Việt Nam không đơn độc trên biển ĐôngThứ Bảy, 25/06/2011 17:39Ông Đàm Quang Minh, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, nhận định như vậy và cho rằng Việt Nam có cơ sở pháp lý với chủ quyền trên biển ĐôngNgư dân vẫn kiên trì ra khơi, đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: T. Kim * Phóng viên: Ông nhận xét gì trước việc Trung Quốc một mặt tỏ ra hung hăng tới mức dọa dùng sức mạnh quân sự để áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” nhưng mặt khác lại đòi Mỹ tránh xa tranh chấp trên Biển Đông? - Ông Đàm Quang Minh: Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã xác nhận có những vùng tranh chấp trên khu vực biển Đông và cùng cam kết thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang đánh lạc hướng bằng tranh chấp với yêu sách “đường lưỡi bò” chín đoạn phi lý. Do không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để đòi yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển Đông nên Trung Quốc đã có những hành động gây hấn nhằm biến vùng biển không có tranh chấp thành có tranh chấp.
* Thưa ông, bước tiếp theo Trung Quốc sẽ làm gì? - Trung Quốc hiện đang đưa mình vào thế khó khi tự tạo sức ép dư luận trong nước bằng cách đưa khái niệm mơ hồ về chủ quyền trên biển Đông. Họ muốn dân chúng Trung Quốc tin rằng Việt Nam, Philippines đang hưởng lợi hàng tỉ USD trên dầu mỏ tại khu vực tranh chấp gây dư luận rất xấu về hình ảnh Việt Nam và tạo nên làn sóng đòi sử dụng vũ lực. Trong khi đó, trên thực tế chưa có hoạt động kinh tế đáng kể nào trong khu vực tranh chấp. Nhiều người dân Trung Quốc đang hiểu nhầm và có một bộ phận thanh niên thực sự muốn gây chiến. Dư luận báo chí Trung Quốc vì vậy cũng bị ảnh hưởng. Cũng cần phải khẳng định rằng tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông là có thật khi họ đã tính toán, chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Vấn đề là ở chỗ họ thể hiện tham vọng này như thế nào mà thôi.
* Ông nghĩ sao trước việc ngày càng có thêm nhiều nước phản đối Trung Quốc trong vấn đề biển Đông? - Với yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đang đòi quyền sở hữu gần như toàn bộ biển Đông, chiếm quyền kiểm soát tài nguyên cũng như tuyến hàng hải quan trọng. Sức ép quốc tế đương nhiên sẽ tăng vì không quốc gia nào muốn xin ân huệ của Trung Quốc khi sử dụng vùng biển quốc tế này. Việt Nam trong trường hợp này cần phải tranh thủ sức mạnh từ cộng đồng quốc tế.
Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị ra khơi. Ảnh: T. Kim * Ông có đề xuất gì cho Việt Nam trong kết nối với ASEAN để đối phó với yêu sách của Trung Quốc? - Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thực hiện ba bước.
Thứ nhất, vùng biển này ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh của nhiều quốc gia nên chắc chắn họ không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Vì vậy, Việt Nam không đơn độc nếu thể hiện thiện chí của mình. Nhanh chóng đạt được những thỏa thuận với các quốc gia ASEAN, Việt Nam sẽ tạo được thế đứng vững hơn.
Thứ hai, người dân Trung Quốc không được cung cấp đầy đủ thông tin đã gây sức ép không nhỏ cho giới truyền thông, Việt Nam hơn ai hết cần đưa ra những thông tin chính xác trên nhiều kênh để có thể đưa ra lẽ phải của mình, đặc biệt trên kênh tiếng Hoa và tiếng Anh. Việt Nam cũng cần tranh thủ được Việt Kiều và Hoa Kiều vốn có điều kiện tiếp xúc tốt hơn để đưa thông tin đến dân chúng Trung Quốc và thế giới.
Thứ ba, luôn sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất để không bị động. Luôn cảnh giác và có chuẩn bị trước cho các diễn biến mới.
* Khi cơ chế UNCLOS chưa phát huy hiệu quả trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam cần phải chuyển hướng ra sao để bảo vệ lợi ích của mình? - Rõ ràng là Trung Quốc có sự tính toán khi đã đưa ra điều khoản bảo lưu quyền kiện Trung Quốc ra Tòa án về luật biển quốc tế (ITLOS) và hơn nữa, Trung Quốc cũng gây những ảnh hưởng nhất định để tổ chức này có được thẩm phán là người Trung Quốc. Vị thẩm phán này cũng không úp mở khi nói thẳng rằng "nếu không có tổ quốc tôi thì không được ngồi vào vị trí này". Như vậy, có thể nói Việt Nam khó dùng UNCLOS 1982 để kiện Trung Quốc và ITLOS cũng chưa chắc bảo đảm tính công minh để có thể tham gia. Nhưng dù sao UNCLOS 1982 hiện vẫn cần phải là căn cứ quan trọng để Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của thế giới.
Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác có cơ hội lớn để đạt được những thỏa thuận quan trọng. Philippines gần đây và Malaysia trước đó đã có những quan điểm rất gần Việt Nam. Indonesia, Thái Lan và Campuchia thì đã phân định xong ranh giới trên biển với Việt Nam. Nếu ASEAN có thể xây dựng được vùng biển quốc tế chung để cùng phối hợp chống cướp biển, khủng bố và các hoạt động xâm lấn khác thì chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới và tạo ra được sức mạnh nội khối.
Viễn cảnh về khu vực ASEAN thống nhất cả trên bộ lẫn trên biển là một hình ảnh đẹp cần nỗ lực được xây dựng trên sự đoàn kết và quyền lợi chung. Biển Baltic của châu Âu cũng đã được phân chia một cách hòa bình cho dù lúc đó chưa ra đời Luật Biển quốc tế. Chúng ta cần học tập từ bài học đó.
Diệp Linh (thực hiện)