Luật Biểu tình: Sớm nghiên cứu khi nhu cầu đã có05/08/2011 - 02:00Trong buổi thảo luận tại hội trường chiều 3-8, một số đại biểu QH đã đề nghị bổ sung thêm Luật Biểu tình vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.Hai trong số này là luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP.HCM) và nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu tỉnh Đồng Nai). Các ý kiến này đều cho rằng đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để ban hành luật này…
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết: Đại hội Đảng XI đã đề ra việc đổi mới đồng bộ về cả kinh tế lẫn chính trị. Thời gian qua, nhiều quyền cơ bản về tự do của công dân đã được luật hóa, đặc biệt là quyền về kinh tế. Nhu cầu xã hội và đất nước cho thấy cần thiết tiếp tục luật hóa những quyền cơ bản về chính trị, trong đó có quyền tự do hội họp và biểu tình theo Điều 69 của Hiến pháp, từ đó tạo thêm động lực phát triển và giữ vững ổn định cho xã hội nói chung và việc xây dựng đất nước nói riêng.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP.HCM, trái) và nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu tỉnh Đồng Nai) trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: THU HẰNG Đủ cơ sở pháp lý. Quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định từ lâu nhưng vì sao ông lại đề nghị ban hành Luật Biểu tình trong thời điểm này?+ Việc đề nghị có luật về quyền biểu tình xuất phát từ nhu cầu và khả năng của xã hội. Ở nước ta, mặc dù Hiến pháp đã có quy định nhưng nếu chưa có luật thì quy định ấy không thể được thực thi trong cuộc sống, hoặc nếu có cũng rất hạn chế. Thực tế trước nay, khi các tầng lớp người dân muốn bày tỏ thái độ, phản ứng về điều gì đó thì chỉ có một số tổ chức chính trị xã hội đứng ra tổ chức, cũng không gọi là biểu tình mà là mít-tinh hoặc nếu tự làm thì gọi là tụ tập tự phát…
Đề xuất của tôi là đưa Luật Biểu tình vào kế hoạch chuẩn bị luật cho năm 2012. Sau khi QH nghiên cứu, thậm chí có thể cuối nhiệm kỳ mới ra được luật này. ý của tôi ở đây là vừa rồi Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã khẳng định đổi mới chính trị và kinh tế đồng bộ. Nghị quyết cũng nêu rõ việc tăng cường nhà nước pháp quyền mà trong nhà nước pháp quyền thì hiến pháp là đạo luật cao nhất phải được đưa vào cuộc sống.
Quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định gần 20 năm qua. Trong suốt hơn 10 năm trở lại đây đã có nhiều cuộc biểu tình tự phát của các tầng lớp nhân dân. Nếu cứ để mãi tình trạng tự phát như thế sẽ dẫn đến sự lúng túng trong hành xử có khi dẫn đến sự cố tạo dư luận không hay trong xã hội. Còn nếu có luật rồi, anh biểu tình sai luật thì phải chịu trách nhiệm trước luật pháp.
Lợi cả đôi bên. Theo ông, khi ban hành Luật Biểu tình sẽ có lợi như thế nào?+ Khi nói đến quyền là nói đến những gì được làm nhưng không có nghĩa là tự phát, tự do muốn làm gì thì làm mà phải trong hành lang pháp lý và theo những quy trình, thủ tục.
Biểu tình thì có biểu tình tốt và không tốt. Chẳng hạn như biểu tình để quảng bá những điều trái thuần phong mỹ tục hoặc vận động chống lại Hiến pháp, lật đổ Nhà nước, gây mất đoàn kết giữa các tôn giáo, dân tộc hoặc cổ súy tội ác… thì không được. Cho nên phải có hành lang pháp lý quy định về thủ tục, đăng ký… là như vậy. Ngay cả khi thực thi quyền hiến định đó cũng phải làm sao không ảnh hưởng đến người khác. Ví dụ như đi biểu tình mà cản trở giao thông, phát loa ầm ĩ, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến người khác thì không được phép.
Nếu ra được luật biểu tình thì sẽ đáp ứng được nhu cầu luật hóa quyền hiến định của nhân dân, đồng thời đề ra được hành lang pháp lý và chuẩn mực hành động để cho quyền đó được thực thi, đem lại cái lợi cho xã hội, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Đồng thời, cũng ngăn cản được những hành vi, ý đồ lợi dụng hay lạm dụng những quyền ấy làm hại cho xã hội, cho đất nước.
. Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước thì sao, thưa ông?+ Một khi đã đề ra được những chuẩn mực ấy thì các cơ quan nhà nước cũng dễ dàng trong hành xử chức trách, nhiệm vụ. Chẳng hạn như khi biểu tình có đăng ký mục đích, nội dung, địa điểm, số lượng người tham dự thì nhà nước sẽ nắm rõ được thông tin để chấp thuận hay không và để quản lý. Nếu có những hành động vi phạm hoặc ngoài những thông tin đăng ký thì cũng dễ dàng xử lý và buộc người biểu tình phải tuân theo.
Phải có niềm tin ở nhân dân. Nhưng trên thực tế, dường như hai chữ “biểu tình” vẫn còn nhiều người né tránh. Liệu đề xuất của ông có khả thi?+ Quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp rồi! Do mình chưa luật hóa nên ai cũng ngần ngại, thậm chí ngán ngại, cũng giống như khi chưa có luật về quyền đình công. Hiện nay có những cách gọi khác như là mít-tinh, tụ tập đông người hay là tuần hành… nhưng về bản chất nó là biểu tình. Rõ ràng chúng ta đang thiếu luật về biểu tình. Và chính điều này càng làm cho anh em trong ngành tư pháp, công an lúng túng khó xử và người đi biểu tình cũng vậy.
Do đó tôi mạnh dạn đề xuất, từ thực tế và nhu cầu của xã hội, đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu ban hành luật biểu tình. Nhà nước pháp quyền nghĩa là sử dụng luật pháp để điều chỉnh các quan hệ xã hội thì chúng ta không nên ngần ngại một khi có nhu cầu. Nhu cầu này là nhu cầu đối với quản lý nhà nước và nhu cầu đối với người dân trong xã hội.
. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại nếu công nhận biểu tình thì sẽ dẫn đến tình trạng vàng thau lẫn lộn?+ Chính vì vậy nên càng phải có luật để tránh chuyện vàng thau lẫn lộn, tránh tự phát, tránh bị lạm dụng, lợi dụng. Nhưng tôi tin rằng với tình hình hiện nay, chúng ta hoàn toàn tránh được, đặc biệt chúng ta phải có niềm tin ở nhân dân. Theo tôi, đại đa số nhân dân không muốn mất ổn định xã hội, không muốn chống lại Nhà nước, không muốn cổ vũ những điều xấu có hại cho xã hội mà chỉ muốn bày tỏ lòng yêu nước, điều thiện và nguyện vọng chính đáng của mình trong khuôn khổ pháp luật.
Xin cảm ơn ông.THU HẰNG thực hiện
Nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu Đồng Nai): Biểu tình còn là lợi khí của Nhà nước
Luật Biểu tình lẽ ra phải có từ lâu rồi. Lúc này càng thấy rõ: Không có luật điều chỉnh thì người dân không thể phát huy quyền bày tỏ thái độ tập thể của mình, còn cơ quan quản lý không quản được.
Biểu tình không chỉ là quyền của dân mà còn là lợi khí của Nhà nước. Cách mạng tháng Tám thành công, hiến pháp chưa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh về Biểu tình, nhờ đó huy động lực lượng quần chúng rất lớn, làm chỗ dựa cho Chính phủ cả đối nội, đối ngoại… Không có luật biểu tình chính là tự tước đi sức mạnh ấy. Các cơ quan quản lý cũng lúng túng, dẫn tới những va chạm không đáng có, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh công quyền.
Hội họp, biểu tình là quyền dân chủ phổ quát, nằm trong tám điều yêu sách của dân ta mà Hồ Chí Minh nêu ra cách đây gần 100 năm. Những quyền ấy cũng được ghi nhận từ Hiến pháp 1946 đến nay nhưng lại chưa được luật hóa. QH phàn nàn nhiều về tình trạng luật treo. Xem ra Hiến pháp cũng bị treo...
TS Nguyễn Quang A: Hiện chỉ có quy định về “tập trung đông người”
Nghị định 38/2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng có đưa ra khái niệm “tập trung đông người” với yêu cầu phải đăng ký trước ít nhất bảy ngày. Trong thời gian đó, chính quyền xem xét quyết định cho hoặc không. Nhưng bản thân khái niệm ấy cũng rất mù mờ.
Tôi ủng hộ ý kiến của các ĐBQH rằng cần sớm có luật biểu tình, trên cơ sở kế thừa Sắc lệnh số 31 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 13-9-1945. Sắc lệnh chỉ có 120 từ nhưng nội dung rất đầy đủ cụ thể, dễ áp dụng: Biểu tình phải thông báo trước 24 giờ cho UBND sở tại; các ông bộ trưởng nội vụ, chủ tịch ủy ban căn cứ vào sắc lệnh mà chấp hành, không cần chờ hướng dẫn.NGHĨA NHÂN ghi