Vì sao Trung Quốc phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông ra Liên Hợp Quốc?(14/07/2011)Trong cuộc họp báo ngày 12-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bác bỏ đề xuất của Philippines thông qua Tòa án Quốc tế về Luật Biển để phân xử về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Ông cho rằng vấn đề "nên được giải quyết thông qua thương lượng trực tiếp giữa các quốc gia trực tiếp liên quan” và "mâu thuẫn cần được xử lý theo luật lệ quốc tế đã được công nhận”. Vẫn là điệp khúc "lập trường xuyên suốt của Trung Quốc là phản đối mọi hình thức quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông”.Tuyên bố này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kêu gọi hai bên cùng đưa vấn đề ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển để phân xử, trong chuyến đi thăm Trung Quốc vào hôm 8-7-2011 và được nhắc lại trong cuộc họp báo ngày 11-7 ở Manila.
Theo giới phân tích, nguyên nhân trước hết, đó là vì đòi hỏi của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vững chắc, cho nên, nếu ra trước Tòa thì họ sẽ bị thua.
Trung Quốc sợ đuối lý?Trung Quốc là một trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an trong Liên Hợp Quốc, lại có "chân” trong Hội đồng Thẩm phán của Tòa án quốc tế về Luật Biển, đó là những lợi thế của Trung Quốc khi Liên Hợp Quốc phán xử các vấn đề về tranh chấp quốc tế. Đáng lẽ ra Trung Quốc phải hoan nghênh cách làm hay của Philippines, nhưng Trung Quốc lại phản đối. Phải chăng Trung Quốc sợ đuối lý?
Tại Hội thảo Quốc tế ở Washington với chủ đề "An ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông” diễn ra trong hai ngày 20 và 21-6-2011, các học giả đều cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực và bản đồ đường yêu sách "9 đoạn hình chữ U” của Trung Quốc là "yêu sách tham lam, thiếu căn cứ”, "không dựa trên luật pháp quốc tế”. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng: "Cách hiểu của Trung Quốc về luật quốc tế sẽ làm xói mòn nguyên tắc lâu nay về tự do lưu thông hàng hải - vặn méo nó từ một khái niệm thúc đẩy đi lại mở sang một khái niệm hạn chế đi lại”.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong nhiều diễn đàn, các chính khách và học giả Trung Quốc lập luận rằng đường chữ U là đường vùng nước lịch sử đặc biệt. Lập luận này đã không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế. Bởi vì nó trái với UNCLOS. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 không đề cập đến vùng nước lịch sử. Điều 15 của Công ước chỉ quy định trường hợp phân chia lãnh hải rộng 12 hải lý theo đường cách đều hoặc trung tuyến trừ khi có danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Không có bất kỳ một quy định nào viện dẫn danh nghĩa lịch sử cho vùng biển rộng hơn 12 hải lý chứ đừng nói cách bờ vài trăm hải lý như đường chữ U. Tại Tòa án quốc tế, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức là "tiền hậu bất nhất”. Trong các cuộc tranh luận tại LHQ liên quan đến cuộc tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản về chủ quyền đảo Okinotorishima, Trung Quốc lập luận rằng các đảo nhỏ, ở xa, không có người ở, không được trao vùng EEZ (đặc quyền kinh tế) hay thềm lục địa. Các quốc gia ASEAN có thể sẽ nói rằng lập luận này của Trung Quốc cũng nên áp dụng đối với các đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa (đối với quan niệm đường lưỡi bò của Trung Quốc, đảo nhỏ, ở xa, không có người ở thì nước này cũng xem đây là các đảo thường để được trao EEZ hay thềm lục địa).
Hơn nữa, trong Tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1958 trong danh sách các vùng nước lịch sử của thế giới không có tên vùng nước lịch sử hình chữ U ở Biển Đông.
Trung Quốc sợ dư luận quốc tế?Ngay từ khi Trung Quốc cho tàu hải giám cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam lần thứ nhất ngày 26-5-2011, báo chí nước ngoài đã lên án "Trung Quốc thực ra đang cố gắng bắt nạt các nước Đông Nam Á”, "Trung Quốc ngày càng lấn lướt” và "Mức độ gây hấn của Trung Quốc tăng lên”. Bên cạnh giới báo chí còn có giới học giả, chính khách nước ngoài cũng phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc và bác bỏ đường yêu sách chứ U phi lý của Trung Quốc. Rõ ràng nhất là trong cuộc Hội thảo quốc tế về An ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông tại Washington hồi cuối tháng trước.
Trung Quốc đang cố đánh lừa dư luận quốc tế rằng Trung Quốc là "nạn nhân” trong các cuộc tranh chấp trên Biển Đông và đường chữ U là "di sản lịch sử”. Trung Quốc ý thức được rằng Biển Đông sẽ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới nếu vấn đề này ra Tòa quốc tế về Luật Biển. Khi đó sẽ có nhiều luồng dư luận đánh giá, phân tích khác nhau và âm mưu "nuốt trọn” Biển Đông của Trung Quốc sẽ dễ bị "bóc trần”. Không chỉ có Việt Nam, Philippines, Indonesia và các nước ASEAN khác mà rất nhiều nước trên thế giới đã phản ứng hành động gây hấn và lên án đường yêu sách "chữ U” vô lý của Trung Quốc.
Ngay cả học giả Trung Quốc cũng nghi ngờ về tính pháp lý của lập luận "đường lưỡi bò” của Trung Quốc chẳng hạn như, "Tôi đã nghi ngờ nhiều năm. Vì sao lại vẽ Biển Đông tới tận cửa nhà người ta. Địa Trung Hải chả phải là biển của riêng nước nào hay sao?” hay "Tôi nhìn bản đồ, không tin vào những điều Chính phủ nói”.
Một nguyên nhân khác là Trung Quốc không muốn vấn đề Biển Đông bị quốc tế hóa khi chấp nhận thẩm quyền tài phán của một định chế quốc tế, mà chỉ muốn dùng "phương thức ngoại giao khôn khéo” đàm phán song phương với từng nước ASEAN để dễ dàng dùng uy thế nước lớn gây sức ép với từng nước nhỏ nhằm dễ dàng "bẻ từng chiếc đũa” theo ý mình. Trung Quốc cũng sợ các nước nhỏ liên kết thành một khối và dùng luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển với Trung Quốc.
Ngô Quang Chính