Phải thống nhất từ trên xuống dưới đối với vấn đề Biển ĐôngCập nhật lúc 23/06/2011 02:22:24 PM (GMT+7) - Đến lúc cần thiết, Mặt trận Tổ quốc sẽ tập hợp để bàn bạc việc đưa ra tuyên bố thể hiện thái độ phản đối Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, và khẳng định quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc – Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim.
Không bao giờ chấp nhận xâm lượcTại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam tổ chức hôm nay (23/6), Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đã thông báo về chuyến thăm của đoàn đại biểu 54 dân tộc đến huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 diễn ra cuối tháng 4.
Với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường thống nhất ý chí và hành động trong các tầng lớp nhân dân với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Trung ương MTTQ đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức một chuyến thăm cho đại biểu 54 dân tộc đến huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ 17-28/4.
Ông Trình cho biết, chuyến đi nhằm giúp những người tham dự tìm hiểu đời sống và công tác của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên vùng thềm lục địa phía Nam, từ đó kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách bảo đảm thực hiện chủ quyền biển đảo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này.
Chuyến đi cũng nhằm đem tình cảm thắm thiết của nhân dân các dân tộc cả nước đến với biển đảo, khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc và dân tộc Việt nam.
Đại biểu 54 dân tộc đã tổ chức tưởng niệm những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và nhiều đảo khác trên vùng biển thềm lục địa phía Nam; thắp hương tại Tượng đài liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn; cầu siêu cho các liệt sĩ ở đảo Song Tử Tây, Trường Sa lớn; viếng mộ các liệt sĩ được an táng trên đảo Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa…
Chiến sỹ đảo Nam Yết vui mừng với những món quà và hàng từ đất liền tới. Ảnh: Phương Hoa (TTXVN) Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho biết, qua chuyến đi, đến cả những nơi chưa có dân sinh sống mà chỉ có các chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng thủ chiến lược như đảo Nam Yết, Nhà giàn DK1, các thành viên trong đoàn đã thấm thía tinh thần kiên định lý tưởng cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, không ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết, gió bão, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ của Hải quân Việt Nam.
Ông Trình khẳng định, chuyến đi đã góp phần
“truyền đi thông điệp quan trọng của nhân dân Việt Nam cho thế giới biết, đặc biệt là các thế lực có âm mưu xâm chiếm chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, là toàn thể nhân dân Việt Nam ở trong hay ngoài nước, luôn mong muốn sống trong hòa bình, hữu nghị, hội nhập với cộng đồng thế giới, nhưng không bao giờ chấn nhận các âm mưu, hành động xâm lược từ bên ngoài đối với sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam”.Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim còn gọi đây là
“tiếng nói đanh thép” của MTTQ và đại diện 54 dân tộc anh em trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thông tin để nhân dân thế giới hiểu đúngTuy nhiên, ông Vũ Trọng Kim cũng băn khoăn, trước các vụ tàu Trung Quốc công khai ngăn cản và phá hoại hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển gần đây, vẫn chưa có một kế hoạch đồng bộ để tuyên truyền trong dân, dẫn đến không ít tâm tư, tình cảm khác nhau.
Ông Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng chia sẻ suy nghĩ rằng thông tin chưa đến được với nhân dân và lãnh đạo quốc tế để họ hiểu đúng tình hình biển Đông, từ đó ủng hộ lập trường của Việt Nam.
“Thông tin đối ngoại của chúng ta còn lép vế trước những thông tin vu cáo, xuyên tạc của Trung Quốc”, ông Tùng bày tỏ.
Ông Trương Công Phú, Ủy viên Đoàn Chủ tịch thì cho rằng thái độ đối với vấn đề Biển Đông
“phải thống nhất từ trên xuống”, trong đó cần tuyên truyền giải thích cho không những nhân dân ta, mà nhân dân các nước ASEAN và nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc, hiểu đúng tình hình.
“Ta sở dĩ đánh thắng đế quốc Mỹ chính là một phần nhờ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ khi họ hiểu bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược”, ông Phú nói. Ông nhấn mạnh vai trò của ngoại giao nhân dân, mà theo ông hiện nay vẫn chưa đủ, trong việc tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam.
Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim khẳng định,
đến thời điểm cần thiết, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ sẽ tập hợp để bàn bạc việc đưa ra tuyên bố thể hiện thái độ phản đối Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, cũng như quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sốt ruột trước tình trạng nhập siêu lớn từ Trung Quốc, và đặc biệt lo ngại về
tình trạng các nhà thầu Trung Quốc, bất chấp thực tế chậm tiến độ, trang thiết bị lạc hậu và chất lượng vận hành kém, vẫn trúng thầu đến 90% các dự án lớn.
Các dự án này cũng không có lao động Việt Nam làm việc mà đều do các nhà thầu mang nhân công từ nước họ sang, người đứng đầu công đoàn cả nước bức xúc.
Ông muốn các hội đồng tư vấn, đặc biệt về kinh tế, của MTTQ, phát huy hơn nữa vai trò tham mưu cho Chính phủ các giải pháp khắc phục, đảm bảo nền kinh tế độc lập, tự chủ, rộng mở và không phụ thuộc vào bên ngoài.
Lên tiếng đại diện cho người lao động, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng mong công chúng và các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến ngư dân, những người vẫn đang
“cô độc, mạnh ai nấy làm, chưa có tổ chức chặt chẽ, phải đối mặt với nguy cơ bị bắt, bị phạt dù đánh cá trên những ngư trường truyền thống từ bao năm nay”.Ông Tùng đề xuất phát động phong trào
ủng hộ thuyền, lưới cho những ngư dân bị cướp để họ có thể nhanh chóng ra khơi trở lại.
Thủy Chung