củng cố cái nóc
» GÓP PHẦN CHỐNG THAM NHŨNG
» GÓP PHẦN CHỐNG THAM NHŨNG (2)
» GÓP PHẦN CHỐNG THAM NHŨNG (3)

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Đời Sống - Xã Hội-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất