Chống căn bệnh hình thứcBài đăng trên Tuần VietNamNet 10/03/2012 06:00:00 AM (GMT+7)Thông tin trên các báo cho thấy lễ công bố kế hoạch tiết giảm chi phí và cắt giảm đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 22-2 vừa qua được tổ chức rất hoành tráng.Khách mời gồm lãnh đạo nhiều địa phương trên cả nước, lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài tập đoàn, cùng đông đảo đội ngũ báo giới, truyền thông từ trung ương đến địa phương. Tuy rằng mục đích của buổi lễ nhằm công bố quyết tâm "sẽ tiết giảm chi phí", nhưng những người tham dự không khó để nhận ra TKV đã khá vung tay ngay trong ngày chính thức lên tiếng "chúng tôi sẽ tiết kiệm", khi toàn bộ khách mời đều được nhận một phần quà khá hậu hĩnh lúc ra về. Ngay cả việc tập đoàn này mời nhiều lãnh đạo các đơn vị từ các tỉnh về thủ đô dự lễ có lẽ cũng đã khiến cho ngân sách hao hụt một khoản không nhỏ do chi phí đi lại.
Không chỉ có TKV, trước đó còn có khá nhiều ông lớn khác như Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng công bố tiết kiệm... hoành tráng không kém. Thậm chí có đơn vị đã không sử dụng trụ sở nội bộ mà thuê luôn hội trường của khách sạn năm sao để cho buổi lễ "thêm phần long trọng".
Trong hầu hết các buổi lễ công bố cắt giảm chi tiêu vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có lẽ là người mệt mỏi nhất vì phải liên tục đến tham dự các buổi lễ hoành tráng này. Thế nhưng, có vẻ như ông không bằng lòng với những cuộc đình đám ấy khi nhắc nhở các doanh nghiệp không cần phải tổ chức ký kết, công bố một cách tràn lan, chạy theo phong trào. Thay vào đó, chỉ cần hội đồng thành viên đưa ra nghị quyết để các đơn vị, cá nhân thực hiện, sau đó giám sát chặt chẽ. Chỉ đạo của Bộ trưởng phần nào cho thấy ông cũng nhận ra sự lãng phí trong các buổi lễ "tiết kiệm" khá tốn kém của các tập đoàn.
Được biết, sắp tới quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được ban hành, theo đó dù cắt giảm chi tiêu như thế nào đi nữa, nhưng nếu để thua lỗ hai năm liên tiếp thì lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cũng phải bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm.
Một buổi lễ công bố cắt giảm chi tiêu Tháng 2 vừa qua đã có bảy tập đoàn, tổng công ty nhà nước cam kết tiết giảm chi phí trong năm 2012 với con số tiết giảm lên tới hơn 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những điều đáng để mọi người phải băn khoăn ngay sau những buổi cam kết này.
Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cam kết năm 2012 sẽ tiết giảm 137 tỉ đồng, tương đương tiết giảm 15 đồng/lít, kg xăng dầu bán ra. Nhưng khi xem lại kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, riêng sáu tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp này đã chi vượt định mức hơn 500 tỉ đồng cho chi phí kinh doanh. Con số chi vượt định mức cả năm chắc chắn phải cao hơn nhiều. Như thế mới thấy việc tiết kiệm 137 tỉ đồng là không thực chất.
Hay như Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cho biết sẽ cắt giảm chi phí tương đương số tiền tiết kiệm được là 145 tỉ đồng. Điều đáng nói là lễ công bố việc cam kết "cắt giảm chi phí" được tổ chức tưng bừng ở... một khách sạn năm sao tại Hà Nội!
Lễ công bố việc cam kết "cắt giảm chi phí" của tập đoàn Bảo Việt được tổ chức tưng bừng ở... một khách sạn năm sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký cam kết thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm chi phí năm 2012. Theo đó, EVN cam kết sẽ triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh với mục tiêu đạt 1.800 tỉ đồng trong năm 2012, nhưng "tiết kiệm" ở đây phải chăng cũng chỉ nhằm "giảm lỗ".
Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng cam kết tiết kiệm và tiết giảm chi phí gần 1.000 tỉ đồng trong năm 2012 này. Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, khẳng định vẫn còn dư địa cho khả năng tiết giảm nhiều hơn con số mà tập đoàn này đưa ra.
Thế cho nên có thể nói việc tiết giảm chi phí đối với các tập đoàn - tổng công ty, vốn được coi là đầu tàu của nền kinh tế, còn mang nặng tính hình thức, chẳng qua là làm một chuyện đáng ra phải tiến hành từ lâu là không được lãng phí tiền bạc cho những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực.
Chủ trương tiết giảm chi phí quản lý, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty trong giai đoạn này là hết sức cần thiết và là yêu cầu của thực tế tình hình. Tuy nhiên không nên triển khai thực hiện theo kiểu phong trào, hô khẩu hiệu, chạy đua với các con số để lập thành tích. Việc giảm chi phí mà dẫn tới hệ thống quản trị của các tập đoàn, tổng công ty kém đi thì hiệu quả sẽ không như mong muốn, thậm chí còn gây hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp và toàn xã hội.
Chúng ta vẫn chưa quên hằng năm vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1, các ngành, các cơ quan, đơn vị đều đồng loạt tổ chức hội nghị tổng kết công tác nhằm đánh giá lại những việc đã làm được trong năm cùng những vấn đề còn tồn tại để rút kinh nghiệm và bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ năm sau. Đây là điều đáng làm, nhưng hiện nay lại đang dần bị biến thành căn bệnh hình thức, đã không có thực chất lại gây tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian.
Việc phô trương hình thức lâu nay đã phổ biến không chỉ trong doanh nghiệp mà ở cả các cơ quan nhà nước. Có trụ sở của một tỉnh mà chỉ riêng tiền xây cổng ra vào đã lên đến ba tỉ đồng. Nhiều địa phương mua sắm ôtô không chỉ vượt chỉ tiêu, mà còn vượt cả tiêu chuẩn được dùng.
Phô trương hình thức cũng trở thành căn bệnh trong việc ban phát và trao các loại giải, đặc biệt trong tổ chức các lễ hội. Hiện nay cả nước có hơn 8.000 hội hè từ làng xã đến huyện, tỉnh, trung ương trong suốt năm, có lễ hội kéo dài hằng tuần đến hằng tháng, tốn kém không sao kể xiết.
Chẳng hiểu từ khi nào và ai chủ trương mà cuộc họp nào cũng mở đầu bằng một chương trình văn nghệ lê thê, họp không ra họp, vui chơi không ra vui chơi. Vậy thì làm sao kêu gọi người dân tiết kiệm theo cái nghĩa là "quốc sách".
Bệnh hình thức là cha đẻ của bệnh quan liêu và lãng phí. Nhà nước đã và đang ban hành biết bao nhiêu chính sách và biện pháp, nhưng căn bệnh này vẫn cứ ngày càng nặng chẳng qua là vì chúng ta không tiết kiệm từ trên.
Theo Minh Trí/ DNSG cuối tuần