ASEAN cần làm gì để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông?Thứ bảy, 02/7/2011 10:38 GMT+7(Tamnhin.net) - Tranh chấp bùng phát về chủ quyền ở Biển Đông trong những tuần gần đây đang thách thức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về biểu thị tinh thần đoàn kết và giải quyết những tuyên bố chủ quyền chồng chéo dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.Trong bài viết “ASEAN đang lênh đênh trôi giạt ở Biển Đông” đăng trên mạng Asia Times Online (atimes.com) ngày 2/7/2011, tác giả David Brown - một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu - cho rằng đây không đơn thuần là một cuộc tranh cãi láng giềng mà còn là một thử thách đối với quan điểm Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra một mối quan hệ “tích cực, hợp tác và toàn diện”.
Theo chuyên gia David Brown, từ nhiều năm qua, đối với 10 nước thành viên ASEAN, cuộc tranh chấp lãnh thổ này đã trở thành một chiếc nhọt bọc kinh niên nhưng chưa phải là một căn bệnh gây tê liệt.
Hiện thời, việc Trung Quốc quấy nhiễu các tàu khảo sát ở các vùng biển mà Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền đã khiến cho những vấn đề Biển Đông lại trở nên nghiêm trọng. Việc Bắc Kinh thách thức Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông mà ASEAN đã dàn xếp năm 2002 đang thách thức tính thích đáng của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực.
Sự tác động lẫn nhau của những sự kiện nói trên đang hình thành chương trình nghị sự và nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc họp đa phương sắp tới. Gần nhất là Diễn đàn Khu vực châu Á (ARF) ở Bali (22-23/7/2011) giữa các ngoại trưởng ASEAN và ngoại trưởng nhiều nước khác. Indonesia cũng sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao Đông Á của các nhà lãnh đạo thế giới và khu vực vào giữa tháng 11/2011.
Nhà nghiên cứu người Indonesia, bà Maria Monica Wihardja, cho rằng trong khi Mỹ “muốn đưa các vấn đề an ninh hóc búa như tự do hàng hải và tránh bá quyền đối với Biển Đông” thì Trung Quốc lại tìm mọi cách chống lại. Bà lưu ý rằng trong chuyến thăm Indonesia mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tái khẳng định rằng ASEAN cần phải là “người cầm lái” trong Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới.
Mặc dù vẫn theo đuổi chủ trưởng mà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đưa ra tại ARF lần trước (trong đó có việc Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc thương lượng tiến tới một giải pháp hòa bình cho những tuyên bố chủ quyền mẫu thuẫn nhau), nhưng tuyên bố của giới quan chức Mỹ xem ra khá “nhẹ giọng”. Họ gọi các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là “đáng lo ngại” (troubling), trong khi các tính từ “quá đáng” (egregious) và “khiêu khích” (provocative) xem ra thích hợp hơn.
Washington vẫn nhấn mạnh rằng Mỹ “không đứng về phía nào” trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng cho rằng các qui định về Khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) và lãnh hải đã được ghi trong UNCLOS có hiệu lực từ năm 1994 và cho tới nay đã được 161 quốc gia ký kết. Không một qui định nào trong UNCLOS cho phép Trung Quốc sử dụng đường cơ sở được vẽ từ các đảo ở Hoàng Sa để mở rộng khu vực đặc quyền kinh tế của nước này.
Ấy thế mà, các phát ngôn viên của Trung Quốc lại nói là các cuộc đụng độ gần đây là những hành động chính đáng trước những sự khiêu khích của Việt Nam hay Philippines. Vì vậy, trên thực tế, Trung Quốc đang tiến tới học thuyết can thiệp nhằm đảm bảo độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông ở bất cứ nơi nào nằm trong “đường chín đoạn” khét tiếng bao quanh khu vực.
Vậy phải làm gì để đưa những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau vào khuôn khổ tiến tới một giải pháp hợp tình hợp lý dựa trên luật pháp quốc tế?
Điều này phụ thuộc vào việc Indonesia chứng tỏ vai trò thích đáng của ASEAN đối với cuộc tranh chấp này, thông qua việc điều khiển Diễn đàn Khu vực châu Á và Hội nghị cấp cao Đông Á mang lại một kết quả, nếu không phải là một sự đồng thuận. Sau tháng 11/2011, chức Chủ tịch luân phiên ASEAN sẽ lần lượt nằm trong tay Campuchia, Myanmar và Lào – những nước vốn được coi là “khách hàng” của Trung Quốc và khó có thể trụ vững trước áp lực của Bắc Kinh.
Một bài xã luận gần đây đăng trên tờ Jakarta Post đã đề xuất một hướng đi mới, trong đó viết rằng sau 10 năm căng thẳng tìm kiếm một sự đồng thuận tối thiểu, các nước thành viên ASEAN cần tiến tới diễn đàn chung về qui tắc ứng xử và qua đó buộc Trung Quốc phải cư xử có trách nhiệm trên cương vị siêu cường khu vực.
Tác giả David Brown kết luận chừng nào các nước thành viên ASEAN còn chưa nhất trí với nhau, Trung Quốc khó tránh khỏi tham vọng bẻ gãy (từng chiếc đũa là) các nước đòi hỏi chủ quyền, lần lượt từng nước một. Một khi Việt Nam và Philippines bị khuất phục, Trung Quốc sẽ dễ dàng gây sức ép đối với Malaysia và Brunei.
Trái lại, nếu bốn nước ASEAN hữu quan (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) có thể dàn xếp ổn thỏa với nhau về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, các nước này sẽ ở vào vị thế đối thoại mạnh hơn nhiều với Trung Quốc. Tất cả bốn nước thành viên ASEAN nói trên từng ngỏ ý sẵn sàng áp dụng các qui định của UNCLOS, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục chống đối.
Minh Bích (theo
David Brown, atimes.com)