Hôm nọ nhà tôi có giỗ ông nội. Từ hàng tháng trước, anh, em họ hàng đã thảo luận, bàn bạc, lên kế hoạch. Tất cả đều phải về nhà ông anh cả, trưởng tộc để góp giỗ, làm giỗ và ăn giỗ. Phe phái chia ra cũng nhiều, có bên thì ghét ông trưởng tộc, có bên thì bênh, có bên thích thế này, có bên muốn thế kia, có người doạ sẽ "không thèm về nhà thằng ấy".... Mình thì mình nghĩ, kiểu gì cũng về, kể cả về mà ông anh có đuổi mình cũng về. Giỗ ông nội mình mà, chẳng ai cấm được mình và mình cũng chẳng dại gì tự tước đi của mình cái quyền tưởng nhớ về tổ tiên chỉ vì ông anh ấy có hiềm khích hay ghét bỏ mình.
Đến ngày giỗ, cháu con kéo về khá nhiều nên thật lắm chuyện xảy ra. Người lớn thì túm năm tụm ba, vui cũng có mà nói xấu nhau cũng có, thậm chí còn mượn rượu, giả say, suýt thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Đám thanh niên cũng tranh cãi đủ thứ: thời trang, yêu đương, hip hop, bóng đá... Bọn cháu chắt bé tý cũng tranh nhau đồ chơi, chỗ ngồi, miếng xôi, quả chuối... lắm lúc đánh nhau khóc váng nhà. Nhiều khi, đám cha mẹ ông bà cũng mượn vào cái cớ bọn trẻ con xích mích mà thì thầm, moi móc lẫn nhau. Ví như "nhà ấy toàn đứa vô học, sao con cái ngoan được", "gớm, bố mẹ thế ấy mà"... Đại loại như vậy.
Vợ tôi cùng đám phụ nữ thì mệt bã người vì chợ búa, đun nấu, dọn dẹp, rửa bát... thậm chí ăn không biết ngon, ngủ không có chỗ thoải mái. Tôi thì đau đầu vì phải tiếp chuyện, giải thích, lựa lời... sao cho vừa lòng cả mấy phe phái. Rồi cũng phải uống, phải say... với mấy ông sâu rượu lúc nào cũng bám lấy mình mà lè nhè. Không uống, thảo nào chúng cũng kêu là mình ở Hà Nội về, kiêu căng, không coi ai ra gì...
Tất cả đều mệt mỏi. Nhiều người chán nản. Có lẽ chỉ có bọn thanh niên, trẻ con là khoái đôi chút vì được về quê, được gặp nhau vui đùa và vì chúng chưa phải làm gì, cũng chưa có hiềm khích gì với nhau.
Thôi kệ đi! Ma chê cưới trách mà. Hình như đám giỗ nào cũng thế, năm nào cũng thế.