Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống |
Hân hạnh Chào đón Các Bạn đến với Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! |
|
| Biển Đông: công thức 4K. nguyên tắc 4T | |
| | Tác giả | Thông điệp |
---|
TK
Tổng số bài gửi : 9196 Hoạt Động : 18889 Join date : 29/10/2009 Đến từ : Hà Nội, Việt Nam
| Tiêu đề: Biển Đông: công thức 4K. nguyên tắc 4T Thu Jun 30, 2011 5:45 pm | |
| Công thức 4K cho Biển ĐôngTác giả: Giáp Văn DươngQuan sát những diễn biến gần đây trên Biển Đông, TS Giáp Văn Dương cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược mang tính định hướng cho vấn đề này, có thể được khái quát thành công thức ngắn gọn: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì, gọi tắt là 4K.Căng thẳng Biển Đông đang thu hút sự quan tâm của nhiều giới nhiều ngành, cả trong nước lẫn quốc tế. Với người Việt Nam thì sự quan tâm này càng lớn gấp bội khi trong một khoảng thời gian ngắn, Trung Quốc liên tục gây hấn và xâm phạm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như đã thấy trong các sự kiện gần đây. Sự leo thang của căng thẳng Biển Đông dường như ngày càng rõ khi Trung Quốc công khai thể hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông; tăng cường tranh chấp trên mọi lĩnh vực, bằng mọi phương tiện. Để đối phó với thực tế đó, cần phải có một chiến lược định hướng cho phản ứng của Việt Nam nói chung và mỗi người Việt nói riêng trước mỗi diễn biến mới trên Biển Đông sao cho nhanh, chính xác và hiệu quả nhất có thể. Sự định hướng từ bên trong này sẽ là chỗ dựa tinh thần giúp cho mỗi người Việt, dù trực tiếp hay chỉ gián tiếp liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thêm bền gan vững chí trong sự nghiệp trường kỳ này. Quan sát những diễn biến gần đây trên Biển Đông thì thấy, nội dung chính của chiến lược định hướng này có thể được khái quát thành công thức ngắn gọn: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì, gọi tắt là 4K. Kiên định là mỗi người - đặc biệt là những người có trọng trách, có liên quan trực tiếp đến công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo - luôn luôn ghi nhớ mục tiêu, giữ vững lập trường bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước; không lung lay dao động khi có tác động từ bên ngoài, bất kể đó là tác động từ nguồn nào, dưới dạng nào. Chủ quyền quốc gia là tối thượng. Không hy sinh hay thỏa hiệp đối với chủ quyền. Ảnh minh họa, ảnh: wordpress Kiên định cũng giúp loại bỏ những tạp luận đủ thể loại để tập trung vào mục tiêu chính, từ đó phát huy được tuệ giác của mình nhằm tìm ra những giải pháp khôn ngoan nhất, sáng suốt nhất; đồng thời tránh được bẫy khiêu khích của đối phương và chủ động tìm đường đi nước bước, tránh bị động. Trong lịch sử, sự kiên định về chủ quyền biển đảo đã có lúc không được chú trọng và cẩn trọng đúng mức ở một số thời điểm, nên bị Trung Quốc lợi dụng khai thác dẫn tới hệ lụy phải mất nhiều thời gian và tâm sức mới có thể khắc phục được. Kiên quyết là lời nói và việc làm cần phải quyết đoán, mạch lạc, nhất quán, nhất là ở những cơ quan hữu quan và những người có trọng trách. Kiên quyết ở lời nói và hành động sẽ chuyển được sự kiên định từ trong tâm trí ra ngòai, nên dễ nhận biết, dễ nắm bắt, do đó có tác dụng đoàn kết toàn dân hướng đến một mục tiêu chung. Kiên cường là không lùi bước, không khuất phục trước khó khăn và đe dọa, xứng đáng với truyền thống giữ nước đã bao lần sáng chói trong lịch sử. Khi đã kiên định và kiên quyết thì kiên cường bảo vệ chủ quyền đất nước là một sự tất yếu. Kiên cường là phẩm chất đáng quí của dân tộc Việt Nam, đã được kiểm chứng trong suốt chiều dài lịch sử. Còn nhớ năm 1988, khi Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma ở Trường Sa, các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã nắm tay nhau thành một vòng tròn, nước ngập thắt lưng, thà hy sinh để khẳng định chủ quyền chứ không chịu rời đảo. Nhưng kiên cường không phải là một thứ của trời cho, tự nhiên có, mà cần được chú tâm bồi đắp và hun đúc không ngừng. Kiên trì là bền bỉ không lơ là, không nản chí với sự nghiệp trường kỳ này. Chí đã quyết, lòng đã bền thì dù mười năm, một trăm năm hay lâu hơn nữa cũng không nản lòng. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, người này tiếp nối người khác không ngừng nghỉ. Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ, và không có dấu hiệu giảm đi trong thời gian ngắn. Vì thế kiên trì bền bỉ đấu tranh bảo vệ chủ quyền là điều tất yếu. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Trong tương quan so sánh, Việt Nam hiện tại còn yếu so với Trung Quốc, nhưng tương lai một Việt Nam hùng cường hoàn toàn có thể đạt được, nếu lãnh đạo và nhân dân đồng thức tỉnh, tăng cường đoàn kết trong ngoài vì mục tiêu phát triển đất nước. Do đó, kiên trì đấu tranh để chờ thời cơ đòi lại những gì đã mất là điều cần thiết. Trong công thức 4K này, Kiên định đóng vai trò định hướng. Muốn có Kiên quyết, Kiên cường, Kiên trì trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thì trước hết cần Kiên định, không chủ quan lơ là, không ảo tưởng mơ hồ, không sa vào các tạp luận trong vấn đề này. Nếu triển khai đồng bộ và hiệu quả công thức này, Việt Nam nói chung và mỗi người Việt nói riêng, sẽ có khả năng phản ứng nhanh, chính xác và hiệu quả trước mỗi diễn biến mới trên Biển Đông. Kết hợp cùng sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo không có lý do gì để thất bại. Hòa bình và Công lý cho Biển Đông cũng vì thế mà có thể đạt được, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho tất cả những nước liên quan. -------------------------------------- Tác giả cảm ơn Dương Danh Huy, Nguyễn Hồng Thao, Nguyễn Đăng Thắng và Trần Văn Thùy đã đọc và góp ý cho bản thảo.
Được sửa bởi TK ngày Mon Jul 04, 2011 9:17 am; sửa lần 1. | |
| | | TK
Tổng số bài gửi : 9196 Hoạt Động : 18889 Join date : 29/10/2009 Đến từ : Hà Nội, Việt Nam
| Tiêu đề: Re: Biển Đông: công thức 4K. nguyên tắc 4T Mon Jul 04, 2011 9:16 am | |
| Biển Đông và nguyên tắc 4TTác giả: Ts Giáp Văn DươngĐấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là một công cuộc gian khó, lâu dài và phức tạp. Tình huống nào cũng có thể xảy ra, nên sẵn sàng chuẩn bị để đối phó với những tình huống xấu là việc làm cần thiết. Vì thế, sau khi đã xác định công thức 4K: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì làm định hướng cho tâm trí thì cần những nguyên tắc chỉ đạo thích hợp làm phương châm hành động trong suốt tiến trình này.Quan sát diễn biến trên Biển Đông trong suốt chiều dài tranh chấp mấy chục năm qua, đồng thời tổng kết những bài học lịch sử trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước cho cả hai trường hợp thành công và thất bại thì thấy, nguyên tắc chỉ đạo này có thể được khái quát thành công thức: Thực tiễn - Thực dụng - Thực thi - Thực lực - gọi tắt là nguyên tắc 4T. Thực tiễnThực tiễn trước hết thể hiện ở việc bám sát diễn biến trên thực hải, thực địa. Đấu tranh trên thực hải, thực địa phải là mặt trận đấu tranh chính. Tiếp đến là tăng cường đấu tranh trên các mặt trận gián tiếp như chính trị, ngoại giao, pháp lý, truyền thông, kinh tế, văn hóa... để cộng hưởng sức mạnh; bám sát diễn biến thực tế trên các mặt trận này để kịp thời cập nhật tình hình, đánh giá tình hình một cách khách quan, khoa học để tìm ra giải pháp xử lý thích hợp nhất. Bất cứ sự mơ hồ nào về tình hình thực tiễn, hoặc thiếu thông tin về những gì đang diễn ra trên các mặt trận gián tiếp liên đới, cũng đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, tính mạng và tài sản của của người dân, vì thế không được chủ quan, xa rời thực tiễn. Thực tiễn còn thể hiện ở việc ra các quyết sách phù hợp với những diễn biến thực trên biển đảo, trên các mặt trận đấu tranh gián tiếp, những vận động lớn của thời cuộc. Khi xung đột căng thẳng, chủ quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân bị đe dọa thì không thể mơ màng với chính sách cũ mà phải có những điều chỉnh, chuyển hướng tương thích. Khi các mặt trận ngoại giao, pháp lý, truyền thông có những diễn biến mới, thời cuộc có những xu hướng mới thì chính sách cũng phải cập nhật theo. Bất cứ sự mập mờ nào về chính sách cũng đều có thể gây ra hậu quả khôn lường. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là một công cuộc gian khó, lâu dài và phức tạp. Việc bám sát thực tiễn này không chỉ được tiến hành bởi con người, mà còn bởi máy móc thiết bị. Do dó, bên cạnh việc cập nhật thông tin bởi con người trên các mặt trận ngoại giao, pháp lý, truyền thông... thì trang bị các thiết bị khoa học công nghệ biển để quan sát, theo dõi, giám sát biển và đáy biển, giám sát đảo là rất cần thiết. Thực dụngThực dụng là giải pháp đưa ra phải hiệu quả, lựa chọn phải tối ưu. Việc lựa chọn giải pháp nào, ra quyết sách nào phải căn cứ trên tiêu chí duy nhất là hiệu quả tổng hợp của nó đối với đất nước, với tiêu chí lợi ích quốc gia là trên hết Các nước nhỏ khi phải đương đầu với sự đe dọa của nước lớn bao giờ cũng phải tính đến việc đoàn kết quốc tế, tạo liên minh để cân bằng sức mạnh chứ không thể đơn độc một mình chống chọi. Vì thế, các tiếp cận thực dụng đòi hỏi phải đoàn kết và thu hút sự giúp đỡ của các nước có lợi ích liên quan, đặc biệt là các nước ASEAN và Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ ... trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền này; phải tìm cách bảo vệ Biển Đông bằng chính vị trí đặc biệt của Biển Đông trên trường quốc tế. Cách tiếp cận thực dụng cũng đòi hỏi phải thường xuyên đánh giá lại tình hình, xem xét lại đối phương, xem xét lại bản thân mình để điều chỉnh, phán đoán và đưa ra những phương án hành động thích ứng, tránh bị ràng buộc bởi quán tính tâm lý; tránh sập bẫy khiêu khích; tránh bị dồn vào thế bị động, bất ngờ. Trong cuộc tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc là một nước lắm mưu nhiều kế và đang chiếm ưu thế về sức mạnh kinh tế và quân sự. Vì thế, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo chắc chắn là cuộc đấu tranh cam go và khó khăn, đòi hỏi mỗi người - đặc biệt là những người nắm trọng trách - phải luôn tỉnh táo và thực dụng. Thực thiThực thi là nhà nước phải thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền của mình một cách có hệ thống; đồng thời đảm bảo việc thực thi này bằng pháp luật; hỗ trợ việc thực thi này bằng mọi phương tiện mạnh nhất có thể. Việc thực thi chủ quyền thể hiện rõ nhất ở sự hiện diện của Nhà nước, của người dân trên biển và trên đảo, ở các hoạt động kinh tế của ngư dân và doanh nghiệp khai thác tài nguyên trên biển. Vì thế, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ và đảm bảo anh ninh cho các hoạt động này, để mang lại lợi ích kinh tế và khẳng định chủ quyền của đất nước. Lịch sử cho thấy, cha ông ta đã thực thi chủ một cách liên tục, chính danh suốt hàng trăm năm qua. Sự thực thi chủ quyền này đã được ghi chép cẩn thận trong sử sách, trở thành những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Truyền thống này cần được tiếp nối và luật hóa để đảm bảo triển khai được đồng bộ, có cơ sở. Trước sự gia tăng tranh chấp của Trung Quốc, ngư dân trở thành những người đứng ở tuyến đầu của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì thế, việc đảm bảo an toàn cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển, giữ biển cần phải được xem như một trong những việc thực thi chủ quyền của Nhà nước, do đó cần có chương trình đầu tư thích đáng cho các hoạt động bảo vệ này. Những người dân sống trên đảo, đặc biệt là các công dân Việt Nam sinh ra trên đảo, là bằng chứng sống động về chủ quyền, do đó cần có chế độ quan tâm đúng mức, nhất là khi họ luôn phải sống trong tình trạng sẵn sàng chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc. Các hoạt động kinh tế trên biển như khai thác tài nguyên, du lịch biển, nghiên cứu biển ... cũng là biểu hiện cụ thể của việc thực thi chủ quyền, đo đó cần được đầu tư khai thác, không chỉ để khẳng định chủ quyền, mà còn để làm giàu cho đất nước, đóng góp trở lại cho việc bảo vệ chủ quyền. Trong việc thực thi chủ quyền, các hoạt động mang tính chính trị, pháp lý, ngoại giao, quân sự... nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền cũng như quyền chủ quyền là vô cùng cần thiết. Việc Việt Nam cùng Malaysia trình báo cáo chung lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc là một ví dụ đáng ghi nhận về việc thực thi chủ quyền. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các hoạt động này lại chưa đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền, dẫn đến bị Trung Quốc tăng cường áp lực, gia tăng gây hấn, nhất là trong thời gian gần đây. Đây là những tiền lệ xấu và nguy hiểm. Nhà nước cần có các hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ và thực thi chủ quyền. Trên thực tế, nếu có chủ quyền mà không thực thi chủ quyền thì chủ quyền đó không chắc chắn, có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào. Do đó, tích cực và chủ động thực thi chủ quyền là một trong những nguyên tắc quan trọng đối với Biển Đông. Thực lựcThực lực là đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cần dựa chủ yếu vào thực lực của chính mình. Sự hỗ trợ từ bên ngoài bao giờ cũng đáng quý và cần được khai thác triệt để, nhưng không bao giờ có thể thay thế được thực lực về kinh tế, quân sự, pháp lý, chính trị, khoa học... của đất nước. Vì thế, xây dựng lực lượng và bồi đắp thực lực là việc tối cần thiết, quyết định chính đến sự thành bại của công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trên thực tế, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, mà còn diễn ra đồng bộ và rộng khắp trong các mặt trận chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, văn hóa, học thuật... Vì thế, phát triển thực lực cần phải phải lưu ý phát triển đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực này. Trong phát triển thực lực, ngoài việc phát triển tiềm lực kinh tế và quân sự, cần chú trọng thích đáng đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực lãnh đạo có tâm có tài, có trách nhiệm với đất nước; đội ngũ học giả, luật sư, nhà nghiên cứu về Biển Đông; các chuyên gia về luật biển, kinh tế biển, khoa học và công nghệ biển... Phát triển nguồn nhân lực biển cần phải được đầu tư một cách thích đáng và triển khai dưới sự hướng dẫn của một chiến lược tổng thể, hướng tới mục tiêu có được nguồn nhân lực không chỉ đủ mạnh trong bảo vệ chủ quyền mà còn đủ khả năng thực thi hiệu quả chủ quyền thông qua các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự... để làm giàu, làm mạnh cho đất nước. Thực lực cũng không nên chỉ được xét đơn thuần ở khía cạnh vật chất, mà cần bao gồm cả những yếu tố tinh thần như truyền thống lịch sử, tinh thần ái quốc, nghệ thuật quốc phòng toàn dân, những bài học dựng nước và giữ nước mà cha ông để lại. Chính những yếu tố tinh thần này đã giúp chúng ta bao phen vượt qua những kẻ thù mạnh gấp bội trong lịch sử. Cho nên, sức mạnh tinh thần là một thành phần quan trọng của Thực lực và cần được nuôi dưỡng, bồi đắp không ngừng. Trong nguyên tắc 4T này, Thực tiễn đóng vai trò quan trọng nhất, định hướng cho Thực dụng - Thực thi - Thực lực. Giải pháp có hiệu quả, thực dụng không? Các chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo có được thực thi không, và thực thi như thế nào? Thực lực có được xây dựng và bồi đắp đủ để bảo vệ và thực thi chủ quyền không? Tất cả đều phụ thuộc vào việc bám sát mọi diễn biến trên thực hải, thực địa; bám sát thực tiễn cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trên mọi mặt trận. Xa rời thực tiễn là bước đầu thất bại. Ngược lại, bám sát thực tiễn là khởi đầu của thành công. Khi đã có công thức 4K làm định hướng, nguyên tắc 4T làm phương châm hành động, cùng với sự hỗ trợ của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ không có lý do gì để thất bại. | |
| | | TK
Tổng số bài gửi : 9196 Hoạt Động : 18889 Join date : 29/10/2009 Đến từ : Hà Nội, Việt Nam
| Tiêu đề: Biển Đông: Đường tới Công lý Thu Jul 07, 2011 10:09 am | |
| Biển Đông: Đường tới Công lýTác giả: TS Giáp Văn DươngMục đích cao nhất của quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông là đạt được Công lý. Đây là quá trình gian nan vất vả, vì kẻ mạnh luôn có xu hướng áp đặt, chèn ép và từ chối Công lý. Nhưng lịch sử đã chứng minh, Công lý hoàn toàn có thể đạt được, nếu có lòng quả cảm và chiến lược đấu tranh đúng. Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông đã đưa ra chiến lược 3C: Công khai - Công luận - Công pháp[1], và cho rằng: Nếu chúng ta triển khai tốt chiến lược 3C này thì không chỉ giúp Việt Nam mà tất cả các nước đều được hỗ trợ trên con đường đấu tranh cho công lý. Trên thực tế, chiến lược 3C đã hoạt động tương đối hiệu quả. Bên cạnh chiến lược 3C như đã nêu, trong quá trình hoàn thiện chiến lược đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, công thức 4K: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì và nguyên tắc 4T: Thực tiễn - Thực dụng - Thực thi - Thực lực đã lần lượt ra đời[2]. Công thức 4K được xây dựng nhằm định hướng cho mỗi cá nhân sao cho có thể phản ứng nhanh, chính xác và hiệu quả nhất có thể trước mỗi diễn biến; đồng thời giúp mỗi người thêm bền gan vững chí trong sự nghiệp trường kỳ này. Tương tự, nguyên tắc 4T được xây dựng với mục đích sử dụng làm phương châm hành động, giúp cho quá trình đấu tranh đạt được hiệu quả cao nhất, tối ưu nhất. Ngư dân Việt Nam bị đe dọa khi đánh bắt cá ở khu vực đã khai thác từ nghìn đời nay. Tuy các công thức 3C, 4K và 4T ra đời trong các hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều hướng về cùng một mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo, nên bổ sung cho nhau một cách tự nhiên. Chẳng hạn: Một trong những chiến lược của đấu tranh bảo vệ chủ quyền diễn giải trong 3C là công khai tình trạng tranh chấp Biển Đông, công khai lập trường của mỗi bên: Việt Nam các nước ASEAN có xu hướng giải quyết tranh chấp qua đàm phám đa phương, nhưng Trung Quốc, với sức mạnh áp đảo, lại chủ trương đàm phán song phương. Cho nên, nếu không có định hướng tinh thần của công thức 4K, chiến lược công khai hóa tranh chấp sẽ thất bại trước sức ép của Trung Quốc. Tình hình cũng xảy ra tương tự với việc sử dụng Công luận, Công pháp để giải quyết tranh chấp. Nếu không kiên định - kiên quyết - kiên cường - kiên trì thì những chiến lược này sẽ có thể bị thất bại, hoặc không đạt được hiệu quả như mong đợi. Cũng giống như công thức 4K, nguyên tắc 4T cũng bổ sung đắc lực cho chiến lược 3C. Nếu không có cái nhìn thực tế, không có phương pháp thực dụng trọng hiệu quả, không thực thi chính sách mà chỉ dừng lại ở lời nói, và không có thực lực để triển khai thì chiến lược sử dụng công khai - công luận - công pháp để đấu tranh cũng không đạt được kết quả như mong đợi. Công thức 4K và nguyên tắc 4T cũng bổ sung hỗ trợ qua lại cho nhau đắc lực. Tinh thần bám sát thực tiễn, lựa chọn thực dụng, thực thi chính sách, xây dựng thực lực rất cần sự hỗ trợ của 4K: kiên định - kiên quyết - kiên cường - kiên trì. Ngược lại, những cập nhật từ phân tích diễn biến thực tế, những tổng kết từ hành động đấu tranh cụ thể trên các mặt trận, cả trực tiếp và gián tiếp, sẽ điều chỉnh 4K một cách tương ứng để tránh rơi vào cực đoan, áp đặt độc đoán. Chiến lược 3C với nội dung công khai - công luận - công pháp, đến lượt nó lại bổ sung cho công thức 4K và nguyên tắc 4T, tạo cơ sở về sức mạnh của sự đồng thuận toàn dân; đồng thuận trong nước và quốc tế; gia cố nền tảng chính nghĩa của cuộc đấu tranh và đưa nó vượt ra khỏi phạm vi trách nhiệm của một nhóm chuyên gia và quân đội để đến với toàn dân Việt Nam và nhân dân thế giới; thúc đẩy sự cộng hưởng giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đó là sự bổ sung hiển nhiên giữa 4K, 3C và 4T khi xem xét ở bề nổi. Nhưng khi xem xét sâu sa hơn, chúng không chỉ bổ sung cho nhau mà còn thống nhất với nhau ở cấu trúc nội tại: 4K có tác dụng mạnh ở vùng tư duy, tâm trí; 4T có tác dụng mạnh ở vùng lựa chọn, hành động; 3C tác dụng mạnh ở vùng giao tế, truyền thông. Do đó, nếu xét với một cá nhân thì 4K, 3C, 4T lần lượt tác động vào suy nghĩ, lời nói và hành động của cá nhân đó. Sự kết hợp của 4K, 3C và 4T khi đó, về thực chất là sự phối hợp tổng thể của suy nghĩ, lời nói và hành động trong mỗi cá nhân. Công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, dù khó khăn phức tạp đến mấy thì cũng đều được thực hiện bởi những công dân yêu nước và có trách nhiệm với sự tồn vong của dân tộc, nên sự thống nhất của 4K, 3C và 4T trong mỗi công dân - rộng hơn là sự thống nhất trong cả dân tộc - cho thấy về bản chất, chúng thống nhất về cấu trúc nội tại không thể tách rời. Như vậy, trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, sự kết hợp của 4K, 3C và 4T trong mỗi cá nhân có thể được diễn giải ngắn gọn như sau: Suy nghĩ, lập trường phải có các phẩm chất: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì. Giao tế, truyền thông phải hướng đến các tiêu chí: Công khai - Công luận - Công pháp. Hành động, lựa chọn phải căn cứ trên các nguyên tắc: Thực tiễn - Thực dụng - Thực thi - Thực lực.
Sự kết hợp của 4K, 3C và 4T trong mỗi công dân sẽ dẫn đến sự kết hợp tương tự trong cả cộng đồng, thể hiện qua các đường lối chính sách về biển đảo; sự đấu tranh trên các mặt trận ngoại giao, pháp lý, truyền thông; sự đấu tranh trên các mặt trận kinh tế, quân sự, chính trị...Khi đó, cả dân tộc cùng hướng đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, với sự cộng hưởng của cộng đồng quốc tế do tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh mang lại, thì sự nghiệp này sẽ không có lý do gì để thất bại, tức mục tiêu mang lại Công lý cho Biển Đông sẽ đạt được. Do đó, có thể kết luận: Với công cuộc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, nếu phối hợp hiệu quả các chiến lược 4K, 3C và 4T, ta sẽ đạt được Công lý. Nói ngắn gọn: 4K+3C+4T=Công lý cho Biển Đông. Khi Công lý cho Biển Đông đã đạt được thì Hòa bình cho Biển Đông cũng theo đó mà được xác lập. Mong ước Hòa bình và Công lý cho Biển Đông sẽ không còn xa vời nữa, vì đường đi đã có. Đường đi đã có, nên không còn sợ nữa[3]. Đường đi đã có, chỉ chờ người dấn bước. Tác giả cảm ơn Nguyễn Hồng Thao, Trần Văn Thùy đã đọc và góp ý cho bản thảo.
[1] Trong chiến lược 3 C: Công khai có nghĩa là công khai lập trường của các bên, công khai những sự kiện diễn biến xảy ra trên Biển Đông, các tài liệu pháp lý lịch sử. Nói cách khác là công khai thực trạng tranh chấp trên Biển Đông. Còn Công luận bao gồm cả dư luận trong nước, dư luận quốc tế, dư luận Trung Quốc; có được thông qua tăng cường truyền thông để cho mọi người cùng hiểu tính chất phi lý trong yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, sao cho dân ta, dân họ, dân các nước hiểu rõ đạo lý và chính nghĩa của Việt Nam nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Còn Công pháp chính là công pháp quốc tế dùng để giải quyết tranh chấp Biển Đông, cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc, các điều ước quốc tế và luật tập quán quốc tế có liên quan khác. Xem thêm: Báo Tiền Phong, ngày 10/6/2011. [2] Tuần Việt Nam ngày 30/6/2011 và 4/7/2011. [3] Ý của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Con đã thấy đường đi, con không còn sợ nữa. | |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Biển Đông: công thức 4K. nguyên tắc 4T | |
| |
| | | | Biển Đông: công thức 4K. nguyên tắc 4T | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
Similar topics | |
|
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |
|