Người Trung Quốc bàn về Biển Đông8h:38' - 20/7/2011(Toquoc)-Dư luận Trung Quốc tiếp tục nêu ra các quan điểm khác nhau về tình hình Biển Đông, lập trường Trung Quốc và các bên liên quan.Có ý kiến giọng điệu cứng rắn, cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại; một số đã đề cập đến các hướng giải quyết tình hình bế tắc hiện nay về Biển Đông.
Công khai nêu lại "lợi ích cốt lõi"Theo RFI, sau một thời gian im hơi lặng tiếng về việc liệt Biển Đông vào diện lợi ích cốt lõi của mình, phải chăng Trung Quốc lại bắt đầu xác định điều này? Câu hỏi này vừa được nêu lên ngày 14/7 sau một bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo.
Trong bài viết với tựa đề “Để cải thiện quan hệ, Mỹ phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, ấn bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo trên mạng đã đề cập đến chuyến thăm Trung Quốc của Đô đốc Mike Mullen. Nhắc lại tuyên bố của Đô đốc Mullen, theo đó Trung Quốc đã thực sự trở thành một “cường quốc thế giới”, tờ báo cho rằng điều quan trọng không phải là lời nói suông, mà Mỹ cần phải xử sự với Trung Quốc như một cường quốc ngang hàng với Mỹ, trong đó có việc tôn trọng “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Điều đáng ghi nhận là trong dẫn chứng về các động thái của Mỹ bị cho là đe dọa các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, báo trên đề cập trước tiên đến các diễn biến ở Biển Đông. Bài báo viết: “Vấn đề Biển Đông là tấm gương phản ánh tâm lý và chính sách phức tạp của Mỹ. Khi tranh chấp Biển Đông leo thang, Mỹ, nước có sự hiện diện quân sự mạnh nhất trong khu vực, thay vì làm dịu tình hình, lại phô trương uy lực và vun bồi các tranh chấp”.
Ngoài chỉ trích Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông, tờ báo cũng nhắc lại việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cũng như sức ép từ nhiều nghị sĩ Mỹ muốn Washington bán cho Đài Bắc thêm nhiều máy bay chiến đấu loại F16 C/D. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn xếp ba vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương vào phạm trù lợi ích cốt lõi của mình. Duy có vấn đề Biển Đông là đáng lưu tâm. Hồi đầu năm ngoái, nhiều nguồn tin xác định Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc là người đầu tiên đã tiết lộ với Mỹ rằng Biển Đông đã trở thành lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trước làn sóng phản đối dữ dội của công luận tại các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong khu vực, chính quyền Bắc Kinh không chính thức khẳng định điều đó, đồng thời các nhà ngoại giao, các “học giả” Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế đều cố gắng giảm nhẹ mức độ của tuyên bố này, thậm chí đổ lỗi cho nước ngoài đã diễn giải sai lệch. Thế nhưng, lần này, khi nêu lên các lợi ích cốt lõi của mình, Trung Quốc lại hàm ý xác định Biển Đông thuộc diện đó.
Trong bối cảnh trên vùng Biển Đông, Bắc Kinh không ngần ngại có những hành động hung bạo nhắm vào ngư dân và tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philippines trong thời gian gần đây, đồng thời nhiều lần nhắc nhở Mỹ là không nên can dự vào khu vực, bài viết trên tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc có thể được xem là một động thái leo thang trở lại của Bắc Kinh.
Mỹ xây dựng “đồng minh tàng hình”Thời báo Quốc phòng (Trung Quốc) số gần đây có bài tựa đề “Mỹ ngấm ngầm xây dựng “đồng minh tàng hình” châu Á nhằm chống lại Trung Quốc”, có đoạn viết: Mỹ gần đây bố trí tàu chiến thế hệ mới tại Singapore và cho Australia cùng sử dụng căn cứ tại Ấn Độ Dương. Singapore không phải là đồng minh quân sự của Mỹ, quan hệ không bao gồm nội dung phòng ngự chung. Việc bố trí tàu chiến thế hệ mới này cho thấy Singapore là người bạn tốt nhất của Mỹ tại khu vực. Việc Mỹ rút khỏi căn cứ quân sự Subic của Philippines năm 1991 đã làm giảm sự tồn tại quân sự của Mỹ ở khu vực. Sau đó, Mỹ đã xây dựng chính sách “coi trọng không gian, giảm nhẹ căn cứ”. Theo chính sách này, quân đội Mỹ tìm kiếm việc sử dụng căn cứ hải quân của “nước đối tác. “Không gian” Singapore khiến quân đội Mỹ có được sự tồn tại ở khu vực và Singapore là một điển hình trong chiến lược “coi trọng không gian, giảm nhẹ căn cứ” của Mỹ.
Cũng theo tờ báo trên, một quan chức quốc phòng của ASEAN nói rằng, nếu coi Thái Lan và Australia là những “người vợ”, thì Singapore giống như “người tình”. Việc Mỹ bố trí tàu chiến thế hệ mới tại Singapore và hai nước ký kết thỏa thuận liên quan đến vấn đề này cho thấy Singapore đang nỗ lực làm cho Washington duy trì sự nhiệt tình của mình tại khu vực. Điều quan trọng hơn là mô hình chuẩn đồng minh của Singapore đang được phục chế tại khu vực. Xét về bản chất, việc Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược chuẩn đồng minh là một kiểu liên minh nhằm chống lại Trung Quốc. Các nước châu Á vì phát triển quan hệ quân sự với Mỹ mà sử dụng các hành động bí mật, về căn bản giống như một chiếc máy bay tàng hình: Có thể bay trong điều kiện không bị rada phát hiện, nhưng vẫn duy trì một sức uy hiếp hiện thực.
Trung Quốc ra sức phát triển hải quân làm nòng cốt cho việc mở rộng sức mạnh quân sự và triển khai chiến lược biển khơi Không thể xem nhẹ nhân tố Nhật BảnMạng Thời báo Hoàn cầu ngày 14/7 cho rằng cục diện Biển Đông từ tháng 7 năm ngoái đến nay trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết do nguyên nhân Mỹ “nhúng tay” can thiệp mạnh mẽ. Nhiều năm đứng ngoài cuộc để quan sát, Nhật Bản đã quyết định nắm lấy thời cơ để “dây máu ăn phần”. Tháng 6 vừa qua, Biển Đông trở nên căng thẳng, Nhật Bản có nhiều động thái ngoại giao rất đáng chú ý trực tiếp với các bên tranh chấp liên quan.
Thứ nhất, Nhật Bản và Việt Nam xích lại gần nhau hơn, và đặt kế hoạch hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Biển Đông. Thứ hai, Tokyo chủ động tăng cường quan hệ với Indonesia, một quốc gia quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Thứ ba, Nhật Bản tăng cường và củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh cần tuân thủ các quy tắc ứng xử quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành vi gây trở ngại tàu thuyền các nước.
Biển Đông sở dĩ rất quan trọng đối với Nhật Bản bởi hai lý do: Thứ nhất, các nước xung quanh khu vực này là trọng điểm để Nhật Bản mở rộng buôn bán; Thứ hai, tuyến đường hàng hải quốc tế chạy qua Biển Đông rất quan trọng đối với Tokyo. Nhật Bản cho rằng phía Nam của Biển Đông chính là “yết hầu” vô cùng quan trọng của hàng hải quốc tế. Các tàu thuyền buộc phải đi qua Eo biển Malacca khi muốn vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông và hàng hóa đến các nước Đông Nam Á, châu Âu, châu Phi và Tây Á. Có thể nói, Eo biển Malacca chính là “động mạch năng lượng và thương mại” của Nhật Bản. Nhật Bản muốn thông qua việc can thiệp vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Nhật Bản không muốn “khoanh tay đứng nhìn” Bắc Kinh phát triển vượt qua cả mình nên toan tính tạo ra những rắc rối cũng như phiền hà ở môi trường xung quanh nhằm kiềm chế Trung Quốc, trong đó vấn đề Biển Đông chính là “quân cờ chiến lược”.
Còn theo RFA, hơn 70% số dầu nhập khẩu của Nhật phải đi qua đường này. Vì vậy cần phải có tự do hàng hải trên khu vực này. Việc cân bằng sức mạnh trên Biển Đông có ảnh hưởng lớn đối với an ninh trên khu vực biển xung quanh Nhật Bản, đặc biệt là đối với vùng Biển Hoa Đông. Vì vậy NB rất quan ngại với những căng thẳng trên Biển Đông. Khi Trung Quốc triển khai thành công chương trình tên lửa hạt nhân đạn đạo trên Biển Đông đối lại với Mỹ thì sẽ làm giảm khả năng bảo vệ hạt nhân của Mỹ đối với Nhật Bản.
Trung Quốc lo ngại sự can thiệp của Mỹ tại Biển ĐôngĐại Công báo (HK) đăng bài cho rằng, Trung Quốc một mặt cần thể hiện rõ khí phách bất khuất, không sợ áp lực bá quyền, không sợ chiến tranh; mặt khác cũng cần có chiến lược và cơ chế chính trị hiệp thương tích cực để nỗ lực hóa giải nguy cơ chiến tranh. Đây chính là thách thức đối với Trung Quốc trước tình hình nguy hiểm ở Biển Đông hiện nay.
Mỹ sẽ vận dụng các thủ đoạn khiêu khích, ly gián, “mượn gió bẻ măng” để gia tăng mâu thuẫn giữa các nước, từ đó có thể trở thành “ngư ông đắc lợi”. Do đó, nếu tình hình Biển Đông tiếp tục như hiện nay hoặc xấu hơn thì sẽ hình thành bố cục phong tỏa chiến lược đối với lãnh hải của Trung Quốc. Đây là điều vô cùng bất lợi đối với Trung Quốc.
Nếu như nổ ra một cuộc chiến tranh cục bộ, điều này sẽ có tác động tiêu cực nhất định đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, đối mặt với tình thế bị Mỹ và các nước xung quanh ra sức gây sức ép, Trung Quốc cũng không thể tiếp tục nhân nhượng hơn nữa, cần phải đưa ra cảnh cáo nghiêm khắc hơn nữa đối với các nước liên quan, hối thúc các nước này quay trở lại bàn đàm phán. Các nước liên quan trong khu vực cần xây dựng cơ chế hiệp thương trao đổi thường xuyên, cần xuất phát từ đại cục hợp tác khai thác, hóa giải bất đồng. Chiến lược hải dương liên quan đến sự trỗi dậy trong tương lai của Trung Quốc, do vậy tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông cần sớm được giải quyết. Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không thể tiếp tục “gác lại” nữa, cần đưa vào nghị trình, nhanh chóng thúc đẩy thực thi chiến lược an ninh biển của Trung Quốc, xây dựng luật biển và chuẩn bị phòng ngự chiến lược, từ góc độ luật pháp quốc tế tạo dựng một cục diện an ninh bất khả xâm phạm đối với chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.
Cần tăng cường cơ chế hợp tác liên minh chiến lược để kiềm chế Mỹ, ngăn chặn Mỹ can thiệp sâu hơn vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nếu không tình hình sẽ càng phức tạp và “thùng thuốc súng” của khu vực sẽ càng nóng.
Đối với việc khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và khu vực đang có tranh chấp, cần thông qua cơ chế đàm phán để xác lập mô hình hợp tác mà các bên có thể chấp nhận được, cần tránh việc đơn phương bắt tay với nước không có tranh chấp nhảy vào can thiệp. Thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại với các nước thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu, từng bước giảm ảnh hưởng kinh tế-thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Mỹ chịu sức ép quân sự của Trung QuốcMạng Thời báo hoàn cầu (Trung Quốc) đăng bài viết của Thiếu tướng La Viện, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Quân sự thế giới thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho rằng chuyến công du của Chủ tịch Hội đồng tham trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen tới Trung Quốc đã tích hợp được rất nhiều “cái nhất” như: lần đầu tiên ông đến Trung Quốc được đón tiếp với nghi thức cao nhất, lần đầu tiên được nghe thanh niên Trung Quốc đánh giá về quân đội Mỹ và lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy vũ khí trang thiết bị của Lực lượng pháo binh 2. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc công khai vũ khí trang bị của Quân Giải phóng Nhân dân.
Thông qua chuyến thăm Trung Quốc của ông Mullen, Bắc Kinh đã gửi tới Mỹ những thông điệp như sau:
Thứ nhất, thể hiện thành ý của quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh rất coi trọng nguyên tắc đối đẳng và lễ tân trong ngoại giao quân sự. Oasinhtơn bố trí cho tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc thăm các căn cứ và trang bị quân sự thì quân giải phóng (PLA) cũng mời quan chức Mỹ thăm các đơn vị tương ứng. Quan chức cao cấp của PLA đã liên tục yêu cầu ông Mullen lý giải về nguyên nhân Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cử máy bay và tàu đến thăm dò ở vùng biển giáp Trung Quốc cũng như liên tục cùng các quốc gia nhạy cảm tổ chức diễn tập quân sự ở những địa điểm nhạy cảm vào những thời điểm nhạy cảm…
Thứ hai, thể hiện khả năng của Quân đội Trung Quốc. PLA phải rất dũng cảm và trí tuệ mới dám công khai tiềm lực quân sự với một cường quốc quân sự mạnh hơn họ rất nhiều. Giới quân sự chắc sẽ hiểu rõ mối quan hệ giữa “công khai” và “bảo mật”. Trang bị của Trung Quốc lạc hậu hơn so với đối thủ, nhưng vũ khí trang bị kém đánh bại vũ khí trang bị hiện đại là sự thực không phải bàn cãi trong lịch sử. Vũ khí trang bị là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi hay thất bại của cuộc chiến, nhưng không phải là nhân tố duy nhất mà còn có nhân tố khác quan trọng hơn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân nữa khiến Trung Quốc tự tin công khai tiềm lực quân sự của mình.
La Viện kết luận rằng, qua chuyến thăm Trung Quốc, ông Mullen có thể sẽ còn có những suy nghĩ khác, nhưng ít nhất ông sẽ có hai kết luận tất yếu: Thứ nhất là từ nay về sau không nên nhắc đến vấn đề “quân sự Trung Quốc không minh bạch”; Thứ hai là tuyệt đối đừng gây sự với Bắc Kinh.
ASEAN thúc đẩy giải pháp Biển ĐôngBáo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (HK) ngày 18/7 cho rằng một số nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia cũng như vài thành viên ASEAN, dự kiến sẽ nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc họp chính của ARF, tình huống giống như ở Hà Nội năm ngoái.
ASEAN tuyên bố sẽ trao dự thảo Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) cho Trung Quốc tại các cuộc họp ở Indonesia từ 19-23/7 Tiến sĩ Wang Hanling, Giám đốc Trung tâm các vấn đề hải dương và luật biển tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng phái đoàn Trung Quốc dự ARF đã chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận về “những nỗ lực hợp tác”, song cũng cảnh giác trước nguy cơ phải hứng chịu “đòn hội đồng”. Chuyên gia này bày tỏ nghi ngờ về động cơ của những nước không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ví dụ như Nhật Bản, quốc gia đã yêu cầu cần tôn trọng quyền tự do hàng hải qua các tuyến đường biển chiến lược. Gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ có “thảo luận mang tính xây dựng” ở Bali về vấn đề Biển Đông.
Khi Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc Trần Bính Đức gặp người đồng nhiệm bên phía Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, tuần trước, Biển Đông là chủ đề nổi lên trong những thảo luận chính thức lẫn kín. Trần Bính Đức đã bày tỏ quan ngại của Bắc Kinh về các hoạt động quân sự của Mỹ ngoài khơi Trung Quốc cũng như những trao đổi quân sự giữa Oasinhtơn với Hà Nội và Manila. Đặc biệt, Trần Bính Đức nhấn mạnh thời điểm Mỹ có các diễn tập quân sự gần đây với hai thành viên ASEAN này là “không thích hợp”.
Dù những thảo luận giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines về các vụ việc gần đây đang giúp giảm nhiệt ở Biển Đông, không ai chờ đợi sẽ có bước đột phá bất ngờ với tranh chấp chủ quyền ngày càng bị mở rộng này. Cả Việt Nam lẫn Philippines đều đang khẳng định các quyền kinh tế của mình bất chấp sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong đường 9 đoạn đầy tranh cãi mà Bắc Kinh đưa ra. Bên cạnh đó, Bắc Kinh vẫn quả quyết chỉ dàn xếp với các bên tranh chấp theo hình thức song phương với từng nước hơn là tìm kiếm một thỏa thuận chung do khu vực hay quốc tế làm trung gian.
Dư luận đang chờ đợi các tín hiệu từ ARF. Đầu tiên, một tuyên bố từ các Ngoại trưởng ASEAN sẽ cung cấp chỉ dấu liệu khối này có hoàn toàn ủng hộ các quan điểm mạnh mẽ của Hà Nội và Manila, hay những thương lượng gần đây của Trung Quốc dẫn đến cách tiếp cận mềm mỏng hơn của cả ASEAN nói chung./.
Lưu Việt (Gt)