TK
Tổng số bài gửi : 9196 Hoạt Động : 18889 Join date : 29/10/2009 Đến từ : Hà Nội, Việt Nam
| Tiêu đề: Đảng ta Thu Mar 01, 2012 6:27 pm | |
| Đảng taBài đăng trên báo Đại Đoàn Kết (01/03/2012)Đầu năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Bác Hồ đã nói: "Đảng ta vĩ đại vì Đảng gần gũi tận trong lòng mỗi đồng bào ta, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng không có lợi ích gì khác.” Phần thưởng lớn đối với Đảng và cũng là niềm tự hào lớn nhất đối với Đảng và cũng là niềm tự hào lớn nhất đối với đảng viên là nhân dân các tầng lớp đều coi Đảng là của chính mình, gọi Đảng là "Đảng ta” một cách rất tự nhiên.Các đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng Ảnh: Hoàng Long Nhắc đến Đảng là chỉ thấy hy sinh tận tụy, khổ trước, sướng sau qua những đảng viên mà dân nuôi che chở, bảo vệ. Ở đâu dân vận cũng là lẽ sống, cũng cùng ăn cùng ở, cùng là sống chết, no đói có nhau. Tám năm sau, đầu tháng 6 năm 1968, Bác Hồ làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn trung ương về việc xuất bản loại sách " Người tốt việc tốt”. Khi nhắc đến cán bộ lãnh đạo vẫn còn một số người chưa tốt, Bác Hồ tỏ ra không vui, Bác nói: "Khó khăn, thiếu thốn, ốm đau ta đều dựa vào dân. Nay tình hình đã khác trước, đời sống nhân dân khá hơn, cán bộ ta ăn ở cũng khá hơn, đi công tác có xe đạp, xe ôtô. Nhưng có một số người không nhớ lúc hàn vi lại để cho chủ nghĩa cá nhân nẩy nở. Đã có xe rồi lại " phấn đấu” để có xe đẹp hơn chiếm phần người khác. Đã có nhà rồi lại "phấn đấu” theo kiểu như thế để có nhà đẹp hơn. Làm như vậy là trái với đạo đức cách mạng.” Bác đã nói, như một lời cảnh báo: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.” Uy tín của Đảng trong dân phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất của đảng viên. Dân chỉ coi Đảng là của chính mình khi đảng viên thực sự gần dân, thực hiện đúng lời căn dặn của Bác Hồ "Cái gì lợi cho dân thì làm, cái gì hại cho dân thì tránh.” Bên cạnh những cán bộ làm lợi cho dân, vẫn còn những người làm hại cho dân mà mắt thấy hàng ngày. Họ không những lãng phí tiền của Nhà nước mà tham nhưng cũng chẳng cần che dấu. Những người cao tuổi đã sống thời còn Pháp và Mỹ thống trị đều nhận xét: các công chức thời đó không giàu có, xa hoa, hoang phí bằng nhiều cán bộ có chức quyền ta hiện nay, còn về cờ bạc, ăn chơi... càng không sánh với một số quan chức ta. Lương bao nhiêu ai cũng biết, chẳng hề buôn ngược bán xuôi thế mà không chỉ có biệt thự mà còn có nhà cho thuê và tiền gửi ra nước ngoài cho con du học. Doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ nhưng không thấy Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc nào nghèo. Thua lỗ 100 tỷ đồng, thua lỗ 1000 tỷ đồng cũng chẵng thấy ai bị kỷ luật. Không có trách nhiệm cá nhân, xấu và tốt, giỏi và kém lẫn lộn, chỉ béo bở bọn chạy chức, chuyên quyền, buôn quan bán chức” Đảng đã thấy rất sớm là phải đề cao trách nhiệm cá nhân, đề cao kỷ luật, không thể dựa dẫm vào tập thể để lẩn tránh trách nhiệm cá nhân nhưng không sao thực hiện được. Từ Thủ tướng đến lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương rất khó xử lý kỷ luật cấp dưới phạm sai lầm. Ba Thủ tướng tiền nhiệm đều công khai nói thực quyền chỉ rất có hạn. Thủ tướng Đỗ Mười từng nói trước Quốc hội, ông cách chức một chủ tịch tỉnh rất khó. Thủ tướng Phan Văn Khải, 9 năm là Thủ tướng ( 1997- 2006) ông đã nói quyền đích thực của một Thủ tướng lại do nơi khác quyết định. Chiều 16-6-2006, đại biểu Phan Văn Khải lần cuối cùng phát biểu trước Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 9 với cương vị người đứng đầu Chính phủ. Ông nói: "Người đứng đầu cơ quan hành chính không có đủ quyền hạn cần thiết trong việc bố trí nhân sự dưới quyền mình, kể cả sắp xếp thay thế, thi hành kỷ luật. Cơ chế này không gắn "nắm việc” với "nắm người”, dẫn tới sự lựa chọn không phải trên công việc, không căn cứ vào kết quả hoạt động thực tiễn, do đó không khuyến khích được người có tài, có đức. Chức trách không rõ ràng cùng với cơ chế cán bộ không hợp lý là nguyên nhân chính khiến cho bộ máy không xác lập được trách nhiệm cá nhân đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho xu hướng cơ hội và những kẽ hở cho tệ chạy chức.” Đi vào sự việc cụ thể, ông nói: "Bây giờ mà thi hành kỷ luật một cán bộ cấp vụ là rất khó bởi họ không đồng ý thì chạy qua kiến nghị công đoàn và chỗ này chỗ kia. Tại Hội nghị Chính phủ triển khai kế hoạch hàng năm, có vị Chủ tịch ở địa phương nói: "Chuẩn bị thay một vị giám đốc sở thì "nó” đã đi vận động thay chúng ta rồi” Có chuyện đó không? Xin thưa là trên đất nước chúng ta có. Sắp tới phải khắc phục chuyện này như thế nào để đề cao trách nhiệm cá nhân chứ một xã hội mà người đứng đầu không chịu trách nhiệm thì xã hội chúng ta không thể có trật tự, kỷ cương được.” Từ đó đến nay, mong ước thiết tha của Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó cũng là của ba Thủ tướng tiền nhiệm vẫn chưa thực hiện được vì trách nhiệm cá nhân vẫn rất xa vời. Chủ tịch tỉnh, vụ trưởng, giám đốc sở còn không thay thế được nữa là Bộ, Thứ trưởng và tương đương. Người kém vẫn phải dùng, nền hành chính không lành mạnh được. Là những người đứng đầu ngành hành pháp, mấy Thủ tướng tiền nhiệm đều hiểu rõ hậu quả rất tai hại khi không có trách nhiệm cá nhân. Chuyện tưởng như vô lý nhưng lại có thật bao nhiêu năm nay và hiện đang diễn ra. Không có trách nhiệm cá nhân nhưng khen thưởng lại đều đặn, tặng thưởng huân chương, bằng khen rất đều đặn, tiếp theo là đề bạt lên lương, lên chức. Vậy căn cứ trên cơ sở nào để khen thưởng vì quan trọng nhất là phải nắm chắc trách nhiệm cá nhân có hoàn thành không, đánh giá cán bộ lãnh đạo lại không bắt đầu từ trách nhiệm cá nhân thì biết chính xác làm sao được tài, đức của cán bộ. Sai lầm, khuyết điểm, tội là của tập thể, thành tích là của cá nhân, không có từ chức, cách chức, Quốc hội chẳng thể bỏ phiếu miễn nhiệm nhưng khen thưởng, tuyên dương lại tràn lan lâu nay như thế và đây là một chỗ yếu của công tác cán bộ. Xây dựng Đảng cần gắn liền với khắc phục càng sớm càng tốt những yếu kém trong công tác cán bộ, trách nhiệm cá nhân phải rõ ràng, rành mạch không thể lẫn lộn trước hết là ở bên trên để khi xảy ra tiêu cực lớn sẽ biết ngay trách nhiệm cá nhân thuộc về ai. Nhiều người không hoàn thành nhiệm vụ, để bộ, ngành, địa phương, cơ quan mình lãnh đạo xảy ra tiêu cực lớn, đều đứng trên, đứng ngoài kỷ luật, pháp luật. Nếu nuông chiều cán bộ như thế thì cán bộ không hư hỏng mới lạ. Bộ máy nhà nước tồn đọng ngày càng nhiều lãnh đạo đáng lẽ đã bị kỷ luật, không còn xứng đáng tại chức nhưng họ vẫn thoát nạn và đến hẹn lại lên, họ tiếp tục giữ các chức vụ cao hơn. Mối họa này ngày càng lớn khi người kém lãnh đạo người giỏi trở thành phổ biến, ở cả địa phương và Trung ương, đúng như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: "Không căn cứ vào kết quả hoạt động thực tiễn do đó không khuyến khích được người có tài,có đức, một bộ máy Nhà nước như vậy sẽ đưa đất nước đến đâu”? Đảng lãnh đạo đất nước ta đã hơn 80 năm. Có Đảng đất nước mới thoát vòng nô lệ, tên nước Việt Nam mới được cả thế giới biết đến, có Đảng nhân dân ta mới có thể làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975 chấn động địa cầu. Những tấm gương hy sinh của những người cộng sản đã được nhân dân ta noi theo từ những năm đất nước còn chìm đắm trong đói nghèo, mãi mãi bất diệt trong lịch sử nước ta. Trong kháng chiến đã cần đến sự lãnh đạo của Đảng; trong hòa bình xây dựng càng cần đến một Đảng trong sạch, vững mạnh. Như Bác Hồ đã chỉ rõ: Một đảng cầm quyền là đầy tớ của dân. Nhân dân ta rất tự hào có một Đảng vĩ đại, xứng đáng được nhân dân ngưỡng mộ và chính vì vậy nỗi đau của nhân dân ta càng day dứt khôn nguôi khi thấy uy tín của Đảng không những ngày càng giảm sút mà những tiêu cực trong Đảng đang thách thức sự tồn vong của chế độ, thách thức chính sự tồn tại của Đảng. Chính từ tâm trạng lo lắng đó, Nghị quyết "Mấy vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư đã gây chấn động, đáp ứng lòng mong đợi của toàn dân. Có thể nói một luồng gió mát trong những ngày nóng nực. Mọi người đều mừng thấy Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật với dân và qua Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 quyết tâm của Đảng rất lớn, chỉnh đốn Đảng lần này phải thành công. Dân mừng nhưng vẫn lo. Hơn 20 năm qua đã tổ chức xây dựng Đảng mấy lần nhưng đều không đạt kết quả. Ta nói rất hay nhưng không làm hoặc làm không đến nơi, đến chốn, tiêu cực trong cán bộ càng nhiều hơn. Lần này phải làm bằng được, không thể khác vì trong dư luận đông đảo nhân dân có một suy nghĩ giống nhau: lần này xây dựng Đảng lại không đạt kết quả sẽ không có một lần nữa đâu vì dân không thể tin nữa. Hiểu như vậy để quyết làm bằng được và muốn vậy rất cần có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Nhiều nơi đã đề nghị sự giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mong có một hội nghị bàn về vấn đề này, cụ thể hóa những việc nhân dân có thể làm thông qua Mặt trận Tổ quốc, giám sát thiết thực, có hiệu quả cuộc chỉnh đốn của Đảng. Thái Duy | |
|