Ba đợt “sóng” địa chính trị trên biển ĐôngTác giả: ABRAHAM M. DENMARKHai năm qua, một cuộc tranh cãi không ồn ào đã diễn ra ở biển Đông - khu vực biển có tầm quan trọng chiến lược lớn, nơi 1/3 thương mại biển của thế giới được vận chuyển qua vùng biển này, và một số người còn cho rằng nó đang chứa dưới lòng mình những mỏ dầu và khí tự nhiên có thể khiến vùng biển này trở thành một vịnh Persic thứ hai.Biển Đông cũng là một tuyến đường huyết mạch nối các mỏ dầu ở Trung Đông tới các nhà máy ở Đông Á, trong đó, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc (và một tỷ lệ nhập khẩu dầu cũng khá nhiều đối với Hàn Quốc và Nhật Bản) đi qua vùng nước này. Như nhà quan sát châu Á có ảnh hưởng Robert D. Kaplan từng nói, tầm quan trọng của biển Đông đối với khu vực đã khiến nó là "
Địa Trung Hải của châu Á".
Chính vì tầm quan trọng như vậy, một số quốc gia - Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam - đã đòi chủ quyền đối với một số vùng nước trên biển Đông. Nhưng riêng Trung Quốc lại đòi chủ quyền đối với hầu hết biển Đông, nằm trong "đường 9 đoạn" mà họ trình lên Liên hợp quốc. Căng thẳng tại biển Đông đã bùng phát từ vài thập kỷ qua, nhưng những năm gần đây căng thẳng này đã leo thang.
Từ đầu năm 2009, có thể xác định hai đợt "sóng" địa chính trị, và tuần trước dường như đã bắt đầu vòng thứ ba.
Đợt đầu tiên bắt đầu tháng 3/2009, khi các tàu cá Trung Quốc quấy rối tàu giám sát Impeccable của Mỹ trong vùng lãnh hải quốc tế, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 75 hải lý. Ba tháng sau đó, một tàu ngầm Trung Quốc đã đâm (có vẻ là tai nạn) vào thiết bị phát hiện tàu ngầm của tàu sân bay USS John S. McCain gần vịnh Subic ngoài khơi Philippines. Một loạt động thái khiêu khích khác sau đó, trong đó có các bài báo Bắc Kinh tuyên bố biển Đông là "một lợi ích cốt lõi", ngụ ý so sánh với Đài Loan và Tân Cương về mặt ưu tiên chiến lược cơ bản. Cả thế giới đều nhận thấy sự quả quyết của Trung Quốc và đã phản ứng mạnh mẽ.
Đợt thứ hai. Vào tháng 7/2010, Mỹ và nhiều quốc gia Đông Nam Á đã thúc đẩy. Tại một hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, 12 quốc gia Đông Nam Á đã chỉ trích thái độ kiên quyết của Trung Quốc tại biển Đông, và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố tự do hàng hải ở biển Đông là một lợi ích quốc gia của Mỹ. Trung Quốc ban đầu phản ứng khá mạnh: Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tuyên bố rằng phát biểu của bà Clinton ở Hà Nội là một "sự tấn công Trung Quốc" và đã nhắc nhở đối tác Singapore của mình rằng "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ và đây là một thực tế". Một tuyên bố suy đó của quân đội Trung Quốc nhắc lại "chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc đối với 1,3 triệu hải lý vuông trên biển Đông.
Phản ứng dữ dội này dường như đã khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt về ngoại giao, và Trung Quốc đã dần dần thay đổi cách hành xử quyết đoán trước đó của mình. Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Robert Willard, phát biểu trước Ủy ban Quân đội của Thượng viện Mỹ hồi tháng Tư, cho biết cách hành xử của hải quân Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2011 đã bớt phần quyết liệt so với năm 2010. Giới lãnh đạo Trung Quốc thường nói rằng nước này không tìm cách soán ngôi cường quốc lãnh đạo thế giới của Mỹ, và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã thề từ bỏ "Học thuyết Monroe" của Trung Quốc. Nhưng nhiều người ở Washington và Đông Nam Á vẫn coi sự "giảm tông" của Trung Quốc chỉ là một phản ứng chiến thuật chứ không phải là một quyết định chiến lược là từ bỏ các tuyên bố đòi chủ quyền đầy tham vọng, từ bỏ sự bóp méo trắng trợn luật pháp quốc tế cũng như việc sử dụng cách quấy nhiễu và ép buộc như các công cụ phục vụ cho chính sách của họ.
Đợt "sóng" thứ ba bắt đầu hồi tuần trước tại Singapore, khi các quan chức quốc phòng hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tụ họp trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đăng cai. Nhưng người có tham luận tại hội nghị bao gồm Thủ tướng Malaysia, các Phó Thủ tướng của Nga, và các Bộ trưởng Quốc phòng của Australia, Anh, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam. Tất cả đều đưa ra các tuyên bố chính thức, và nhiều người tham dự trong buổi hỏi đáp công khai (có cả Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt). Cũng có một số cuộc gặp cấp bộ trưởng bên lề đối thoại này, trong đó có cuộc hội đàm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates với người đồng cấp Trung Quốc. Biển Đông đã là trọng tâm chính của đối thoại, và nhiều quan chức đã sử dụng đối thoại này như một cơ hội để thông báo quan điểm của nước mình đối với khu vực. Dựa trên các phát biểu này, "đợt sóng" thứ ba về biển Đông rõ ràng đã nổi lên và sẽ được xác định bởi ba xu hướng tương quan.
Thứ nhất, Mỹ đưa ra các tuyên bố chính trị của mình cùng với sự gia tăng hiện diện quân sự ở Đông Nam Á. Trong thông điệp từ biệt tại Đối thoại Shangri-La trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Gates đã thông báo rằng Mỹ sẽ điều động các tàu chiến duyên hải - những tàu tương đối nhỏ và mới được thiết kế để tuần tra vùng bờ biển hướng về Đông Nam Á - tại Singapore, mở rộng hợp tác với Australia tại Ấn Độ Dương, và tăng số cuộc diễn tập quân sự và các chuyến thăm của quân đội Mỹ tới các cảng biển trong khu vực. Ông Gates cũng thông báo ý định của chính quyền Obama duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, bất chấp sức ép ngân sách trong nước. Để thêm phần đặc biệt cho tuyên bố của mình, ông Gates hứa rằng Mỹ sẽ duy trì hỗ trợ tài chính để đảm bảo "tính năng động và ưu thế của không quân, các cuộc tấn công tầm xa, răn đe hạt nhân, tiếp cận trên biển, không gian và mạng, và tình báo, giám sát và trinh sát" - tất cả các công nghệ cần để ngăn chặn Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc đang cố giảm bớt những lo ngại của khu vực, nhưng rốt cục sẽ không bao giờ giảm. Tại Singapore, ông Lương Quang Liệt có một tông giọng có phần mang tính hòa giải hơn so với phát biểu hồi năm ngoái của Ngoại trưởng Trung Quốc. Ông đã phủ nhận việc Trung Quốc tìm cách thách thức vai trò bá chủ về quân sự của Mỹ hay quyền tự do hàng hải trong giới hạn của nước này trên biển Đông. Ông kêu gọi đối thoại và thương lượng để giải quyết các tranh chấp và nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc hướng tới sự phát triển hòa bình của khu vực.
Nhưng các tuyên bố có vẻ nhân từ này hoàn toàn tương phản với các hành động gần đây ở biển Đông. Chỉ vài ngày trước phát biểu của ông Lương, một tàu hải giám của Việt Nam đang tiến hành thăm dò dầu khí tại biển Đông đã bị một tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tương tự, những ngày qua, Philippines đã tố cáo Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng" ở biển Đông, trong đó có việc tháo dỡ các vật liệu xây dựng trên các đảo đang tranh chấp. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục khiến các nước láng giềng tức giận khi đầu tư tăng cường các năng lực quân sự của lực lượng hải quân. Nhiều người đồn rằng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sắp hoạt động và Lầu Năm Góc đang theo dõi từng bước sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc trong những năm qua.
Cuối cùng, đầu tư của khu vực vào sức mạnh hải quân đang gia tăng, mở ra nhiều tiềm năng hợp tác nhưng cũng làm dấy lên nguy cơ xung đột - và không chỉ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Việt Nam đã sử dụng Đối thoại Shangri-La để khẳng định ý định mua 6 tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Nga, cùng máy bay Su-30 và tên lửa hạm đối không. Một số nước khác trong khu vực, trong đó có Australia, Indonesia, Philippines, và Singapore gần đây cũng thông báo các kế hoạch tăng cường năng lực của hải quân, khiến một số người ở Mỹ nói đến sự bắt đầu của một cuộc chạy đua vũ trang hải quân ở Đông Nam Á. Dù các nước khác nói rằng nhiều loại vũ khí được đặt mua trong khu vực không nhằm vào Trung Quốc nhưng nhiều người cho rằng
các vùng biển của Đông Nam Á sắp cuộn sóng.
Điều này không hẳn là một tin xấu. Châu Á đặc biệt dễ tổn thương trước thiên tai, và Hải quân Mỹ có thể giúp đỡ nhiều hơn khi xảy ra thảm họa như vụ động đất và sóng thần tại bờ biển Nhật Bản hay vụ sóng thần ở Thái Bình Dương năm 2004. Nhưng các vùng biển quốc tế bận rộn vốn là nơi nguy hiểm. Các tàu ngầm và tàu nổi có thể dễ dàng va vào nhau, gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn và trở thành một nhân tố gây bất ổn nguy hiểm đối với các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn trên biển Đông. Hơn nữa, các quốc gia mới phát triển năng lực hải quân hiện có khả năng sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, để bảo vệ đòi hỏi chủ quyền có thể trị giá tới hàng tỷ USD của mình.
Rõ ràng, cần ngăn cản điều này thay vì gây ra một chu kỳ sợ hãi, lo ngại, phản kháng và xung đột. Mỹ và Trung Quốc có một cơ hội để dẫn dắt khu vực này đi theo hướng hữu ích. Một sự bắt đầu tốt sẽ là các nỗ lực đa phương nhằm cải thiện khả năng hỗ trợ nhân đạo và đối phó với thiên tai của khu vực, phát triển thói quen hợp tác lành mạnh và xây dựng niềm tin lẫn nhau. Rõ ràng khu vực, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc, cần thông qua một cái gì đó tương tự như thỏa thuận "các sự cố trên biển" năm 1972 mà Mỹ và Liên Xô đã đạt được, giúp tránh các va chạm trên biển và ngăn cản nguy cơ xảy ra khủng hoảng xuất phát từ các vụ va chạm do tai nạn.
Một cuộc chạy đua vũ trang thảm khốc ở Đông Nam Á không phải là không thể tránh khỏi. Mỹ nên khuyến khích sự nổi lên của các lực lượng hải quân mới có thể giúp duy trì sự độc lập của nước họ, chỉ cần không hạn chế tự do hàng hải hay đe dọa sự ổn định của khu vực - vốn là hai vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với Washington. Khi các cường quốc này nổi lên, họ sẽ cần đến sự hỗ trợ và cam kết liên tục của Mỹ, nhưng cũng sẽ tìm cách giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Đó là điều bình thường.
Sau tất cả, giờ không còn là thế kỷ 20, khi tầm ảnh hưởng quyết định cuộc cạnh tranh của nước lớn. Địa chính trị trong thế kỷ 21 thừa nhận rằng hội nhập tạo ra ổn định và cho phép các quốc gia theo đuổi cạnh tranh kinh tế thay vì mở rộng lãnh thổ.
Chìa khóa của mọi việc nằm ở chỗ thừa nhận sự phức tạp ấy. Chờ xem đợt sóng thứ tư sẽ diễn ra như thế nào.Châu Giang theo foreign folicyBản gốc trên Tuần VietNamNet(Những chữ có màu là do tôi nhấn mạnh.)