Tuti
Tổng số bài gửi : 1217 Hoạt Động : 1721 Join date : 08/11/2009 Đến từ : Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai.
| Tiêu đề: TRƯƠNG CHI - MỴ NƯƠNG (truyện của Vũ Lưu Xuân) Thu Jul 22, 2010 7:53 pm | |
| Vừa sải bước xuống thuyền, khách đã nghe một giọng già nua cất lên ở cuối khoang:
- Này Cầm nhi, khách quan đã tới, con mau mau ra đón khách.
Đáp lại là một tiếng “dạ” khẽ khàng, tuy trong trẻo mà đượm chút gì mệt mỏi, chán chường. Khách nhẹ tay vén rèm lụa mỏng, cúi mình bước vào khoang trước. Khoang thuyền rộng bằng hai mành chiếu, bài trí đơn sơ mà trang nhã. Dưới ánh sáng bạch lạp, khách là người đã bước vào tuổi vãn niên, tóc lấm tấm điểm bạc, khuôn mặt xương xẩu hơi khó coi, duy chỉ có đôi mắt sáng thật hiền. Còn kỹ nữ, nàng ôm chiếc đàn tì bà đứng nép vào một bên, vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt thanh tú trang điểm sơ sài, lớp phấn mỏng không che nổi dấu tích thời gian đã hằn nhẹ ở đuôi mắt thành những vết chân chim.
- Khách quan, mời ngồi. - Nghe lời bằng hữu – khách mỉm cười – hôm nay tới quấy quả cô nương. - Khách quan đã quá lời.
Kỹ nữ vén tay pha trà. Nước xanh, trong suốt, hương không ngát mà đượm, trên miệng chiếc chén da chu quyện một lớp hơi mỏng như sương.
- Khách quan, gió lạnh, mời người dùng đỡ cho ấm lòng. Sau tuần trà mới tới rượu nhạt tẩy trần. - Trà ngon, pha khéo – khách nâng chén, che tay nhấm nháp từng ngụm nhỏ - đủ gợi được cái thú của cổ nhân. - Một nắm vối xanh, chất quê, đâu dám học đòi lối pha của Lục Vụ. - Đã lâu nghe tiếng Cầm nương – khách sẽ sàng – là tay cự phách trong giới cầm ca, hôm nay mới có duyên may được gặp. - Khách quan quá khen – giọng kỹ nữ đưa đẩy, nhưng không giấu được nỗi chán chường – tôi chỉ là một bóng mờ trong đám ca kỹ trên sông. Những mong người có thể tìm khuây trong tiếng đàn là mãn nguyện lắm rồi.
Khách nhìn thẳng vào mặt người đối diện:
- Cô nương, xin thứ cho một lời nói thẳng. Quả thật trong mắt bọn tục nhân, nàng chỉ còn là một bóng mờ, nhưng tôi tới đây, cốt để gặp một bậc tài hoa trong làng cầm nghệ. - Quá khiêm cũng là bất kính – nét mặt người con gái thoáng chút rạng rỡ - Khách quan, chẳng hay người thích thưởng thức khúc nào? - Tôi trộm nghe khúc điệu làm vướng tay bậc tài hoa. Trong cảnh giới tối cao của cầm nghệ không gì bằng thuận theo tiếng lòng mà phổ vào bốn dây. - Khách quan, giữa đêm trăng lạnh còn nghe tiếng đàn buốt giá, nên chăng? - Bỏ ra trăm quan tiền tốt để mua lấy tiếng đàn tuy điêu luyện mà vô hồn, đó là cái ngốc của bọn trưởng giả học đòi. Cô nương, tôi nửa đời phiêu bạt, cảnh ngộ nào mà chưa trải qua. Đêm nay tới đây, thân khoác một manh áo mỏng, những mong cảm nhận được hết cái lạnh lẽo của gió sông và cái giá buốt của cõi lòng.
Cầm nương cúi đầu so phím, dạo một khúc đàn. Quan sát thấy vẻ mặt khách lạnh lùng, vô cảm, nàng dừng tay:
- Xin được nghe lời chỉ giáo. - Cô nương xin đừng gượng vui – khách nghiêm giọng. - Quả nhiên không thể… - kỹ nữ thở dài – mượn vải thưa che mắt người sành điệu. Khách quan, 15 năm bèo trôi mặt nước, tôi vẫn tự dặn mình “mãi nghệ bất mãi thân, mãi tiếu bất mãi tâm”(*), e rằng hôm nay nguyên tắc thứ hai không thể giữ vẹn nữa rồi. Cảm ơn tri ngộ, đành đem chút lòng thành trang trải qua tiếng đàn để phụng bồi quân tử. - Đa tạ cô nương đã vì tôi phá lệ một lần.
Kỹ nữ quay về phía tủ trà, trang trọng bưng ra một lư đồng nhỏ, đặt nhẹ xuống bàn, rồi lặng lẽ gây lò trầm. Sợi khói mong manh tan loãng vào không gian cùng với hương trầm thoang thoảng. Ánh trăng nghiêng nghiêng chiếu chếch vào cửa khoang, nửa khuôn mặt người kỹ nữ khuất trong bóng tối mung lung. Phải chăng gió sông trở lạnh mà nàng thoáng rùng mình.
- Tiện nữ bêu xấu, xin người đừng chê.
Tiếng đàn chợt vang lên, đầm ấm như nắng mùa Xuân, trong âm thanh rộn rã dường như có tiếng cười khúc khích. Bỗng nhiên giọng đàn chùng lại, xao xác vài âm trầm đục, đứt quãng, rồi chợt tan vụn thành một chuỗi nghẹn ngào. Âm thanh cao, sắc, đã không tạo thành cảm giác vui tươi, mà tưởng chừng tiếng nức nở của một cõi lòng bị xé nát. Khách ngồi bất động, chau mặt, cúi đầu. Tiếng đàn đang cao vút, sắc lạnh bỗng đổ xuống cung trầm, thoang thoảng như vọng lại từ cõi nào, âm thầm chịu đựng. Có giọng ngâm se sẽ, chất chứa nỗi sầu:
Mười ngón ngả nghiêng điệu xuất thần, Chừng khuya bừng tỉnh giấc tiền thân. Vội vàng buông lỏng dây ân ái Mà vẫn mơ hồ dáng cố nhân.
Tiếng ngâm dứt, cây đàn rộn lên vài âm thanh xôn xao, lạc lõng rồi cũng ngừng theo.
- Khách quan, người thấy sao? – tiếng nàng nhẹ như gió thoảng.
Khách bàng hoàng, chợt tỉnh:
- Nửa đầu là tiếng lòng thiếu nữ đang xuân gửi người tri kỷ, mà sao nửa sau lại khôn xiết ngậm ngùi. - Quả là đôi tai Sử Khoáng. Khúc này vốn của một bậc tài hoa bạc mệnh. Khách quan, người có từng nghe nói tới cuộc tình Trương Chi – Mỵ Nương chưa? - Trương Chi, phải chăng anh chàng đã trao lầm trái tim cho một tiểu thư bạc bẽo, đỏng đảnh? - Ngay cả người cũng nghĩ thế sao? Như vậy mối hàm oan biết ngày nào rửa sạch. - Chẳng hay tôi có lời nào đường đột? – khách gượng cười. - Đường đột thì không phải, vì từ ngàn xưa tiếng đời mai mỉa vẫn lưu truyền. Vậy khách quan đã nghe được gì? - Có một anh chàng Trương Chi xấu xí thổi sáo trên sông, làm say lòng tiểu thư con lão viên ngoại. Ba ngày không nghe tiếng sáo, nàng tương tư trở bệnh, ốm liệt giường. Viên ngoại chiều con, cho đòi tiêu lang(**) mang sáo tới gặp. Khi thấy khuôn mặt xấu xí, Mỵ Nương vỡ mộng, lạnh lùng xua đuổi. Từ khi gặp mỹ nhân, Trương Chi ôm mối hận lòng, héo mòn đến chết. Trái tim chàng kết thành khối ngọc. Viên ngoại mua được, liền sai tiện thành chiếc chén nhỏ tặng con. Khi nước đầy, trong đáy chén phảng phất hình bóng chiếc thuyền nan, lênh đênh trôi dạt. Một phút chạnh lòng, cô gái bội bạc để rơi đôi giọt lệ xuống chén ngọc, chén liền tan vụn. - Tuy phần cuối tưởng chừng có hậu, nhưng đây chính là thiên cổ kỳ oan. Cô gái không bao giờ gặp lại tiêu lang, khách quan có hiểu vì sao không? Ba lớp cửa phòng the, kể cả khung cửa sổ hướng ra sông đã bị viên ngoại sai người khóa chặt. Từ đó gây thành sự hiểu lầm oan nghiệt nghìn đời.
Cô gái bưng chén trà nhấp giọng.
- Khách quan, xin theo tiện nữ.
Cô gái nhẹ tay vén rèm rồi đứng lui sang một bên. Khách khom người bước ra vùng ánh trăng. Manh áo mỏng lồng lộng phất theo chiều gió. Xung quanh thuyền, sông như một dải lụa uốn éo trải dài.
- Khách quan – cô gái đưa tay vuốt lại mớ tóc mai lòa xòa trước trán – đây chính là con sông đã xảy ra cuộc tình Trương Chi Mỵ Nương. Còn kia là lầu Mỵ Nương thưở trước, căn lầu hoang phế thấp thoáng sau rặng liễu già. Đứng ở mũi thuyền có thể thấy một khuôn cửa nhỏ, cửa sổ lầu Tây đã đưa tiếng sáo Trương Chi lọt tới chốn phòng khuê.
Khách nhìn kỹ, ánh trăng đủ sáng để thấy mấy thanh gỗ đóng chặt phía ngoài.
- Phía xa kia – cô gái lại tiếp – khách quan thấy không? Sương mù, khói sóng dường như ngưng tụ cả ở một nơi. Tương truyền đó là chỗ Mỵ Nương đã chìm sâu dưới đáy Trường Giang. Ngày nay thuyền thương gia vượt sông thường lách sát sang bờ bên kia. Một là để tỏ lòng kính trọng, hai là khúc sông đó có nhiều vũng xoáy, kẻ xấu ngoa truyền cho rằng Mỵ Nương đã tạo ra để bắt hồn khách thương.
Thoáng nghe một tiếng thở dài, kỹ nữ ngưng kể. Lát sau nàng tiếp:
- Trở lại khúc đàn khi nãy, khách quan người có cao kiến gì? - Tôi không dám lạm bình, đành mượn một sáo ngữ, đúng là… vạn cổ sầu. - Nỗi “vạn cổ sầu” đó một thiếu nữ hời hợt, đỏng đảnh có đủ khả năng cô đọng vào cung bậc trầm uất của bốn dây được hay không? - E rằng… vạn lần không – khách có vẻ đắn đo. - Tôi lại nghe… - kỹ nữ mỉm cười – có kẻ không thích “Ly tao”, “Quy khứ” chẳng phải là chê “từ” của Khuất Nguyên, thơ Đào Tiềm, mà vì lòng đang sục sôi bay nhảy. Bởi thế cảm thụ nghệ thuật trước hết cần có sự đồng cảm, đồng điệu. Tương tư tiếng sáo đến nỗi bạt vía, bay hồn, thân lâm trọng bệnh, há chẳng phải xuất phát từ sự đồng cảm đã tới cảnh giới tối cao đó sao? Như vậy còn sá chi vẻ xấu đẹp bề ngoài. - Quả là cao luận. – khách nghiêng mình. - Tiếng đời mai mỉa, chê Mỵ Nương là một tiểu thư xốc nổi, phù phiếm, bội bạc. Khách quan, người nghĩ sao?
Khách thở dài không đáp, lặng lẽ rót đầy ly rượu, rồi trang trọng rải xuống mặt sông. Một lát sau mới ân cần:
- Xin rửa tai nghe lời trần tình. - Miệng đời thế nào xin gác một bên. Riêng ở vùng tôi, theo lời các bậc trưởng thượng thì… Từ mấy trăm năm nay…
************************************************** - Gió đêm lạnh lẽo, sao ngươi nằm lại đây? - Bạch cụ, tôi là một gã quê mùa xấu xí, dị dạng, mọi người vừa thấy đã cắm cổ chạy xa, chỉ xin nghỉ lưng dưới mái tam quan cũng đủ tốt rồi. - Trước Phật môn, không có đệ tử nào xấu hay đẹp. Vào thôi.
Sư già nắm tay gã dìu đứng dậy, dắt vào chùa. Chùa chẳng qua là ba gian nhà cỏ, gã bình thản bước vào gian chính giữa, nơi đặt bàn thờ Phật. Trên bàn thờ chỉ có ba cây nhang đang cháy đỏ cắm trong chiếc bát sành với một pho tượng nhỏ đầy bụi bặm. Gã trơ mắt đứng nhìn,
- Thấy Phật sao không lạy? - sư già qưở. - Phật ở trong lòng biết lạy làm sao?
Sư già cười, dắt gã ra chiếc chõng tre kê bên khóm trúc.
- Ngươi có đói không? - Hình như cả ngày chưa có gì vào bụng.
Sư già vào bếp lấy ra một rổ khoai:
- Ngươi ăn với ta. - từ miệng sư già, tiếng "ngươi" không lộ một chút gì khinh bạc - Nhà ngươi ở đâu? - Hình như ở khắp bốn phương. Lâu ngày cũng quên mất gốc, chỉ nhớ mang máng lúc nhỏ cha mẹ bỏ quên giữa chợ, mỗi người thương tình nuôi cho ít bữa. Về sau theo hẳn một lão nghệ nhân lang thang đây đó. Lúc rảnh rỗi lão cũng dạy cho ít chữ cua bò với nghề thổi sáo. À quên, lão còn đặt cho một cái tên, Trương Chi. - Thế lão đâu? - Mấy năm trước, tôi đã vùi xác lão dưới một rẻo đất ven sông. Lão để lại cho tôi một gia tài - gã vỗ tay vào bọc vải sau lưng - Đố cụ biết gì đây? - Vàng bạc? Quần áo? - Mấy quyển Đường thi, dăm cuốn Tống từ, với một cây sáo trúc, tuổi cũng xấp xỉ bằng cụ. - Vậy trong ba trăm nhà, ngươi chuyên trị nhà nào? - sư già hóm hỉnh. - Ôi chao, mở sách thấy câu nào hợp ý thì ngâm nga. Thần trí hồ đồ, lâu ngày chầy tháng đọc lên, chẳng còn phân biệt câu nào của lão Đỗ, lão Lý với của lão Trương tôi. - Ta với ngươi cùng một giuộc - sư già cười ha hả - Thỉnh thoảng vớ được mảnh giấy cũ, đọc láp nháp mấy câu, ý nào hay thì nghiền ngẫm, cũng chẳng rõ của Phật, của Lão hay của Trang. Đôi lúc dấm dớ lại cứ tưởng là ý của mình. Còn kinh với kệ, nói ra xấu hổ, ta chỉ thuộc mỗi một câu: "Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật". - Thế cụ không thuộc giới sao? - Cũng không rõ nữa. - sư già có vẻ bẽn lẽn, xoa xoa cái đầu trọc. - Thế cụ có giới sát không? - Mỗi chúng sinh đều có một mạng sống - sư già trợn mắt - ai cho ngươi tước đoạt? - Thế cụ có giới sắc không? - Cặp mắt ta kèm nhèm, nhìn trước nhìn sau chẳng biết ai nam ai nữ, cũng bất phân xấu đẹp, cần quái gì giới sắc?
Nhìn cặp mắt già còn rất sáng, gã gật gù. Hai người vừa nói lăng nhăng vừa nhai nhồm nhoàm. Gã lựa một củ lớn:
- Củ lớn của tôi, củ nhỏ phần cụ.
Ăn lưng một bụng, uống cạn một bát nước vối, gã xoay trần, vắt áo lên cành cây:
- Sảng khoái, sảng khoái.
Sư già cũng bắt chước gã, xoay trần, vắt áo lên cành cây, cả thân hình như bộ xương khô. Gã nhăn mặt:
- Áo của cụ vừa rách vừa hôi. - Nếu có ai... - sư già thản nhiên - bố thí cho khúc lụa hồng, ta sẽ may một tấm cà sa mặc khi mùa Hạ. Nếu bá tánh cúng dường khúc gấm Hàng Châu, ta sẽ may tấm áo cà sa mặc lúc mùa Đông.
Gã cười sằng sặc chỉ tay vào mặt sư già:
- Cụ đúng là lão sư hổ mang. - Còn ngươi chính là gã tiểu khật khùng. - sư già cũng cười ha hả.
Cười đã, cả hai vắt chân nằm ngửa ngắm trời. Được một lúc, sư già vùng dậy:
- Này tiểu khật khùng, hay là ngươi ở lại chùa ăn lưng cơm hẩm với lão hổ mang?
Mắt gã nhắm nghiền, không biết đã ngủ hay chưa mà không nghe gã trả lời... Gã quyết định xếp áo ở lại chùa. Đêm đến, gã cùng sư già ra sông thả thuyền ngắm trăng. Hai bên bờ từng rặng lệ liễu lòa xòa làm tăng thêm cảm giác âm u, cô tịch. Gã với tay lấy bầu rượu:
- Cụ có giới tửu không? - Việc quái gì phải giới? Có điều thực lòng ta vốn không ưa mùi rượu. - Thất lễ. - gã nâng bầu rượu tu ực một ngụm lớn, rồi hà hơi vào lòng bàn tay - Sảng khoái, sảng khoái. Có trăng có rượu không thể thiếu tiếng tơ tiếng trúc.
Gã rút ống sáo trúc giắt sau lưng đưa lên môi. Tiếng trúc vang lên, mơ hồ, lãng đãng. Đầu gã nghiêng nghiêng, vai hơi lệch về một phía, cả tâm hồn như ngưng đọng. Một Trương Chi đời thường với một Trương Chi thổi sáo hình như chẳng còn gì liên hệ với nhau. Âm thanh vút lên lạnh lẽo, cô độc. Tiếng rung đầu lưỡi, tiếng láy ở ngón tay tạo thành một cảm giác run rẩy, bồn chồn, nghe như những tiếng nghẹn ngào, uất ức. Tiếng tiêu của gã làm cho cả bầu trời càng thêm buốt giá. Sư già ngồi ở đầu thuyền bó gối, lưng như còng xuống, đầu cúi gục vào vòng tay...
*********************** - Ngọc nhi, em có nghe thấy không, tiếng sáo văng vẳng đâu đây thật lạ lùng? Âm thanh mềm mại mà sao chứa chan dằn vặt uất ức. Em mau gây cho ta lò trầm. - Tiểu thư mỗi khi gảy đàn lại đốt trầm, phải chăng là cái ước lệ của cổ nhân? - Trầm hương có khả năng làm bình tâm, tịnh khí, gạn đục khơi trong... Giữa cõi vô minh mình lại gặp mình, như vậy mới mong trang trải hết tâm tình trong cái tinh tế của bốn dây đàn.
Cung đàn dạo lên vài tiếng rồi bắt đầu quyện lẫn với tiếng tiêu. Tiếng tiêu khựng lại một chút rồi lại hòa với tiếng đàn. Một người thả thuyền giữa sông, một người ngồi bên khung cửa... Dường như không còn ý niệm thời gian. Càng lúc tiếng đàn tiếng trúc càng hòa quyện ấm áp hơn. Âm thanh đã dứt từ lâu, sư già mới bừng tỉnh:
- Quả là lạc vào cõi thần tiên. - Tôi chỉ thuận miệng mà thổi - gã có vẻ suy nghĩ mông lung - chẳng theo khúc điệu nào, không hiểu sao lại hòa hợp với tiếng đàn.
Sư già trầm ngâm. Giữa khoảng trời cao lồng lộng, sư già hình như biến hẳn thành con người khác, từ ngôn ngữ, cử chỉ tới dáng dấp đăm chiêu:
- Lòng người chớm nghĩ tới mây bay, tiếng đàn đã vút lên. Ngươi vừa nghĩ tới nước sâu, tiếng đàn đã lạnh tanh, trong suốt. Ngươi chợt nghĩ tới đôi lứa yêu thương, tiếng đàn đã đầm ấm vui hòa. Đó chính là sự đồng cảm trọn vẹn của hai tâm hồn. - Hai người chưa từng gặp mặt, đã có sự đồng cảm sao? - Trong cõi thâm sâu, huyền nhiệm của nghệ thuật, sự đồng cảm đã từng xảy ra giữa hai con người sống cách nhau hàng trăm năm. Tiếng sáo của ngươi há chẳng phải là tiếng lòng đó sao? Nhưng hiểu rõ lòng nhau, tiếc rằng thế gian này rất hiếm. - Chả trách Tử Kỳ chết, Bá Nha đập đàn, - Trương Chi thở dài. - Tiếng đàn vang lên từ nơi ấy - sư già vỗ vai gã, chỉ về phía bờ sông - Ngươi thấy không? Cửa sổ lầu Tây, thấp thoáng một ánh trăng, một bóng ngọc, áo lụa bạch phơi phới, tóc xõa che gần kín khuôn mặt vốn đã mơ hồ, lãng đãng như gái liêu trai. Tiểu khật khùng ơi! Định mệnh của ngươi đã ở đó rồi. Này, ngươi có nghe ta nói không?
Gã giống như pho tượng, tay nâng sáo trúc chưa chạm đến môi, bất động...
************************************** - Này lão hổ mang, đêm nay tôi lại muốn ra sông câu cá, cụ có đi không? - Ngươi thật lòng muốn rủ ta? - sư già cười khoan dung.
Phương Đông trời bỗng chuyển mây đen, sấm chớp ầm ầm. Cơn mưa ập đến thật mau, kéo dài bất tận, ba ngày ba đêm không dứt, đêm mưa càng mau hơn. Vậy mà cả ba đêm, gã đều đội nón mê, khoác áo lá lặn lội ra sông.
- Tôi đi kiếm ít cá tươi. - Mưa giông cũng câu được cá sao?
Gã không đáp, cúi đầu lầm lũi bước đi. Hình như ông trời có thù riêng với gã. Sáng thứ tư mưa mới dứt, trưa trật gã mới khật khưỡng về chùa.
- May quá đêm qua câu được con trắm to, tôi đem ra chợ đổi lấy cút rượu ngang...
*********************** Đêm thứ nhất, bên khung cửa khóa kín, Mỵ Nương giọng bồn chồn:
- Ngọc nhi, em mau mở cửa cho ta nghe tiếng sáo. - Tiểu thư, mưa quá lớn, gió thổi ngược, tiểu thư không sợ ngã bệnh sao?
Đêm thứ hai, Mỵ nương ngồi gục bên bàn:
- Ngọc nhi, làm ơn mở cửa sổ, tiếng sáo đang đợi ta. - Vẫn mưa to gió lớn, tiểu thư.
Đêm thứ ba, trời càng mưa nặng hạt. Mỵ Nương co quắp trên giường, thều thào:
- Ngọc nhi, mở... cửa...
Đêm thứ tư, Trương Chi ngồi ủ rũ trên ổ rơm nơi góc nhà, người đông cứng như hóa đá. Tiếng sư già:
- Tiểu khật khùng, viên ngoại cho người tới tìm ngươi. - Vậy sao? - mắt gã sáng lên. - Nghe nói Mỵ Nương ngã bệnh vì tương tư tiếng sáo. - Trời... - gã vụt đứng dậy. - Ngốc tử, còn không đi mau đi.
Gã giắt sáo vào lưng, tất tả bước ra. Gã được dẫn vào gian đại sảnh bài trí cực kỳ xa hoa. Trong phòng đốt hơn một chục cây bạch lạp. Gã thấy mình lạc lõng, thừa thãi...
- Ngươi đấy ư? - tiếng lão viên ngoại.
Gã quay lại hơi gật đầu. Ánh bạch lạp soi rõ mặt gã. Lão viên ngoại chợt nhăn mặt, hàng lông mày trắng sụp xuống. Lão vẫy gọi gia nhân, giọng khinh mạn:
- Cho hắn mấy đồng kẽm, rồi bảo hắn đi đi. - Nhưng còn cơn bệnh của tiểu thư? - À, ờ... Thôi được, đưa hắn vào hậu viên.
Gã băng qua hoa viên, thẳng bước tới một ngôi lầu nhỏ xinh xắn. Gã leo vội mấy bậc thang bước lên lầu hoa. Từ chỗ gã đứng có thể nhìn thấy mặt sông đầy trăng sao. Có tiếng nói nhỏ sau rèm:
- Tiểu thư, chàng tiêu đã đến. - Thế ư? Em đỡ ta ngồi dậy.
Gã đứng dựa lưng vào cột lầu, ngẩng mặt nhìn trăng, rồi từ từ đưa sáo lên môi. Tiếng tiêu nhẹ nhàng vút lên.
- Em mau gây cho ta lò trầm. - Tiểu thư muốn họa đàn ư? E rằng còn bệnh. - Ta khỏi hẳn rồi.
*****************************
Từ trong rèm vọng ra một giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái:
- Tiêu lang đó ư? Xin được một lần cách rèm xướng họa.
Tiếng đàn tiếng sáo lại quyện vào nhau... Thời gian chậm chạp trôi. Khi âm thanh đã ngưng hẳn, toàn thân gã vẫn ngây ngất trong một cảm giác bâng khuâng... Bóng Ngọc nhi lấp ló sau rèm, nàng thì thầm:
- Chàng xấu xí quá, xấu kinh khủng. - Thế ư? - Mỵ Nương nói, giọng thản nhiên. - Ngươi còn ở đó làm chi? - tiếng viên ngoại ngay sau lưng làm gã giật mình - gia nhân, mau cho hắn ba quan tiền kẽm thưởng công chữa bệnh rồi đuổi hắn đi đi.
Rất khuya vẫn không thấy gã về chùa, sư già men theo ánh trăng ra phía bờ sông. Gã đứng đó, mắt nhìn mông lung. Sư già tới gần mà gã không hay. Không xuống thuyền, cũng không thổi sáo, gã đứng bất động hàng giờ. Mảnh áo rách phơi trần da thịt trước ngọn gió cuối Thu. Trông có vẻ lạnh lùng, vô cảm nhưng trong lòng gã đang sôi sùng sục... Sư già lặng lẽ về chùa, để mặc gã một mình gặm nhấm nỗi đau. Sáng sớm ra sân quét lá, sư già thấy gã nằm vật dưới mái tam quan, miệng lảm nhảm đứt quãng, chẳng biết đó là tiếng ngâm hay tiếng rên:
Nàng như... người... ở... chiêm bao Ta... như lạc... tự thuở nào... tới đây...
Được sư già đổ cho bát nước gừng nóng, gã dần hồi tỉnh. mắt nhìn như có điều gì muốn nói. Đã ba ngày gã không ăn, không uống, mắt mở trừng nhưng hồn như lạc vào cõi hôn mê. Sư già hết ra laị vào, nhìn gã xót xa. Đến ngày thứ tư, gã như bừng tỉnh, run run níu lấy tay sư già:
- Lão sư phụ, xin giúp cho một điều, làm ơn trao lại tấm lòng này cho người tri kỷ.
Trong cơn mê sảng, gã nói không đầu không cuối rồi nấc lên, đôi mắt nhắm nghiền, khép kín lại một vòng trầm luân. Sư già lặng lẽ thở dài... Sớm hôm sau, khi trời còn lác đác sao thưa, sư già âm thầm vác xác gã ra bờ sông, đặt nằm dài trên một mảnh ván tạp, rồi chất kín bằng những bó củi khô. Rót một bát rượu đầy, sư già rưới lên mình gã rồi nói, giọng trang nghiêm:
- Này tiểu khật khùng, ta vốn không thuộc kinh siêu độ, chỉ hỏi ngươi một điều, liệu hồn ngươi đã siêu thoát hay chưa?
Rồi đánh hỏa liệu, chậm chạp mồi lửa. Lửa theo khói cuộn lên, tiếng củi khô nổ lách tách... Ngọn lửa liếm từ từ rồi nuốt trọn thân gã. Sư già cúi đầu, mắt như đứng tròng, dáng người như pho tượng. Ngọn lửa hầu tàn, chỉ còn thoi thóp, thỉnh thoảng cố vùng vẫy bùng lên. Lửa tắt nguội, sư già ngồi xổm, dùng đôi đũa tre bới trong đám tro xương.
- Này tiểu khật khùng, ta hỏi ngươi lần nữa, hồn ngươi đã thực sự siêu thoát hay chưa?
Sư già trỗi dậy, đứng sững bên sông, mảnh áo cà sa bạc phếch phần phật trong gió sớm. Lặng lẽ hồi lâu, sư già mới chậm rãi rải từng nắm tro xuống mặt sông. Tro tản mạn tung bay theo gió. "Vật này vốn không phải của ngươi", sư già lẩm bẩm. Cuối cùng, dưới đống tro còn sót lại một vật cứng, to bằng nắm tay. Sư già lấy vạt áo lau sạch. Vật cứng hình trái tim, trong suốt, sắc hổ phách ngả màu nghệ già, bên trong vằn lên từng tia máu đỏ. Sư già mân mê khối ngọc rồi thì thầm, giọng thật ngậm ngùi:
- Vật này chính là của ngươi. Này tiểu khật khùng, ta hiểu mà, người như ngươi làm sao mà siêu thoát nổi.
Bỗng trong mắt sư già hai giọt lệ lăn xuống gò má nhăn nheo như quả trám khô. Những giọt nước mắt già nua, hiếm hoi tưởng đã cạn kiệt từ lâu... Sư già cứ bịn rịn không muốn rời đi. Mãi khi mặt trời đã lên cao, sư mới lầm lũi trở về chùa. Vị sư già ngâm khối ngọc trong một tô rượu lớn:
- Này tiểu khật khùng, ta phá lệ đãi ngươi một chầu.
Chợt văng vẳng đâu đây, hình như trong khối ngọc, lãng đãng tiếng sáo, tiếng ngâm:
Nàng như người ở chiêm bao Ta như lạc tự thuở nào tới đây.
Lại thấy loáng thoáng bóng thuyền nan với gã lái đò gác chèo thổi sáo. Sư già thoáng rùng mình rồi chợt hiểu lời trăn trối không đầu không đuôi, liền xốc lại manh áo rách, bước thấp bước cao tới cổng hoa viên.
- Trưởng lão, người hạ cố tới thăm, hẳn có điều chi chỉ bảo? - Chẳng dám, chỉ làm theo lời trăn trối của một gã rất ngu. - Xin nói rõ hơn. - Di vật này phiền cụ giao lại cho lệnh tiểu thư, được chăng?
Lão viên ngoại xăm xoi khối ngọc hình trái tim. Lão khẽ gật đầu, có chiều hoang mang...
************************* - Tiểu thư, khối ngọc đẹp quá! Không có tiếng trả lời. Mỵ Nương tay ôm khối ngọc, đôi mắt lạc thần tưởng chừng ngưng đọng trong cõi hư vô. Bỗng dưng từ khóe mắt thâm quầng nhỏ xuống hai giọt lệ, chảy dài trên gò má xương xương không trang điểm. Chỉ hai giọt lệ long lanh xót xa nhỏ vào khối ngọc, những vằn máu trong khối ngọc bỗng đỏ rực lên và chợt nghe văng vẳng tiếng sáo ngân nga: Nàng như người ở chiêm bao, Ta như lạc tự thuở nào tới đây. Hình bóng Trương Chi thổi sáo trên chiếc thuyền nan lại dật dờ trong khói sóng, con thuyền lang thang trong hành trình không bao giờ tới bến. - Tiểu thư, xin nén đau thương u uất kẻo lại ngã bệnh. Vẫn không có tiếng trả lời. - Đã mười ngày qua cô không nói một câu, em làm sao trình lại lão gia? - Ngọc nhi. - Cô đã nói được rồi. Cảm ơn Trời Phật. - Em mau tìm cách mở khóa cho ta. - Tiểu thư, phòng khuê ba lớp khóa, luật nhà rất nghiêm, dù muốn em cũng không dám. - Em không giúp ta sao? Xưa nay ta đãi em không bạc. - Tiểu thư định đi đâu? - Ta đi tìm tiếng sáo. - Tiêu lang chẳng đã chết rồi sao? - Dẫu nghìn năm ta tin tiếng sáo vẫn còn đọng lại giữa dòng sông... *********************** Không biết sức mạnh nào đã giúp đôi chân nhỏ nhắn thoăn thoắt chạy tới bờ sông. - Ngọc nhi, em hãy đi đi, số nữ trang này đủ giúp em về quê sống đời thanh bạch. Xin nhận của ta một lễ tạ ơn. - Tiểu thư... Bóng cô gái lẻ loi chèo thuyền lẩn khuất trong sương mù. Gió sông lồng lộng, khó lắm cô mới gây được lò trầm. Cô buông mái chèo, để mặc thuyền trôi. Tiếng đàn chợt vang lên trên mặt nước cuối Thu rất lạnh. Thoạt đầu âm thanh ríu rít đầm ấm như tiếng lòng thiếu nữ đang xuân. Rồi một lát đổ xuống giọng trầm, khúc đàn như chất chứa cả một trời buồn, xót xa vời vợi. Bên bờ sông, một bóng già nua còm cõi chết lặng trong tiếng thở dài: - Tiểu khật khùng ơi, sao ngươi không về đây thổi sáo hòa với tiếng đàn? Bóng trăng âm u khiến đất trời tưởng như sâu thêm. Trên dòng sông lạnh, con thuyền nhỏ bé đơn độc, bềnh bồng trôi dạt, lạc dần vào vùng dày đặc sương mù khói sóng. Con thuyền chòng chành chao đảo rồi bị cuốn hút xuống đáy sông sâu. Tiếng đàn sắc lạnh bật lên lần cuối rồi tắt lịm. - Mô Phật. - bên sông lại có tiếng thở dài - Này tiểu khật khùng, hồn ngươi liệu đã siêu thoát được chưa? ********************** - Gió sông trở lạnh, khách quan, xin mời vào trong cho ấm. Khách không trả lời, lặng lẽ đăm chiêu với tay rót đầy ly rượu nóng, trang trọng rải xuống dòng sông một lần nữa, rồi lại rót ly khác, che tay uống hết phần ba. Khách quay lại mỉm cười, khom lưng bước vào khoang. - Khách quan, chẳng hay người muốn nghe thêm khúc nào? - Thịnh tình xin tâm linh - khách xua tay - cô nương cứ nghỉ tay. - Hay là ngón đàn còn vụng làm khách rác tai? - Khúc đàn tuyệt diệu, chỉ nên nghe một lần, đã nghe rồi, không còn muốn nghe khúc khác. Khách nâng chén uống cạn phần rượu còn lại rồi gục xuống bàn. Đưa tay vén lại lọn tóc rối, cô gái thu mình ôm đàn xiết chặt vào lòng, nhìn khách bâng khuâng. Chừng cạn một tuần trà, khách chợt ngẩng lên, sửa lại xống áo. - Một đêm được hưởng thú thanh cao sông nước, lòng chợt nhớ tới Bạch Lạc Thiên nên có mấy dòng cảm tác Tì Bà Hành. Lời quê thô thiển, cô nương đừng cười. Giọng ngâm khàn đục khói thuốc với tuổi đời, tuy không hay nhưng cũng khiến lòng người xúc động: Ta đi trong nắng hoàng hôn tươi Em về son phấn nhạt môi cười Bèo mây vất vưởng phồn hoa lạnh Còn một đêm này xin trót vui. Trong cánh tay ta trời lãnh cung Dư hương phong kín vị phi tần Tháng năm em có buồn lên mắt Tóc xõa cho đêm dài nhớ nhung. Trăng cũ Tầm Dương bến nào đây? Hồn ta ý nhạc chớm vừa say Giao tình có động hồn thương nữ? Lệ nhỏ cho buồn đọng ngón tay. Áo xanh ta là Tư Mã xưa Mà duyên bèo nước cũng ơ hờ Lòng ta một thoáng Trường Giang sóng Gió nổi không chờ phút tiễn đưa. Vừa lúc phương Đông trời hửng sáng, khách vén áo đứng dậy. - Mặt trời lên không phải là lúc ngâm thơ. Cô nương, xin hẹn ngày tái ngộ! Kỹ nữ cúi đầu ngập ngừng, giọng nhẹ như gió thoảng: - Ở tận đáy lòng, người kỹ nữ không bao giờ dám nghĩ tới câu tái ngộ. HẾT. ******************************* (*) Bán nghề chẳng bán thân, bán tiếng cười chẳng bán lòng mình. (**) Chàng thổi sáo. | |
|