Nhất Chi Mai
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Diễn đàn về Thơ ca, Văn học, Nghệ thuật, Tình bạn, Tình yêu, Cuộc sống
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpHướng Dẫn
Bồ Câu PhảiHân hạnh Chào đón Các Bạn đến với  Diễn đàn Nhất Chi Mai - Bạn & Thơ ! Bồ Câu Trái

 

 Có đấu tranh với sự giả dối được không?

Go down 
Tác giảThông điệp
TK

TK


Tổng số bài gửi : 9196
Hoạt Động : 18889
Join date : 29/10/2009
Đến từ : Hà Nội, Việt Nam

Có đấu tranh với sự giả dối được không? Empty
Bài gửiTiêu đề: Có đấu tranh với sự giả dối được không?   Có đấu tranh với sự giả dối được không? EmptyFri Mar 16, 2012 9:33 am

Có đấu tranh với sự giả dối được không?

Bài đăng trên Tuần VietNamNet 16/03/2012 06:00:00 AM (GMT+7)

Hầu như ngày nào chúng ta cũng "chạm trán" với sự giả dối, nhưng chúng ta lại cố tình... lờ đi, vì đấu tranh với sự giả dối không đơn giản chút nào. Có những sự giả dối vô hại, thậm chí có chút lợi ích nho nhỏ, nhưng đại đa số giả dối có hại - cái hại đó lớn tới mức làm băng hoại đạo đức xã hội, suy tàn quốc gia...

Trong những người trưởng thành, không ai dám chắc mình trung thực tuyệt đối suốt đời. Vì cuộc sống phong phú, đa dạng phức tạp tới mức nhiều khi con người không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Ranh giới giữa sự khéo léo và sự nịnh hót rất mong manh.

Ai cũng ghét sự giả dối nhưng ai cũng... mắc

Rất nhiều người tự răn mình là không được dối trá. Họ đã cố gắng làm như vậy cho đến lúc hoàn cảnh bắt buộc họ phải nói dối. Lúc đó họ tự an ủi mình là sự nói dối của mình vô hại, thậm chí là có lợi nho nhỏ.

Điển hình cho hoàn cảnh này là nhân vật bà xơ trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của V. Hugo. Bà xơ này chưa một lần nói dối nhưng để cứu Jean Valjean Giăng Van- Giăng (người mà bà rất kính trọng) bà đã nói dối cảnh sát.

Còn những chuyện nói dối vô hại như bạn đến nhà người quen chơi khi họ vừa dùng xong bữa, họ hỏi: "Anh (chị) đã ăn cơm chưa?". Dù chưa ăn cơm nhưng bạn trả lời "Ăn cơm rồi".

Có những người cứ nghĩ mình rất thành thật, nhưng không biết là đã bị nhiễm thói đạo đức giả. Lại có những người không có khả năng thành thật với chính mình. Mà không thành thật với bản thân mình cũng là một sự giả dối.

Sự giả dối ít bị lên án, ít bị vạch mặt vì ai cũng cảm thấy mình không đủ tư cách để nói lên điều này. Hơn nữa, nhiều người còn lập luận rằng, họ nói dối với dụng ý tốt, lời nói dối đôi khi lại trở thành hữu ích nếu biết rằng sự thật trong một số trường hợp không có ích cho ai. Tuy nhiên, với những người sống có nguyên tắc, chủ nhân của những lời nói dối kia vẫn bị khép tội dối trá.

Có đấu tranh với sự giả dối được không? 20120315155907_lies-truth_1331793154
Nhận diện sự giả dối không hề khó. Đấu tranh với chúng mới là điều cần bàn. Ảnh minh họa

Sự giả dối - một phần của văn hoá ứng xử

Vào thế kỷ thứ XVIII, ở nước Anh, những người phụ nữ trang điểm còn bị khép tội lừa đảo, nhưng nay việc trang điểm cho phụ nữ đã được đẩy lên thành một nghề hái ra tiền. Con người đã thỏa hiệp với các dạng nói dối vô hại và sự giả dối không lời như sử dụng mỹ phẩm, tóc giả, phẫu thuật thẩm mỹ... Đó là do nhu cầu của cuộc sống.

Nhà văn Mark Twain đã viết: "Người ta giả dối bất cứ khi nào, cả trong lúc ngủ và lúc thức, trong lúc buồn và vui. Nếu người nào đó giữ được cái lưỡi im lặng, anh ta sẽ chuyển sang giả dối bằng thái độ". Sự giả dối giống như một thứ kỹ năng, tồn tại trong mỗi con người và được sử dụng khá thoải mái.

Đã có một số nghiên cứu nghiêm túc về sự nói dối của con người. Năm 2004, nhà tâm lý học Robert S.Feldman ở ĐH Massachusetts (Mỹ), sau khi phân tích những cuộc nói chuyện của sinh viên với người lạ, đã công bố: Hơn 60% số người có biểu hiện nói dối trong khoảng thời gian mỗi 10 phút.

Mức độ dối trá được sắp xếp từ thổi phồng cho đến bịa đặt. Nam giới và nữ giới có tần suất nói dối như nhau, nhưng mục đích nói dối khác nhau. Trong khi phụ nữ có khuynh hướng giả dối để đối tượng yên tâm thì nam giới lại dùng sự giả dối cốt để tự an ủi chính mình.

Vì sao con người dễ dàng lừa dối và bị lừa dối đến vậy? Vì điều đó góp phần không nhỏ vào sự thành công trong quá trình sinh tồn của chúng ta. Dối trá để tồn tại, dối trá để giúp nhau, dối trá để thăng tiến... Có thể nói, dối trá là một "sản phẩm đa năng" được sinh ra từ não bộ, giúp con người thoát hiểm trong nhiều trường hợp nguy cấp.

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những người bình thường nói dối cho yên chuyện, còn những người có chức, có quyền nói dối để thực hiện những dự tính, những mẹo mực của mình. Chính vì vậy đây là sự dối trá rất nguy hiểm vì chúng thường được tô vẽ cho tốt đẹp hoặc được "bảo kê" bằng sự đe doạ. Họ dựa trên nguyên tắc: Con người nếu không tin thì cũng phải biết sợ.

Khi sự dối trá có mũ "bảo hiểm"

"Bệnh thành tích" là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dối trá tập thể. Điều này chúng ta dễ dàng nhận ra khi các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan làm báo cáo tổng kết cuối năm thời bao cấp. Đọc các báo cáo này, người ta thấy hầu hết đều đạt được những thành tích cao, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Nhưng thực chất, đây là sự dối trá của nhiều tập thể, chính vì vậy mà có những lúc chúng ta phải cãi vã với nhau để dành được quyền... mua một chiếc áo may ô hay một tuýt kem đánh răng.

Bây giờ chúng ta không thiếu những thứ này nữa nhưng không phải vì thế mà sự dối trá ít đi. Sự dối trá hiện nay trở nên tinh vi hơn, xẩy ra ở cả những nơi tôn nghiêm, sang trọng. Do vậy, ảnh hưởng xấu của nó cũng ghê gớm hơn, lâu dài hơn.

Thật đáng buồn và đáng lo là trong khoa học, trong giáo dục sự dối trá cũng diễn ra tràn lan. Rất khó hiểu là khoa học - lĩnh vực đáng ra phải tuyệt đối trung thực nhưng bây giờ cũng đầy rẫy sự dối trá.

Tại sao có sự dối trá trong khoa học? Tại vì chúng ta đào tạo ra các nhà khoa học, nhưng lại quản lý họ theo luật công chức như quản lý các nhân viên hành chính. Vì vậy đáng ra các nhà khoa học chỉ tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo thì lại phải đối phó với rất nhiều thứ.

Có viện nghiên cứu khoa học ở Hà Nội bắt tất cả cán bộ, nhân viên phải lấy vân tay để làm thẻ vào cửa. Những người không chịu làm thẻ thì bị kỷ luật, thậm chí không được vào phòng làm việc. Còn những người làm thẻ rồi, đến phòng làm việc có... ngủ vẫn được chấm công. Quản lý như vậy không sinh ra sự dối trá mới lạ!?

Về nguyên tắc, ở đâu mà sự dối trá ngự trị thì ở đó khoa học không hoạt động có hiệu quả được. Khoa học Việt Nam vài chục năm nay hầu như không có thành tựu gì đáng kể. Đến việc xây dựng một trường đại học có chất lượng cao, có đẳng cấp quốc tế chúng ta cũng không làm được. Điều này có nhiều lý do, nhưng lý do chính là nền khoa học của chúng ta đang bị tha hoá, đang có sự dối trá ở trong đó.

Sự giả dối ít bị lên án, ít bị vạch mặt vì ai cũng cảm thấy mình không đủ tư cách để nói lên điều này. Nhưng xét cho cùng, sự giả dối vẫn là thói xấu bị muôn đời bị con người căm ghét. Đã căm ghét thì phải tìm cách đấu tranh, loại bỏ.

Sống chung với giả dối!

Nhận diện sự giả dối không hề khó. Đấu tranh với chúng mới là điều cần bàn. Ví dụ, khi báo chí phản ánh về những sai phạm trong việc "cống hoá" đoạn mương Liễu Giai - Linh Lang trên đường Phan Kế Bính, lãnh đạo Quận Ba Đình và TP Hà Nội đã vào cuộc. Họ nói chắc nịch: "Phần nào làm không đúng với thiết kế phải dỡ bỏ!".

Có đấu tranh với sự giả dối được không? 20120315160148_ImageView.aspx_1331793161
Đoạn cống hóa mương Liễu Giai - Linh Lang trên đường Phan Kế Bính.

Có người tưởng đây là thái độ quyết liệt và trung thực, nhưng phần lớn nhận ra rằng, đây chỉ là sự giả dối vì không chỉ rõ thời gian và cơ quan phải làm việc này. Và đến nay toàn bộ công trình xây dựng ở đây đã được đưa vào sử dụng. Như vậy, chúng ta biết được sự giả dối nhưng không đấu tranh một cách có hiệu quả.

Đấy chỉ là một ví dụ rất cụ thể thôi, trong cuộc sống hiện nay, còn nhiều sự giả dối to lớn và nghiêm trọng hơn nhiều vẫn tiếp tục diễn ra một cách công khai.

Chuyện bức xúc nhất gần đây là hàng loạt ô tô, xe máy bỗng nhiên bị cháy mà không rõ nguyên nhân. Đây là hậu quả tổng hợp của nhiều sự giả dối cùng một lúc, trong đó có xăng bị pha chế, có sự bất lực của khoa học, có sự vô trách nhiệm của những người quản lý.

Cái đáng lo nhất hiện nay là sự giả dối lan tràn. Nói một cách cụ thể, thẳng thắn, có những phát biểu chung chung, những lời hứa, những mục tiêu to tát không đi kèm những biện pháp khả thi cũng là sự... giả dối. Hơn nữa, sự giả dối loại này gây tác hại to lớn và lâu dài. Mà đấu tranh với những loại giả dối này là vô cùng khó.

Thế nên, chúng ta luôn phải sống chung với giả dối!


Hồ Bất Khuất
Về Đầu Trang Go down
http://sites.google.com/site/tkintcol/
 
Có đấu tranh với sự giả dối được không?
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Ba lý do khiến tranh chấp ở Biển Đông khó được giải quyết
» Thủy điện sông Tranh 2 mới chỉ được khắc phục chắp vá!
» Không thể nói bổ nhiệm ông Dũng là đúng quy trình được
» Thưa Quốc hội, nhiều chuyện dân không làm được...
» Không Dừng Được

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nhất Chi Mai :: Đời Sống - Xã Hội-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất