Thất thế trong buôn bán với Trung QuốcNguyễn Duy NghĩaThứ Sáu, 24/6/2011, 11:21 (GMT+7)(TBKTSG) - Lâu nay chúng ta vẫn nghe nói quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ (năm 1991) và liên tục phát triển với nhịp độ cao trong những năm gần đây.
Thất thế từ nhập siêuKim ngạch mậu dịch song phương năm 2010 đã tăng 710 lần so với năm 1991. Buôn bán qua bảy tỉnh biên giới cũng tăng nhanh, chiếm khoảng một phần ba tổng kim ngạch song phương, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong thương mại giữa hai nước. Nhịp độ đó đã khiến thương mại hai nước luôn vượt trước hạn định cam kết cấp cao. Theo đó, cam kết về kim ngạch mậu dịch hai chiều năm 2010 là 15 tỉ đô la Mỹ, năm 2007 đã đạt 15,8 tỉ đô la Mỹ. Cam kết của năm 2010 là 20 tỉ đô la Mỹ, thực tế đã đạt tới 27 tỉ đô la Mỹ.
Công bằng mà nói, thời bị bao vây cấm vận, Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhiều hàng thô, bình dân. Cùng lúc đó, chúng ta nhập từ thị trường này máy móc thiết bị, nguyên, nhiên liệu tương thích với trình độ sản xuất và khả năng thanh toán, đáp ứng nhanh nhu cầu của nền kinh tế nhỏ lẻ, phân tán, tự phát và bổ sung quỹ hàng tiêu dùng khi sản xuất của ta còn yếu kém.
Nhưng khi tách bạch xuất khẩu và nhập khẩu trong kim ngạch song phương, mới giật mình về sự thất thế trong buôn bán với thị trường láng giềng khổng lồ này. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ngày càng tăng cả về trị giá và tốc độ. Năm 2001 chỉ nhập siêu trên 200 triệu đô la Mỹ, đến năm 2009 đã là 11,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 57,6 lần. Năm 2010, mức nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục leo thang, lên 12,7 tỉ. Nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập siêu của Việt Nam. Tỷ trọng đó của năm 2001 chỉ có 18,7%, năm 2009 lên 97,1%, năm 2010 nhảy vọt, bằng 103% tổng nhập siêu của cả nước (có nghịch lý này vì Việt Nam xuất siêu sang một số thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu...).
Thất thế từ nhiều hướng Việt Nam không có quy chế ràng buộc đối với nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đơn phương đề ra những quy định oái oăm, thay đổi xoành xoạch, khiến doanh nghiệp xuất khẩu của ta nhiều phen điêu đứng.
Hàng Trung Quốc vào Việt Nam bằng bất cứ cửa khẩu nào, đường bộ, đường biển, hàng không. Trong khi hàng Việt Nam qua Trung Quốc bị buộc phải qua một hoặc một số cửa khẩu được chỉ định.
Hàng Việt Nam chủ yếu loanh quanh ở các tỉnh Tây Nam, cực Nam của đại lục này. Một mặt do ta chưa đủ sức vươn xa, mặt khác do các tỉnh này không có biển, núi non hiểm trở, nên được xài thủy sản, hoa quả của ta vừa tiện, lại rẻ, đỡ phải tải từ phía Bắc xuống. Trong khi đó, hàng Trung Quốc vào bất cứ nơi nào, từ thành phố đến bản làng hẻo lánh và vào cả các phiên hội chợ đưa “hàng Việt về nông thôn”.
Hàng Việt Nam sang Trung Quốc thường là thương hiệu danh tiếng, đầu vị. Hàng Trung Quốc vào Việt Nam đa phần là hàng của các địa phương, giá rất bèo - tiền nào của ấy…
Phương cách thanh toán vẫn sơ khai, tiền trao cháo múc, không an toàn. Rủi ro là thế. Và, chỉ thu được đồng nhân dân tệ, chẳng đủ để nhập hàng. Giả dụ có dư cũng không thể tiêu pha tại các thị trường khác.
Từ ngày mở ra biên mậu, buôn lậu ở khu vực này tăng theo tỷ lệ thuận. Trong số đó không ít là hàng thực phẩm mất vệ sinh, đồ dùng độc hại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực. Còn có những phi vụ mà chợt nghe đã biết tỏng ý đồ của họ, như lùng mua móng trâu, cây mạ khô, rễ cây hồi, cành chè lớn, gốc cây cổ thụ.
Đường biên ngang dọc còn để rộng đường cho những đoàn ngựa thồ chiều chiều oằn mình cõng quặng vừa đào bới, sang Trung Quốc. Không thấy tàu hải giám cản đường tàu Việt Nam chở than lậu sang bán, càng nhiều càng tốt. Từ lâu chợ Ka Long - Móng Cái đã có vài trăm sạp hàng của người từ Đông Hưng sang. Chợ Tân Thanh, Lạng Sơn vừa khai trương, các doanh nhân Trung Quốc nhanh chân mở quầy hàng. Ở chiều ngược lại, thương nhân Việt Nam chỉ có lác đác.
Trong cơn bối rối giải mã nhập siêu từ Trung Quốc người ta trấn an rằng hãy trông mong ở hiệp định khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN. Trong cuộc chơi “khó người khó ta - dễ người dễ ta”, hàng Trung Quốc vừa hùng hậu vừa rẻ sẽ đè bẹp. Chưa vào cuộc đã thấy thua.
Tiên trách kỷ...Biết vậy, nhưng chuyện không dễ hóa giải. Để bớt nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cho dệt may phải phát triển trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Nhưng Nhà máy Dệt 8/3 đã bị san phẳng. Mong “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà đã bị xóa sổ. Muốn tận dụng máy móc, công cụ sản xuất trong nước, nhưng Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo đã biến mất, thay vào đó là các cơ ngơi thương mại - dịch vụ hoành tráng.
Thời nay đã quá nhiều lựa chọn để mua các thiết bị gốc, kỹ nghệ nguồn, để có “nền công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nhưng không hiểu nổi tại sao Trung Quốc trúng thầu quá nhiều công trình, và đương nhiên họ mang vào thiết bị, vật tư của nền “công nghiệp sao chép”. Bài học các nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng còn nguyên giá trị.
Ta nhập từ Trung Quốc, đều là hàng hóa hoàn chỉnh, kể cả những thứ được coi là nguyên liệu như vải, xăng dầu, sắt thép... Chỉ riêng chênh lệch giữa giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc với giá sản phẩm thô xuất sang thị trường này đã đè nặng lên nhập siêu của Việt Nam. Ngay những hàng xuất khẩu có lợi thế, như cao su của Việt Nam - đặc sản trong thực đơn công nghiệp ôtô của Trung Quốc đang phát đạt, nhưng họ vẫn có nhiều chiêu thức làm doanh nghiệp xuất khẩu cao su của ta bầm dập. Cơ quan quản lý sáng suốt, hiệp hội hăng hái, nhưng cứ để màn kịch đó diễn đi diễn lại.
Thiết chế liên bộ, lực lượng kiểm tra liên ngành, trạm kiểm soát liên hợp lồng lộng lưới trời, cứ nghĩ con ruồi không lọt. Vậy mà hàng hóa của Trung Quốc cứ ngạo nghễ tràn sang như vào chốn không người, rồi từ cửa khẩu chính, nẻo cánh gà, lối mòn dân sinh, được chính người chúng ta kìn kìn đưa về xuôi như trẩy hội, vui vầy chung sống với hàng Trung Quốc.
Đó chỉ là vài nét chấm phá trong bức tranh thương mại Việt - Trung. Sát nách nền kinh tế đứng thứ hai thế giới mà không tự biết mình, không muốn là mình, nên khó tránh thua thiệt.