Cần một chiến lược trong tuyên truyền về chủ quyền biên đảo13/08/2011Từng đọc, nghe, thấy nhiều lời nói và hành động của một số lãnh đạo, học giả, nhà báo... Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông nước họ trái với tinh thần đoàn kết hữu nghị Việt - Trung từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ đến nay; đồng thời cũng từng có khá nhiều bài viết công khai phê phán những hành vi đó, nhà nghiên cứu về Trung Quốc Dương Danh Dỵ cho rằng để nhân dân Trung Quốc và quốc tế hiểu đúng về chủ quyền của Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng truyền thông ở Việt Nam. Báo chí của chúng ta nên vào cuộc công khai hơn nữa; các bài viết và tư liệu đưa ra phải có tính thuyết phục, có lý có tình để mọi người dân trong nước, ngoài nước và dư luận quốc tế thấy rõ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Hải quân Việt Nam tuần tra trên đảo An Bang
Ảnh: THÁI SƠN Thưa ông, không phải cho đến vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, báo chí Trung Quốc mới lên tiếng vu cáo Việt Nam vi phạm chủ quyền "đường lưỡi bò”do họ tự vẽ, tự công nhận, mà từ khá lâu rồi hầu như mọi phương tiện truyền thông Trung Quốc đã không ngừng rêu rao về cái gọi là " chủ quyền không thể tranh cãi” của họ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam? Và dường như những luận điệu đó thấm vào người dân Trung Quốc?Ông Dương Danh Dy: Nếu tôi không nhầm thì 20 mươi năm qua (kể từ năm 1991) sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, không biết vì lý do gì mà trong khi mọi phương tiện truyền thông Việt Nam gần như im lặng về tuyên truyền, giáo dục chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thì truyền thông Trung Quốc vẫn công khai tuyên truyền rộng rãi trong dân chúng họ về vấn đề này. Cùng với đó là sự vu cáo Việt Nam đang xâm chiếm một phần quần đảo Trường Sa mà họ cho là của họ, Việt Nam đang khai thác dầu khí tại vùng biển mà họ coi là của họ v.v.
Cũng chính vì "mưa dầm thấm lâu” nên đến nay khá nhiều người dân Trung Quốc đã bị "đánh lừa”. Như tôi đã từng trích dẫn từ mạng chính thức của Trung Quốc, qua điều tra, thăm dò ý kiến đã có tới trên 80% dân mạng Trung Quốc cho rằng phải dùng vũ lực ở Biển Đông (nên nhớ số dân mạng Trung Quốc khi có cuộc điều tra đó là trên 300 triệu người) và nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, thì việc đầu tiên là "đánh” Việt Nam. Trên một mạng Trung Quốc ngày 31-7-2011 còn tung tin sau Quốc khánh Trung Quốc (1 tháng 10) năm nay sẽ "khai đao” Việt Nam... Đưa vài dẫn chứng như vậy để thấy phía họ đã tuyên truyền và tác động xấu của những luận điệu tuyên truyền đó đến người dân nước họ như thế nào! Còn báo chí chúng ta mới chỉ bắt đầu vào cuộc thôi!
Như vậy có thể thấy phía Trung Quốc có cả một chiến lược tuyên truyền để biến không thành có?Đúng vậy. Trên các báo lớn của họ hầu như không lên tiếng, nhưng các ấn phẩm phụ trương của các tờ báo lớn của họ thì được phép tự do hành động. Tôi đã từng chứng minh tờ "Hoàn cầu thời báo” là con đẻ của "Nhân dân nhật báo”, nay xin nói thêm, mạng Bát Nhất có mạng ăn theo là "Trung Quân võng” (Milchina.com)...
Cần thấy thêm, Trung Quốc là một trong những nước kiểm soát mạng rất chặt. Luận điệu "không kiểm tra được hết” do họ đưa ra hoàn toàn là để trốn tránh trách nhiệm, không thể tin được. Trong tay tôi hiện có không ít tư liệu chứng minh điều này.
Ông vừa nói báo chí của chúng ta mới bắt đầu vào cuộc đấu tranh, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc? Nhưng thời gian qua hiệu quả của truyền thông rõ ràng đã có tác động không nhỏ tới dư luận trong và ngoài nước?Gần đây báo chí của ta mới vào cuộc một cách mạnh mẽ. Chỗ này phải mở ngoặc nói thêm là hầu hết các bài viết của tôi về vấn đề chủ quyền từ tháng 2 năm 2009 đăng trên các phương tiện truyền thông nước ngoài và các trang web cá nhân, gần đây đã được đăng trên các tờ báo chính thức ở Việt Nam.
Nguyên là Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng thời là một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, theo ông, chúng ta nên đấu tranh cho vấn đề chủ quyền biển đảo như thế nào?Tôi cho rằng, trong đấu tranh cần phải biết mình, biết người, có tinh thần trách nhiệm cao với dân tộc; phải đề xuất góp ý với người có trách nhiệm những ý kiến xác đáng về phạm vi chủ quyền biển đảo. Việc giữ bằng được, bảo vệ bằng được chủ quyền hiện có của chúng ta trên quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người dân. Cần phải làm cho mọi người dân Việt Nam ở trong, ngoài nước cũng như dư luận quốc tế trong đó có một bộ phận người dân Trung Quốc thấy rõ những vấn đề thuộc chủ quyền chính đáng của Việt Nam.
Và thời gian tới, chúng ta sẽ phải tiếp tục tuyên truyền nhiều hơn nữa về chủ quyền biển đảo trên các phương tiện truyền thông?Tôi đã đọc rất nhiều những bài viết về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc. Rõ ràng để viết được những bài sâu sắc như vậy, người viết bài phía họ phải có trình độ, am hiểu về lịch sử, am hiểu về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc. Còn chúng ta thì sao? Hiện nay có những phóng viên viết về lịch sử nhưng cũng chưa am hiểu lịch sử lắm. Điều này rất dở.
Để tiếp tục tuyên truyền hiệu quả hơn nữa về vấn đề này, tôi cho rằng cần có sự tham gia của mọi người Việt Nam yêu nước và người nước ngoài đồng tình với chúng ta, trong đó các học giả, những người cầm bút sắc sảo nhiều kinh nghiệm, có vai trò quan trọng. Cùng với đó, các bài viết trên báo chí nên đi sâu tập trung vào các vấn đề trọng tâm, chủ yếu, tránh lan man hoặc đi vào khía cạnh "bôi xấu” về sinh hoạt, về lối sống của người ta như gần đây đã có vài bài viết kiểu "té nước theo mưa” trên một số tờ báo, hoặc đã phê là phê tất... Như vậy không nên.
Xin nhắc lại, chúng ta chỉ chống những chủ trương, hành động, lời nói... bá quyền, nước lớn của Trung Quốc đối với tôn nghiêm dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của dân tộc Việt Nam, chứ không bao giờ chống hoặc bôi xấu nhân dân Trung Quốc. Đây cũng là một phần trách nhiệm của các phương tiện truyền thông Việt Nam.
Hơn nữa, việc tuyên truyền về chủ quyền Tổ quốc phải liên tục, lâu dài không phải là chuyện "ào” lên thành đợt như một thứ a dua rồi sau đó lại rơi vào im lặng.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!Hương Lê -
Ảnh: HOÀNG LONG (thực hiện)