Tiên Lãng và cơ hội đổi mới quản lý công chứcBài đăng trên VietNamNet Cập nhật 13/02/2012 06:05:00 AM (GMT+7)Vụ Tiên Lãng cho thấy bộ máy quản lý rất đông nhưng kém hiệu quả, một bộ phận công chức tha hóa đang lũng đoạn chính sách và luật pháp.Lãnh đạo TP Hải Phòng và một số bộ, ban ngành tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì
chiều 10/2 về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng. Ảnh: Chinhphu.vn Trong vụ Tiên Lãng, sai phạm được
câu kết từ chính quyền cấp xã đến cấp huyện, được sự
che chắn của cấp thành phố, sự
đồng lõa giữa chính quyền với tòa án. Các tổ chức dân bầu từ HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đến các đoàn thể xã hội có rất nhiều nhưng
im hơi lặng tiếng dù cho hàng ngàn bài báo đã lên tiếng.
Thực trạng đó cho thấy sự thật là bộ máy quản lý của chúng ta rất đông nhưng yếu kém về hiệu quả. Một bộ phận công chức đã bị tha hóa mà dân gọi là
“cường hào mới”, đang
lũng đoạn chính sách và luật pháp của nhà nước. Những thiệt hại của dân trong lĩnh vực đất đai dễ thấy, dễ tính ra bằng tiền, nhưng còn những
thiệt hại vô hình khác về thời gian do giao thông ách tắc, do phải đi lại nhiều ngày mới được việc khi đến công sở, thiếu tin tưởng để an tâm đầu tư, thậm chí mất cơ hội làm ăn... thì khó mà đo đếm được. Song rõ ràng nó để lại di chứng không dễ khắc phục.
Xử lý nghiêm các vi phạm nhiều mặt của chính quyền địa phương qua vụ Tiên Lãng là đòi hỏi cấp thiết có ý nghĩa chính trị để bước đầu lấy lại niềm tin của người dân. Kết luận của Thủ tướng về vụ việc Tiên Lãng là hợp lòng dân. Song để rút các ngòi nổ đang tiềm ẩn ở nhiều nơi, một yêu cầu vừa cơ bản vừa cấp thiết đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung luật và
xây dựng lại đội ngũ công bộc của dân.
Thực tế ghi nhận những năm 1990, Chính phủ đã thực lòng cam kết cải cách hành chính (CCHC). Thế hệ công chức những năm đầu đổi mới kinh tế khá nghiêm túc trong học tập và trong công vụ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Những nỗ lực đó đã tạo nền tảng cho tiến bộ về thể chế kinh tế, mở đường cho tăng trưởng ngoạn mục trong điều kiện Việt Nam còn bị cấm vận, khai mở con đường hội nhập kinh tế thế giới.
Song khoảng mươi năm gần đây, CCHC có thể nói là mất đà, tụt dốc. Hệ lụy là
kinh tế giảm tăng trưởng, lạm phát bị xếp hạng cao nhất châu Á, môi trường ô nhiễm, tài nguyên đang cạn kiệt, giáo dục xuống cấp. Thực tiễn thành công và chưa thành công đã cho thấy: luôn có sự song hành giữa kinh tế - xã hội và hành chính, trong đó hành chính có vai trò tích cực hay là trở ngại trong thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển.
Hiện nay, đội ngũ công chức không chỉ sa sút về chuyên môn mà còn xuống cấp về đạo đức. Báo chí đã nêu nhiều vụ việc cho thấy sự tha hóa của công chức. Song có lẽ đó mới là
phần nổi của tảng băng. Nhiều công chức hạn chế về hiểu biết chung đã đành, mà chuyên môn và kỹ năng quản lý cũng yếu kém.
Riêng việc ban hành văn bản hành chính đã bộc lộ hàng loạt
yếu kém và ẩn giấu động cơ
vụ lợi. Mức thấp là sai về ngữ pháp, không đúng giữa tên của văn bản với nội dung bên trong, mức cao là sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa tầng tầng lớp lớp văn bản cụ thể hóa luật của các cơ quan hành chính mà điển hình là luật Đất đai với 200 văn bản hướng dẫn thi hành. Ngay cả khi các quy định trong quản lý đất đai đã có cũng bị nhiều công chức
bóp méo hoặc
bỏ qua thực thi. Như Tiên Lãng đã không có dự án sau thu hồi đất, không lập hội đồng đền bù, không thực hiện thỏa thuận với dân…
Nhiều công chức tiếp dân
không giả dối, hách dịch thì cũng lươn khươn, vô cảm. Số người tận tụy với công việc đang mai một. Ai cũng thấy cơ chế quản lý có nhiều lỗ thủng song lại chưa thấy chính đội ngũ công chức là nhóm người can dự trách nhiệm rất lớn trong dự thảo luật, trong thực thi luật thông qua ban hành các văn bản dưới luật và tổ chức thực thi chúng. Đội ngũ này đang bị tha hóa bởi nhiều nguyên nhân, mà trực tiếp là
3 nguyên nhân sau:
- Do
tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức không được coi trọng trong nhiều năm qua. Chuẩn mực của nghề này bị suy giảm dần, nhất là trong quản lý đất đai và thuế khóa. Đặc biệt những năm gần đây,
số người từ các đoàn thể chính trị - xã hội… luân chuyển - nghĩa là được bổ nhiệm thẳng ngay vào các cơ quan hành chính khá nhiều và thường được bố trí ở những vị trí quan trọng. Diễn biến này ảnh hưởng xấu đến tính chuyên nghiệp của hành chính, nhất là khi họ được ngồi ở vị trí lãnh đạo các sở chuyên ngành. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn, họ vô tình hay hữu ý “bẻ ghi” các hoạt động vốn đòi hỏi sự chuyên sâu về nghiệp vụ và kỹ năng quản lý.
Nên có nghiên cứu xem hiện nay tỷ lệ “luân chuyển” từ ngoài vào hành chính chiếm bao nhiêu % trong đội ngũ công chức và đã ảnh hưởng ra sao đến tính chuyên nghiệp của nghề công chức. Bởi đây là nghề đòi hỏi tính
hợp pháp và hợp đạo lý trong thực thi pháp luật. Một quyết định hành chính sẽ không khả thi khi lợi ích công cộng lại nhỏ hơn sự thiệt hại của dân. Thậm chí nếu nó chỉ mang lại lợi ích cho nhóm nhỏ có quyền và có tiền thì lại càng không thể chấp nhận được.
- Nhiều năm qua,
ngành nội vụ nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng chưa được đặt đúng tầm. Tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu thường chú tâm chất vấn các bộ liên quan đến quản lý kinh tế, việc làm, giao thông, y tế, giáo dục mà ít thấy sự yếu kém của Bộ Nội vụ trong quản lý chất lượng đội ngũ công chức. Tiểu sử các ông quan “cờ” ở Sóc Trăng cho thấy
học vấn của họ thấp nhưng được cất nhắc nhanh chóng. Nếu không vỡ lở vụ đánh cờ bạc tỷ sẽ không lộ ra sự lỏng lẻo chuẩn mực trong bổ nhiệm công chức. Nếu các bộ và chính quyền địa phương yếu kém, trước hết nên xem xét
trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong quản lý công chức thông qua trách nhiệm xây dựng chiến lược và quy hoạch đội ngũ công chức, đặc biệt trong giám sát chuẩn mực nghề nghiệp khi tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ lương và kỷ luật công chức trong các cơ quan công quyền.
- Chế độ
trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chưa rõ ràng. Nhiều người đòi được toàn quyền song lại không thấy đòi phải được quy trách nhiệm.
Nếu nhận thức rằng muốn tái cơ cấu kinh tế, ổn định xã hội, trước hết phải CCHC thì cần đặt đúng vai trò của Bộ Nội vụ. Nên chăng bắt đầu từ việc củng cố đội ngũ công chức ngành nội vụ. Cơ cấu lại ngân quỹ tiền lương và có chính sách khác để
các đoàn thể xã hội phát huy được vai trò của họ. Việc làm này vừa giúp cho các đoàn thể đóng được vai trò của họ và cải thiện tiền lương công chức.
Ai cũng biết yếu kém về chuyên môn còn bồi lên được, hỏng về thái độ, về động cơ thì rất khó cải thiện. Chúng ta đang cần sự cam kết chính trị thật lòng củng cố đội ngũ công chức.
Nguyễn Thu Linh(Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển)