Chuyên gia quốc tế: Biển Đông cần một hiệp định pháp lý05/07/2011 21:16:18 - Để tránh xung đột, Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á phải thông qua một hiệp định pháp lý ràng buộc hơn về cách thức ứng xử trong những tranh chấp tại Biển Đông.Đó là đề xuất của các chuyên gia an ninh và ngoại giao tại Hội nghị quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hướng tới một khu vực hòa bình, hợp tác và tiến bộ” khai mạc ngày hôm nay (5/7) tại thủ đô Manila, Philippines.
Hội nghị là sự kiện được Viện ngoại vụ Bộ ngoại giao Philippines (FSI), Học viện ngoại giao Việt Nam (DAV) cùng Đại học quốc phòng quốc gia Philippines (NDCP) phối hợp tổ chức. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày (5-6/7) với sự tham gia của nhiều học giả đến từ các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vấn đề Biển Đông đang được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Ảnh minh họa (Nguồn website Hội Nhà Văn Việt Nam) Trong khi không mong đợi căng thẳng hiện tại dẫn đến đụng độ, các chuyên gia phát biểu tại hội nghị bày tỏ lo ngại những sự cố vẫn sẽ có thể xảy ra do các bên tuyên bố chủ quyền gia tăng hoạt động khẳng định quyền tài phán đối với các đảo còn đang tranh chấp ở Trường Sa.
“Tình hình hiện nay rất cấp thiết bởi nếu không giải quyết, nó có thể dẫn tới đụng độ quân sự tại vùng biển này” Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Đông Nam Á của Trường Đại Học New South Wales và Học Viện Quốc Phòng Australia nhận xét.
“Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải đạt được một thỏa thuận dựa vào luật pháp, có các cơ chế về nghĩa vụ và quyền thực thi, đồng thời hiệp định nên bao gồm cả các nước không tuyên bố chủ quyền”, giáo sư Carlyle Thayer nói. “Chúng ta cần một bộ luật quy định về cách thức các quốc gia, gồm cả Mỹ, Australia và Nhật Bản, nên ứng xử như thế nào ở Đông Nam Á”.
Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên cứu các vấn đề Biển Đông, thuộc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam cho rằng căng thẳng gần đây đã bộc lộ những hạn chế trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) - một hiệp định không chính thức ký kết giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
“Trung Quốc đang quay lại quan điểm cứng rắn kiên quyết chỉ đàm phán song phương với mỗi bên”, ông nói, “nhưng Trung Quốc có thể sẽ bị cô lập nếu họ cản trở các cuộc đàm phán thực thi một bộ nguyên tắc định hướng và có thể là một hiệp ước chính thức”.
“Họ sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi”, TS. Trần Trường Thủy nhận định. Ông cũng chia sẽ quan điểm với GS. Thayer là các quốc gia khác như Mỹ nên là một phần của cơ chế dựa vào luật ở Biển Đông.
Trung Quốc thời gian gần đây luôn yêu cầu các bên không có tuyên bố chủ quyền đứng ngoài tranh chấp và đã bày tỏ sự phản đối trước những bình luận của Mỹ về vấn đề này.
Bà Nong Hong, thuộc Viện Trung Quốc của Đại học Alberta (Canada) cho biết. “Bắc Kinh đã đồng ý cộng tác với các nước láng giềng Đông Nam Á để giải quyết tranh chấp ở Trường Sa nhưng chỉ muốn đàm phán với các bên liên quan”.
Trường Sa là quần đảo nằm trên tuyến đường vận tải quốc tế trọng yếu, có nguồn thủy sản phong phú với trữ lượng dầu khí lớn hiện đang bị Trung Quốc tuyên bố toàn bộ chủ quyền, bao trùm lên tuyên bố của các bên như Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines.
Trong những tháng gần đây, Philippines và Việt Nam đã nhiều lần phải đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm những cáo buộc cắt cáp địa chất của các tàu thăm dò dầu khí, đe dọa tấn công tàu và bắn súng vào ngư dân.
Ngày 4 tháng 11 năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong đó có quy định cấm xây dựng trên các đảo đá không có người ở. Tuy nhiên vào tháng Năm, Philippines nói Trung Quốc đã dựng các cột trụ và lập phao ở khu vực Manila tuyên bố chủ quyền.
Minh Phạm (Theo Reuters, The Foreign Service Institute)