Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Để chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Để chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân Empty
Bài gửiTiêu đề: Để chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân   Để chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân EmptyTue Mar 06, 2012 6:47 pm

Để chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân

Bài đăng trên Đại Đoàn Kết (05/03/2012)

Trước những "thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ” (1), vấn đề chỉnh đốn Đảng đang được đặt ra một cách bức xúc.

Để chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân 2012_65_T12_Anh
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4
Ảnh: TTXVN

Đành rằng chúng ta hiện nay dứt khoát không chịu ngồi mà ngó. Nhưng lịch sử không lặp lại. Trên một vòng xoáy trôn ốc của tiến trình lịch sử, những sự kiện đang xảy ra "có vẻ như” một "bản sao” nhòe của những sự kiện diễn ra trong quá khứ đang xuất hiện trên một diện mạo mới, vừa phức tạp hơn vừa nhiều chiều cạnh hơn. Diện mạo đó mang dáng dấp của thời đại chúng ta đang sống. Vì vậy, "phương thuật” cần vào lúc này cũng phải có một tầm vóc mang tính thời đại, thời đại của cách mạng thông tin với nền kinh tế trí thức và những biến động khó lường, rất khó tiên liệu. Cuộc sống đang diễn ra không hề là một chuỗi các sự kiện có liên kết với nhau theo trình tự cái này sau cái kia, mà là một chuỗi những sự đụng độ, va đập làm biến đổi những sự kiện tiếp theo mà kiểu tư duy tuyến tính không thể nào lường được hết.

"Phương thuật mới” phải dự liệu cho được điều này.

Thì đấy, bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, thời gian đã đủ để cảm nhận sâu hơn về ý tưởng thế giới đã thay đổi, và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến tính. Hãy chỉ lướt qua những biến động dồn dập trên chính trường thế giới mở đầu bằng "sự kiện 11 tháng 9” đưa chiến tranh vào trung tâm nước Mỹ. "Khủng bố quốc tế” là một kiểu chiến tranh không có mặt trận và là xuyên quốc gia, một "siêu chiến tranh”. Đó là sản phẩm của một thế kỷ đang lao đao với khủng hoảng kinh tế - tài chính, đặc biệt ở các nước phương Tây. Rồi xung đột ở Trung Cận Đông với những diễn biến rất phức tạp từ sự kiện Lybia với bạo chúa Ghadaphi, với các cuộc nổi dậy giận dữ của quần chúng phẫn nộ như một phản ứng dây chuyền đòi thay đổi chế độ tại một mảng thế giới nóng bỏng này. Thế rồi Phương Tây cấm vận Iran, liền mạch là những thách thức hạt nhân từ Bắc Triều Tiên... Rồi những cơn cuồng nộ của tự nhiên cũng dồn dập hơn. Động đất, sóng thần tàn phá các nước Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là thảm họa với Nhật Bản... Chỉ bấy nhiêu điều cũng đã cho chúng ta hiểu rõ về tính bất định và không dự đoán được của cái thế giới mà chúng ta đang sống. Rõ ràng là có những thời điểm quyết định, các bước ngoặt lịch sử có tầm quan trọng lớn lao hơn các thời điểm khác. Những thay đổi được tạo ra là cực kỳ sâu rộng, nhiều chiều và khó tiên đoán. Đó chính là vấn đề cần nhận thức rõ mới có được lòng can đảm để vượt qua.

Vả chăng, xã hội là một tổng thể được tạo thành bởi những hiện tượng liên kết, khiến cho mỗi hiện tượng tùy thuộc vào các hiện tượng khác và chỉ có thể như nó đang là thế ấy trong những mối liên hệ giữa chúng với nhau (André Lalande). Cho nên, cần nhớ rằng, xã hội ta đang sống là một cấu trúc mà trong đó mỗi thành viên đều có mối quan hệ ràng buộc với nhau dưới những hình thức thô sơ nhất hoặc phức tạp nhất. Chúng có những vai trò khác nhau, song có mối tương tác lẫn nhau, làm tiền đề cho nhau trong việc thực hiện sự phân công trách nhiệm trước cộng đồng cùng chung quyền lợi và cùng chung những giá trị. Quyền lợi và giá trị đó tuy có cùng một mẫu số, nhưng lại luôn có những đụng độ dẫn tới những khác biệt do khúc xạ qua sự tha hóa của quyền lực. Nói rõ hơn, đó là sự tha hóa của quyền lực được dẫn dắt bởi xu hướng khó cưỡng của việc ham muốn mở rộng mãi, mở rộng vô hạn độ quyền lực đang nắm trong tay.

Với cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, thông tin là nguồn lực vô tận để đánh thức xã hội. Sức lan tỏa của thông tin chính là những "cơn sóng thần” tràn vào tâm thức và lương tri của khối quần chúng vĩ đại mà V.Hugo, đại văn hào Pháp đã khuyến cáo: "Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý. Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành pha lê rực rỡ. Chính nhờ cái pha lê ấy mà Galilé và Niutơn phát hiện những vì sao”. Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trong thế kỷ chúng ta đang sống, thì đem thông tin đến cho quần chúng chính là góp phần thực hiện điều mà V.Hugo nói.

Thông tin đang thực thi sứ mệnh lớn lao của nó là "đánh thức xã hội” không cho nó ngủ yên trong sự cam chịu và khuất phục trước những bất công. Thì như đã hai lần nhắc lại ở trên, dòng chảy của cuộc sống không một phút giây ngừng nghỉ nhưng không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính, mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng hình thành những hợp trội khó mà dự báo trước được.

Vậy thì đòi hỏi "vai trò tiên phong phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới. Bộ Chính trị làm trước, báo cáo trước TƯ đã phê bình, tự phê bình đến đâu, TƯ có ý kiến, rồi đến lượt TƯ làm” quả là chí lý” (2). Nhưng nếu không có sự tiếp sức mạnh mẽ từ bên dưới thì e không đạt được kết quả mong muốn.

Thì chẳng phải là chuyện "phê bình và tự phê bình” đã ngót cả ba phần tư thế kỷ chứ đâu phải mới có hôm nay? Nhưng cùng với thời gian, người ta đã bọc đường cho viên thuốc đắng, loại "thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng”, khiến không ít người quen với chuyện nhấm nháp vị ngọt bọc ngoài rồi nhè chất đắng ra làm cho việc "uống thuốc giải bệnh” bị vô hiệu hóa!

Chao ôi, chúng ta thường xuyên được nhắc nhở phải cảnh giác với "viên đạn bọc đường” mà lại không mấy khi được khuyến cáo phải dè chừng với "viên thuốc bọc đường”. Nhất là trong thời buổi mà quảng cáo vừa trở thành một thứ văn hóa, vừa là một tai họa với triệu triệu con người ngày ngày dán mắt vào màn truyền hình!

Cho nên, để việc "uống thuốc giải bệnh” không bị vô hiệu hóa thì phải huy động được trí tuệ và ý chí của quần chúng nhân dân.. Muốn thế phải "Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa” (3). Có nghĩa là việc chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân. Mà "dựa” có nghĩa là phải khơi động được sức mạnh của dân góp phần vào việc chỉnh đốn Đảng. Muốn thế thì đừng sợ dân. Dân không dễ bị "mua chuộc bởi các lực lượng thù địch” như có người nghĩ đâu. Hơn nữa, chính lối nói ấy đã thể hiện một cách tư duy lệch lạc không kính trọng dân như Bác Hồ từng căn dặn mà còn xúc phạm đến dân, thậm chí dẫn đến tình huống "đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” Bác chỉ ra điều này khi nói về tinh thần phụ trách trước nhân dân của người cầm quyền: "Có người nói rằng : mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Ho phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân , tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” (4).

Trước đây, nhà tù, máy chém của kẻ thù trực tiếp uy hiếp vẫn không khuất phục được dân, có vậy thì mới có thắng lợi của các cuộc kháng chiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, non song quy vào một mối như hôm nay. Chỉ có Đảng mà không có dân thì làm sao có được điều đó? Hãy nhớ lại những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết tha và nghiêm khắc căn dặn trong bài "Dân Vận” đăng trên báo " Sự thật” ngày 15-10-1949: "...Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều nơi dân”.

Một khi thay vì là "công bộc” lại "đè đầu cưỡi cổ dân” thì sợ dân là chuyện đương nhiên. Nếu mẫn cán và chân thành phục vụ dân, thực sự là "công bộc của dân” thì việc gì phải sợ? Những người có trách nhiệm trong "Sự kiện Tiên Lãng” cũng như nhiều sự việc khác đã, đang và sẽ bị xử lý thì sợ dân là chuyện dễ hiểu. Để chỉnh đốn Đảng, cần phải thật sự minh bạch và công khai chuyện này.

Có lẽ nên nhắc lại khuyến cáo của Frank Roosevelt, vị Tổng thống Mỹ tài ba đối với những người cầm quyền dưới quyền ông: "Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người chính là sự sợ hãi, đấy là điều nhất thiết phải vượt qua”. Mà để vượt lên được, phải vượt lên chính mình. Muốn vậy thì cùng với sự can đảm phê bình và tự phê bình bằng cách chân thành tiếp nhận sự phản biện quyết liệt và mạnh mẽ của những người trung thực, phải có sự tiếp sức của quần chúng nhân dân trong cuộc vận động tự thân của nó, đẩy tới những bứt phá, tạo động lực cho tự kiểm điểm và tự phê bình. Có như vậy mới làm cho việc "uống thuốc giải bệnh” không bị vô hiệu hóa vì người bệnh đã nhờn thuốc! Nếu không làm như vậy thì dễ dàng dẫn tới tình hình "Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm”. Thậm chí ""khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hóa ra lá bùa của thầy cúng!”(5).

Chính vì thế mà kế sách giữ nước hay nhất là "khoan thư sức dân lấy kế sâu rễ bền gốc” như Đức Thánh Trần đã chỉ dạy. Đây là lúc cần ghi nhớ bài học ấy. Khi đã hiểu được quyết sách "sâu rễ, bền gốc, thì khái niệm "khoan thư sức dân” trong thời đoạn lịch sử mà chúng ta đang sống này có nội hàm thật rộng lớn và đa dạng. Diễn đạt theo ngôn từ hiện đại thì đó là "dân chủ”. Mà để thực thi dân chủ thì đừng "sợ dân”. Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ ràng : "Đối với mọi vấn đề, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”. Vậy chân lý đó là gì? Là "một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi...” . Điều cảnh báo này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa ra hơn nửa thế kỷ rồi!

Vì sao lời cảnh báo ấy không được nghiêm cẩn thực hiện để đến nỗi "nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ” như ông Tổng Bí thư vừa nêu lên.

GS TƯƠNG LAI

1. Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TƯ 4
2. Vietnamnet ngày 27.2.2012
3, 4, 5. Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập 5. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr.297, tr. 294, tr.305
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
Để chỉnh đốn Đảng phải dựa vào dân
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Điều tra, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin chống Đảng và Nhà nước
» Dạy cho Việt Nam một bài học không phải là chính sách của Trung Quốc
» Chính quyền buộc phải minh bạch hơn vì blog
» Một Diên Hồng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
» Quân đội phải bảo vệ dân, giúp dân… chứ không phải đi tham gia cưỡng chế

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Đời Sống - Xã Hội-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất