Trung Quốc suy diễn trong vấn đề biển ĐôngCập nhật lúc :7:55 AM, 26/06/2011Phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông, chỉ muốn giải quyết tranh chấp với những bên liên quan bằng đối thoại song phương… cho thấy, sự "ngang ngược" và "hung hăng" của Trung Quốc ngày càng khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Đã vậy, các học giả nước này lại ra sức bao biện cho hình ảnh nước lớn của mình và đổ lỗi cho các láng giềng.Ngang ngược"Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên biển Đông và vùng biển xung quanh", ông Ma Zhenggang, cựu Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nói. Theo ông này, giải pháp an toàn nhất để giải quyết tranh chấp là đàm phán song phương trực tiếp với từng bên liên quan.
Qu Xing, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc lên tiếng yêu cầu các nước khác
ngừng hoạt động thăm dò, khai thác "trái phép" trên biển Đông. Chuyên gia Ma thậm chí lên tiếng cáo buộc Mỹ đang làm cho vấn đề biển Đông trở nên căng thẳng hơn khi nước này có những động thái can thiệp, đẩy mạnh sự hiện diện của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với lý do bảo vệ lợi ích căn bản tại khu vực.
“Một số chuyên gia phương Tây nói rằng Mỹ đang ráo riết hợp tác với các nước lớn trong khu vực, tạo đà trở lại châu Á của chính quyền Obama. Hơn nữa, các nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển Đông cũng đang kỳ vọng vào sự hiện diện và can thiệp của Mỹ”, Ma khẳng định.
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký kết “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. "Tất cả các bên liên quan đều đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, nhằm gìn giữ ổn định, hợp tác trong khu vực", Ma nói.
Lý giải cho hành động gây hấn và khiêu khích của Trung Quốc khiến vấn đề tranh chấp biển Đông ngày một leo thang thời gian gần đây, Qu Xing, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho rằng: "Trong những năm gần đây, một số nước đơn phương tiến hành hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí đốt bất hợp pháp trên biển Đông. Các nước này cần dừng ngay mọi hoạt động khai thác trái phép".
Ông này còn "ngang ngược" nhấn mạnh, Bắc Kinh luôn đề cao biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp, đồng thời nêu dẫn chứng Trung Quốc từng giải quyết hơn 90% các tranh chấp biên giới thông qua đàm phán hòa bình.
Xem ra, các học giả này luôn tìm cách bao biện cho những hành động gây hấn của Trung Quốc và đổ lỗi cho các nước trong khu vực về tình trạng căng thẳng leo thang trong tranh chấp biển Đông.
Nhưng một thực tế, các chuyên gia này không hề lý giải là hàng loạt động thái khiêu khích, xâm phạm thô bạo lãnh hải nước khác trên biển Đông mấy tháng gần đây có phù hợp với luận điệu dùng hòa bình để giải quyết tranh chấp, mà Chính phủ nước này thường xuyên kêu gọi tại các diễn đàn quốc tế?
Ngụy biệnTrong cuộc gặp với Ngoại trưởng Phillippines Albert del Rosario mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cam kết, Washington sẽ cố gắng hỗ trợ khả năng phòng vệ và chiến đấu của Phillippines trong bối cảnh tranh chấp ngày càng leo thang tại biển Đông.
Đáp lại, Qu Xing, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc lên tiếng: “Sẽ là vô căn cứ khi cáo buộc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Phillippines. Chúng tôi không bao giờ phái quân đi xâm lược nước khác và cũng chưa từng sử dụng quân đội để chống lại các nước khác".
Tàu ngư chính của Trung Quốc nhiều lần lượn lờ gần vùng biển Nhật Bản. Trong một diễn biến khác, theo Philstar, Chính phủ Nhật Bản hôm 23/6 cũng chính thức lên tiếng phản đối hành động xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc khi nước này cử một tàu nghiên cứu biển thực hiện nhiệm vụ kiểm tra vùng biển gần Nhật, nơi thảm họa sóng thần đổ bộ vào giữa tháng 3 vừa qua. Lý do mà Bắc Kinh đưa ra là để kiểm tra mức độ phóng xạ của nước biển, nhưng mọi hoạt động đều chưa được thông báo với Tokyo.
Lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản cho biết, họ phát hiện tàu Nan Fen trọng tải 1.537 tấn của Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển nơi phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima rò rỉ ở mức cao nhất vào đất, không khí và nước biển, cách bờ biển Đông Bắc Nhật Bản 330 km.
Con tàu này được xác định thuộc Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc. Theo Tokyo, Bắc Kinh nên có động thái “xin phép” nước chủ nhà trước khi tiến hành hoạt động tàu thuyền tại đặc khu kinh tế biển độc quyền 200 hải lý (300 km) của Nhật Bản.
"Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hoạt động nghiên cứu khoa học nào nếu chưa được sự đồng ý. Nhật Bản lập tức đưa ra cảnh báo tại chỗ và nỗ lực liên lạc với Trung Quốc về vụ việc này thông qua các kênh ngoại giao", Chánh văn phòng nội các Yukio Edano nói.
Đáp trả phản ứng của Nhật Bản, các phương tiện truyền thông Trung Quốc loan tin con tàu chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra mức độ nhiễm phóng xạ của nước biển trong vùng biển Thái Bình Dương.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh và Tokyo “lời qua tiếng lại” liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ hàng hải. Nhật Bản ngày càng quan ngại về nguy cơ trở thành “siêu cường biển” của Trung Quốc khi nước này chi mạnh cho quốc phòng và luôn thể hiện lập trường cứng rắn trên biển.
"Nửa đục nửa trong"Giới phân tích phương Tây cho rằng, chính những hành động hung hăng và gây hấn của Trung Quốc gần đây đang làm cho căng thẳng biển Đông ngày càng leo thang. Và rõ ràng, Trung Quốc đang coi thường mối bận tâm của ‘’những người láng giềng” về vấn đề tự do hàng hải trên biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 21/6 rằng, chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là rõ ràng và hợp pháp. “Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải tại biển Đông mà không ảnh hưởng đến tự do hàng hải ... của các nước theo luật pháp quốc tế”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei trong cuộc họp báo ngày 21/6
tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Bàn về ý thức tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông được Trung Quốc và ASEAN ký kết, ông Hong Lei khẳng định: "Trung Quốc luôn cam kết giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình bao gồm cả đàm phán trực tiếp, đối thoại và tham vấn với các nước có liên quan. Trung Quốc luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông".
Tuy nhiên, tuyên bố trên của Trung Quốc vẫn mập mờ. Mới đây, Singapore dù không "liên quan" tới biển Đông cũng phải lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh cần làm rõ quan điểm và động thái của mình đối với vấn đề biển Đông, sao cho phù hợp với Công ước biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS).
Lê Dung (tổng hợp)