Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Nhà nước ra đời từ trong lòng dân

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Nhà nước ra đời từ trong lòng dân Empty
Bài gửiTiêu đề: Nhà nước ra đời từ trong lòng dân   Nhà nước ra đời từ trong lòng dân EmptySun Sep 02, 2012 12:39 am

Nhà nước ra đời từ trong lòng dân

Bài đăng trên Đại Đoàn Kết 01/09/2012

Ngay sau Cách mạng tháng 8, chính quyền đã về tay ta, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Bác Hồ khẳng định Đảng cầm quyền là đầy tớ của dân. Đảng phải tạo mọi điều kiện để chỉ có nhân dân là chủ đất nước còn đảng viên tham gia bộ máy Nhà nước dù là Chủ tịch nước cũng là đầy tớ của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là hiện thân người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Nhà nước ra đời từ trong lòng dân 2012_245_03_a1
Ảnh:HOÀNG LONG

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là hiện thân người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Bác đòi hỏi lãnh đạo các cấp, người đứng đầu phải nêu gương, đứng đầu một bộ, một tỉnh, một xã, một cơ quan… đều phải nêu gương, Đảng cầm quyền trước hết phải làm được việc này. Nạn đói còn hoành hành, Bác Hồ đề nghị mọi người 10 ngày nhịn ăn một bữa, dành gạo cứu đói. Vừa ở chiến khu về sau cơn sốt rét nặng, Bác cũng nhịn ăn mặc dù tập thể quyết định Bác không phải nhịn. Các việc Bác nêu lên để yêu cầu đồng bào thực hiện, Chủ tịch nước đều thực hiện đến nơi đến chốn.

Trên thế giới chưa có Nhà nước nào đồng cam cộng khổ với dân như Nhà nước dân chủ cộng hòa, hàng chục năm, cán bộ, viên chức không có lương, bác sĩ, kỹ sư, bộ trưởng, chủ tịch, bí thư… hàng ngày đều tăng gia sản xuất để có thêm lương thực, thực phẩm. Năm năm đầu tiên chống Pháp (1945 – 1949) kháng chiến còn trong vòng vây của địch, chưa liên hệ được với các nước bè bạn, thiếu thốn đủ mọi thứ. Đi công tác đến bữa, gặp nhà dân nào vào cũng có ăn, "thêm đũa thêm bát” và dân ở đâu cũng nuôi cán bộ. Bệnh viện chưa có, ốm đau chỉ còn nhà dân, có nhà chỉ còn gạo, khoai, sắn nuôi được một, hai ngày rồi gọi hàng xóm xung quanh xúm đến nuôi. Đúng là dân nuôi những người đầy tớ của mình. Một nhà nước thực sự là đầy tớ trong suốt mấy chục năm, với sức chịu đựng mọi cực khổ ngoài sức tưởng tượng của mỗi con người. Bị thương, vết thương không nặng nhưng cũng không sống nổi vì chưa có thuốc cầm máu. Sốt rét, chỉ cần vài viên thuốc ký ninh là qua khỏi nhưng cũng không có. Cực khổ đến nỗi đồng chí Trần Việt Hoa phục vụ Bác Hồ kể lại có lúc Bác muốn ăn cháo, Bác lại hỏi còn cơm nguội có nấu cháo được không, Bác ngại cơm nguội để đến hôm sau không ăn thì phí. Vào lúc hết sức gian nan này xảy ra vụ tham nhũng Trần Dụ Châu. Tòa án binh tối cao xử hắn tử hình cùng với Cục phó Lê Sỹ Cửu. Một số cán bộ tưởng chưa thể phổ biến công khai vụ tham nhũng lớn khi đất nước còn vô cùng khó khăn, Trần Dụ Châu lại là Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu, lúc này chức vụ đại tá còn hiếm hoi trong quân đội. Bác Hồ chỉ thị thông tin rộng rãi cho đông đảo nhân dân biết. Báo Cứu Quốc đăng sáu kỳ trên 6 số báo hàng ngày, kèm theo xã luận, trình bày đầy đủ, chi tiết mọi mánh khóe, thủ đoạn tham ô, mọi trò ăn chơi xa hoa cùng diễn biến phiên tòa và thi hành án tử hình (chỉ có Trần Dụ Châu đền tội còn Cục phó Lê Sỹ Cửu ốm nặng nên vắng mặt tại pháp trường). Bài xã luận đầu đề "Nhân vụ án Trần Dụ Châu”, đăng số báo ngày 20-9-1950 có đoạn rất đáng chú ý, tới nay đã 62 năm vẫn nguyên vẹn tính thời sự nóng bỏng: "… Có người e ngại: chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ những tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu Chính quyền, Đoàn thể (1). Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đây là sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn phê bình những sai lầm của cán bộ, của chính quyền, đoàn thể.

Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những kẻ tham ô, hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người khác để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng.

Đây không phải là việc riêng của Chính phủ, của Đoàn thể mà đây là bổn phận của các tầng lớp đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta”.

Qua vụ án Trần Dụ Châu thấy Đảng cầm quyền trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn phức tạp, đến đâu cũng công khai, minh bạch với dân. Mọi lý do "địch biết sẽ bôi nhọ ta” hoặc "không vạch áo cho người xem lưng”, hoặc đòi "giải quyết nội bộ”, cốt để không cho dân biết đều chỉ là những cái cớ không lành mạnh, che dấu tà tâm, ác ý. Cuốn sách "Về Đảng Cộng sản Việt Nam – Hồ Chí Minh” tuyển chọn những trước tác của Bác Hồ về Đảng Cộng sản Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – 1993), có đoạn nói về Bác Hồ đối với Đảng cầm quyền, xin trích: "Suốt 24 năm đứng đầu Nhà nước, đứng đầu một Đảng cầm quyền, Bác Hồ đã giải quyết không biết bao nhiêu vấn đề lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội, những vấn đề của kháng chiến và kiến quốc của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và một phần của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhưng vấn đề Đảng cầm quyền bao giờ cũng là vấn đề được Bác quan tâm nhiều nhất và có một sự chú ý đặc biệt” (trang 25).

Mỗi đảng viên dù giữ chức vụ gì trong bộ máy Nhà nước phải luôn luôn là đầy tớ trung thành và tận tụy của dân. Sự tín nhiệm của nhân dân với Đảng không phải bất di, bất dịch, sự tín nhiệm ấy không thể còn nguyên vẹn nếu Đảng không còn trong sạch vững mạnh. Ngày 2-8-1968, làm việc với Ban Tuyên huấn trung ương, khi nhắc đến chủ nghĩa cá nhân nảy nở, một số cán bộ có chức quyền chỉ lo thân, "đã có nhà lại còn đòi nhà đẹp hơn, đã có xe rồi lại còn đòi xe đẹp hơn”, Bác Hồ nói: "Một dân tộc, một đảng viên và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Nhà nước ra đời từ trong lòng dân 2012_245_03_a
Bác Hồ với bà con nông dân
Ảnh: TL

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước hoàn toàn được giải phóng. Lúc này kinh tế tư nhân không còn, giai cấp tư sản và đội ngũ doanh nhân cũng không còn. Một nền kinh tế chỉ còn thành phần nhà nước và tập thể. Cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp hoàn toàn ngược lòng dân nhưng dân không được góp ý kiến. Lãnh đạo xa dân, không chịu nghe dân, cũng không tin cả đại biểu dân bầu. Quốc hội họp, các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường phải viết ra giấy nộp Ban Thư ký để trên duyệt, chỉ được đọc những đoạn hợp với chủ trương chính sách của trên, không được có ý kiến ngược. Nền kinh tế kiệt quệ không chỉ đói mà hàng tiêu dùng cũng không còn, là sức ép buộc phải đổi mới khi đất nước đang bị dồn đến bước đường cùng. Đổi mới đã thay đổi bộ mặt đất nước rất nhanh, nhìn vào đất nước thấy đời sống các tầng lớp nhân dân đều được cải thiện nhưng nhìn ra một số nước cùng khu vực thấy tốc độ phát triển của ta còn quá chậm, ta vẫn đang tụt hậu. Ta chậm vì những yếu kém từ thời tập trung, bao cấp khắc phục chưa được bao nhiêu, kỷ cương phép nước rất lỏng lẻo đi đôi với đặc quyền đặc lợi quá nhiều. Không còn phê bình và tự phê bình là đặc quyền đặc lợi tệ hại nhất, lãnh đạo bên trên gần như đứng trên mọi sự giám sát của Đảng và Nhà nước. Đầu năm 1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã vạch rõ việc này: "Giải quyết nội bộ xuất hiện ban đầu chỉ ở cơ quan lãnh đạo bên trên rồi vì dột từ nóc nên nhanh chóng trở thành phổ biến, xuống đến cơ quan lãnh đạo bên dưới. "Vùng cấm” tràn lan đâu cũng có "vùng cấm” không được phê bình, đụng chạm, trong Đảng đương nhiên xuất hiện những "siêu đảng viên” hàng chục năm không phải tự phê bình, tự kiểm điểm nhưng khen ngợi tâng bốc thì quá nhiều, quá đáng cùng với tuyên dương, đề bạt”.

Nhiều cán bộ lãnh đạo chẳng cần học tập, nâng cao năng lực lãnh đạo, trau dồi đạo đức mà vẫn bình chân như vại, giữ hết chức vụ chủ chốt này đến chức vụ chủ chốt khác, chỉ thấy có lên không có xuống, một số người năng lực lãnh đạo quản lý và tư cách đạo đức rất hạn chế lại giữ những mấy chức vụ quan trọng. Trong một số bộ, ngành và cơ quan, ở cả Trung ương và tỉnh, thành phố, cán bộ biết lãnh đạo cấp trên của mình chỉ còn là lực cản, đã đứng ngoài tự kiểm điểm, phê bình lại rất ham nghe nịnh hót, "bốc thơm”, đất nước ngày càng tụt hậu đâu chỉ tại thiên tai, địch họa mà nguyên nhân còn từ chủ quan bên trên nhưng không ai dám nói thẳng ra, chỉ trao đổi, than thở với nhau. Phát biểu trên đây của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lại được đăng báo làm cho nhiều người hy vọng, phải đánh động như vậy thì những "siêu đảng viên” mới giật mình và lãnh đạo Đảng mới thấy phải lập lại trật tự, kỷ cương từ bên trên. Dư luận rất hài lòng khi Tổng Bí thư cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương sẽ tự phê bình và phê bình. Dân chủ và công khai được đề cao, coi như ánh sáng soi rọi vào mọi góc tối, tham nhũng và mọi tiêu cực không thể ẩn nấp, trụ bám. Trung ương Đảng sẽ họp công khai, chuyển biến bước đầu là một số tổng biên tập được dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa VI) giữa năm 1989, đã có hứa hẹn phóng viên sẽ được đến hành nghề tại Hội nghị Trung ương.

Tình hình biến chuyển được một thời gian rồi mấy năm sau lại như cũ. Phê bình và tự phê bình vắng hẳn, rất ít thấy nhắc đến. Các "vùng cấm” chẳng giảm được là bao lại thêm những "vòng khép kín” của các bộ và UBND tỉnh, thành phố, biến chứng đáng sợ của cơ chế bộ chủ quản và cấp hành chính chủ quản, đã quản lý Nhà nước lại còn quản lý các doanh nghiệp nhà nước, vừa đá bóng vừa thổi còi. Trong mỗi "vòng khép kín” là giang sơn riêng không ai có thể giám sát, một thứ siêu quyền lực sản sinh ra những tỷ tỷ phú có chức quyền. Càng hiểu rõ tại sao tham nhũng càng tràn lan, cán bộ có chức quyền giàu có khác thường nhiều hơn hẳn trước sống xa hoa, đế vương bất chấp dư luận vì chúng đinh ninh có vỏ bọc kiên cố, chúng lại có chức có quyền, câu kết với nhau thành thế lực để che chắn cho nhau. 37 năm độc lập và thống nhất, chỉ còn ta với ta, thuận lợi gấp trăm lần chống ngoại xâm nhưng chống nội xâm không sao thắng lợi, nội xâm không những ngày càng mạnh và tới hiện nay đã thực sự là mối đe dọa đến độc lập và tự do của Tổ quốc. Cũng là đảng cầm quyền nhưng sao thời đánh ngoại xâm phép nước nghiêm như thế, còn nay đánh nội xâm pháp luật, kỷ luật quá lỏng lẻo, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng, hàng ngàn tỷ và có vụ mấy chục ngàn tỷ cũng chẳng thấy cá nhân nào chịu trách nhiệm. Nhà nước ra đời từ trong lòng dân, dân nhịn ăn, nhịn mặc nuôi Nhà nước lúc còn hàn vi, nay dân đóng thuế, Nhà nước giữ tiền nhưng để nội xâm gây tổn thất quá nhiều mồ hôi công sức của dân, dân xót xa lắm.

Trên thế giới, nhiều nước có đảng cầm quyền, mỗi đảng đều tìm mọi cách giữ vững uy tín với dân, tranh thủ sự ủng hộ của dân, khá giống nhau ở chỗ rất tích cực bảo vệ tiền dân đóng thuế, chỉ cần gây tổn thất cho ngân sách nhà nước trên dưới 1.000 đôla Mỹ là bộ trưởng đã bị cách chức. Singapore và Thụy Điển là hai nước chống tham nhũng nổi tiếng thế giới.

Bà M. Sahlin đã được chuẩn bị thay ông Y. Carisson vào chức lãnh tụ Đảng xã hội – dân chủ và là đảng cầm quyền nên đương nhiên bà sẽ là Thủ tướng Thụy Điển. Báo chí phát hiện bà đã sử dụng thẻ tín dụng Euro-card (chỉ dùng để thanh toán những chi phí liên quan đến công vụ) để thanh toán chi phí cho cá nhân như mua quần áo, trả tiền thuê xe và thuê phòng ngủ khi bà đi nghỉ hè, tất cả thành tiền là 8000 đôla Mỹ. Bộ phận kế toán nhắc nhở, bà đã thanh toán ngay và thanh minh đã quên và sơ suất. Mặc dù bà đã thanh toán ngay món tiền nhưng tiêu chuẩn đạo đức chính trị, đặc biệt đối với đảng viên đảng cầm quyền buộc bà phải từ chức. Chức vụ lãnh tụ đảng đã có đảng viên khác đang là bộ trưởng tài chính thay thế.

Bộ trưởng môi trường phát triển Singapore Hoàng Tuấn Văn nhận của một nhà buôn người Indonesia quà biếu 7 vé máy bay để đưa người nhà đi du lịch. Sau khi bị phát hiện, Bộ trưởng không những bị cách chức mà còn phải ra tòa lĩnh án tù 4 năm. Trịnh Chương Viễn, Bộ trưởng bộ Phát triển và Xây dựng, nhân vật số hai có công rất lớn xây dựng Singapore, chỉ sau Lý Quang Diệu. Ông bị phát hiện nhận hối lộ hai lần. Vẫn tưởng công lao rất lớn sẽ được tha thứ nhưng Nhà nước Singapore đã lập tức ra lệnh đình chỉ công tác, chuẩn bị đưa ông ra tòa. Được hỏi tại sao mấy bộ trưởng của Singapore lại bị xử nghiêm đến thế, Lý Quang Diệu trả lời: "Tham nhũng hư hại sẽ làm suy đồi đảng chấp chính (đảng cầm quyền) của chúng ta, nếu không trừng trị nghiêm khắc sẽ làm cho đảng sụp đổ”.

Thụy Điển và Singapore là hai nước có thu nhập bình quân đầu người mỗi năm vào hàng đầu thế giới, thành công của họ là nhờ có đảng cầm quyền vững mạnh, dựa vào sự tín nhiệm của nhân dân, thỉnh thoảng lại có thăm dò dư luận xem đảng có còn xứng đáng cầm quyền không, các quan chức cấp cao của Đảng cầm quyền dù giữ chức vụ gì, phạm sai lầm và tỏ ra mất lòng dân đều bị trừng trị thích đáng và thay thế ngay.

Thái Duy

(1) Lúc này Đảng đã tự giải tán nên công khai gọi là Đoàn thể
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
Nhà nước ra đời từ trong lòng dân
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Phản động nhân danh lòng yêu nước
» Phí đo lòng yêu nước của ai?
» Lợi Dụng Lòng Yêu Nước
» Lại chuyện tự nguyện đóng góp... trong nước mắt
» Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Đời Sống - Xã Hội-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất